Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Mười Hai, 2014


Ngày Nhà giáo 20/11 năm nay là ngày rất đặc biệt trong đời đi dạy của mình. Sau khi kết thúc chương trình giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành du lịch thuộc Khoa Văn hóa nghệ thuật – Trường Đại học An Giang, mình được các đồng nghiệp mời tham gia chuyến du lịch thực tập tại tỉnh Kép và tỉnh Kampot, hai tỉnh nhỏ nằm khuất về phía đông nam của Cambodia. Chuyến đi để lại nhiều thú vị với nhiều kỷ niệm khó quên…

Ghi chép từ Kampot: từ một ngôi miếu nhỏ

Cách quốc lộ đi từ Kampot về Sihanoukville, khoảng 5km về phía tây, trên đường lên đỉnh Bokor (người Việt gọi là Tà Lơn) có một ngôi miếu Khmer nhỏ. Nói miếu Khmer vì kết cấu, các biểu tượng gắn với miếu thuộc về văn hóa Khmer. Tại đây khi ghé thăm, tôi rất ngạc nhiên thấy dân bản địa thờ một vị nữ thần, có khuôn mặt dài, buồn, tai nhỏ, và không rõ niên đại, không rõ dân tộc nào, về mặt nhân trắc, thì thấy không giống người Khmer bản địa chút nào, mình khoác lỏng một mảnh vải nhiều màu nên không nhìn rõ phía trong. Trước mặt bà là một bát hương, và đặc biệt là có đến 6 cái linga, có 4 cái dựng đứng, nhờ đó mà tôi thấy ngay lập tức, 2 cái bằng gỗ nằm dưới bên trong mà thấy nghi nghi tôi đã lục ra thì thấy đúng là nó như vậy. Tôi cũng thấy mấy cái hình trụ đầu hình nón bằng giấy, có đường kính khoảng 4 – 6cm, có lông giấy tua tủa màu vàng bày nằm trên mặt bệ thờ. Không biết nó là cái gì, hay là cái yoni ?

Trong 6 cái linga, có 5 cái bằng gỗ, 1 cái màu đen bóng, 4 cái màu vàng, đúc rất giống thật, một cái thì có 2 quả là hai cái bánh xe kèm theo, trông rất ngộ nghĩnh, tôi cố dựng đứng nó lên thì nó vẫn cứ nằm ệt xuống vì không có điểm tựa từ phía gốc. Cái lingga bằng đá được mài đẽo rất đẹp, cao khoảng 25 – 30cm, như thật, thật đến nỗi mấy cô mạnh mẽ nhìn cũng đỏ mặt… Như vậy ngay vùng Kampot dưới chân Bokor này, tín ngưỡng phồn thực có mặt rất rõ và hiện hữu ngay cả đến bây giờ. Tôi để ý thấy cái miếu thờ mới, các tượng linga đều mới.

Lúc tôi tới đó là vào cuối buổi chiều, thấy cạnh sau miếu thờ, các bạn trẻ đang chơi đá bóng trên một khoảng đất rộng, phía sau là nhà của dân hay là cái gì thì không rõ, vì đi vội nên tôi không thể ra phía đó… Trong lòng cứ nghĩ có thể đó là một khoảnh đất công cộng có thiết chế công cộng (giống đình làng người Việt) của người Khmer chăng ? Ngôi miếu nằm sát bên vệ đường…

Buổi sáng tôi chạy bộ sau các khoảng đồi đang xây dựng khu Thansur Bokor Resort, cũng bên vệ đường, trong một hốc đá, tôi thấy có một bàn thờ nhỏ có lư hương… Lại nghĩ không biết có phải đây là kiểu thờ phồn thực của cư dân Đông Nam Á cổ không ? Lại nhớ đến Batu Cave ở Malaysia cũng có tục thờ phồn thực như vậy… Lại nghĩ như vậy tín ngưỡng phồn thực có phải là của riêng ở Việt Nam như nhiều giáo trình văn hóa đã nói đâu ?

Ghi chép từ Kampot: tượng đài ở các bùng binh

Các tượng tại các bùng binh của Cambodia thì đều toát lên vẻ thô ráp, phác thực, nặng tả thực, ngộ nghĩnh và đủ loại… Ở ngã ba từ cửa khẩu Xà Xía (phía Cambodia gọi là Prek Chak) khi chạy về ngả biển Kep có một tượng nam nữ, có lẽ là vợ chồng đang xúc muối. Đây là nơi có một làng muối ở đông nam Cambodia. Đi từ Kep về Kampot, dọc đường ta thấy có các bùng binh có tượng con ngựa trắng, tượng những đứa trẻ đi học. Ở trung tâm của thành phố Kampot là tượng trái sầu riêng nằm ở một bùng binh lớn. Kampot là nơi có sầu riêng nổi tiếng không chỉ của Cambodia mà của cả thế giới.

Ở bờ nước của vịnh Kep người ta đúc một pho tượng người phụ nữ, có người gọi là Nàng Tiên Cá Cambodia, có người gọi là Nàng Vọng Phu chờ chồng ngóng ra biển, và một pho tượng con ghẹ to đẹp màu xanh lơ, đặc sản đặc trưng của Kep Bay. Trước ngã ba rẽ vào cảng tàu để đi đảo Con Thỏ là bức tượng hình con cá heo cách điệu…

Nhìn chung tượng ở các bùng binh ở các tỉnh Kep, Kampot nặng tính tả thực, dân dã, không đẹp nhưng lại thấy gần gũi, thân thương, giàu chất nhân sinh… Khác hẳn ở Việt Nam, phần lớn lại là các tượng đài là hình ảnh các người lính, các bà mẹ anh hung, tượng các lãnh tụ cách mạng, với súng đạn, lưỡi lê, nặng màu sắc chiến tranh và chính trị, thấy xa lạ, cách biệt với con người luôn mong ước hòa bình…

Ghi chép từ Kep và Kampot: Một vài chuyện lạ

Đi dọc các con đường lớn nhỏ ở Cambodia, ta thấy rất nhiều nhà sàn nằm xen kẽ với nhà đất nhỏ trong những chiếc vườn sơ sài, ít được chăm sóc hoặc trồng cây vườn như ở miền Tây Nam Bộ. Dọc những con đường đèo dốc đến khu nghỉ dưỡng và casino Thansur Bokor Resort trên đỉnh Tà Lơn là các giỏ rác to, đen với hình dáng cái nồi đất, nồi gang. Cái này cũng thường thấy ở trên đường đi Phnom Penh, hay về Siam Reap. Sao giỏ thu hồi rác lại là những nồi đất đen ngòm như vậy ?

Các con tàu chở du khách ra đảo Con Thỏ chạy giữa cái nắng nhiệt đới chói chang mà không che chắn gì trên. Hỏi một anh bạn Cam thì ảnh nói là gió nhiều, sợ lật tàu bất ngờ, để như vầy sẽ an toàn hơn…

Ở đảo Con Thỏ, cách bờ khoảng 4 – 5km, giữa vịnh Kep, một vịnh được xem nằm trong top vịnh đẹp nhất thế giới, ta sẽ ăn món gà đốt thơm ngon, cá kho mặn với đường đen như kiểu kho của người miền Trung. Tại đây, các giường lộ thiên trên bãi, võng treo, các tum cho du khách tự do lựa chọn để bỏ đồ đạc, nghỉ ngơi mà không hề bị tính tiền như ở các bãi biển Việt Nam. Cát trắng mịn, nước trong xanh, thiên nhiên hoang dã làm nên một thế giới nghỉ ngơi tuyệt vời khi con người muốn tách mình ra khỏi công việc và phồn hoa phố phường. Mọi thứ sẽ tan biến hết khi đến đây.

Lạ nhất là ra giữa đảo Con Thỏ, rồi lên giữa các con đèo, con dốc, dưới tượng Bà Đen (Diay Mao) giữa Bokor, nơi đã cách của khẩu Xà Xía (Hà Tiên), phía Cam gọi là Prek Chak đến gần 90km mà vẫn có sóng điện thoại Vinaphone Việt Nam. Đứng đó gọi điện thoại về nhà thì thật khoái, vì thấy mình vẫn như đang ở Việt Nam…

Cambodia, ngày 20 và 21/11/2014

Read Full Post »