Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Bảy, 2017


Hôm qua đi đổi tấm căn cước và nhận được tấm giấy hẹn của công an quận đúng 2 tháng sau quay lại lấy tấm căn cước đã đổi này. Về nhà, nghe loạn xà ngầu về “cách mạng” công nghiệp 4.0…

Hai tháng để công dân có một tấm căn cước đi đổi. Hai tháng là khoảng 60 ngày. 60 ngày đủ để làm nên chiến dịch Điên Biên Phủ ngày xửa ngày xưa. 60 ngày công dân ra đường sẽ không có một tấm giấy thông hành, và hiển nhiên gần như không làm được gì liên quan đến công quyền và xã hội này. Coi như 60 ngày hiển nhiên gần như mất quyền công dân rồi !?

Rõ ràng ta thức cả đêm để nghĩ điều duy nhất nhỏ nhoi về tấm giấy công dân này: Tấm căn cước này phải “chế tạo” bằng cách gì, bằng thứ gì khó đến mức để chính quyền kiến tạo hô hào cách mạng 4.0 lại mất hai tháng mới làm xong ?

Một câu hỏi nhỏ nhưng có thể là “thiên nan vấn” ở xứ sở này. Như hàng vạn “nan vấn” bi hài khác đã thải loại ra trong xã hội sắp làm cách mạng 4.0 này.

cach_mang_40

Hồi còn đi dạy ở một trường cấp 3, một thầy giáo dạy tin học giải thích lý do không thể tin học hóa trong trường học, nhất là việc làm sổ điểm điện tử cho học sinh là: nếu trường minh bạch hóa hết mọi thứ thì sẽ rất khó để ban giám hiệu thực hiện lách điểm và các cắc cớ ưu tiên khác cho con em mấy người bên ủy ban ?!

Cải cách hành chính ở các bộ, ngành, mọi cơ quan đều vấp phải những barie vô minh kiểu như vậy dựng lên…

Xà quần liên tiếp công án nghi vấn này thì sẽ hiểu ra một điều: cách mạng công nghiệp 4.0 hay n.0 gì đi nữa mà với hệ thống nhân lực 1.0 do giai cấp công nông lãnh đạo thì chịu. Vì lúc ấy chỉ x. cơm là quan trọng thôi.

Cầm tờ giấy hẹn ra quán nước với đầy vẻ ngao ngán trước cổng, bà chủ quán dạy cho rằng: chú thêm chút tiền thì có người làm cho nhanh thôi mà ?!

Bài học “vô giá” của bà công dân hàng nước nhắc nhở để nhớ ra chân lý triết học của ông Mác nói từ thế kỷ XIX: vật chất có trước, ý thức có sau; vật chất quyết định ý thức. Lịch sử và những tư tưởng có từ thế kỷ công nghiệp cơ khí vẫn còn đang vận hành kia mà.

Bởi vậy công dân yên tâm ra về, kiên nhẫn sống với 2 tháng không có quyền công dân, nhìn lên trời để lạc quan thấy những làn mây trắng đục in hình cách mạng 4.0 mơ hồ khắc khoải một nỗi tuyệt vọng vô danh…

Saigon, một ngày buồn bã quen thuộc năm Đinh Dậu.

Read Full Post »


Nếu tôi là người cộng sản đích thực, hiển nhiên tôi cũng sẽ không cho lưu hành tác phẩm hồi ký giàu giá trị lịch sử này.

Vì nó nói rất đúng, rất trúng về bản chất cách thức vận hành xã hội theo cách của người cộng sản. Và đến nay, sau gần 7 thập kỷ sau khi cuốn sách được viết, những trang hồi ký vẫn sống động như bây chừ, thậm chí có nhiều “hình tượng” thực tế mấy bữa rày điển hình và minh chứng rõ điều Cụ Trần Trọng Kim viết.

“Lúc ấy (tức sau ngày ký Hiệp ước 6/3/1946) cái nếp cai trị cũ đã bỏ hết, ở các nơi đều có Nhân dân Uỷ ban làm việc. Những Uỷ viên trong những uỷ ban ấy phần nhiều là những người vô học thường là thợ thuyền hay phu phen, được khi có quyền trong tay làm lắm điều tàn ngược, bắt người lấy của, giết hại những người không theo đảng họ, hay vì tư thù tư oán chém giết một cách tàn nhẫn. Ai có dị nghị điều gì, thì cho là phản động, là Việt gian, bị bắt bớ, đánh đập tàn nhẫn, đâu đâu cũng náo động cả lên. Ai cũng tự hỏi rằng: nếu như thế này mãi thì nhân dân sống làm sao ?” (trang 128-129).

19601492_10155065296363929_4229743797333708602_n

Ngồi đọc “Một cơn gió bụi” (Lệ Thần Trần Trọng Kim) giữa môt buổi trưa nắng gắt và cảm thấy lịch sử mấy mươi năm vẫn oi nồng, oi nồng như chiếc quần đỏ của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mặc ra toà án bữa hôm rồi !

Saigon, ngày 5/7/2017

Read Full Post »