Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘Lê Văn Trương’


Tôi là thế hệ đuôi của 6x, nên vừa “giải phóng” 1975, tôi chỉ là một đứa trẻ còn mài quần ở bậc tiểu học. Ở cái làng cát Kỳ Phú, Tam Kỳ (Quảng Nam) không có cái gì để đọc, ngoài nhà anh hàng xóm còn thậm thò thậm thụt mấy quyển English for today, vài cuốn chưởng quăn hết gáy,… Tại đấy có một cuốn sách về một anh chàng trẻ tuổi xông pha hiểm nguy lên đường rất ngon lành. Sau này, khi niêm phong cửa tủ di sản văn hóa miền Nam ở phòng tư liệu Khoa Ngữ văn tại Trường  ĐH Sư phạm Huế bị “phá”, tôi mới nhớ đấy là câu chuyện về nhân vật Trọng Khang trong “Trường đời” của nhà văn Lê Văn Trương. Những ngày ấy, giữa cơn bão 1986-1988, tôi mới được tiếp xúc và ngấu nghiến mấy “đứa con lạc loài” văn chương tiểu tư sản thời kỳ 1930-1945. Trong những nhà văn thời ấy, tôi lại yêu thích hai nhà văn trái ngược nhau là Thạch Lam và Lê Văn Trương. Văn chương Thạch Lam thì như một mùi hương thoảng nhẹ dịu dàng, trầm lắng, ý vị, tinh tế. Còn của nhà văn “người hùng” Lê Văn Trương thì lại thô ráp, sần sùi, mang đậm hơi thở của đời sống lao động, nhân vật thì mạnh mẽ, dấn thân đến mức gàn bướng, cố chấp, khí khái đến mức giả tạo,…

Tại mộ nhà văn Lê Văn Trương (ngày Giỗ 13 tháng Giêng, Quận 12 - TP.HCM)

Thế nhưng cớ làm sao ông lại là một hiện tượng bestseller trong thời đại của ông, dù ông in nhiều kỷ lục nhưng chẳng để lại tác phẩm nào có giá trị nghệ thuật cao ?

Ngày 13 tháng Giêng Canh Dần, theo lời mời của cô Lê Thị Giáng Vân – con gái út của nhà văn Lê Văn Trương, tôi đội nắng cùng với một cậu học trò chuyên Văn lên dự đám giỗ cụ. Chúng tôi ra vườn, thăm ngôi mộ và thắp hương cho cụ giữa một buổi trưa nồng nhưng gần gũi, mát lòng. Mộ nhà văn nằm lặng lẽ trong một góc khu vườn bên cạnh căn nhà cô con gái rượu của cụ ở phường Thạnh Xuân, Quận 12, TP.HCM. Năm nay, vì chuẩn bị sửa lại mộ phần cho cụ, nên giàn hoa giấy đỏ và rặng cây vườn không còn che mát như xưa, bộ ghế đá dành cho khách đến ngồi trò chuyện trong khuôn viên mộ phần cụ cũng không còn,…

Tại căn nhà này, cô Giáng Vân đã lưu giữ rất nhiều kỷ vật, sách in và tư liệu về nhà văn. Và qua cô, tôi đã được nghe rất nhiều về cuộc đời “oai phong” đi bắc vô nam, qua Trung Quốc, đến Xiêm, Cam Bốt, làm đủ thứ nghề của cụ. Tôi cũng nghe nhiều thăng trầm, oan khiên mà cụ và người thân của cụ đã gặp phải trên dòng chảy lịch sử. Người con cả là nhà văn Mạc Lân cả đời cũng đã phụng sự cho đất nước, nhưng vì oan khiên lý lịch đành sống đời sống cơ hàn nơi đất Bắc. Bản thân cô Giáng Vân, một kỹ sư canh nông cũng đã bị “khó dễ” khi còn học ở trường phổ thông, đại học,…

Nhân tiện tôi hỏi về chuyện khi cụ mất có người nói những con mèo đã thức canh giữ thi thể cụ có không ? Cô con gái nói đấy chỉ là giai thoại thôi. Đầu năm 1954, cụ vào Sài Gòn làm thầu khoán, viết sách, viết báo, tái bản sách. Nhưng lúc này, sách của cụ không còn độc giả nữa, công việc thầu khoán, đi buôn cũng suy sụp; cụ bị vỡ nợ và sống trong nghèo túng đến năm 1964 thì mất tại một con hẽm ở đường Bùi Viện. Lúc cụ mất có một ít bạn nhà văn và người vợ lẽ thứ ba. Giai thoại về mèo ấy là do sinh thời, cụ rất mê nuôi mèo… Năm 1983 thi hài cụ được con cái đưa về an táng tại khu vườn này. Cô Giáng Vân đọc hai câu thơ của một fan của cụ ngày nào:

Trường đời trải mấy xuân mưa nắng,
Đọng lại nhân gian có Một người [1]

Lê Văn Trương là một trong những mẫu nghệ sĩ “sống để viết” và “viết để sống. Gần 60 năm tận hiến, Lê Văn Trương đã để phong cách sống của mình, cuộc đời “hành tẩu giang hồ” của mình hằn dấu rất rõ trên những trang văn. Triệu Xuân đã viết: “Văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930-1945 nổi bật lên hai văn đoàn. Văn đoàn thứ nhất có trên dưới chục người, do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam sáng lập, mang tên Tự lực văn đoàn. Văn đoàn thứ hai, thực ra chẳng có đoàn nào cả, chỉ có một người, một người một cõi nghênh ngang, nhưng số lượng tác phẩm xuất bản, số lượng độc giả say mê tìm đọc không thua kém gì văn đoàn thứ nhất, ấy là nhà văn Lê Văn Trương”.

Chừng ấy thôi cũng đủ để cụ ghi danh tên mình vào danh sách những nhà văn Việt nổi tiếng. Song theo tôi cái đặc biệt của cụ là bằng một cuộc đời “giang hồ” thuộc loại bậc nhất trong văn giới xứ Việt, bằng cách nghĩ của một người trải nghiệm sâu sắc nhất “trường đời”, ông đã khơi dòng cho một chi hệ văn chương đại chúng, đó là văn chương tiêu dùng… Chừng ấy đủ để ông yên tâm nằm giữa Sài Gòn mà vui vẻ bên người thân và bạn đọc !

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)


[1] Trường đời, Một người là tên hai tác phẩm nổi bật của nhà văn Lê Văn Trương.

Đăng trên báo Thanh niên Thể thao & Giải trí, số, ra ngày Thứ Hai 10/05/2010 (27 tháng 3 Canh Dần)

Read Full Post »


Theo lời mời của cô Giáng Vân – con gái rượu của nhà văn Lê Văn Trương, trưa ngày 26/02/2010 (Thứ Năm, 13-tháng Giêng Canh Dần), tôi cùng với học trò chuyên Văn (THPT Lê Quý Đôn – Đà Nẵng) là em Nguyễn Lê Thịnh Đức lên dự đám giỗ cụ. Chúng tôi ra vườn, thăm ngôi mộ và thắp hương cho cụ giữa một buổi trưa nồng nhưng thật gần gũi, mát lòng.

Thăm mộ và thắp hương cho nhà văn Lê Văn Trương

Học trò chuyên Văn Nguyễn Lê Thịnh Đức bên mộ nhà văn Lê Văn Trương

Mộ nhà văn nằm lặng lẽ trong một khu vườn khuất, bên cạnh căn nhà của con gái Cụ là cô Giáng Vân ở phường Thạnh Xuân, Quận 12, TP.HCM. Tại đây, người con gái của Cụ đã lưu giữ rất nhiều kỷ vật, sách in và tư liệu về nhà văn.

Tôi đã từng đến đây hai lần. Và từ người con gái cụ tôi đã được nghe rất nhiều về cuộc đời của cụ, cũng như những thăng trầm, oan khiên mà cụ và người thân của cụ đã gặp phải trên dòng chảy lịch sử…

Read Full Post »