Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘mùa xuân’

Nhớ Mẹ


Ngã đời bồng bềnh xuôi ngược con đi,
Đêm khuya khoắt chuyến tàu hành khất…
Bỗng nhớ mùi phên căn nhà chật,
Hơi ấm đời từ Mẹ ngát bay !

Liếp cửa mùa xuân ngóng đợi hao gầy,
Biền biệt mắt trời xanh veo muốn khóc
Phía quê nhà có một mặt trời mọc
Rạng ngời lên soi hướng con đi…

LÊ QUANG ĐỨC

lequangduc@gmail.com

Read Full Post »


Điều đặc biệt trong thơ Nguyễn Trãi là trong khi ở thơ chữ Hán, mùa thu trở thành mùa chủ đạo, thì trong thơ Nôm, mùa xuân lại tràn ngập và mang một sắc vẻ mới mẻ đến hiện đại. Dường như tâm hồn dân tộc gần gũi với đời sống đã khiến ông, một nghệ sĩ đầy chất nho gia vẫn tìm thấy ở ngôn ngữ dân tộc một tiếng nói dễ trang trải lòng mình hơn so với ngôn từ đậm chất sách vở là chữ Hán ?

Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi (1380 - 1442)

Quả thực Nguyễn Trãi đã dành nhiều cảm hứng cho mùa xuân. Hồn thơ của Người dường như rộn rã, xốn xang mỗi độ xuân về: Lòng xuân nhẫn động ắt khôn thìn.  

Trong bài thơ Xuân hoa tuyệt cú nhỏ bé, nhà thơ đã dựng lên cả một chiều dài cả năm với bốn mùa như trải dài ra trên bốn dòng thơ:

Và tháng hạ thiên bóng nắng dài,
Thu đông lạnh lẽo hòa cả hai.
Đông phong từ hẹn tin xuân đến,
Đầm ấm nào hoa chẳng tốt tươi !

Với ông, dường như cả năm “bóng nắng dài” của hạ và “lạnh lẽo” của thu đông đã dồn tụ lại đâm hoa kết trái nơi mùa xuân. Bởi vậy ở hai câu 1 – 2 là ba mùa Hạ – Thu – Đông, còn câu 3 là ngọn gió xuân mang tin đến. Tất cả cuối cùng làm nên một mùa Xuân hoa ở câu 4. Thời gian theo nhà thơ đã mang trong mình nó sự sống, cái “đầm ấm” của tin yêu, hi vọng, và cả những triết lý sống của đời người: những khổ đau lạnh lẽo rồi sẽ qua đi để nhường cho những mùa xuân hoa trái trở về với những con người biết hi sinh và chờ đợi.

Còn hoa xuân trong thơ ông thì giản đơn, chất phác mà đượm vẻ đầm ấm, duyên dáng, thân quen.

Đâu đâu cũng chịu lệnh đông quân,
Nào chốn nào, chăng gió xuân.
Huống lại còn vườn hoa trúc cũ,
Chồi thức tốt lạ mười phân

Trong một bài thơ độc đáo thuộc loại hiếm có trong thơ trung đại, bài thơ Cây chuối, nhà thơ viết:

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem

Nét mới lạ không chỉ là người nghệ sĩ đã nhìn thấy khóm chuối xuân một bức tình thư phong kín bao nhiêu tâm sự yêu thương mà còn cảm nhận được sức sống của khóm chuối khi tiếp nhận hơi thở mùa xuân. Và như thế, sự sống đã tiếp tục vận động, đổi mới, nâng cao. Đấy là một sự sống đạt tới nội dung thẩm mỹ tuyệt vời viên mãn. Đấy là cái đẹp của sự sống bình thường nhưng diệu kỳ, bí ẩn, giản dị mà thơ mộng, sâu sắc và mang đầy tính người.

Nhưng điều đặc sắc hơn cả ở thơ xuân Ức Trai là trong khi nhiều nhà thơ trung đại nhìn mùa xuân – thời gian như một dòng chảy “vô tâm” luân hồi thì Nguyễn Trãi với sự nhạy cảm và lòng đam mê thiên nhiên khiến ông thấy cả một dòng chảy biến chuyển của sự sống. Ở đó có nỗi suy tư về thời gian, niềm âu lo về hạnh phúc, tương phản với thái độ sống đơn điệu, thờ ơ, trôi theo dòng chảy đời người. Cho nên qua thơ xuân, nhà thơ đã chiếu ứng và đặt câu hỏi về thái độ của con người trước thời gian. Cái đẹp của mùa xuân là khách quan, tự thân, nhưng cái đẹp có ý nghĩa sâu sắc hơn khi con người có khả năng cảm nhận và chiếm hữu nó. Có thể nói đây chính là tứ thơ hiện đại mà duy nhất Nguyễn Trãi đã đóng góp cho thơ trung đại khiến ngày nay người đọc vẫn thấy ở thơ ông hiện diện một vẻ đẹp tinh khôi và nhân bản.

Ba xuân thì được chín mươi ngày,
Sinh vật lòng trời chẳng tây.
Rỉ bảo đông phong hời hợt ít,
Thế tình chớ tiếc, dửng dưng thay !

Bởi thế chúng ta ngày nay không lạ gì khi ông viết những câu thơ mà ý thơ duềnh doàng những con sóng lớn của vui thú trần thế. Cái cách thế của một nho gia tan biến để chỉ còn nhường chỗ cho một con người sống trên mặt đất với những lúng liếng, ân cần, nghiêng ngửa của tình yêu đậm chất nhân bản. Mùa xuân thì cứ đến, nhưng mùa xuân của con người thì dần xa, bởi vậy “cầm đuốc chơi đêm” là cách chống lại thời gian, tuổi già. Làm sao một con người “nhập thế” mãnh liệt như ông lại không cảm thấy ngoài hiên liễu rủ và bao nhiêu là mời gọi. Và lòng người ai mà chẳng mềm lòng được ?

Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,
Những lệ xuân qua tuổi tác thêm.
Chẳng thấy ngoài hiên tơ liễu rủ ?
Một phen liễu rủ một phen mềm.

Từ cảm thức trước xuân như vậy nên nhà thơ vừa trân trọng vừa luyến tiếc thời gian, luyến tiếc tuổi trẻ:

Ba bảy mươi nào luống nhọc thân,
Được thua đã biết sự phân vân.
Chớ cười hiền trước rằng dại,
Cầm đuốc chơi xuân bởi tiếc xuân.

Tự tin, tự hào về thuở tóc xanh của mình và khuyên rằng chớ cười kẻ đầu bạc hỡi những chàng thiếu niên, rồi thời gian sẽ biến đổi, rồi anh sẽ thấy, rồi anh hãy nhìn lại mình. Và người tuổi trẻ kia, hãy sống đi, tận hưởng hạnh phúc trần thế đi, tớ đã qua rồi, và không có gì để hổ thẹn:

Tiếc thiếu niên qua lật hẹn lành,
Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình.
Biên xanh nỡ phụ cười đầu bạc,
Đầu bạc xưa rày có thở xanh.

Rõ ràng, tứ thơ cứ gợi nhớ cho ta những câu thơ dạt dào sự sống của ông hoàng thơ tình thế kỷ XX Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng nổi tiếng:

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
… Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
… Mau lên đi mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn…

Thơ xuân Ức Trai không chỉ phong phú về mặt cảm nhận mà còn đẹp và giàu mỹ cảm, có ý nghĩa thanh lọc tâm hồn con người. Ông già nghệ sĩ Nguyễn Trãi vừa nhìn thấy bông mai nở giữa mùa xuân có cốt cách thanh cao tuyết đẹp giá trong, vừa nhìn thấy bóng của thời gian đi qua nhánh hoa đẹp mỏng manh ấy của đời. Và thế là những hệ luỵ đa đoan của cảm xúc sống trong con người từ đấy có lý lẽ để thức dậy mà quyến rũ con người đến những bến bờ nhân sinh đầy ý nghĩa.

Thế đấy mùa xuân trong thơ đã làm sáng rõ nguyên vẹn tâm hồn con người hùng vĩ, cao cả, sáng ngời mà vẫn đậm chất trữ tình, hiện đại của Nguyễn Trãi. Và thế đấy, thơ của người anh hùng – nghệ sĩ Nguyễn Trãi vẫn cứ luôn đón đợi mọi người chúng ta ở bậc thềm của mỗi mùa xuân !

Đà Nẵng cuối năm 2003

LÊ QUANG ĐỨC

Bài viết đã được đăng trên tạp chí Non Nước (số 81+82 Xuân Giáp Thân 2004, ra tháng 1-2/2004)

Read Full Post »


Đầu thế kỷ XX, R.H. Blyth xưng tụng: “Nước Nhật sinh ra cùng Bashô vào năm 1644. Ông chính là người đã sáng tạo ra linh hồn Nhật Bản”. Đến nay nước Nhật đã dựng nên nhiều tượng đài văn hóa độc đáo và phong phú đủ để làm sáng rõ diện mạo riêng của nước Nhật. Bên cạnh những trà đạo, kiếm đạo, samurai, sumo, kimono, Bashô và haiku vẫn là một thể tính văn hóa đặc thù của đất nước Phù Tang mà nhân loại vẫn còn dõi theo. Bước chân lữ khách Bashô đã ngừng nghỉ trên những nẻo đường phù thế Nhật Bản nhưng những cơn lốc bụi nhỏ từ thơ haiku của ông vẫn miệt mài trên dặm dài của văn hóa Nhật và thế giới.

Haiku của Bashô bao giờ cũng “thanh thản bơi trong biển Thiền”, nhưng là cái thanh thản được tìm kiếm ngay giữa cuộc đời, trên đường đi chứ không phải trong những thiền thất thâm u.

Cuộc đời Matsuo Bashô (1644-1694) là một cuộc hành hương vô tận. Ông đã hành hương qua những con đường, những ngõ xóm xa vắng, những phố thị ồn ào, những vực thẳm âm u. Ông hành hương qua các mùa. Bài thơ trở thành một hiện tượng thơ ca, mở đầu cho phong cách Tiêu phong mà ông là người quản thủ là bài thơ về mùa thu:

Trên cành khô

cánh quạ đậu

chiều thu

Nó rất giản dị, chỉ một hình ảnh một cánh quạ cô đơn đậu trên một cành cây trơ trụi giữa một chiều thu mông mênh, nhưng đã cuốn hút chúng ta vào một thế giới của u huyền và cô tịch, ném ta vào trầm mặc chân không. Vũ trụ cơ hồ đang thiền định, và con người như nghe đâu đó âm vọng của nỗi im lặng bất tuyệt của chân không.

Song có thể nói những vần thơ làm nên Bashô vẫn là những bài thơ về mùa xuân.

Mùa xuân ra đi

tiếng chim thổn thức

mắt cá lệ đầy

Thời gian du hành, nhưng những kỷ niệm của mùa xuân trong đời người vẫn trở lại in trong tiếng chim và đổ bóng trong đáy mắt lệ đầy của tạo vật, nơi con người và thiên nhiên đã hòa vào một khối vĩnh cửu như sự sống.

Khi Bashô đến thủ phủ Edo năm 1672 và được nghe bài haiku của thi sĩ Teitoku mừng năm mới:

Sáng hôm nay,

ôi chao những mãnh băng nhỏ dãi

ấy là năm con Trâu

Bashô gọi thơ xuân năm Sửu ngày ấy là “nước dãi của Teitoku”. Và ông đã thổi một linh hồn mới cho thơ haiku viết về mùa xuân trong nhiều năm sau đó.

Thế rồi từ từ

mùa xuân thành tựu

với trăng và hoa mơ

Giữa ngày đầu xuân, nhìn qua cửa đời, Bashô nhìn thấy:

Người chèo thuyền

ống điếu ngậm trong miệng

Gió mùa xuân lên

Vậy đấy, khí xuân tràn về khắp nơi, dòng sông dưới thuyền trôi chảy vào vô tận, người chèo thuyền gõ nhịp trăng sao, ống điếu lạc thú tràn trề gió xuân. Nhân gian cơ hồ tắm trong biển mát của vị đời.

Tiếng chuông chùa tan

hương hoa đào buổi tối

như còn ngân vang

Hoa đào rắc đầy lối trần gian xuôi ngược, hương xuân thấm vào cả tiếng chuông chùa tan, thấm vào bóng đêm, thấm vào giấc mơ người lữ khách và hiện hình thành hoa cỏ, thành thơ ca, thành sự sống,…

Tôi muốn ngà say

ngủ mơ trên đá

hoa cẩm chướng đầy

hay:

Vương trái tim tôi

ngang con đường núi

đổng thảo nở hoa tươi

Trong nội tâm của lữ khách Bashô, một con đường đầy hoa cỏ mùa xuân đã vĩnh cữu đi qua. Khi thiền giả đã nối liền thân tâm với tự nhiên thì hoa trái trần gian thức dậy đầy đặn trong tâm hồn, sự sống tươi đẹp nhất chảy tràn trề trong mắt người, trong mạch máu, trong nẻo đường ta bà xuôi ngược.

Trong nhật ký du hành, khi chia tay mùa xuân, Bashô đã viết:

Áo bông tôi cởi

quẩy lên vai trần

mùa thay áo đổi

Đọc bài haiku nhỏ này, bạn hiểu chuyện gì đã xảy ra không ? Mùa hạ đang về, còn mùa xuân đã ở trên lưng Bashô, nó nằm yên trong mạch máu mỗi người để chờ đợi giờ khắc thức dậy. Mùa đã ở bên trong nội tâm chờ ngày luân chuyển. Mùa sẽ chảy qua thành dòng sự sống khắp thiên – địa – nhân. Vũ trụ cùng người quay đều trong một nhịp điệu của mùa, của tháng năm, ở đó vừa đầy đặn quá khứ, vừa tràn đầy vị lai mà vẫn thấm đẫm mùi vị hiện tại. Con người vẫn vậy, an nhiên, thong dong giữa một vũ trụ của các mùa mà lòng ngậm đầy ngày xuân bên trong nội tâm.

Đi qua thơ haiku mùa xuân của Bashô cũng chính là lúc ta như bước lên những thảm cỏ xanh, người ngấm đầy hương vị anh đào, tai ngân đầy tiếng chim tước, lòng như tràn đầy hơi thở của sự sống. Đọc thơ xuân Bashô giữa ngày xuân là một lần rũ sạch ưu phiền bụi hồng trần gian để làm thanh sạch lòng mình, để nghe mùa lên phơi phới trong lòng mà tin yêu, hi vọng và sống đẹp.

Saigon, tháng Giêng Kỷ Sửu

LÊ QUANG ĐỨC

Bài viết đã được đăng trên báo Đà Nẵng cuối tuần (số ra ngày năm 2009, đặc san Xuân Điện Bàn (Tháng 1/2010). 

Read Full Post »


Tháng Giêng là tháng đặc biệt của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Ông sinh ngày 15-2-1835 (tức 18 tháng Giêng năm Ất Mùi) và ông cũng rời xa trần gian nhiều lận đận khoa cử và quan trường vào ngày 5-2-1909 (tức 15 tháng Giêng năm Kỷ Dậu), thọ 75 tuổi. Như vậy tính đến Xuân này ông đã mất hơn một thế kỷ. Còn tuổi văn chương chắc là bất tử ?

Ngày nay khi nhắc đến thơ Nguyễn Khuyến, người ta liền nghĩ ngay đến chùm thơ mùa thu nổi tiếng của ông. Và mặc nhiên, theo thói quen bị “cầm cố” vào những điển lệ “bác học”, người ta thường đồng nghĩa “Nguyễn Khuyến là nhà thơ của mùa thu”. Điều đó đã như một mỹ tự. Một định ngữ ước lệ kiểu ấy thường dễ làm chúng ta “quên” nhiều điều trong khi đọc thơ Nguyễn Khuyến.

Thực ra trong toàn bộ sáng tác cả chữ Nôm lẫn chữ Hán của ông, người ta dễ tìm thấy một số lượng thơ xuân đáng kể, trên ba mươi bài, đó là chưa kể số câu đối mừng xuân rất lớn và giàu giá trị thẩm mỹ.

Ngày xuân hòa bình và đổi mới, chúng ta hãy lắng mình để đọc thơ xuân Nguyễn Khuyến, để thấy tiếng lòng day dứt của một nhà thơ tiêu biểu trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ mười chín, và để có thể nghe được nỗi niềm đau xót của ông già Yên Đỗ tưởng như đã yên phận mình sau cuộc sống dân dã của quê làng.

Xuân về ngày loạn càng lơ láo,

Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ

Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng

Sao con đàn hát vẫn say sưa

(Ngày xuân dặn các con)

Rõ ràng, “trời thu xanh ngắt”“lưng giậu phất phơ màu khói nhạt” của thiên nhiên mê hồn nơi làng quê xứ Việt vẫn không che khuất được những nỗi niềm thế sự vốn đi đi lại lại trong lòng Nguyễn Khuyến.

Đối diện với mùa xuân, trang thơ Nguyễn Khuyến không còn cái khí vị yêu đời, mạnh mẽ của thời Lý – Trần tự chủ, độc lập ở buổi sơ kỳ thời phong kiến:

Khô mộc phùng xuân hoa tự phát,

Phong xuy thiên lý phức thần phương

(Cây héo vào xuân hoa nở dậy

Gió đưa ngàn dặm nức hương thần)

Thiền sư Viên Chiếu

Với tâm trạng day dứt của một kẻ sĩ trước vận nước mù mịt, dù đối diện với mùa xuân tươi đẹp nhưng nhà thơ vẫn không giấu được những nỗi buồn khổ thất vọng về mình. Trước xuân, ông luôn chua xót tự kiểm thảo chính mình…

Nhiễu nhiễu phong trần nhất hủ nho,

Nhàn lai ngô tự kiến chân ngô.

Phù danh hữu hạnh do tiên cái,

Thực lực phi tài thượng nhương ngô

(Chỉ là một hủ nho trong cảnh nhiễu nhương gió bụi,

Rảnh rỗi ta mới thực hiểu thêm mình

Chỉ có chút danh hão, may ra hơn đứa ăn mày

Chẳng có tài cán thực sự, còn kém cả thằng đi ở)

(Xuân bệnh, 1)

Luôn cười buồn chua chát trong một nỗi niềm cô đơn, cảnh xuân trong thơ Nguyễn Khuyến hay gợi lên một nỗi buồn khắc khoải, đó là hình ảnh một ngọn núi đứng chơ vơ trong ngày xuân mưa gió, đó là bầu trời nửa mưa u ám, đó là những bông hoa muốn tàn, một tiếng hạc kêu trong đêm. Giữa cái nền xuân ảm đạm ấy hiện lên hình ảnh một cụ già tóc bạc, khi thì chống gậy đi lang thang, khi thì mượn chén rượu giải sầu hoặc buông thả mình trong lười nhác bất định:

Bán chẩm quan không thiên địa khoát,

Nhất sang cao ngoạ tính tình cô.

Sầu miên lẫn dục thôi lâm khởi,

Sương ám thần quang đạm nhược vô

(Gối đầu trên nửa gối, ngó thấy trời đất bao la,

Nằm khểnh bên cửa sổ, tình tình trở nên cô độc.

Qua giấc ngủ phiền não, lười biếng không muốn tung chăn vùng dậy,

Sương lấn át ánh sáng ban mai thoang thoảng như không)

(Xuân bệnh, 1)

Đôi khi cái sinh sắc của đời, khí xuân và lòng yêu cảnh quê đã đem lại cho thơ xuân Nguyễn Khuyến những niềm vui ríu rít:

Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng

Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt

(Cảnh Tết)

Đôi khi tiếng trẻ con học bài, tiếng trống báo hiệu giao thừa hay tiếng pháo nổ cũng đánh thức lòng xuân Nguyễn Khuyến. Lúc ấy đôi mắt nhà thơ bừng nở những khóm hoa đang sương “thập thò” nở, những cánh chim hồng lẻ loi về đậu trên cây và cỏ dại xanh ngút ngàn trong mắt người:

Tiểu cúc tân tài lô vị can

Hà xứ cô hồng thê dã thủ,

Vô cùng thuỷ cáo nhập gian can

Âm vân vị áp thiên sơn họa

(Khóm cúc nhỏ mới trồng sương hãy chưa khô

Con chim hồng lẻ loi ở chốn nào về, đậu trên cây ngoài nôi,

Cỏ xanh mơn mởn ngút mắt trải rộng tới bờ sông,

Mây mù chưa lấp được đường nét như vẽ của ngàn núi sông)

(Xuân hứng)

Thế những, nỗi ấm áp vui tươi ấy chỉ là một vùng tiểu khí hậu trong thơ Nguyễn Khuyến, còn cơ bản tràn lên trong thơ xuân của ông là nỗi cơ hàn của mình, là cái xao xác đượm buồn âu lo của làng xóm, quê hương mình khi vào xuân:

Tân thiều đán đán mãn thiên sương

Thán cúc nhân cùng tuế tựu hoang

Dược vị thục thời tiên hữu khí

Hoa tương lạc xứ thả lưu hương

Sầu đa dạ lãn thính nhi độc

Tửu quy xuân nan hoán khách thường

Chỉ hữu tạc tiêu phùng tiểu vũ

Bệnh trung tài đắc nhất phân cường

(Mới sang xuân, sớm sớm trời đầy sương

Than nỗi người đã nghèo mà mùa lại mất.

Thuốc sắc chưa chín mà mùi đã bay lên,

Hoa sắp rụng rồi mà mùi hương còn phảng phất

Buồn quá ngại nghe con đọc sách

Rượu đắt khó có thể mời khách thưởng xuân

May có tối qua được trận mưa nhỏ

Bệnh tật cũng đỡ được mươi phần)

(Xuân bệnh, 2)

Đặc biệt, trong bài thơ Chợ Đồng, Nguyễn Khuyến đem lại cho người đọc những bức tranh xuân ngày giáp tết sống động, gần gũi, xác thực, gợi nhớ cả một không khí tết của miền quê trong những năm đói kém giao điểm giữa hai thế kỷ 19 và 20. Ở đó, những dáng người tất bật dưới mưa xuân, những nỗi thấp thỏm vui buồn của lòng người rất đời đã được vẽ lại rất cụ thể bằng ngôn ngữ thơ:

Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng

Năm nay chợ họp có vui không ?

Dở trời mưa bụi còn hơi rét,

Nếm rượu tường đền được mấy ông ?

Hàng quán người về nghe xao xác

Nợ nần năm hết hỏi lung tung

Năm ba ngày nữa tin xuân tới,

Pháo trước nhà ai một tiếng đùng

Câu thơ phấp phỏng niềm vui nhỏ mọn, nhưng nghiêng ngã như người “nếm rượu tường đền”. Ngày “dở trời mưa bụi” và hơi rét thế mệnh khiến câu thơ nhuốm vẻ xao xác và dường như làm mùa xuân chùn chân trước cửa nhà của mỗi người.

Tân tuế phương lai cựu tuế chu

Quần phương giai uyển ngã hà khô

(Năm mới đương đến, năm cũ đã qua,

Mọi hoa đều tươi, sao riêng ta héo ?)

(Xuân nguyên hữu cảm)

“Thế lộ vị bình, phu tử tại” (Nguyễn Xuân Ôn), phu tử còn lại đó, yêu thương còn nguyên đó nhưng đường đời gập ghềnh, đầy bi kịch và đổ vỡ khiến trước xuân, cụ Tam Nguyên Yên Đỗ chỉ biết tự vấn mình như một kẻ sĩ chân chính, và thầm để những giọt nước mặt chảy vào trong cái hình hài “tỉnh say say tỉnh” của một con người cố quên đời nhưng không sao quên được.

Thế là, khác với một Phạm Sư Mạnh muốn “lấy cả dòng sông xuân làm nghiên mực”, một Trần Nhân Tông chợt thức nhận mùa xuân đã về qua vẻ quyến luyến của đôi bướm trắng trong thơ Lý – Trần, hay cả mùa xuân tràn vẻ đẹp, sức sống, tình yêu và những khát khao hạnh phúc ở Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự,… trong thơ thế kỷ mười tám, Nguyễn Khuyến, giữa một thế kỷ “khổ nhục nhưng vĩ đại” đã để lại một dòng thơ xuân đầy day dứt và buồn đau. Nhưng cũng đầy yêu thương và gắn bó với cuộc đời. Đấy cũng chính là bản sắc thơ xuân mà cụ Tam Nguyên Yên Đỗ đã đóng góp cho dòng thơ xuân Việt Nam thời trung đại.

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

Bài viết đã đăng trên tạp chí Non nước

Read Full Post »