Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Hai, 2023


Dân Sài Gòn xưa dường như có thị giác rất mạnh (so với thính giác), cùng với phẩm chất không màu mè hoa hòe hoa sói như dân Bắc, dân Trung, nên họ đặt tên cho các thiết chế, các địa danh… trên đất Sài Gòn rất ngộ. Mà đúng là dzậy, không ngộ thì không phải là Saigonese rồi. Vì thế ta vẫn nghe, cầu chữ Y, chữ U, kinh Tàu Hủ, Kinh Chợ Vải, sông Bến Nghé, đường Lò Heo, ngả năm Chuồng Chó…

Nghe vậy, người Sài Gòn buông lời: Ngộ héng! Và đệ danh “ngộ” nhứt Sài thành chắc có lẽ là cầu Ba Cẳng.

Cầu này đã có nhiều tên khác nhau tùy theo từng thời: cầu Khâm Sai, cầu Ba Miệng, cầu Ba Chưn…

Người Sài Gòn gọi như vậy là vì cầu có 3 cẳng thiệt: một cẳng đi xuống đường Yunnan (âm gọi tên địa danh Vân Nam, sau 1955 đường đặt lại tên là Vạn Tượng), còn hai cẳng kia thì bắc qua hai con đường hai bên rạch Bãi Sậy, bên trái xuống bến Bãi Sậy, bên phải xuống bến Nguyễn Văn Thành nơi đầu đường Cambodge (sau 1955 được đổi thành đường Kim Biên).

Thực ra Cầu Ba Cẳng cũng có tên Tây đàng hoàng là Pont des 3 Arches. Cầu được xây cất bởi một bởi Công ty Pháp danh tiếng là Brossard et Mopin. Đây cũng chính là công ty đã xây chợ Bến Thành vào năm 1914. Nhà báo Nguyễn Văn Sâm và nhà bên vợ (em gái ông Trương Văn Bền) bỏ tiền đứng ra xây cầu này.

Cầu ở đầu đoạn rạch Bãi Sậy, nay lấp thành đường Bãi Sậy và Phạm Văn Khoẻ (quận 6). Cầu Ba Cẳng nằm ở khúc rẽ phải ra kênh Tàu Hủ, hai chân nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành và chân kia ở bến Vạn Tượng. Đoạn cuối rạch này vẫn chưa lấp, và cầu tồn tại đến năm 1990 thì bị sập.

Ngày nay rạch Bãi Sậy hầu như đã bị lấp hoàn toàn và thành đường Bãi Sậy, cầu Ba Cẳng cũng không còn nữa.

Cầu Ba Cẳng cũng chỉ là một cây cầu bình thường và chẳng có mấy quan trọng so với hàng chục cây cầu khác ở thành phố Viễn Đông kênh rạch chằng chịt như Sài Gòn. Thế nhưng nó đã trở thành một phần của lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn xưa, vang danh với cái tên nghe thật ngộ, và lại đi vào văn chương qua tác phẩm “Dân chơi cầu Ba Cẳng” của nhà văn Trương Đạm Thủy.

TUỆ LÃNG

Read Full Post »


Bóng đá Việt Nam Cộng hòa đã từng làm mưa làm gió trong những cuộc tranh tài tại Đông Nam Á và châu Á. Năm 1959, đội tuyển Việt Nam Công hòa đoạt Huy chương Vàng SEAP Games 1959. Sở dĩ có được thành tích này vì thời đó Sài Gòn đã có phong trào đá bóng phát triển rộng khắp. Đi cùng phong trào là một hệ thống sân cỏ đã được xây dựng khắp Sài Gòn – Gia Định thời đó.

Sân bóng tròn đủ tiêu chuẩn đầu tiên tại Đông Dương được xây dựng năm 1906 bởi câu lạc bộ Cercle Sportif Saigonnais (CSS) trong khuôn viên Jardin de la Ville (Parc Maurice Long – vườn Bờ Rô) cùng một lúc với hai sân quần vợt và vòng đua điền kinh (thay thế vòng đua xe đạp có trước – Vélodrome). Sân này sau gọi là sân Tao Đàn.

Trước 1954, có thêm sân Citadelle (nay là Hoa Lư), sân Rénault (trước gọi là Cộng Hòa, nay là Thống Nhất).

Trước 1975, Sài Gòn và vùng phụ cận Gia Định có khoảng 12 sân bóng tròn: Tao Đàn, Cộng Hoà, Hoa Lư, Quân Độị (Tổng Tham Mưu), Mayer (Hiền Vương), Lam Sơn (Pétrus Ký), Lê Văn Duyệt (Gò Vấp), Chí Hoà (Hòa Hưng), Nguyễn Văn Học (Viện Ung thư Gia Định), Marine, Saigon Sport và Phú De (còn gọi là sân Lò heo (Fourrière).

Các sân Tao Đàn, sân Citadelle (nay Hoa Lư), sân Cộng hòa (nay là Thống Nhất) vẫn còn và đang sử dụng.

Sân vận động Lam Sơn đã thu hẹp lại nhưng vẫn còn tại địa chỉ 320 Trần Bình Trọng (Quận 5).

Sân Quân Đội nằm phía sau cổng chánh vào Tổng Tham Mưu quân đội Việt Nam Công hòa nằm trên đường Võ Tánh (nay là đường Hoàng Văn Thụ) hiện vẫn còn sử dụng và mang Sân vận động Quân khu 7.

Sân Nguyễn Văn Học xưa ở trong khu Viện Ung thư, nằm sát bên bệnh viện Nguyễn Văn Học (sau đổi tên thành Bệnh viện Gia Định) chỉ đến khoảng giữa thập niên 1960s, do bị bị trưng dụng làm bệnh viện.

Sân Fourrière nằm phía trước Lăng Tả Quân Lê Văn Duyêt, nơi có khoảng đất trống, thời Pháp gọi là Phú De (do tiếng Pháp fourrière là nhà kho, chỗ nhốt chó, hoặc bò vô chủ), sau làm sân tập thể thao cho lính mã tà (tiếng Pháp là matraque, chỉ cảnh sát). Sân này cũng là nơi “luyện công” cuả đội bóng nổi tiếng lâu dài nhất trong lịch sử bóng đá của Sài Gòn, đội bóng Ngôi Sao Gia Định.

Các sân Mayer (đường Hiền Vương, nay là Võ Thị Sáu), sân Marine nằm cạnh nhà thương St Paul (nay là Bệnh viện Mắt TP.HCM), sân Saigon Sport nằm cạnh Trường Gia Long (này là THPT Nguyễn Thị Minh Khai), sân Chí Hòa gần khám Chí Hòa, sân Lê Văn Duyệt (đường Trung Dũng, nay là Nguyên Hồng) hiện không còn nữa.

TUỆ LÃNG

Read Full Post »


Khi đăng bộ với tư cách một quốc gia tại Liên hiệp quốc, một quốc gia phải xác định 5 trụ cột cơ bản như sau: 1) Bộ quốc hiệu-quốc kỳ-quốc ca-quốc huy; 2) Lãnh thổ (giáp giới với các quốc gia lân cận); 3) Chủ thể (các dân tộc tồn tại trong quốc gia); 4) Văn hóa (bản sắc) và lịch sử; và 5) Ngôn ngữ (sử dụng chính thức).

Vì lẽ ấy, xung quanh Dinh Độc Lập (nay có tên là Dinh Thống Nhất), trái tim của thủ đô quốc gia Việt Nam Cộng hòa và thành phố Sài Gòn, đã châu tuần các con đường phản chiếu các tinh thần trụ cột ấy.

Dinh Độc Lập cùng với đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẫn) đã khẳng định 3 mục tiêu quan trọng của chính thể: Độc Lập – Công Lý – Thống Nhất.

Bên trái Dinh Độc Lập là đường Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc được xem là đại diện cho văn hóa Việt Nam. Bên phải Dinh Độc Lập là đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Hồng Thập Tự (nay được gọi là Chữ Thập Đỏ) là tên gọi Hán-Việt của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC – International Committee of the Red) được thành lập năm 1863. Đây là tổ chức nhân đạo lâu đời nhất, lớn nhất trên thế giới hoạt động với mục đích bảo vệ sự sống và sức khỏe con người, giúp đỡ những người bị thương trong các cuộc xung đột vũ trang, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giai cấp hay quan điểm chính trị. Hai con đường này phản chiếu tinh thần hòa hợp văn hóa dân tộc và các giá trị phổ quát của nhân loại của quốc gia Việt Nam Cộng hòa.

Sau Dinh Độc Lập là con đường Huyền Trân Công Chúa, con đường mang tên của một người phụ nữ đã có công rất lớn trong sự nghiệp Nam tiến thuở ban đầu, để từ đó lãnh thổ phương Nam của Tổ quốc đã được mở rộng cho đến mũi Cà Mau.

Trước Dinh Độc Lập là hai con đường: đường Hàn Thuyên (bên phải) và đường Alexandre de Rhodes (bên trái) chạy song song với con đường chính, đường Thống Nhất. Đấy là những con đường văn tự của Sài Gòn, với hai đai diện tiêu biểu: một chữ Nôm và một chữ Quốc ngữ.

Đường Hàn Thuyên thời Pháp thuộc, khoảng 1871 có tên là đường Hồng Kông. Đến ngày 24-2-1897 nó đổi là đường Amiral Page. Từ ngày 22-3-1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đường Hàn Thuyên, và tên gọi đó được giữ lại cho đến nay.

Hàn Thuyên (1229-?) có tên thật là Nguyễn Thuyên. Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định rõ quê gốc của ông, song nhiều người cho rằng ông người làng Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Ông đỗ Tiến sĩ năm 1247 và làm quan tới chức Thượng thư Bộ Hình dưới thời Trần Nhân Tông. Ông là người nổi tiếng với giai thoại viết bài Văn tế cá sấu để trừ cá sấu ở sông Hồng và giỏi thơ Nôm. Ông là người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm, nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn luật. Ông được xem là người phát triển và phổ biến chữ Nôm của Việt Nam. Song song với chữ Hán, chữ Nôm trở thành một phương tiện quan trọng trong đời sống trước tác của tầng lớp trí thức, biểu thị cho lòng yêu văn hóa, tiếng Việt và tinh thần duy trì phẩm tính Việt trong suốt chiều dài lịch sử của quốc gia Việt Nam trong giới trí thức dân tộc.

Còn về đường Alexandre de Rhodes, thực ra, thời Pháp thuộc, từ ngày 2-6-1871, đường này có tên là Rue de Paracels (đường Hoàng Sa). Đến ngày 16-10-1871 đổi lại là đường Colombert. Từ ngày 22-3-1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đường Alexandre de Rhodes. Đến ngày 4-4-1985 chính quyền mới lại đổi tên là đường Thái Văn Lung. Tuy nhiên, may mắn thay, đến nay Alexandre de Rhodes đã lấy lại tên cho con đường này.

Alexandre de Rhodes (1591-1660) là một nhà truyền giáo Dòng Tên và một nhà ngôn ngữ học người Pháp. Ông đã góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá Công giáo tại Việt Nam và hình thành chữ Quốc ngữ. Dù ông thừa hưởng những kết quả nghiên cứu và thực hành tiếng Việt của nhiều giáo sĩ trước ông để hệ thống hóa và xây dựng bộ chữ Quốc ngữ tương đối hoàn chỉnh cho người Việt Nam, song với hai tác phẩm ông biên soạn là Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt–Bồ–La), và Catechismus (Phép giảng tám ngày) bằng chữ Quốc ngữ lần đầu được xuất bản tại Roma vào năm 1651 đã khiến người Việt nhiều thế hệ xem ông là người có công lớn nhất trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, một bộ chữ viết hiện được sử dụng chính thức tại Việt Nam.

Việc đặt tên đường có ý nghĩa rất quan trọng, vì để lưu giữ những giá trị truyền thống, gợi nhắc di sản tổ tiên để thế hệ sau tri ân, tiếp bước học tập và hành động. Tiếc là, hình như những người nắm giữ quyền lực trong chính quyền mới đã không có những nhận thức sơ học yếu lược như dzậy để rồi sau 1975, họ bỏ, thay, hoặc đặt tên đường một cách tùy tiện (?!).

TUỆ LÃNG

Read Full Post »