Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Hai, 2018


Văn chương một thời đã từng là một tình nhân tưởng chừng không thể buông bỏ được mà vẫn bỏ, bỗng nhiên nay có người quyến dụ rằng đừng bỏ anh ơi, nên giờ cứ giữa những trang kinh luận mệt mỏi thì cứ với lấy nó mà gặp lại…

Tối đọc Con mắt có đuôi của Mặc Đỗ in trong tạp chí Hiện đại số 2, ra tháng 5-1960 do Nguyên Sa chủ trương, bỗng nhớ Phan Khôi với thi phẩm Tình già và tự hỏi vài điều.

2436075030_10e3528451_b

Tại sao Tình già (một bài thơ đọc cảm thấy không hay !) lại được các nhà nghiên cứu chọn là tác phẩm mở đầu cho Phong trào Thơ Mới ? Tình già đã mang trong mình những điều gì về nội dung, về tư tưởng, về cấu trúc, về đặc trưng thi pháp… để nó có vinh dự được xem là phát pháo hiệu cho một nền thơ quan trọng như vậy ?

Và nó đã tiếp bước những yếu tố truyền thống trước đó ở đâu, thay đổi và hiện đại hóa thơ ở đâu ? Từ “con mắt có đuôi” trong folklore xứ Việt đến Tình già Phan Khôi rồi Mặc Đỗ, rõ ràng đã có một tiến trình phát triển lâu dài, vậy Tình già đã có những phẩm tính gì để định vị nó trên dòng chảy lịch sử ấy !

Đấy là câu chuyện nghiên cứu nhìn từ nội tại của thơ !

Còn một hướng nhận thức khác bên ngoài thơ (ngoại diên) là thời điểm ra đời, nơi xuất hiện, không gian văn hóa… cũng cần phải “tra khảo” kỹ lưỡng. Tình già in trên Phụ nữ tân văn số 122, ra ngày 10-3-1932, một tờ báo ở phương Nam nhưng lại được bạn đọc cả ba kỳ (Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ) đều chú ý. Tại sao lại như vậy ?

Các nghiên cứu về bài thơ đặc biệt này cho đến nay vẫn còn nói chung chung, và dường như chưa khảo nghiệm tới đầu tới đuôi !

Tiếp cận thi phẩm này chắc chắn phải xuất phát từ một lý thuyết khác, chẳng hạn từ ký hiệu học văn hóa thì may ra mới nhận thấy được hết giá trị của nó. “Con mắt có đuôi” không chỉ nhìn nhận như là một hình ảnh thơ mà còn là một biểu tượng văn hóa, một symbol của thời đại, nơi nó đã kết tập yếu tố truyền thống và có phẩm chất đương đại để gợi dẫn, chỉ đường và khai mở cho một nền thơ hiện đại sau đó. Chỉ có thể như vậy may ra mới nhìn thấy con mắt thực của Tình già !

Không còn quỹ thời gian để đi theo cố nhân, và cũng không còn sức lực để yêu người mãi mãi… Sức tàn lực kiệt, đêm khuya cạn dầu, tình đà vắng lặng, thôi đành ngó nhau, Phan Khôi chàng hỡi có hay !

 

Read Full Post »

Dalat về


Dalat những năm cuối tk XX vẫn còn đầy tiếng thông reo vào chiều, buổi sáng nằm nghe gà gáy và chim hót giữa phố, những vệt đất đỏ bazan nương rẫy còn kéo vào in dấu trên những con dốc xiêu vẹo đầy hoa ven đường. Thông bao quanh và sương mù lãng đãng giữa ngày đông làm Dalat tinh khiết và mơ màng thành ra tiếng chuông nhà thờ trở nên lanh lảnh ngân vang tròn tiếng giữa trời đất cao nguyên. Còn nay Dalat mất hết cái duyên thầm ngày quá vãng. Nàng đã là một người đàn bà hết thời hơ hớ cái nhan sắc cố che đi cái tàn phai lồ lộ và biểu dương những nét xuân thì đã cũ. Những con phố chen dày lô nhô nhà ống. Những ngọn đồi phủ đầy nhà cửa, những con đường bớt quanh có và không còn hoa dại ven đường. Những cô gái trẳng trẻo chân ngắn ít đi. Những giọng nói bản địa phương Nam thưa vắng hơn những lanh canh xứ Đàng Ngoài. Phố Dalat sạch hơn và đẹp hơn trong khuôn hình máy ảnh. Nhưng đó là cái đẹp của một người đàn bà dùng chì màu son phấn ấn lên những nét thẳng đậm và tô rõ hơn má hồng, da dẻ. Dalat đầu tk XXI như vậy trong tôi sáng nay. Và Dalat ngày mai chẳng biết sẽ ra sao ?

Dalat, ngày 29/11/2015

Read Full Post »


Hôm rồi đi ăn bún chả cá Đà Nẵng ở đường Lê Hồng Phong, vừa dắt xe tới bắt gặp ngay một giọng Bắc bảo dắt xe vào trong kia (để giữ) đã khiến mình chột dạ. Về Hội An, loanh quanh vài chỗ, thấy loáng thoáng giọng bắc đã ngờ ngợ… Tối ngồi chơi với họ Phùng còn biết thêm hiện một số nhà cổ Hội An được dân Bắc hà lắm tiền vào mua và nắm giữ quyền tự quản…

Hôm trước ngồi giữa Saigon với một cô học trò là phóng viên, bất giác hỏi Hội An bây chứ ra răng, thì được nghe một giọng chán chường: Hội An giờ thay đổi lắm thầy. Thay đổi hiển nhiên rồi, khi mà làn sóng du lịch phát triển đem theo những nền văn hóa khác, với những đồng tiền mạnh bạo hơn thì nó phải vậy. Nhưng mình chỉ nghĩ chung chung là Hội An phải thay đổi thôi, không thể khác, những thay đổi hiển nhiên khi hội nhập và đô thị hóa mạnh mẽ…. Còn phố Hội vẫn nguyên đó, trầm lắng với những mắt cửa mở to đón khách một cách trìu mến. Còn đó, một Hội An an nhiên như những nốt nhạc boston rải đều trên nhiều con phố hẹp đầy vẻ đẹp quá vãng. Còn đó, một dòng sông Hoài êm đềm chảy về biển mỗi ngày để khi trở về ta như sống lại một hoài cảm tươi đẹp đã qua. Còn đó những người con phố Hội giàu tình nghĩa và trầm ấm một giọng dễ nghe…

Bao nhiêu năm rồi, cứ hằng năm, trong khi lòng đã thừa thải sự ồn ào và phù phiếm, mình đã luôn quay lại Hội An, để uống một ly cafe đen, ngồi bên một con phố, và nghe người Hội An nói, để lấp đầy lại sự yêu mến trầm lặng, thay bỏ đi cái hư ảo, phù phiếm vốn đầy trong lòng của một kẻ du canh du cư giữa phố…

Nhưng Hội An giờ đã không còn như vậy. Chiều ngồi trên bờ đá trước Quảng trường Trung tâm nhìn qua bên kia. An Hội không còn một bóng cây vườn, chỉ thấy dãy phố giả cổ xô nghiêng trong trời chiều một cách trơ trụi. Đám cỏ trên đất bồi ùn lên giữa dòng chảy. Nước sông rút đi để trơ lại đám rác xộc lên chút mùi phố thị quen thuộc. An Hội của ngày xưa đã không còn. Phố Hội nhìn quanh đã tràn ngập người, người với người chen chúc lô nhô khi trời đã chang vạng….

Hội An đã biến đổi, và chắc sẽ biến đổi với một gia tốc lớn khi mà chủ nhân của nhà cổ, của một số con phố cổ giờ là của người khác. Linh hồn của những con phố phải là của người Hội An, những con người đã lặng lẽ nâng niu và mến yêu gìn giữ mỗi ngày qua mấy trăm năm chiến tranh. Hội An không thể thay đi những dòng máu của những kẻ khác… Khi mà phố cổ, nhà cổ bị “rút ruột” văn hóa, Hôi An se bị rơi vào trạng thái đứt gãy văn hóa và hiển nhiên Hội An sẽ bị biến dạng hoàn toàn….

Thật bi hài khi ta ngồi ở phố cổ Hà Nội ăn bún đậu mắm tôm của người miền Tây chế biến. Và cũng vậy, sẽ rất nhiều cay đắng khi ta về phố Hội, ngồi ăn cao lầu, bánh tráng đập lại phải nghe những giọng lanh canh của xứ Bắc vừa dọn món vừa thu tiền ? Hội An lúc ấy sẽ mất đi ngay trong lòng ta ?

(Viết nhân ngày hoàn thành một kịch bản lễ hội Hội An)

Read Full Post »


Bữa trưa với những món Saigon không có: cá nục kho, dưa gang trộn muối đậu, sắn ghế cơm, cá đù chiên giòn… nghe rất thấm. Bữa cơm đậm đà thêm chuyện hàng xóm, anh em, cháu con với me và mấy đứa em về chơi. Tiện hỏi: thằng cu ra trường thì tính sao ? Tiện kể: đứa con cô bạn ở Đà Nẵng xin được đi dạy phải mất 200 triệu. Đứa em nói vậy là rẻ đó anh, phải 300 kia. Và nó hỏi vậy là hợp đồng hay biên chế ? Mình nghe ù tai và nói không rõ. Chỉ biết đù má sao bọn quản lý giáo dục ăn chi mà cạn nước cạn cái, hết lá hết cùi như dzậy… Bọn lấy tiền người ta thất đức như vậy mà sao nó đi dạy, nó xếp loại thi đua người khác, nó dạy đời người ta ?!

Mình hỏi: vậy thì bao giờ mới lấy lại được đủ 300. Hai vợ chồng đứa em là giáo viên ngấp nghé sổ hưu cười móm miệng: thì coi như mình bỏ tiền ra nuôi thêm nó, để nó có việc làm anh nờ…

Mả cha bọn lấy tiền con của thầy cô: ky cóp cả đời đi dạy, trốn chui trốn nhủi dạy thêm, để kiếm chút ít nuôi con ăn học rồi cho nó đi dạy, là để nuôi nó, còn nó đi dạy nuôi ai ? Chả lẽ nuôi bọn chó quản lý này ? Lại chả hiểu mô tê gì về xứ sở mà ta đang sinh tồn này… Là cõi người hay cõi ma ?

Bọn nó học tập tấm gương của thằng nào đây ?

Ông thầy từ Saigon nhắc nhở miền Trung phải canh chừng, đừng lơ là bão tháng chín tháng mười. Trời âm u chực chờ mưa đổ xuống. Bão lũ và cay đắng mỗi ngày thầy ơi ! Lũ khốn nạn đã dâng ngập người xứ Việt ! Bão trong lòng đã chất chứa bao ngày rồi ! Bão của thầy nhắc từ biển vào cũng không e ngại chi ! Bão của em và của bao người dân khốn khổ mới kinh hoàng và không lường được đây ?!

Me nhắc: mi đừng ngồi ra đó bấm bấm chi. Ra dọn Phật đường và thắp nhang giùm ba !

Lũ gà rừng nhảy ào lên mấy ngọn cây gáy ầm ĩ vì người lạ. Miền quê không yên tĩnh chút nào !

Read Full Post »