Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Sáng tác’ Category


Dân Sài Gòn xưa dường như có thị giác rất mạnh (so với thính giác), cùng với phẩm chất không màu mè hoa hòe hoa sói như dân Bắc, dân Trung, nên họ đặt tên cho các thiết chế, các địa danh… trên đất Sài Gòn rất ngộ. Mà đúng là dzậy, không ngộ thì không phải là Saigonese rồi. Vì thế ta vẫn nghe, cầu chữ Y, chữ U, kinh Tàu Hủ, Kinh Chợ Vải, sông Bến Nghé, đường Lò Heo, ngả năm Chuồng Chó…

Nghe vậy, người Sài Gòn buông lời: Ngộ héng! Và đệ danh “ngộ” nhứt Sài thành chắc có lẽ là cầu Ba Cẳng.

Cầu này đã có nhiều tên khác nhau tùy theo từng thời: cầu Khâm Sai, cầu Ba Miệng, cầu Ba Chưn…

Người Sài Gòn gọi như vậy là vì cầu có 3 cẳng thiệt: một cẳng đi xuống đường Yunnan (âm gọi tên địa danh Vân Nam, sau 1955 đường đặt lại tên là Vạn Tượng), còn hai cẳng kia thì bắc qua hai con đường hai bên rạch Bãi Sậy, bên trái xuống bến Bãi Sậy, bên phải xuống bến Nguyễn Văn Thành nơi đầu đường Cambodge (sau 1955 được đổi thành đường Kim Biên).

Thực ra Cầu Ba Cẳng cũng có tên Tây đàng hoàng là Pont des 3 Arches. Cầu được xây cất bởi một bởi Công ty Pháp danh tiếng là Brossard et Mopin. Đây cũng chính là công ty đã xây chợ Bến Thành vào năm 1914. Nhà báo Nguyễn Văn Sâm và nhà bên vợ (em gái ông Trương Văn Bền) bỏ tiền đứng ra xây cầu này.

Cầu ở đầu đoạn rạch Bãi Sậy, nay lấp thành đường Bãi Sậy và Phạm Văn Khoẻ (quận 6). Cầu Ba Cẳng nằm ở khúc rẽ phải ra kênh Tàu Hủ, hai chân nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành và chân kia ở bến Vạn Tượng. Đoạn cuối rạch này vẫn chưa lấp, và cầu tồn tại đến năm 1990 thì bị sập.

Ngày nay rạch Bãi Sậy hầu như đã bị lấp hoàn toàn và thành đường Bãi Sậy, cầu Ba Cẳng cũng không còn nữa.

Cầu Ba Cẳng cũng chỉ là một cây cầu bình thường và chẳng có mấy quan trọng so với hàng chục cây cầu khác ở thành phố Viễn Đông kênh rạch chằng chịt như Sài Gòn. Thế nhưng nó đã trở thành một phần của lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn xưa, vang danh với cái tên nghe thật ngộ, và lại đi vào văn chương qua tác phẩm “Dân chơi cầu Ba Cẳng” của nhà văn Trương Đạm Thủy.

TUỆ LÃNG

Read Full Post »


Bóng đá Việt Nam Cộng hòa đã từng làm mưa làm gió trong những cuộc tranh tài tại Đông Nam Á và châu Á. Năm 1959, đội tuyển Việt Nam Công hòa đoạt Huy chương Vàng SEAP Games 1959. Sở dĩ có được thành tích này vì thời đó Sài Gòn đã có phong trào đá bóng phát triển rộng khắp. Đi cùng phong trào là một hệ thống sân cỏ đã được xây dựng khắp Sài Gòn – Gia Định thời đó.

Sân bóng tròn đủ tiêu chuẩn đầu tiên tại Đông Dương được xây dựng năm 1906 bởi câu lạc bộ Cercle Sportif Saigonnais (CSS) trong khuôn viên Jardin de la Ville (Parc Maurice Long – vườn Bờ Rô) cùng một lúc với hai sân quần vợt và vòng đua điền kinh (thay thế vòng đua xe đạp có trước – Vélodrome). Sân này sau gọi là sân Tao Đàn.

Trước 1954, có thêm sân Citadelle (nay là Hoa Lư), sân Rénault (trước gọi là Cộng Hòa, nay là Thống Nhất).

Trước 1975, Sài Gòn và vùng phụ cận Gia Định có khoảng 12 sân bóng tròn: Tao Đàn, Cộng Hoà, Hoa Lư, Quân Độị (Tổng Tham Mưu), Mayer (Hiền Vương), Lam Sơn (Pétrus Ký), Lê Văn Duyệt (Gò Vấp), Chí Hoà (Hòa Hưng), Nguyễn Văn Học (Viện Ung thư Gia Định), Marine, Saigon Sport và Phú De (còn gọi là sân Lò heo (Fourrière).

Các sân Tao Đàn, sân Citadelle (nay Hoa Lư), sân Cộng hòa (nay là Thống Nhất) vẫn còn và đang sử dụng.

Sân vận động Lam Sơn đã thu hẹp lại nhưng vẫn còn tại địa chỉ 320 Trần Bình Trọng (Quận 5).

Sân Quân Đội nằm phía sau cổng chánh vào Tổng Tham Mưu quân đội Việt Nam Công hòa nằm trên đường Võ Tánh (nay là đường Hoàng Văn Thụ) hiện vẫn còn sử dụng và mang Sân vận động Quân khu 7.

Sân Nguyễn Văn Học xưa ở trong khu Viện Ung thư, nằm sát bên bệnh viện Nguyễn Văn Học (sau đổi tên thành Bệnh viện Gia Định) chỉ đến khoảng giữa thập niên 1960s, do bị bị trưng dụng làm bệnh viện.

Sân Fourrière nằm phía trước Lăng Tả Quân Lê Văn Duyêt, nơi có khoảng đất trống, thời Pháp gọi là Phú De (do tiếng Pháp fourrière là nhà kho, chỗ nhốt chó, hoặc bò vô chủ), sau làm sân tập thể thao cho lính mã tà (tiếng Pháp là matraque, chỉ cảnh sát). Sân này cũng là nơi “luyện công” cuả đội bóng nổi tiếng lâu dài nhất trong lịch sử bóng đá của Sài Gòn, đội bóng Ngôi Sao Gia Định.

Các sân Mayer (đường Hiền Vương, nay là Võ Thị Sáu), sân Marine nằm cạnh nhà thương St Paul (nay là Bệnh viện Mắt TP.HCM), sân Saigon Sport nằm cạnh Trường Gia Long (này là THPT Nguyễn Thị Minh Khai), sân Chí Hòa gần khám Chí Hòa, sân Lê Văn Duyệt (đường Trung Dũng, nay là Nguyên Hồng) hiện không còn nữa.

TUỆ LÃNG

Read Full Post »


Khi đăng bộ với tư cách một quốc gia tại Liên hiệp quốc, một quốc gia phải xác định 5 trụ cột cơ bản như sau: 1) Bộ quốc hiệu-quốc kỳ-quốc ca-quốc huy; 2) Lãnh thổ (giáp giới với các quốc gia lân cận); 3) Chủ thể (các dân tộc tồn tại trong quốc gia); 4) Văn hóa (bản sắc) và lịch sử; và 5) Ngôn ngữ (sử dụng chính thức).

Vì lẽ ấy, xung quanh Dinh Độc Lập (nay có tên là Dinh Thống Nhất), trái tim của thủ đô quốc gia Việt Nam Cộng hòa và thành phố Sài Gòn, đã châu tuần các con đường phản chiếu các tinh thần trụ cột ấy.

Dinh Độc Lập cùng với đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẫn) đã khẳng định 3 mục tiêu quan trọng của chính thể: Độc Lập – Công Lý – Thống Nhất.

Bên trái Dinh Độc Lập là đường Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc được xem là đại diện cho văn hóa Việt Nam. Bên phải Dinh Độc Lập là đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Hồng Thập Tự (nay được gọi là Chữ Thập Đỏ) là tên gọi Hán-Việt của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC – International Committee of the Red) được thành lập năm 1863. Đây là tổ chức nhân đạo lâu đời nhất, lớn nhất trên thế giới hoạt động với mục đích bảo vệ sự sống và sức khỏe con người, giúp đỡ những người bị thương trong các cuộc xung đột vũ trang, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giai cấp hay quan điểm chính trị. Hai con đường này phản chiếu tinh thần hòa hợp văn hóa dân tộc và các giá trị phổ quát của nhân loại của quốc gia Việt Nam Cộng hòa.

Sau Dinh Độc Lập là con đường Huyền Trân Công Chúa, con đường mang tên của một người phụ nữ đã có công rất lớn trong sự nghiệp Nam tiến thuở ban đầu, để từ đó lãnh thổ phương Nam của Tổ quốc đã được mở rộng cho đến mũi Cà Mau.

Trước Dinh Độc Lập là hai con đường: đường Hàn Thuyên (bên phải) và đường Alexandre de Rhodes (bên trái) chạy song song với con đường chính, đường Thống Nhất. Đấy là những con đường văn tự của Sài Gòn, với hai đai diện tiêu biểu: một chữ Nôm và một chữ Quốc ngữ.

Đường Hàn Thuyên thời Pháp thuộc, khoảng 1871 có tên là đường Hồng Kông. Đến ngày 24-2-1897 nó đổi là đường Amiral Page. Từ ngày 22-3-1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đường Hàn Thuyên, và tên gọi đó được giữ lại cho đến nay.

Hàn Thuyên (1229-?) có tên thật là Nguyễn Thuyên. Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định rõ quê gốc của ông, song nhiều người cho rằng ông người làng Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Ông đỗ Tiến sĩ năm 1247 và làm quan tới chức Thượng thư Bộ Hình dưới thời Trần Nhân Tông. Ông là người nổi tiếng với giai thoại viết bài Văn tế cá sấu để trừ cá sấu ở sông Hồng và giỏi thơ Nôm. Ông là người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm, nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn luật. Ông được xem là người phát triển và phổ biến chữ Nôm của Việt Nam. Song song với chữ Hán, chữ Nôm trở thành một phương tiện quan trọng trong đời sống trước tác của tầng lớp trí thức, biểu thị cho lòng yêu văn hóa, tiếng Việt và tinh thần duy trì phẩm tính Việt trong suốt chiều dài lịch sử của quốc gia Việt Nam trong giới trí thức dân tộc.

Còn về đường Alexandre de Rhodes, thực ra, thời Pháp thuộc, từ ngày 2-6-1871, đường này có tên là Rue de Paracels (đường Hoàng Sa). Đến ngày 16-10-1871 đổi lại là đường Colombert. Từ ngày 22-3-1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đường Alexandre de Rhodes. Đến ngày 4-4-1985 chính quyền mới lại đổi tên là đường Thái Văn Lung. Tuy nhiên, may mắn thay, đến nay Alexandre de Rhodes đã lấy lại tên cho con đường này.

Alexandre de Rhodes (1591-1660) là một nhà truyền giáo Dòng Tên và một nhà ngôn ngữ học người Pháp. Ông đã góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá Công giáo tại Việt Nam và hình thành chữ Quốc ngữ. Dù ông thừa hưởng những kết quả nghiên cứu và thực hành tiếng Việt của nhiều giáo sĩ trước ông để hệ thống hóa và xây dựng bộ chữ Quốc ngữ tương đối hoàn chỉnh cho người Việt Nam, song với hai tác phẩm ông biên soạn là Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt–Bồ–La), và Catechismus (Phép giảng tám ngày) bằng chữ Quốc ngữ lần đầu được xuất bản tại Roma vào năm 1651 đã khiến người Việt nhiều thế hệ xem ông là người có công lớn nhất trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, một bộ chữ viết hiện được sử dụng chính thức tại Việt Nam.

Việc đặt tên đường có ý nghĩa rất quan trọng, vì để lưu giữ những giá trị truyền thống, gợi nhắc di sản tổ tiên để thế hệ sau tri ân, tiếp bước học tập và hành động. Tiếc là, hình như những người nắm giữ quyền lực trong chính quyền mới đã không có những nhận thức sơ học yếu lược như dzậy để rồi sau 1975, họ bỏ, thay, hoặc đặt tên đường một cách tùy tiện (?!).

TUỆ LÃNG

Read Full Post »


Năm 2000 lần đầu tiên cuốn sách về Taliban của Ahmed Rashid đã được in và bán ra 1,5 triệu bản. Sau đó cuốn sách chính thức được dịch sang 26 ngôn ngữ khác, cùng với hàng triệu bản in lậu, dịch lậu, phát hành chui ở cả các nước Ả Rập vốn coi các tác phẩm từ phương Tây đều có tính thù địch như Syria, Iran… Đây là một điều thực sự hiếm thấy trong thế giới xuất bản ngày nay.

Với sự quan tâm và lo lắng hồi sinh về cuộc nổi dậy của Taliban ở Afghanistan và Pakistan, tác giả kỳ vọng rằng ấn bản này sẽ được đọc bởi các quan chức và nhà ngoại giao, sinh viên, binh lính, học giả, cả đàn ông và phụ nữ trên các đường phố của những thế giới khác nhau…

Dù cuốn sách đã bị cấm ở Trung Á, Tây Á vì những lời chỉ trích của tác giả về các chế độ khác nhau ở đó nhưng tầng lớp sinh viên và phụ nữ vẫn bị cuốn hút ở ngay cả ở những quốc gia vốn không chấp nhận sự mô tả từ cuốn sách như Pakistan…

Về cơ bản, nó được viết như một phóng sự ghi lại thời khắc lịch sử; phần lớn nó được viết vào cuối những năm 1990. Cuốn sách gói gọn những thập kỷ liên quan đến các cuộc chiến ở Afghanistan, những con người tác giả đã gặp ở đó cũng như những kiến thức và kinh nghiệm nền tảng mà tác giả có được.

Ngoài ra, cuốn sách còn cung cấp một số nghiên cứu về nhân chủng học và lịch sử về sự tiến hóa của các bộ lạc và nhóm dân tộc Afghanistan ngay cả khi đất nước đang tan rã trong một tình trạng thất bại. Nó bao gồm địa chính trị của các quốc gia láng giềng trong suốt những năm 1990 và sự can thiệp của họ đã giúp Afghanistan bị chia cắt trong khi Hoa Kỳ và Tây Âu phớt lờ mọi sư. Nếu phương Tây rời khỏi Afghanistan một lần nữa thì những đối thủ trong khu vực sẽ quay trở lại, đẩy đất nước vào hỗn loạn hơn nữa.

Khi nó được xuất bản, “Taliban” đã đưa ra bản mô tả chi tiết đầu tiên về những gì Osama Bin Laden đang làm ở Afghanistan và cách hắn tiếp quản việc điều hành đất nước với sự hợp tác của Mullah Omar, thủ lĩnh của Taliban.

Gần một năm sau cuốn sách ra đời, nước Mỹ và thế giới bị chấn động bới sự kiện khủng bố vào ngày 11/9. Và từ đó, di sản của ngày 11 tháng 9 vẫn còn ở lại với nhân dân thế giới trong những giấc mơ và ác mộng kinh hoàng. Sau đó, sự can thiệp của Mỹ và phương Tây đã giải phóng Afghanistan. Bất chấp hàng tỷ đô la đã bỏ ra, hàng trăm sinh mạng bị mất, vô số cơ hội nảy sinh, Taliban và Al Qaeda vẫn phát triển mạnh mẽ và gây ra mối đe dọa triệt để cho toàn bộ khu vực. Taliban Afghanistan đã lan rộng khắp khu vực; bây giờ có một Taliban Pakistan và một Taliban Trung Á. Bản thân Taliban – có lẽ còn hơn cả Al Qaeda – đã trở thành một hình mẫu, một cách sống cho các phần tử cực đoan được mô phỏng trên khắp Nam và Trung Á.

Tám năm sau ngày 11 tháng 9, cả người Hồi giáo và người phương Tây đều không thể loại bỏ mối đe dọa Taliban hoặc sức mạnh của nó như một hình mẫu cho các phần tử Hồi giáo giận dữ. Vì vậy, cách sống của Taliban tiếp tục quyến rũ những thanh niên trẻ tuổi và những kẻ đánh bom liều chết tiềm năng trong khu vực.

Gần 10 năm sau, năm 2010, tác giả đã tái bản lần thứ 2 với những nghiên cứu mới về Taliban Pakistan và cách mà chúng đã ảnh hưởng đến Trung Á. Cách Taliban trốn sang Pakistan sau thất bại mà họ phải gánh chịu vào năm 2001 gắn liền với cách họ sống sót ở Afghanistan bất chấp cuộc tấn công của Mỹ. Ngày nay, tất cả các thủ lĩnh cực đoan chính – Osama Bin Laden, Mullah Omar, Jalaluddin Haqqani, Gulbuddin Hikmetyar – cùng với một số thủ lĩnh Taliban Pakistan đang sống ở biên giới Pakistan. Một số sự kiện trong các chương mới đã được cập nhật trong bối cảnh quốc tế rộng lớn hơn, đặc biệt ông đã giải thích tại sao người Mỹ và NATO sẽ thất bại nặng nề ở Afghanistan.

Và đúng như vậy, cuộc triệt thoái quân sự của Mỹ và phương Tây ra khỏi bãi lầy Afganistan vào tháng 8 năm nay đồng thời đánh dấu sự trở lại của Taliban trên chính trường đất nước này.

Những gì mà cuốn sách này viết ra từ 20 năm trước cho thấy khả năng nghiên cứu, phân tích và dự đoán thần kỳ của tác giả.

Saigon, July 13th 2021

Read Full Post »


Bài viết https://luhanhvietnam.com.vn/du-lich/thap-cham-yang-prong-huyen-bi-o-dak-lak.html?fbclid=IwAR2a0CtwNl62nxDoNUu-DMnq7Zbq3u2BwGwys1mbf1niebU68PwT0zZU44g

Đọc bài viết nhỏ này, ta thấy có 3 lỗi sai rất cơ bản:

1/ Tác giả viết: “… công trình này được người Chăm xây dựng vào thế kỷ 13, dưới thời vua Jaya Sinhavarman III (Chế Mân), tức triều đại nhà Trần của nước Đại Việt.”. Viết như vậy thì rất tệ hại về chuyên môn: có thể là sai về kiến thức, có thể là không biết cách diễn đạt. Sai vì lý do gì chưa biết nhưng viết như vậy thì bạn đọc sẽ nghĩ là “thời vua Jaya Sinhavarman III (Chế Mân)” là “triều đại nhà Trần của nước Đại Việt”?! Thật vô cùng nguy hại!

2/ Tác giả viết: “… thay vì dùng gạch thì các nghệ nhân xưa lại sử dụng các phiến đá làm lanh tô trên cửa và đá xanh Cao Bằng làm nền gạch…”. Không lẽ cư dân quốc gia Champa cổ từ thế kỷ 13, 14 đã “nhập khẩu” đá xanh Cao Bằng của Đại Việt để mần tháp Yang Prong này? Người viết này chắc thuộc hệ hình “lấy Bắc Kỳ làm trung tâm” để hiểu mọi chuyện?!

3/ Người viết kết luận “…tháp Chàm Yang Prong ở Đắk Lắk chính là một minh chứng mãnh liệt cho sự tồn tại huy hoàng một thời của đế chế Khmer trên dải đất hình chữ S thân yêu.“. Ở trên nói là tháp do người Champa làm để thờ Chế Mân, kết luận lại cho là của “đế chế Khmer”? Tôi không hiểu người viết, và cả người biên tập cho đăng bài này đã học lịch sử từ nước mô, ở thời mô?!

Chuyện sai như thế này ngày càng rất nhiều trên truyền thông, nhan nhản sai, nhiều lỗi sai nghiêm trọng và ngớ ngẩn. Nguyên do chắc có nhiều: cẩu thả, thiếu kiến thức cơ bản, xào nấu tư liệu, tư biện… Song có lẽ nguyên do lớn nhất là sự vô trách nhiệm với cộng đồng và sự thiếu tự trọng của những người cầm bút. Lỗi này ngày càng dày lên và đã mang tầm “thời đại”. Thật đáng lo thay!

Saigon, September 7th 2021

Read Full Post »

Bó hoa của nhà văn?


Nhiều bạn hỏi, chính quyền có ai tặng hoa sinh nhật cho nhà văn Nguyên Ngọc không? – Tôi không biết rõ, nhưng hình như là không. Vậy là mừng cho nhà văn. Vì ông đã được thảnh thơi và không còn liên can gì với nhà cầm quyền, điều mà ông đã từng hi sinh và đã ly khai.

Ông đã từng từ chối những “giải thưởng” danh giá nhất của nhà cầm quyền thì bó hoa là cái sá gì!?

Dù vậy cũng xin nói, một bó hoa nhỏ xinh chúc mừng đúng người thực ra sẽ làm sang trọng cho người tặng hoa. Nó cho ta biết người tặng hoa ân tình sau trước, hiểu người hiểu mình… Việc nhà văn Nguyên Ngọc không nhận được bó hoa vào sinh nhật thượng thọ năm nay đã nói lên tư cách, tầm nhận thức, văn hóa của những kẻ quyền lực rất rõ ràng.

Bạn còn hy vọng điều đó thì còn mong đợi. Chứ tôi thì từ lâu đã không còn chút hy vọng nhỏ nhoi gì về điều đó nữa rồi.

September 8th 2021

Read Full Post »


Đọc bài viết nhỏ này, ta thấy có 3 lỗi sai rất cơ bản:

https://luhanhvietnam.com.vn/du-lich/thap-cham-yang-prong-huyen-bi-o-dak-lak.html?fbclid=IwAR2s_-HxXB7d08RNASjETXJZa77cIOntqzW4kdWCwgWlF2zjIszQ-hJ168I

1/ Tác giả viết: “… công trình này được người Chăm xây dựng vào thế kỷ 13, dưới thời vua Jaya Sinhavarman III (Chế Mân), tức triều đại nhà Trần của nước Đại Việt.”. Viết như vậy thì rất tệ hại về chuyên môn: có thể là sai về kiến thức, có thể là không biết cách diễn đạt. Nhưng sai kiểu gì mà viết như vậy thì bạn đọc sẽ nghĩ là “thời vua Jaya Sinhavarman III (Chế Mân)” là “triều đại nhà Trần của nước Đại Việt”?! Thật vô cùng nguy hại!

2/ Tác giả viết: “… thay vì dùng gạch thì các nghệ nhân xưa lại sử dụng các phiến đá làm lanh tô trên cửa và đá xanh Cao Bằng làm nền gạch…”. Không lẽ cư dân quốc gia Champa cổ từ thế kỷ 13, 14 đã “nhập khẩu” đá xanh Cao Bằng để mần tháp Yang Prong này? Người viết này chắc thuộc hệ hình “lấy Bắc Kỳ làm trung tâm” để hiểu mọi chuyện?!

3/ Người viết kết luận “…tháp Chàm Yang Prong ở Đắk Lắk chính là một minh chứng mãnh liệt cho sự tồn tại huy hoàng một thời của đế chế Khmer trên dải đất hình chữ S thân yêu.”. Ở trên nói là tháp do người Champa làm để thờ Chế Mân, kết luận lại cho là của “đế chế Khmer”? Tôi không hiểu người viết, và cả người biên tập cho đăng bài này đã học lịch sử từ nước mô, ở thời mô?!

Chuyện sai như thế này ngày càng rất nhiều trên truyền thông, nhan nhản sai, nhiều lỗi sai nghiêm trọng và ngớ ngẩn. Nguyên do chắc có nhiều: cẩu thả, thiếu kiến thức cơ bản, xào nấu tư liệu và tư biện… Song có lẽ nguyên do lớn nhất là sự vô trách nhiệm với cộng đồng và sự thiếu tự trọng của những người cầm bút. Lỗi này ngày càng dày lên và đã mang tầm “thời đại”. Thật đáng lo thay!

Saigon, September 7th 2021

Read Full Post »


Bài thơ tình cổ nhất trong lịch sử nhân loại được viết cách đây khoảng 4000 năm tại Lưỡng Hà. Bài thơ được viết dưới thể bài hát với nhiều điệp khúc lặp lại, một kiểu ballad cổ nên rất khó dịch. Nhưng để chống dịch COVID khi rảnh rang mà Việt hóa thành lục bát để dễ đọc như vầy.

BÀI CA TÌNH YÊU CỦA SHU-SIN (*)

Hỡi chàng yêu dấu của em

Thiện lành là vẻ dệt nên dáng người

Này chàng sư tử em ơi

Tim chàng như đã ngời ngời lòng yêu

Hồn em chàng đã mang theo

Để em đứng đó tay neo cửa phòng

Buồng thơm em sẽ đón chàng

Lòng em run rẩy tay sang với người

Tình yêu chừ đã gọi mời

Chàng ve vuốt tóc em khơi gợi chàng

Chàng ơi mắt hãy mơ màng

Để nghe mật ngọt trên làn da thơm

Giường tình đầy tiếng nỉ non

Đôi ta tận hưởng vuông tròn ái ân

Lòng em mải miết ân cần

Để chàng quên hết đêm gần ngày xa

Còn chi hơn nỗi thiết tha

Còn chi bằng nỗi mẹ cha thương chàng

Chàng ơi hãy ngủ cho ngoan

Em yêu em ở bên chàng đến mai

Chúa trời che chở cả hai

En-lil(*), Người sẽ ban tài phúc thêm

Nắm tay chàng nắm cùng em

Để cho mật ngọt hương đêm ngát trời

Shu-Sin, thần của em ơi

Nguyện cầu dâng hiến để người yêu em.

(Người dịch: Tuệ Lãng)

Bức tượng nghệ thuật về cuộc hôn nhân giữa Inanna và Dumuzi, những vị thần linh tối cao của nền văn minh Lưỡng Hà.

Nguyên bản tiếng Anh:

THE LOVE SONG OF SHU-SIN

Bridegroom, dear to my heart,

Goodly is your beauty, honeysweet,

Lion, dear to my heart,

Goodly is your beauty, honeysweet.

You have captivated me, let me stand tremblingly before you.

Bridegroom, I would be taken by you to the bedchamber,

You have captivated me, let me stand tremblingly before you.

Lion, I would be taken by you to the bedchamber.

Bridegroom, let me caress you,

My precious caress is more savory than honey,

In the bedchamber, honey-filled,

Let me enjoy your goodly beauty,

Lion, let me caress you,

My precious caress is more savory than honey.

Bridegroom, you have taken your pleasure of me,

Tell my mother, she will give you delicacies,

My father, he will give you gifts.

Your spirit, I know where to cheer your spirit,

Bridegroom, sleep in our house until dawn,

Your heart, I know where to gladden your heart,

Lion, sleep in our house until dawn.

You, because you love me,

Give me pray of your caresses,

My lord god, my lord protector,

My Shu-Sin, who gladdens Enlil’s heart,

Give my pray of your caresses.

Your place goodly as honey, pray lay your hand on it,

Bring your hand over like a gishban-garment,

Cup your hand over it like a gishban-sikin-garment(The following translation of The Love Song of Shu-Sin is from Samuel Noah Kramer’s work History Begins at Sumer, pp 246-247)

Chú thích:

(*) Shu-Sin là tên một vị vua cai trị ở một vùng đất thuộc khu vực Lưỡng Hà vào khoảng 2000 năm trước Công nguyên.

(**) Enlil là Thần Đất đai trong nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại.

Saigon, August 25th 2021

Read Full Post »


Hôm qua ngủ sớm, sáng dậy nghe con gái bảo tối qua mưa đá rất to đó ba… Mình uh rồi quên. Mở facebook thì tràn ngập về những tin tức mưa đá, bên cạnh những lo âu thấp thỏm, những hồ nghi e ngại… về điềm chẳng lành trên mảnh đất này.

Vài bữa trước thì dân chúng râm ran về mấy cái tên của mấy người đứng đầu thành phố ghép lại rồi rằng thì mà là… nó như điềm báo gây tai họa.

Xa hơn nữa, hồi đại hội đảng thứ mấy trước đó, dân chúng cũng ghép tên và hân hoan với những dự cảm “thần linh” về mấy tên đó…

Lại nhớ dân ta, và hình như cả dân Tàu ngày xửa ngày xưa vì cái tên mà mang con dơi hôi hám, sống trong hang hốc tối tăm, ưa thích bóng đêm, hình thù kỳ dị vào các bao lam, phủ thờ để mong ngày mai được phúc. Rồi dâng ngũ quả lên bàn thờ nào mãng cầu, đu đủ, xoài… để mong “chữ” hóa thành “vật” cho ngày mai…

Dù đã sống khá lâu trong môi trường duy vật, ấy vậy mà niềm tin theo kiểu sơ khai của người nguyên thủy vẫn còn bám vào tâm thức Việt mạnh mẽ và si mê. Bởi vậy mới thấy dân Việt thật mới đáng thương làm sao.

Mỗ tui đi chế cà phê sáng và lục tủ lạnh xem còn có cái gì để ăn vào mai mốt khi hôm nay nghe nói là ngày bắt đầu một thời kỳ phong tỏa kéo dài. Nó rất thực, không hề chút ma mị. Nhìn ra ngoài trời, im ắng lạ thường, ban mai đầy sự đáng ngờ và nghĩ tự do đang thu hẹp tới cửa nhà của mình… Không mần chi được. Mưa đá chắc tan hết, trời vẫn mây mù bất định… Rất thực thà.

Song rồi nghĩ lại, dường như đằng sau sự đáng thương của người Việt ấy có một niềm tin mong manh về cái thiện lành, cái tốt đẹp cho con người, cho mảnh đất cằn cỗi văn minh này. Một niềm tin nhỏ nhoi vẫn cứ đâm chồi trong cái tuyệt vọng: Còn da lông mọc, còn chồi lên cây.

Nhưng chẳng lẽ chúng ta vẫn cứ nhấp nhô chút niềm tin “thần thánh” ấy trong mờ sương của hiện thực?

Không bước ra khỏi mình, không xé tan sự vô minh ở trong trí não mình, không vứt bỏ thánh tượng… chúng ta vẫn sẽ bị lũ ngạ quỹ hiện hình với bao nhiêu thánh tượng khác bao vây con người chúng ta trên cõi đời rất thực này.

Nhiều người đã mong chiếc lư hương của Đức Thánh Trần được trả lại chỗ cũ để Ngài không còn giận dữ với thành bang này. Có chắc không điều này, tôi chẳng tin, dù tâm thức tôi vẫn tràn đầy sức mạnh về điều chính nghĩa từ Ngài.

Trong ý nghĩ của tôi chiếc lư hương chỉ là một biểu tượng về một niềm tin tâm linh vững chắc và tốt đẹp của nhân dân, của dân tộc mà bọn vô thần đã mang đi. Chúng mang đi bằng cần cẩu và những cánh tay rất thực. Đặt để lại chiếc lư hương về chỗ vốn có của nó nếu có chỉ là trả lại những giá trị mà nó đã từng có. Khi những giá trị cơ bản của con người, của tâm trí con người được trả về đúng chỗ, đúng nghĩa của nó thì mọi thứ sẽ ổn định, mọi tiềm năng của nhân dân và sức sống của cộng đồng sẽ được giải phóng để mang lại điều tốt đẹp. Đấy là niềm tin của tôi.

Niềm tin vẫn mong manh trong sự tuyệt vọng, nhưng chẳng lẽ ta không còn chút niềm tin nào?

Không tin vào những điều tốt đẹp về con người, cho con người, chúng ta sẽ thành súc vật mất.

Thế nhưng ở sớm mai này ta vẫn ngồi chờ đợi.

Saigon, August 23nd 2021

Read Full Post »

Nam Cao thiên tài ư?


Ấy chết, nhiều bạn nói vậy thì Nam Cao sẽ mắc tội “tiếm công” của nhiều người khác. Nói dzậy thì tội cho Nam Cao chết, vì sự thực Nam Cao, nhà văn hiện thực đã kéo dài cách viết phản ánh hiện thực của ông về cảnh, về người trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà thôi.

Mỗ tui nghĩ thiên tài chính là sự kiên định một kỹ năng cũ cho một thời đại đã thay đổi với gia tốc lớn. Ở khía cạnh này mỗ tui không đủ khả năng để luận bàn vì nó ở ngoài hệ hình của mỗ.

Nhưng “nhị ca thiên tài” mà mỗ tui nhận thấy là mấy vị có học thức đầy mình (qua bằng cấp) vẫn can đảm nhận việc vốn không thuộc chuyên môn của mình. Nghĩa là sẵn sàng nấu cháo lòng và bán cháo lòng mà không biết món ấy mình chưa bao giờ mần nên món của anh ta cứ khăm khẳm mùi lòng non lòng già?! Ấy mới là khía cạnh thiên tài mà mỗ tui nghĩ mãi hổng ra.

Buổi sáng độc thoại với Nam Cao.

August 22nd 2021

Read Full Post »


Ngồi buồn thấy chuyện nhân sự của bộ máy nhà nước lại nhớ Đôi mắt của Nam Cao: “Viết chữ quốc ngữ sai vần mà lại cứ hay nói chuyện chính trị rối rít cả lên. Mở miệng ra là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân phát xít, phản động, xã hội chủ nghĩa, dân chủ với cả dân tân chủ nữa mới khổ thiên hạ chứ!”.

Hay nhất là chuyện “phân công” nhiệm vụ chính trị: “Nhưng tai hại là người ta lại cứ muốn cho họ làm ủy ban nọ, ủy ban kia nữa, thế mới chết người ta chứ! Nói thí dụ ngay như cái thằng chủ tịch ủy ban khu phố tôi ở Hà Nội lúc chưa đánh nhau, nó là một anh hàng cháo lòng. Bán cháo lòng thì nó biết đánh tiết canh, chứ biết làm uỷ ban thế nào mà bắt nó làm uỷ ban?”

Nam Cao thì đã mất, và chuyện nhỏ từ thời kháng chiến ở xứ Bắc kiểu này cũng đã đi qua gần 80 năm nhưng việc chọn người mần chuyện công ở xứ này vẫn y như vậy: Nó là một anh hàng cháo lòng. Bán cháo lòng thì nó biết đánh tiết canh, chứ biết làm ủy ban thế nào mà bắt nó làm ủy ban?

Lịch sử bao nhiêu bước ngoặt thăng trầm và phát triển vinh quang nhưng cũng không thay đổi được chuyện anh bán cháo lòng làm ủy ban của Nam Cao. Eo ôi, vậy thì ta phải chờ sao cho trời sáng?

Saigon, buổi sáng ảm đạm

August 22nd 2021

Read Full Post »

THẺ BÀI XIV. THỜI GIAN


Một thiên thần trong chiếc áo choàng trắng, chạm đất và thiên đường, xuất hiện. Đôi cánh của anh ấy là ngọn lửa và một ánh vàng rực rỡ trên đầu anh ấy. Trên ngực anh ấy đeo dấu hiệu thiêng liêng của cuốn sách Tarot – một hình tam giác trong một hình vuông, một điểm trong hình tam giác; trên trán của anh ấy là hình tròn, biểu tượng của sự sống và vĩnh cửu.

Trong một tay là một chiếc cốc bằng bạc, còn tay kia là một chiếc cốc bằng vàng và giữa những chiếc cốc này chảy ra một dòng liên tục, lấp lánh với mọi màu sắc của cầu vồng. Nhưng ta không thể biết dòng suối chảy từ cốc nào và chảy vào cốc nào.

Trong sự kinh ngạc tột độ, ta hiểu rằng ta đang ở gần những bí ẩn cuối cùng mà từ đó không thể quay trở lại. Ta nhìn thiên thần, nhìn những biểu tượng của anh ấy, những chiếc cốc của anh ấy, dòng cầu vồng giữa những chiếc cốc, – và trái tim con người ta run lên vì sợ hãi và tâm trí con người ta co rút lại trong đau khổ và thiếu hiểu biết.

“Vâng”, giọng nói vang lên, “Đây là một bí ẩn được tiết lộ tại Nguyên thủy. “Nguyên thủy” đơn giản chỉ là sự tiết lộ bí ẩn này trong tâm hồn. Nhà ẩn dật nhận lấy đèn lồng, áo choàng và cây gậy để anh ta có thể mang ánh sáng của bí ẩn này.

“Nhưng có lẽ nhà ngươi đã đến đây mà không chuẩn bị. Hãy nhìn, lắng nghe và cố mà hiểu, vì bây giờ sự hiểu biết là sự cứu rỗi duy nhất của nhà ngươi. Ai tiếp cận điều bí ẩn mà không hiểu hoàn toàn sẽ bị biến mất.

“Tên của thiên thần là Thời gian. Vòng tròn trên trán là biểu tượng của sự vĩnh cửu và sự sống. Mỗi cuộc đời là một vòng tròn trở về cùng một điểm mà nó đã bắt đầu. Cái chết là sự trở lại để sinh ra. Và từ điểm này đến điểm khác trên chu vi của một vòng tròn, khoảng cách luôn bằng nhau, và càng xa điểm này thì khoảng cách càng gần đến điểm kia.

“Vĩnh cửu là một con rắn truy đuổi cái đuôi chính nó nên không bao giờ bắt được.

“Một trong những chiếc cốc mà thiên thần cầm là quá khứ, chiếc còn lại là tương lai. Dòng cầu vồng giữa hai chiếc cốc là hiện tại. Nhà ngươi thấy nó chảy theo cả hai chiều không?

“Đấy là Thời gian ở khía cạnh khó hiểu nhất của nó.

“Con người nghĩ rằng tất cả đều chảy liên tục theo một hướng. Họ không thấy rằng mọi thứ đều gặp nhau vĩnh viễn và Thời gian là vô số vòng quay. Hãy hiểu điều bí ẩn này và học cách phân biệt những dòng chảy trái ngược trong dòng cầu vồng của hiện tại.

“Biểu tượng của cuốn sách thiêng liêng trong Tarot trên bầu ngực của thiên thần là biểu tượng của mối tương quan của Thượng đế, Con người và Vũ trụ.

“Hình tam giác là Thượng đế, thế giới tinh thần, thế giới ý tưởng. Điểm bên trong hình tam giác là linh hồn của con người. Hình vuông là thế giới hữu hình.

“Ý thức của con người là tia lửa thần thánh, một điểm nằm trong tam giác tinh thần. Do đó, toàn bộ hình vuông của vũ trụ hữu hình bằng với điểm nằm trong tam giác.

“Thế giới của tinh thần là hình tam giác của 21 ký hiệu trong Tarot. Hình vuông tượng trưng cho lửa, không khí, nước và đất, và do đó tượng trưng cho thế giới.

“Tất cả những thứ này, dưới dạng bốn biểu tượng, đều nằm trong túi của Kẻ ngu ngốc, người mà bản thân chỉ là một điểm trong tam giác. Do đó, một điểm không kích thước thì không thế chứa một hình vuông vô hạn.

(Theo P. D. OUSPENSKY, THE SYMBOLISM OF THE TAROT)

August 14th 2021

Read Full Post »


Ta nhìn thấy một khu vườn đầy hoa trong một thung lũng xanh tươi được bao quanh bởi những ngọn đồi xanh dịu.Trong vườn, ta thấy một người đàn ông và một người phụ nữ khỏa thân và xinh đẹp. Họ yêu nhau và Tình Yêu của họ là sự phục vụ của họ đối với Ý Niệm Vĩ Đại, một lời cầu nguyện và một sự hy sinh; nhờ Nó mà họ giao tiếp với Thiên Chúa, nhờ Nó mà họ nhận được những mặc khải cao nhất; trong ánh sáng của nó, những chân lý sâu sắc nhất đã đến với họ; thế giới ma thuật đã mở ra cánh cổng của nó; yêu tinh, thủy thần, thiên thần và thần lùn công khai đến với họ; ba vương quốc tự nhiên, khoáng vật, động thực vật, và bốn nguyên tố – lửa, nước, không khí và đất, đã phục vụ họ.

Thông qua Tình Yêu của họ, họ nhìn thấy bí ẩn của trạng thái cân bằng trên thế giới, và rằng chính họ là biểu tượng và biểu hiện của sự cân bằng này. Hai hình tam giác hợp nhất trong chúng thành một ngôi sao sáu cánh. Hai nam châm nóng chảy thành một hình elip. Họ là Hai. Thứ ba là Tương lai không xác định. Và Ba sẽ tựu thành Một.

Ta đã nhìn thấy người phụ nữ nhìn ra thế giới như thể mê mẩn với vẻ đẹp của nó. Và từ trên cây có trái chín vàng, ta thấy một con rắn trườn ra.

Nó thì thầm vào tai người phụ nữ, và ta thấy cô ấy đang lắng nghe, lúc đầu mỉm cười nghi ngờ, sau đó là sự tò mò hòa vào niềm vui. Rồi ta thấy Nàng nói chuyện với người đàn ông. Ta nhận thấy rằng Chàng ấy dường như chỉ ngưỡng mộ Nàng và mỉm cười với vẻ vui mừng và đồng cảm với tất cả những gì mà Nàng đã bảo với Chàng.

“Bức ảnh mà nhà ngươi nhìn thấy này là một bức tranh của sự cám dỗ và sa ngã”, một giọng nói vang lên. “Cái gì cấu thành nên Sự Sa Ngã? Nhà ngươi có hiểu bản chất của nó không?

“Cuộc sống thật tốt đẹp”, ta nói, “và thế giới thật tươi đẹp, và người đàn ông và phụ nữ này muốn tin vào thực tế của thế giới và của chính họ. Họ muốn quên đi sự phục vụ và nhận lấy từ thế giới những gì nó có thể cho họ. Vì vậy, họ đã phân biệt giữa họ và thế giới. Họ nói, “Chúng tôi ở đây, thế giới ở đằng kia.”. Và thế giới tách khỏi họ và trở thành thù địch.

“Đúng”, giọng nói lại cất lên, điều này là sự thật. “Sai lầm muôn đời của đàn ông là họ nhìn thấy là yêu. Thế nhưng Tình Yêu không phải là một sự sa ngã, nó là sự bay bổng trên vực thẳm. Và nếu bay càng cao, trái đất càng xuất hiện nhiều vẻ đẹp và quyến rũ hơn. Song lời khôn ngoan trườn bò trên mặt đất đã khuyến dụ tin tưởng vào trái đất và hiện tại. Đấy là Sự Cám Dỗ. Và đàn ông và đàn bà đã bị khuất phục. Họ rơi khỏi cõi vĩnh hằng và bị khuất phục trước thời gian và cái chết. Sự cân bằng đã bị xáo trộn. Thế giới thần tiên đã khép lại với họ. Yêu tinh, thủy thần, thiên thần và thần lùn trở nên vô hình.

Gương mặt của Chúa không còn để lộ chính mình cho họ nữa, và tất cả mọi thứ dường như bị đảo lộn.

“Sự Sa Ngã này, tội lỗi đầu tiên này của con người, lặp đi lặp lại vĩnh viễn, bởi vì con người tiếp tục tin vào sự tách biệt của mình và sống ở thì Hiện Tại. Và chỉ bằng cách chập nhận sự đau khổ lớn lao có thể, anh ta mới có thể tự giải thoát khỏi sự kiểm soát của thời gian và trở về cõi Vĩnh Hằng – rời bỏ Bóng Tối và quay trở lại Ánh Sáng.”

(trích dịch từ THE SYMBOLISM OF THE TAROT – P. D. OUSPENSKY)

August 12th 2021

Read Full Post »

Về Tarot


Bói bài tây là một trò chơi ngày dịch trong nhà. Song tìm kiếm ý nghĩa các biểu tượng để lý giải cho phép bài tây dùng để bói là một câu chuyện luôn hấp dẫn và khó khăn.

Bộ bài nhỏ này đã được rất nhiều vĩ nhân ngày đêm nghiền ngẫm, những con người mà nghe tên ta đã thấy rùng mình: Thánh Martin, Gichtel (thế kỷ XVII), Friedrich Nietzsche, M. Collins, Eliphas Levi, Dr. Papus, Plotinus,… Và P. D. Ouspensky khi nghiên cứu để viết cuốn THE SYMBOLISM OF THE TAROT đã sử dụng một khối kiến thức khổng lồ của tri thức Ai Cập học, Do Thái giáo, Giả kim thuật, Chiêm tinh học, Ma thuật, và đặc biệt dưới tiếp cận biểu tượng học đã đem đến nhiều thông tin kỳ thú và sâu xa dưới các hình vẽ trên các quân bài.

Vậy thì Tarot là gì? Nó là một học thuyết hay chỉ đơn thuần là một phương pháp? Nó là một hệ thống xác định hay chỉ đơn thuần là một bảng chữ cái mà bất kỳ hệ thống nào cũng có thể được xây dựng? Tóm lại, nó có phải là một cuốn sách chứa đựng những lời dạy cụ thể, hay nó chỉ đơn thuần là một bộ phương tiện, một cỗ máy mà chúng ta có thể sử dụng để xây dựng bất cứ thứ gì, thậm chí cả một vũ trụ mới.

Tác giả tin rằng Tarot có thể được sử dụng cho cả hai mục đích, tuy nhiên, nội dung của một cuốn sách có thể đọc xuôi hoặc ngược không thể được coi là, theo nghĩa thông thường, hoàn toàn chính xác. Nhưng có lẽ chúng ta tìm thấy trong chính tính vô định này của Tarot và trong sự phức tạp trong triết lý của nó, yếu tố tạo nên tính xác định của nó. Việc chúng ta đặt câu hỏi cho Tarot rằng liệu đó có phải là một phương pháp hay một học thuyết cho thấy giới hạn của ‘tâm trí ba chiều’ của chúng ta, vốn không thể vượt lên trên thế giới của hình thức và các vị trí đối lập hoặc để tự giải thoát khỏi luận điểm và phản đề! Đúng vậy, Tarot chứa đựng và diễn đạt bất kỳ học thuyết nào được tìm thấy trong ý thức của chúng ta, và theo nghĩa này, nó có tính xác định. Nó đại diện cho Tự nhiên trong tất cả sự phong phú của các khả năng vô hạn của nó, và ở đó cũng như trong Tự nhiên, không phải một mà là tất cả các ý nghĩa tiềm ẩn. Và những ý nghĩa này rất trôi chảy và luôn thay đổi, vì vậy Tarot không thể cụ thể là cái này cái kia, vì nó luôn chuyển động và luôn luôn giống nhau…

Trò chơi vẫn luôn ngầm chứa trong nó tư tưởng?

Saigon, một ngày mù mờ và hoang vắng

July 31st 2021

Read Full Post »


Chiều mùa dịch ngai ngái cái nắng hanh dở dang tịch lặng ơ hờ, bỗng nhiên nhận được cuốn sách của thầy Hoàng Dục, mọi thứ trở nên ấm nồng với những ký ức về chuyến đi về làng Kế Môn cách đây 26 năm về trước.

Làng Kế Môn nằm ở rìa bên kia của phá Tam Giang, một bên là sông Ô Lâu, một bên là biển. Nghĩa địa của làng nằm ở phía đông của làng là những cồn cát cổ ven biển mênh mông là cát, cây bụi gai và dương liễu nhỏ gân guốc. Kế Môn là quê hương của Nguyễn Lộ Trạch, là nơi nghề kim hoàn được cư dân của làng mang theo để phát triển ở Đà Nẵng, ở nhiều vùng phương Nam. Rượu Kế Môn trong vắt và cay xè trong những lần ngồi tán gẫu với người làng Kế Môn ở giữa Đà thành… Đó là những vệt nhớ nhỏ bé, thăm thẳm mà khó quên gắn với đia danh này. Và giờ đây chắc sẽ nối dài thêm với những con chữ của một người yêu làng qua cuốn sách ý nghĩa này. Cảm ơn thầy Hoàng Dục và cô đã luôn nhớ đến em.

July 30th 2021

Read Full Post »


“Enemies of Civilization”, một tác phẩm so sánh lịch sử và nhận thức văn hóa đã thảo luận cách nhìn về ”những người khác” trong ba nền văn minh cổ đại: Lưỡng Hà, Ai Cập và Trung Quốc. Mỗi nền văn minh là một nền văn hóa thống trị trên một phần của thế giới, và mỗi nền văn hóa đó đã phát triển một tâm thức coi mình là vượt trội về mặt văn hóa so với các nước láng giềng. Tác giả so sánh thái độ của những xã hội này đối với các nền văn hóa khác và tìm ra những điểm khác biệt cũng như tương đồng thể hiện sự tự nhận thức của mỗi xã hội.

Đáng chú ý, công trình này cho thấy trái ngược với sự phân biệt chủng tộc hiện đại dựa trên các đặc điểm sinh học, định kiến như vậy không tồn tại trong các xã hội cổ đại này. Chính văn hóa chứ không phải bản chất sinh học mới là tiêu chí quan trọng nhất để phân biệt chúng ta với những người khác. Bằng cách xem xét cách thức các xã hội hình thành định kiến của họ, cuốn sách này đã phá vỡ nền tảng mới trong nghiên cứu lịch sử cổ đại và mở ra những cách nhìn mới về xã hội loài người, cả cổ đại lẫn hiện đại.

July 28th 2021

Read Full Post »

Tự chủ đại học


Magna Charta Universitatum 1988 thường được gọi là Tuyên bố Magna về tự chủ đại học chứa đựng các nguyên tắc về tự do học thuật và tự chủ về thể chế như một kim chỉ nam cho việc quản trị các trường đại học trong tương lai.

Năm 2020 tinh thần Magna Charta Universitatum được mở rộng xem xét và vẫn giữ nguyên các giá trị cơ bản ban đầu, song thừa nhận bản chất toàn cầu của nó.

Bộ chỉ số tự chủ đại học bao gồm các tiêu chí đánh giá về các vấn đề cụ thể:

– Quyền tự chủ về tổ chức (bao gồm cơ cấu học thuật và hành chính, lãnh đạo và quản trị);

– Tự chủ tài chính (bao gồm khả năng gây quỹ, sở hữu bất động sản, vay vốn và quyết định mức thu học phí);

– Tự chủ về nhân sự (bao gồm khả năng tuyển dụng độc lập, thúc đẩy và phát triển đội ngũ học thuật và phi học thuật);

– Tự chủ về học thuật (bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu, số lượng sinh viên, lựa chọn sinh viên cũng như cấu trúc và nội dung của bằng cấp).

Nhìn vào bảng chỉ số này, tinh thần tự chủ của đại học Việt Nam chỉ dừng ở trên cửa miệng của các nhà chính trị hơn là thực chất.

Giáo dục đại học VN thời hậu chiến vẫn như con ngựa già bịt mắt đi trên độc đạo để hướng tới các mục tiêu chính trị trong một không gian tự trị khép kín.

Vấn đề cơ bản của nó không phải là học phí như ông Nhạ hay ông Quân nói xàm mà chính là tư tưởng, triết lý tổ chức quàn trị và hành động của nó. Không có nhận thức đầy đủ và văn minh mang tính thời đại thì nó vẫn còn phải mặc tấm áo vá chằng vá đụp lịch sử của nó mà thôi…

July 26th 2021

Read Full Post »


Hai nhận thức về dân trí Việt Nam và câu hỏi cho buổi sáng nay: Dân trí Việt Nam cao hay thấp?

Khi tổng kết thành tựu ở các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, chính trị… thì tất cả các văn bản chính trị và phát biểu từ các quan chức của hệ thống công quyền cho rằng VN đã đạt nhiều thắng lợi to lớn… và dân trí rất cao.

Thế nhưng khi có người hoặc một tổ chức dân sự đề nghị trưng cầu dân ý, nêu ý kiến cải cách, cải tổ bộ máy, xây dựng luật pháp hay tăng cường giám sát hoạt động hành pháp của bộ máy nhà nước… thì một số quan chức lại cho rằng trình độ dân trí còn thấp, chưa thể tiến hành được?!

Vậy dân trí con dân xứ Việt cao hay thấp? Xin để mỗi công dân nước Việt tự trả lời…

Mỗ tui thì từ phân vân vấn đề dân trí này thì lại chỉ quan tâm đến vấn đề quan trí.

July 19th 2021

Read Full Post »


Không người nào thực sự biết rõ ràng.

Một giả thuyết cho rằng nó được liên kết với từ tiếng Hy Lạp katadoupoi, có nghĩa là bệnh đục thủy tinh thể. Một liên hệ khác từ văn hóa dân gian Bắc Âu, trong đó mèo được cho là có thể ảnh hưởng đến thời tiết và chó có liên quan đến các cơn bão. Thứ ba là, trong những ngày mà hệ thống thoát nước đường phố rất kém hiệu quả, những con vật nhỏ mắc phải trận mưa như trút nước đã dễ dàng chết đuối. Sau cơn mưa, người ta thấy xác chúng nằm la liệt như thể chúng từ trên trời rơi xuống(?)

Cụm từ cố định này được ghi nhận là Jonathan Swift sử dụng lần đầu tiên vào năm 1738. Song gần một thế kỷ trước đó Richard Brome đã sử dụng cụm từ ‘rain dogs and polecats’ trong vở kịch The City Witt của mình. Nếu đây là phiên bản gốc thì không giả thuyết nào ở trên thực sự liên hệ với nước, nếu bạn bỏ qua cho cách chơi chữ. Tuy nhiên, Brome có thể đã sử dụng một biến thể hài hước của một cụm từ đã quen thuộc với ông ấy và khán giả của ông ấy.

July 25th 2021

Read Full Post »

“Gone baby gone”


“Gone baby gone” (tên một bộ film Mỹ) ám ảnh thực sự…

Chuyện một cô bé mất tích ở một xó nghèo của Mỹ nhưng đã xới lên bao nhiêu vấn nạn ở một xã hội hiện đại, nơi sự tàn bạo và lòng trắc ẩn đan cài chồng chéo lên nhau và đẩy mọi thứ lớn lao như công lý, tình thân, tình yêu, lòng cao thượng, bổn phận, nhân tính trở nên mong manh và bất định…

Con người như là những ốc đảo, liền lạc tạm bợ và dễ dàng trôi dạt vô phương trên mặt đất trống rỗng. Kết cục film là một chàng trai vừa anh hùng vừa như là một nạn nhân ngồi bên một đứa trẻ bao quanh cơ man là búp bê và chiếc TV với film hoạt hình trước mặt, mà không biết đời sẽ trôi về đâu…

Như đêm mất ngủ, như ngày lơ mơ, ta dường như cũng bị bao quanh bởi màn sương khói dày đặc từ những ý nghĩ vô hướng, những dự tính không đoán được cho một buổi sáng mai chắc không thể có được sự lành lặn bao giờ..

Saigon, March 20th 2020

Read Full Post »

Older Posts »