Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Bảy, 2014


Định vị văn hóa Việt Nam là một nội dung cơ bản, quan trọng trong bộ môn Cơ sở văn hóa Việt Nam. Đây là nội dung thường được đặt ở phần mở đầu của nhiều giáo trình khác nhau. Trong hệ thống tiến trình giảng dạy, nội dung định vị văn hóa Việt Nam được xem là phần lý thuyết cơ bản liên quan đến khoa học văn hóa cung cấp cho sinh viên cách nhìn tổng quan, khoa học, làm cơ sở để giải thích, khảo tả và phân tích các nội dung văn hóa cụ thể khác trong cấu trúc văn hóa Việt Nam.

Nội dung bài giảng về định vị văn hóa Việt Nam thường gồm các vấn đề cơ bản sau: khái niệm văn hóa, đặc trưng và chức năng văn hóa, cấu trúc của hệ thống văn hóa, loại hình văn hóa, chủ thể văn hóa, không gian văn hóa, diễn trình văn hóa, cơ tầng văn hóa bản địa và quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa,… Tùy theo từng giáo trình mà các nội dung cụ thể này được viết với dung lượng khác nhau, hay với chủ ý nhấn mạnh hoặc không…

Vì chính những khái niệm mở đầu và chứa đựng những vấn đề cơ bản của văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam như vậy, nên nội dung bài giảng này liên quan đến rất nhiều ngành khoa học xã hội – nhân văn, khoa học tự nhiên như: sử học, khảo cổ học, nhân chủng học, ngôn ngữ học, kinh tế học,… Trong khi đó, bộ môn chuyên ngành này thường được giảng dạy vào năm thứ 2, thậm chí vào năm đầu tiên, giai đoạn sinh viên vẫn chưa nghiên cứu, học tập chuyên sâu những bô môn chuyên ngành nêu trên. Đấy là chưa nói bộ môn này yêu cầu sinh viên bắt buộc hoặc tự chọn học trong các khoa chuyên ngành khác nhau. Trong thực tế giảng dạy, do đặc thù nội dung mang tính tổng quan, nên bài giảng này thường được các giảng viên sử dụng phương pháp diễn giải để trình bày cho sinh viên, một phương pháp ít sự tương tác vì vậy hiệu quả học tập, tư duy và nắm vững kiến thức không cao…

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng việc xác định nội dung, tư liệu và phương pháp giảng dạy cho phần định vị văn hóa Việt Nam là hết sức cần thiết.

  1. Xác định nội dung, tư liệu liên quan đến bài giảng định vị văn hóa Việt Nam:

Trước hết, về khái niệm văn hóa, chúng tôi nhận thấy có hàng trăm khái niệm, định nghĩa khác nhau của các học giả, chính khách cả trong nước và quốc tế. Việc cung cấp một khái niệm văn hóa (không nên sử dụng thuật ngữ “định nghĩa” cho văn hóa) mang tính khoa học sư phạm để làm cơ sở cho việc khảo tả, phân tích các thành tố văn hóa cụ thể là cần thiết. Theo chúng tôi, khái niệm văn hóa cần được hiểu là một hệ thống – cấu trúc hữu cơ bao gồm nhiều thành tố cùng với nhiều hệ giá trị chức năng (chứa đựng cả tính nhân loại và tính dân tộc) được chủ thể văn hóa (dân tộc, quốc gia) duy trì và phát triển trong một không gian và một tiến trình cụ thể. Quan niệm này sẽ chỉ ra nhưng đặc trưng cơ bản của văn hóa như sau: tính hệ thống, tính giá trị (phổ quát, dân tộc), tính lịch sử, tính nhân sinh. Những đặc trưng này trở thành điểm tựa khi giảng viên khảo tả và phân tích các nội dung, các đơn vị, các sản phẩm văn hóa cụ thể khác.

Trong quá trình trình bày, giảng viên có thể đưa thêm một vài quan niệm về văn hóa khác để mở rộng, phân tích, so sánh. Chẳng hạn, giảng viên có thể sử dụng khái niệm văn hóa nổi tiếng thiên về các giá trị dân tộc của Ngài Fedirico Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động”.

Song trong quá trình phân tích, giảng viên cần nhấn mạnh đến hai đặc trưng cơ bản là tính hệ thống và tính giá trị trong văn hóa.

Từ quan niệm này chúng ta sẽ xác định tư liệu và phương pháp giảng dạy thích hợp và nhất quán trong tổng thể chương trình. Việc xác định khái niệm văn hóa như vậy cũng sẽ giúp giảng viên xác định tài liệu học tập gốc để nghiên cứu, từ đó sử dụng các tài liệu tham chiếu khác để so sánh… Từ cách nhìn như vậy, chúng tôi chọn giáo trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm làm nguồn học liệu cơ sở để trình bày các nội dung bài giảng định vị văn hóa Việt Nam theo quan niệm và những kết quả nghiên cứu của mình.

Về cấu trúc của hệ thống văn hóa, theo GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, hệ thống văn hóa được chia thành 4 tiểu hệ thống, và đi theo mỗi tiểu hệ như vậy là 2 vi hệ đăng đối. Chúng tôi tán thành với quan niệm cấu trúc tương đối khoa học như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi muốn đặt vấn đề có thể phân chia hệ thống này như sau: văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức xã hội, văn hóa vật chất (văn hóa vật thể), văn hóa tinh thần (văn hóa phi vật thể). Từ đây, các nội dung tín ngưỡng, phong tục, tôn giáo, ngôn ngữ và giao tiếp, nghệ thuật,… được xem như là những thành tố của văn hóa tinh thần.

Về loại hình văn hóa, chúng tôi cho rằng đây là nội dung được xem là cơ bản và quan trọng để xác định bản chất một nền văn hóa, xác định các hệ giá trị phân biệt đặc trưng phổ quát và đặc tính dân tộc thể hiện trong văn hóa. Việc nắm vững nội dung này sẽ giúp sinh viên có thể phân tích, lý giải các nội dung cụ thể hơn trong hệ thống văn hóa.

Trong nội dung này, để tránh cách tư duy một chiều, giảng viên cần cung cấp rõ thêm cho sinh viên hiểu rõ các Thuyết khuyếch tán văn hóa (cultural diffusion), Thuyết vùng văn hóa (cultural areas) để sinh viên có thêm cách tiếp cận khác về văn hóa bên cạnh Thuyết loại hình kinh tế – văn hóa. Chẳng hạn, từ thuyết khuyếch tán văn hóa, sinh viên có thể hiểu quá trình di chuyển và biến đổi văn hóa từ cội nguồn Bắc Bộ đến Trung Bộ và Nam Bộ của các thế hệ di dân người Việt trên các vùng đất mới…

Về chủ thể văn hóa, chúng tôi thấy đây là vấn đề rất phức tạp và khó khăn trong việc giảng dạy để sinh viên nắm rõ vấn đề. Vì nội dung này liên quan đến đến nhiều ngành khoa học nghiên cứu về thời cổ sử, một khu vực còn rất nhiều khoảng trống và có nhiều giả thuyết khác nhau… Ở nội dung này, chúng tôi nhận thấy có những vấn đề cơ bản cần các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo quan tâm làm rõ. Có hai trung tâm hình thành chủng tộc cổ xưa nhất của loài người hay chỉ là một ? Hiện nay các nghiên cứu mới được cập nhật đã xác định chỉ có một trung tâm hình thành loài người ở Đông Bắc Phi. Chủ thể văn hóa Việt Nam bản địa là các dân tộc cộng cư trên khu vực Bách Việt. Chủ thể văn hóa Việt Nam đương đại là 54 dân tộc sống trong lãnh thổ quốc gia Việt Nam ngày nay, trong đó tộc người Việt đóng vai trò chủ thể. Vì vậy, giảng viên cần cung cấp thêm kiến thức về các thành phần tộc người có ở Việt Nam để sinh viên hiểu rõ hơn…

Về không gian văn hóa Việt Nam, chúng tôi nhất trí với quan niệm của GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm là “… từ trong cội nguồn thì không gian văn hóa Việt Nam vốn được định hình trên nền không gian văn hóa khu vực Đông Nam Á”. Trong tình hình hiện nay, từ kết quả khoa học đến mục tiêu chính trị, giảng viên cần khắc sâu điều này cho sinh viên Việt Nam nhận biết rõ ràng, và lấy đó làm cơ sở tiếp cận các hiện tượng, các giá trị văn hóa cụ thể trong hệ thống văn hóa Việt Nam. Để thực hiện tốt nội dung giảng dạy này, giảng viên cần khai thác các bản đồ cổ, trong đó khi vạch ra các ranh giới không gian văn hóa cần lưu ý đến khung thời gian lịch sử cụ thể để giúp sinh viên nhận ra các quá trình phát triển, biến đổi văn hóa trên tọa độ không gian và thời gian, tránh cách nhìn phi lịch đại trên không gian văn hóa cụ thể…

Về vấn đề phân vùng văn hóa Việt Nam, chúng tôi thấy hiện phần lớn các giáo trình cho Việt Nam có 6 vùng văn hóa, trong đó vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ được xem như một không gian văn hóa chung. Song theo chúng tôi, nhìn từ góc độ địa văn hóa, cũng như đi sâu vào các đặc trưng biểu hiện cụ thể, vùng văn hóa Tây Nam Bộ rất khác với vùng văn hóa Đông Nam Bộ…

Về vấn đề giao lưu, tiếp biến trong văn hóa, giảng viên cần chú ý làm rõ hơn khái niệm này, để sinh viên có cơ sở định hướng và tiếp cận các hiện tượng văn hóa cụ thể tốt hơn. Giao lưu, tiếp biến văn hóa thực chất là vấn đề “tự nhiên”, vấn đề trung tâm của quá trình phát triển văn hóa của dân tộc, của quốc gia, song đây là vấn đề rất phức tạp và hấp dẫn.

  1. Một số ý kiến về việc chọn lựa phương pháp giảng dạy cho bài giảng định vị văn hóa Việt Nam:

Theo quan sát và kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Cơ sở văn hóa Việt Nam, do dung lượng lớn, nội dung bài giảng phức tạp, cơ số sinh viên mỗi lớp học quá đông, sinh viên thụ động trong trao đổi bài giảng, thời gian cho từng bài học rất ít, nên phần lớn giảng viên chọn phương pháp giảng dạy “an toàn”, “tiết kiệm” theo truyền thống là thuyết giảng, một phương pháp ít sự tương tác với sinh viên. Vì vậy, hiệu quả học tập, tư duy và nắm vững kiến thức của sinh viên không cao, giờ dạy đơn điệu và thiếu hấp dẫn với sinh viên, dù đây là một bộ môn cực kỳ lý thú.

Theo chúng tôi, phương pháp giảng dạy hiện đại ở bất kỳ bộ môn nào cũng cần theo nguyên tắc lấy người học làm trung tâm. Đối với bộ môn Cơ sở văn hóa Việt Nam, việc thực hiện nguyên tắc này dễ dàng đạt hiệu quả cao, bởi lẽ, các nội dung bài học văn hóa vốn là nguồn tri thức bản địa mà sinh viên ít nhiều đã từng trải nghiệm, quan sát và hiểu biết trong đời sống thực trước đó. Nếu giảng viên biết cách khơi gợi, định hướng sẽ giúp sinh viên dễ dàng liên tưởng, “phục nguyên”  hiện tượng văn hóa trong ký ức để từ đó phân tích, đánh giá và tư duy.

Để thực hiện tốt công việc giảng dạy, giảng viên cần tăng cường tối đa các phương tiên trực quan trong giảng dạy.

Theo chúng tôi, phương pháp đưa sinh viên đi thực địa là phương pháp hấp dẫn và hiệu quả nhất. Từ trên thực địa, giảng viên là người hướng dẫn, định hướng cho sinh viên quan sát, đo đạc, chụp ảnh, ghi chép,… làm tư liệu, từ đó phân tích, đánh giá và rút ra các kết luận cụ thể. Phương pháp này cần nhiều thời gian, vì thế việc thực hiện rất khó khan. Tuy nhiên, giảng viên coi như đó là những tiết học ở nhà, thời gian được kết cấu ngoài giờ chính khóa.

Một phương pháp trực quan khác khả thi và “tiết kiệm” hơn là quan sát, phân tích hiện vật, hình ảnh, băng hình,… Để thực hiện hiệu quả cho các nội dung, đơn vị bài giảng, giảng viên cần chọn lựa hình ảnh đặc trưng theo bộ, với các hình ảnh từ tổng thể đến cận cảnh, để sinh viên quan sát đầy đủ hơn các khía cạnh khác nhau của hiện tượng văn hóa qua hình ảnh…

Trong việc xây dựng nội dung bài giảng, vì các biểu hiện của văn hóa thể hiện được những đặc trưng khác biệt, nên giảng viên tăng cường sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu.

Phương pháp này sẽ giúp sinh viên quan sát, phân tích và dễ dàng nhận thấy được những giá trị đặc trưng, khác biệt của các hiện tượng văn hóa, từ đó sẽ tự rút ra những kết luận độc lập cần thiết. Cách giảng dạy này sẽ tăng cường khả năng tư duy cho sinh viên rất nhiều. Bởi vậy, trong thiết kế slide bài giảng, từ khái niệm văn hóa, cấu trúc hệ thống văn hóa đến các vấn đề về loại hình văn hóa, không gian văn hóa, tiến trình văn hóa, giảng viên đều sử dụng các tư liệu, hình ảnh, lời giảng… theo hướng đối chiếu, so sánh.

Chẳng hạn để làm rõ sự khác nhau hai loại hình văn hóa gốc nông nghiệp và văn hóa gốc du mục nhìn từ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, giảng viên có thể cho sinh viên quan sát hai thiết chế tôn giáo tiêu biểu là ngôi chùa và nhà thờ.

 

Ngôi chùa của Phật giáo phương Đông thường được định vị kiến trúc theo phong thủy với một không gian bao quanh là dòng nước, cây cỏ, hài hòa với thiên nhiên. Trong khi đó nhà thờ với đỉnh tháp vươn cao thường được tọa lạc trên những ngọn đồi và bao quanh nhà thờ là những khoảng không gian rộng lớn rất thiếu vắng các hình ảnh tự nhiên như sông núi, cây cỏ… Hai hình ảnh trực quan tiêu biểu được thiết kế song song trên slide bài giảng sẽ giúp sinh viên nhận ra một cách rõ nét hơn mối quan hệ giữa con người và tự nhiên của hai nền văn hóa khác nhau.

Tương tự như vậy, các không gian văn hóa, các giai đoạn văn hóa, các vật mẫu, hiện tượng văn hóa,… cần được thiết kế theo cách đối chiếu để giúp sinh viên nhận ra những biểu hiện khác biệt, những giá trị đặc trưng, những thay đổi phát triển của các hiện tượng, các nền văn hóa khác nhau. Vì sự phong phú và phức tạp “tự nhiên” của văn hóa nói chung và các hiện tượng văn hóa nói riêng, nên ngay cả khi giảng viên nêu các khái niệm, các phương pháp luận, các học thuyết, các quan niệm khác biệt về một hiện tượng văn hóa thì giảng viên cũng cần thiết sử dụng dưới hình thức so sánh, đối chiếu để sinh viên thấy rõ được các phương diện đa dạng của một vấn đề.

Ngoài ra, từ thực tế giảng dạy, tôi xin có một số khuyến nghị liên quan đến hiệu quả giảng dạy của giảng viên, chất lượng học tập của sinh viên ở bộ môn Cơ sở văn hóa Việt Nam. Như sau:

–                     Kết cấu dung lượng 2 tín chỉ – 30 tiết cho bộ môn là không đủ thời lượng để cung cấp nội dung bài học cho sinh viên. Theo chúng tôi, cần kết cấu 3 tín chỉ – 45 tiết cho bộ môn này

–                     Cơ số trên 60 sinh viên một lớp học là khó có thể thực hiện việc giảng dạy theo phương pháp tương tác và hướng dẫn đi thực địa, hoặc làm tiểu luận khoa học.

–                     Hệ thống cơ sở vật chất phòng học tối thiểu phải có: đèn chiếu có độ phân giải cao, 2 micro di động, hệ thống âm thanh ổn định…

–                     Trong công tác khảo thí, ngoài việc thi trắc nghiệm kiểm tra kiến thức, cần ưu tiên đánh giá chất lượng học tập qua tiểu luận khoa học, để nâng cao khả năng tư duy, độc lập nghiên cứu và khả năng trình bày, diễn giải các vấn đề khoa học…

Đổi mới phương pháp đào tạo nói chung và tìm kiếm phương pháp nâng cao chất lượng giảng dạy cho bộ môn Cơ sở văn hóa Việt Nam nói riêng là một công việc cần thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng giữa nhiều cấp trong nhà trường và có sự thống nhất trong khoa. Nguyên tắc đổi mới phương pháp then chốt là phải lấy người học làm trung tâm. Từ nguyên tắc này, giảng viên, khoa, nhà trường phối hợp và thực hiện nghiêm túc thì chắc chắc hiệu quả công tác giảng dạy sẽ được nâng cao, chất lượng đào tạo sẽ thay đổi.

LÊ QUANG ĐỨC

lequangduc@gmail.com

(Bài viết tham gia Hội thảo “Phương pháp giảng dạy môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam cho sinh viên Cao đẳng – Đại học” do Trường Đại học Văn Hiến tổ chức vào ngày 07/07/2014)

Read Full Post »