Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Hai, 2012


TÓM TẮT

Trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khuyến, người ta thấy có một số lượng bài thơ về xuân tương đối nhiều và giàu giá trị thẩm mỹ. Khác với cái khí vị yêu đời, mạnh mẽ của thơ xuân thời Lý – Trần, hay vẻ đẹp tràn đầy sức sống, tình yêu trong thơ thế kỷ XVIII, Nguyễn Khuyến đã để lại một dòng thơ xuân đầy day dứt, buồn đau, song cũng đầy yêu thương và gắn bó với cuộc đời. Đấy chính là bản sắc thơ xuân mà cụ Tam Nguyên Yên Đỗ đã đóng góp cho dòng thơ xuân Việt Nam thời trung đại. 

ABSTRACT

Nguyễn Khuyến và mùa xuân

In his career, Nguyen Khuyen composed many poems of spring having high value of aesthetics.  Different with the strong, optimistic writing style in spring poems in Ly – Tran dynasty or beauty full of vitality, love in poems in the eighteen century, Nguyen Khuyen wrote poems filled with torment, sorrow but love. These are poetic character which Tam Ngyen Yen Đo contributed to Vietnamese spring lyric poetry in the medieval age.

Tháng Giêng là tháng đặc biệt của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Ông sinh ngày 15-2-1835 (tức 18 tháng Giêng năm Ất Mùi) và ông cũng rời xa trần gian nhiều lận đận khoa cử và quan trường vào ngày 5-2-1909 (tức 15 tháng Giêng năm Kỷ Dậu), thọ 75 tuổi. Như vậy tính đến Xuân này ông đã mất hơn một thế kỷ. Còn tuổi văn chương chắc là bất tử ? Ngày nay khi nhắc đến thơ Nguyễn Khuyến, người ta liền nghĩ ngay đến chùm thơ mùa thu nổi tiếng của ông. Và mặc nhiên, theo thói quen bị “cầm cố” vào những điển lệ “bác học”, người ta thường đồng nghĩa “Nguyễn Khuyến là nhà thơ của mùa thu”. Điều đó đã như một mỹ tự. Một định ngữ ước lệ kiểu ấy thường dễ làm chúng ta “quên” nhiều điều trong khi đọc thơ Nguyễn Khuyến. Thực ra trong toàn bộ sáng tác cả chữ Nôm lẫn chữ Hán của ông, người ta dễ tìm thấy một số lượng thơ xuân đáng kể, trên ba mươi bài, đó là chưa kể số câu đối mừng xuân rất lớn và giàu giá trị thẩm mỹ.

Ngày xuân hòa bình và đổi mới, chúng ta hãy lắng mình để đọc thơ xuân Nguyễn Khuyến, để thấy tiếng lòng day dứt của một nhà thơ tiêu biểu trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, và để có thể nghe được nỗi niềm đau xót của ông già Yên Đỗ tưởng như đã yên phận mình sau cuộc sống dân dã của quê làng.

Xuân về ngày loạn càng lơ láo,

Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ

Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng

Sao con đàn hát vẫn say sưa

(Ngày xuân dặn các con)

Rõ ràng, “trời thu xanh ngắt”“lưng giậu phất phơ màu khói nhạt” của thiên nhiên mê hồn nơi làng quê xứ Việt vẫn không che khuất được những nỗi niềm thế sự vốn đi đi lại lại trong lòng Nguyễn Khuyến.

Đối diện với mùa xuân, trang thơ Nguyễn Khuyến không còn cái khí vị yêu đời, mạnh mẽ của thời Lý – Trần tự chủ, độc lập ở buổi sơ kỳ thời phong kiến:

Khô mộc phùng xuân hoa tự phát,

Phong xuy thiên lý phức thần phương

(Thiền sư Viên Chiếu)

(Cây héo vào xuân hoa nở dậy

Gió đưa ngàn dặm nức hương thần)

Với tâm trạng day dứt của một kẻ sĩ trước vận nước mù mịt, dù đối diện với mùa xuân tươi đẹp nhưng nhà thơ vẫn không giấu được những nỗi buồn khổ thất vọng về mình. Trước xuân, ông luôn chua xót tự kiểm thảo chính mình…

Nhiễu nhiễu phong trần nhất hủ Nho,

Nhàn lai ngô tự kiến chân ngô.

Phù danh hữu hạnh do tiên cái,

Thực lực phi tài thượng nhương ngô

(Xuân bệnh, 1)

(Chỉ là một hủ nho trong cảnh nhiễu nhương gió bụi,

Rảnh rỗi ta mới thực hiểu thêm mình

Chỉ có chút danh hão, may ra hơn đứa ăn mày

Chẳng có tài cán thực sự, còn kém cả thằng đi ở)

Luôn cười buồn chua chát trong một nỗi niềm cô đơn, cảnh xuân trong thơ Nguyễn Khuyến hay gợi lên một nỗi buồn khắc khoải, đó là hình ảnh một ngọn núi đứng chơ vơ trong ngày xuân mưa gió, đó là bầu trời nửa mưa u ám, đó là những bông hoa muốn tàn, một tiếng hạc kêu trong đêm. Giữa cái nền xuân ảm đạm ấy hiện lên hình ảnh một cụ già tóc bạc, khi thì chống gậy đi lang thang, khi thì mượn chén rượu giải sầu hoặc buông thả mình trong lười nhác bất định:

Bán chẩm quan không thiên địa khoát,

Nhất sang cao ngoạ tính tình cô.

Sầu miên lẫn dục thôi lâm khởi,

Sương ám thần quang đạm nhược vô

(Xuân bệnh, 1)

(Gối đầu trên nửa gối, ngó thấy trời đất bao la,

Nằm khểnh bên cửa sổ, tình tình trở nên cô độc.

Qua giấc ngủ phiền não, lười biếng không muốn tung chăn

vùng dậy,

Sương lấn át ánh sáng ban mai thoang thoảng như không)

Đôi khi cái sinh sắc của đời, khí xuân và lòng yêu cảnh quê đã đem lại cho thơ xuân Nguyễn Khuyến những niềm vui ríu rít:

Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng

Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt

(Cảnh Tết)

Đôi khi tiếng trẻ con học bài, tiếng trống báo hiệu giao thừa hay tiếng pháo nổ cũng đánh thức lòng xuân Nguyễn Khuyến. Lúc ấy đôi mắt nhà thơ bừng nở những khóm hoa đang sương “thập thò” nở, những cánh chim hồng lẻ loi về đậu trên cây và cỏ dại xanh ngút ngàn trong mắt người:

Tiểu cúc tân tài lô vị can

Hà xứ cô hồng thê dã thủ,

Vô cùng thuỷ cáo nhập gian can

Âm vân vị áp thiên sơn họa

(Xuân hứng)

(Khóm cúc nhỏ mới trồng sương hãy chưa khô

Con chim hồng lẻ loi ở chốn nào về, đậu trên cây ngoài nôi,

Cỏ xanh mơn mởn ngút mắt trải rộng tới bờ sông,

Mây mù chưa lấp được đường nét như vẽ của ngàn núi sông)

Thế những, nỗi ấm áp vui tươi ấy chỉ là một vùng tiểu khí hậu trong thơ Nguyễn Khuyến, còn cơ bản tràn lên trong thơ xuân của ông là nỗi cơ hàn của mình, là cái xao xác đượm buồn âu lo của làng xóm, quê hương mình khi vào xuân:

Tân thiều đán đán mãn thiên sương

Thán cúc nhân cùng tuế tựu hoang

Dược vị thục thời tiên hữu khí

Hoa tương lạc xứ thả lưu hương

Sầu đa dạ lãn thính nhi độc

Tửu quy xuân nan hoán khách thường

Chỉ hữu tạc tiêu phùng tiểu vũ

Bệnh trung tài đắc nhất phân cường

(Xuân bệnh, 2)

(Mới sang xuân, sớm sớm trời đầy sương

Than nỗi người đã nghèo mà mùa lại mất.

Thuốc sắc chưa chín mà mùi đã bay lên,

Hoa sắp rụng rồi mà mùi hương còn phảng phất

Buồn quá ngại nghe con đọc sách

Rượu đắt khó có thể mời khách thưởng xuân

May có tối qua được trận mưa nhỏ

Bệnh tật cũng đỡ được mươi phần)

Đặc biệt, trong bài thơ Chợ Đồng, Nguyễn Khuyến đem lại cho người đọc những bức tranh xuân ngày giáp tết sống động, gần gũi, xác thực, gợi nhớ cả một không khí tết của miền quê trong những năm đói kém giao điểm giữa hai thế kỷ XIX và XX. Ở đó, những dáng người tất bật dưới mưa xuân, những nỗi thấp thỏm vui buồn của lòng người rất đời đã được vẽ lại rất cụ thể bằng ngôn ngữ thơ:

Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng

Năm nay chợ họp có vui không ?

Dở trời mưa bụi còn hơi rét,

Nếm rượu tường đền được mấy ông ?

Hàng quán người về nghe xao xác

Nợ nần năm hết hỏi lung tung

Năm ba ngày nữa tin xuân tới,

Pháo trước nhà ai một tiếng đùng

Câu thơ phấp phỏng niềm vui nhỏ mọn, nhưng nghiêng ngã như người “nếm rượu tường đền”. Ngày “dở trời mưa bụi” và hơi rét thế mệnh khiến câu thơ nhuốm vẻ xao xác và dường như làm mùa xuân chùn chân trước cửa nhà của mỗi người.

Tân tuế phương lai cựu tuế chu

Quần phương giai uyển ngã hà khô

(Xuân nguyên hữu cảm)

(Năm mới đương đến, năm cũ đã qua,

Mọi hoa đều tươi, sao riêng ta héo ?)

“Thế lộ vị bình, phu tử tại” (Nguyễn Xuân Ôn), phu tử còn lại đó, yêu thương còn nguyên đó nhưng đường đời gập ghềnh, đầy bi kịch và đổ vỡ khiến trước xuân, cụ Tam Nguyên Yên Đỗ chỉ biết tự vấn mình như một kẻ sĩ chân chính, và thầm để những giọt nước mắt chảy vào trong cái hình hài “tỉnh say say tỉnh” của một con người cố quên đời nhưng không sao quên được.

Thế là, khác với một Phạm Sư Mạnh muốn “lấy cả dòng sông xuân làm nghiên mực”, một Trần Nhân Tông chợt thức nhận mùa xuân đã về qua vẻ quyến luyến của đôi bướm trắng trong thơ Lý – Trần, hay cả mùa xuân tràn vẻ đẹp, sức sống, tình yêu và những khát khao hạnh phúc ở Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự,… trong thơ thế kỷ mười tám, Nguyễn Khuyến, giữa một thế kỷ “khổ nhục nhưng vĩ đại” đã để lại một dòng thơ xuân đầy day dứt và buồn đau. Nhưng cũng đầy yêu thương và gắn bó với cuộc đời. Đấy cũng chính là bản sắc thơ xuân mà cụ Tam Nguyên Yên Đỗ đã đóng góp cho dòng thơ xuân ViệtNam thời trung đại./.

Tài liệu tham khảo

  1. Thơ văn Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, Hà Nội, 1979.
  2. Thơ văn Lý – Trần, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989.
  3. Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1971.
  4. Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 1982.
  5. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), Thi hào Nguyễn Khuyến – Đời và thơ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
  6. Lê Trí Viễn, Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

Bài đã đăng trên tạp chí Văn hóa & Du lịch, số ra Tháng 3-2012 (ISSN1859-3720)

Read Full Post »