Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Năm, 2010


Tối qua, tôi đi cùng anh Đặng Văn Vũ, người đang làm luận án tiến sĩ về Nguyên Ngọc để thăm nhà văn Nguyên Ngọc tại Nhà khách Quốc Hội (165 Nam Kỳ khởi nghĩa, Quận 3, TP.HCM).

Với nhà văn Nguyên Ngọc (Nhà khách Quốc hội, ngày 23/05/2010)

Ba chú cháu lội bộ đi ăn tối với mấy món ăn Huế tại nhà hàng Tib 2 (Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM). Xong về phòng khách sạn hàn huyên đủ chuyện. Ông nói rất nhiều về Tây Nguyên, sự ứng xử với các dân tộc Tây Nguyên, về tổ chức đại học của Bộ GD-ĐT, về văn học Việt Nam sau 1975. Vẫn lối suy tư thông minh, diễn đạt khúc chiết, giản dị mà tinh tế và sâu sắc khiến những điều trừu tượng, vĩ mô, triết luận trở nên gần gũi, dễ hiểu,… Đặc biệt là vốn sống, vồn kiến văn sâu rộng đã làm vầng trán của ông dường như sáng sủa và cao rộng hơn nhiều bậc trí thức đương thời…

Tôi đã gặp ông, nghe ông nói nhiều lần, lang thang cafe với ông nhiều chỗ,… nhưng mỗi lần trò chuyện với ông, tôi luôn ngạc nhiên về tấm nhìn, khả năng cập nhật tri thức, những suy tư về thời cuộc,… của ông. Nhưng câu chuyện của ông luôn đặc biệt sáng rõ lên những vấn đề lớn về thời cuộc, về văn hóa, giáo dục, về con người.

Tôi quen gọi ông là nhà văn, song thực sự ông là một nhà văn hóa lớn, một nhà Tây Nguyên học thượng thặng,…

Bài học ứng xử lớn nhất của ông đem đến cho tôi chính là tinh thần độc lập, trung thực, thẳng thắn của người trí thức trước thời cuộc còn rất nhiều “tao loạn”, nhiễu nhương giá trị. Ông luôn điềm tĩnh, sâu sắc mà vẫn rất tinh tế. Là một người Quảng, nhưng cách ông nói, trình bày, ứng xử vẫn mềm mại, tinh tế, rất Bắc Hà, song vẫn rất thẳng thắn, mạnh mẽ như cốt cách vốn có của người Quảng,… Trong chiều sâu suy tư (mà điều này đôi khi ông cũng đã bộc lộ),  ông rất bi quan trước thời cuộc. Khuôn mặt ông luôn phảng phất nỗi buồn, ưu tư lớn lao. Chỉ khi ông trò chuyện, ánh mắt của ông mới thấy lấp lánh niềm vui. Có lẽ vì tình yêu cuộc sống, yêu nhân dân cần lao, yêu dân tộc và văn hóa, tôi vẫn thấy ở ông niềm tin, sự lạc quan khi ông hành động. Đấy là niềm tin, sự hi vọng trước chân lý đời sống, trước lẽ phải và tình người, trước các giá trị vĩnh hằng, phổ quát của nhân loại,…

Sẽ còn rất nhiều điều để nói về ông ! Có lẽ sẽ nói bằng cả một cuốn sách dày về một tác gia văn học, về một nhà văn hóa lớn !

Là một đứa con xứ Quảng, tôi rất tự hào về ông – nhà văn Nguyên Ngọc !

Saigon, ngày 24/05/2010

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

Read Full Post »


GIỚI THIỆU SÁCH

Sau cuốn Thư pháp là gì? (NXB Văn nghê, 2007), ThS. Nguyễn Hiếu Tín đã ra mắt tiếp cuốn Tem thư, nghệ thuật & khoa học (NXB Thông tin và Truyền thông, 2009). Tem thư từ lâu không chỉ là một sản phẩm thương mại mà là sản phẩm văn hóa, là sứ giả mang chân dung và thông điệp văn hóa của đất nước mình đến với thế giới. Là người trẻ thành danh trong hoạt động sưu tập tem, vừa là người nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, vì thế 181 trang viết với trên 40 đề tài về tem khác nhau đã dẫn dắt người đọc đi sâu vào thế giới con tem kỳ diệu, qua đó giúp bạn đọc hiểu thêm những vẻ đẹp, tinh túy của văn hóa Việt cũng như các dân tộc khác trên thê giới. Đây là một trong số những cuốn sách hiếm hoi về chuyên ngành tem thư và sưu tập tem. Cuốn sách có thể giúp cho những người yêu quý tem chơi vừa thưởng ngoạn hình ảnh con tem, vừa học hỏi nhiều điều bổ ích cho những kỹ năng sưu tập, xây dựng bộ sưu tập tem…

CHAT VỚI TÁC GIẢ

Nhà nghiên cứu thư pháp, nhà sưu tập Nguyễn Hiếu Tín

* Chơi tem, viết thư pháp đối với người trẻ như Tín thì có những cái hay và khó gì không?

Chơi tem giúp mình tự học cách khám phá và thu nhặt tri thức qua con tem. Còn chơi thư pháp giúp mình vừa có thể tìm hiểu những danh ngôn, lời hay ý đẹp của cổ nhân, vừa tập tính kiên nhẫn. Cái khó với người trẻ chính là yêu cầu kiên trì và khổ luyện ở 2 bộ môn nghệ thuật này. Ngoài ra, hầu bao bỏ ra để có những con tem quý hiếm các loại cũng phải to to một chút. Chuyện này cũng như chuyện yêu vậy, vì yêu thì mọi thứ có thể thu xếp được tất, phải không ?

* Giữa thú chơi tem và viết thư pháp – hai môn chơi này có “nghịch” với nhau không?

Chơi tem tạo nên sự ngăn nắp, tỉ mỉ và khoa học. Viết thư pháp cần sự ngẩu hứng, phóng khoáng, nghệ thuật. Như vậy, cả hai bộ môn sẽ hỗ trợ cho nhau như âm và dương vậy…

* Theo Tín, thực chất của phong trào chơi tem hiện nay ra sao?

Sự phát triển của CNTT và công nghiệp giải trí khiến người trẻ có nhiều sự lựa chọn hơn. Phong trào chơi tem của giới trẻ vì thế yếu đi nhiều. Bù lại, chơi tem trên mạng lại phát triển rất mạnh. Nhưng nói thiệt, thú sưu tập chính là ở chỗ con người ta có thể sờ mó, nâng niu trực tiếp cái thứ mình yêu trên tay, chứ ngắm khơi khơi thì chán nhanh lắm.

* Chơi tem và thư pháp ở tuổi anh, có sợ người ta cho là “cụ non” không?

Trong cuộc sống hối hả, tốc độ như ngày nay, hai bộ môn này sẽ tạo ra những phút giây thư giãn, làm “nguội máy” rất tốt để mà tiếp tục chạy đua… Chính vì thế, tôi nghĩ, càng trẻ càng nên cân bằng bằng thú chơi kỳ diệu này.

LÊ QUANG ĐỨC

lequangduc@gmail.com

———————————————-

Đăng trên báo Thanh niên Thể thao & Giải trí, số 116 (421) ra ngày Thứ Tư 05/05/2010 (22 tháng 3 Canh Dần)

Read Full Post »


Không chỉ sách lậu mà tất cả những gì liên quan đến “lậu” như hàng lậu, thuốc tây lậu, lương lậu… đều phải loại trừ khỏi đời sống kinh tế-xã hội, vì nó là nhân tố “quan trọng” trong việc hủy hoại các giá trị đích thực trong một hệ thống, vi phạm luật…

Với các mặt hàng lậu thì nó sẽ gây thất thu vì trốn thuế, làm suy yếu nền sản xuất nội địa,… Tuy nhiên, với sách lậu, hậu quả của việc trốn thuế, làm yếu ngành xuất bản không nghiêm trọng bằng việc gián tiếp hủy hoại giá trị sáng tạo của trí thức, giảm động lực sáng tạo của cá nhân, tức không giải phóng được tiềm năng tri thức nội tại của từng cá thể trong một xã hội cần coi trọng chất xám – trí thức.

Một số quốc gia chậm phát triển, hoặc phát triển què quặt, đôi khi họ không tham gia các công ước, hiệp ước, hiệp định về bản quyền, về sở hữu trí tuệ, để họ “lợi dụng” kẽ hở pháp lý này mà “thả lỏng” cho dân chúng thụ hưởng những giá trị “lậu” từ thế giới bên ngoài. Họ duy trì một đường biên “chia sẻ” hàng lậu để nâng mức sống cho dân chúng ở một khu vực xa cách thành phố, trung ương… Họ lơ đi giá trị tác quyền để dân chúng vẫn hưởng thụ được các giá trị tri thức mà quốc gia họ chưa đủ sức để trả tiền ?! Thế nhưng, cho dù thế nào, hiện tượng “lậu” nói chung và sách lậu nói riêng cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.

Song cách khó nhất vẫn là cách loại bỏ sách lậu ?

Là một người mê sách, tôi hay la cà tất cả những chỗ nào bán sách hay, sách rẻ. Tôi đến những phố Láng Hạ, Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hà Nội), hay dọc các con phố Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương (TP.HCM) để ngó sách. Sách ở những chỗ này rất rẻ, chiết khấu từ 25 – 40%. Tôi mua rất nhiều từ nguồn sách này nhưng không biết đó có phải là sách lậu hay không ? Tôi cũng tự hỏi: nếu là sách lậu mà rẻ thì có nên “mua” không ? Và cũng hỏi: Làm thế nào để phân biệt đâu là sách lậu, đâu là sách không lậu ? Sao các nhà xuất bản, các công ty phát hành không làm cho giá sách thấp nhất để bạn đọc mua được sách dễ dàng, và không dùng hàng lậu ?… Rất nhiều câu hỏi kiểu “thiên nan vấn” như vậy không có lời đáp ?!

Là một người quan tâm đến sách, và có lúc gặp gỡ với vài đối tác nước ngoài, tôi thấy sách lậu đang làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín ngành xuất bản, khiến các đối tác nước ngoài có cái nhìn e ngại khi tham gia thị trường sách Việt Nam.

Nếu gộp lại thì sẽ thấy cả một mớ lý do về chuyện sách lậu “hoành hành” tại Việt Nam: khả năng chi trả tiền mua sách của bạn đọc thấp, văn hóa tiêu dùng chưa cao, lợi nhuận béo bở, ý thức thượng tôn pháp luật quá kém, quản lý nhà nước về xuất bản chưa chặt chẽ, khung phạt tài chính khi bị vi phạm quá “hẻo” so với lợi nhuận,… Nhưng theo tôi lý do cơ bản vẫn là buông lỏng vai trò quản lý của nhà nước về xuất bản, in ấn và phát hành sách !

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

Đăng với tiêu đề Phải loại bỏ sách lậu, in trong chuyên đề Nhà văn & thực trạng sách lậu (báo Thanh niên Thể thao & Giải trí, số 124 (429) ra ngày Thứ Năm 13/05/2010 (30 tháng 3 Canh Dần)

Read Full Post »


Tôi là thế hệ đuôi của 6x, nên vừa “giải phóng” 1975, tôi chỉ là một đứa trẻ còn mài quần ở bậc tiểu học. Ở cái làng cát Kỳ Phú, Tam Kỳ (Quảng Nam) không có cái gì để đọc, ngoài nhà anh hàng xóm còn thậm thò thậm thụt mấy quyển English for today, vài cuốn chưởng quăn hết gáy,… Tại đấy có một cuốn sách về một anh chàng trẻ tuổi xông pha hiểm nguy lên đường rất ngon lành. Sau này, khi niêm phong cửa tủ di sản văn hóa miền Nam ở phòng tư liệu Khoa Ngữ văn tại Trường  ĐH Sư phạm Huế bị “phá”, tôi mới nhớ đấy là câu chuyện về nhân vật Trọng Khang trong “Trường đời” của nhà văn Lê Văn Trương. Những ngày ấy, giữa cơn bão 1986-1988, tôi mới được tiếp xúc và ngấu nghiến mấy “đứa con lạc loài” văn chương tiểu tư sản thời kỳ 1930-1945. Trong những nhà văn thời ấy, tôi lại yêu thích hai nhà văn trái ngược nhau là Thạch Lam và Lê Văn Trương. Văn chương Thạch Lam thì như một mùi hương thoảng nhẹ dịu dàng, trầm lắng, ý vị, tinh tế. Còn của nhà văn “người hùng” Lê Văn Trương thì lại thô ráp, sần sùi, mang đậm hơi thở của đời sống lao động, nhân vật thì mạnh mẽ, dấn thân đến mức gàn bướng, cố chấp, khí khái đến mức giả tạo,…

Tại mộ nhà văn Lê Văn Trương (ngày Giỗ 13 tháng Giêng, Quận 12 - TP.HCM)

Thế nhưng cớ làm sao ông lại là một hiện tượng bestseller trong thời đại của ông, dù ông in nhiều kỷ lục nhưng chẳng để lại tác phẩm nào có giá trị nghệ thuật cao ?

Ngày 13 tháng Giêng Canh Dần, theo lời mời của cô Lê Thị Giáng Vân – con gái út của nhà văn Lê Văn Trương, tôi đội nắng cùng với một cậu học trò chuyên Văn lên dự đám giỗ cụ. Chúng tôi ra vườn, thăm ngôi mộ và thắp hương cho cụ giữa một buổi trưa nồng nhưng gần gũi, mát lòng. Mộ nhà văn nằm lặng lẽ trong một góc khu vườn bên cạnh căn nhà cô con gái rượu của cụ ở phường Thạnh Xuân, Quận 12, TP.HCM. Năm nay, vì chuẩn bị sửa lại mộ phần cho cụ, nên giàn hoa giấy đỏ và rặng cây vườn không còn che mát như xưa, bộ ghế đá dành cho khách đến ngồi trò chuyện trong khuôn viên mộ phần cụ cũng không còn,…

Tại căn nhà này, cô Giáng Vân đã lưu giữ rất nhiều kỷ vật, sách in và tư liệu về nhà văn. Và qua cô, tôi đã được nghe rất nhiều về cuộc đời “oai phong” đi bắc vô nam, qua Trung Quốc, đến Xiêm, Cam Bốt, làm đủ thứ nghề của cụ. Tôi cũng nghe nhiều thăng trầm, oan khiên mà cụ và người thân của cụ đã gặp phải trên dòng chảy lịch sử. Người con cả là nhà văn Mạc Lân cả đời cũng đã phụng sự cho đất nước, nhưng vì oan khiên lý lịch đành sống đời sống cơ hàn nơi đất Bắc. Bản thân cô Giáng Vân, một kỹ sư canh nông cũng đã bị “khó dễ” khi còn học ở trường phổ thông, đại học,…

Nhân tiện tôi hỏi về chuyện khi cụ mất có người nói những con mèo đã thức canh giữ thi thể cụ có không ? Cô con gái nói đấy chỉ là giai thoại thôi. Đầu năm 1954, cụ vào Sài Gòn làm thầu khoán, viết sách, viết báo, tái bản sách. Nhưng lúc này, sách của cụ không còn độc giả nữa, công việc thầu khoán, đi buôn cũng suy sụp; cụ bị vỡ nợ và sống trong nghèo túng đến năm 1964 thì mất tại một con hẽm ở đường Bùi Viện. Lúc cụ mất có một ít bạn nhà văn và người vợ lẽ thứ ba. Giai thoại về mèo ấy là do sinh thời, cụ rất mê nuôi mèo… Năm 1983 thi hài cụ được con cái đưa về an táng tại khu vườn này. Cô Giáng Vân đọc hai câu thơ của một fan của cụ ngày nào:

Trường đời trải mấy xuân mưa nắng,
Đọng lại nhân gian có Một người [1]

Lê Văn Trương là một trong những mẫu nghệ sĩ “sống để viết” và “viết để sống. Gần 60 năm tận hiến, Lê Văn Trương đã để phong cách sống của mình, cuộc đời “hành tẩu giang hồ” của mình hằn dấu rất rõ trên những trang văn. Triệu Xuân đã viết: “Văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930-1945 nổi bật lên hai văn đoàn. Văn đoàn thứ nhất có trên dưới chục người, do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam sáng lập, mang tên Tự lực văn đoàn. Văn đoàn thứ hai, thực ra chẳng có đoàn nào cả, chỉ có một người, một người một cõi nghênh ngang, nhưng số lượng tác phẩm xuất bản, số lượng độc giả say mê tìm đọc không thua kém gì văn đoàn thứ nhất, ấy là nhà văn Lê Văn Trương”.

Chừng ấy thôi cũng đủ để cụ ghi danh tên mình vào danh sách những nhà văn Việt nổi tiếng. Song theo tôi cái đặc biệt của cụ là bằng một cuộc đời “giang hồ” thuộc loại bậc nhất trong văn giới xứ Việt, bằng cách nghĩ của một người trải nghiệm sâu sắc nhất “trường đời”, ông đã khơi dòng cho một chi hệ văn chương đại chúng, đó là văn chương tiêu dùng… Chừng ấy đủ để ông yên tâm nằm giữa Sài Gòn mà vui vẻ bên người thân và bạn đọc !

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)


[1] Trường đời, Một người là tên hai tác phẩm nổi bật của nhà văn Lê Văn Trương.

Đăng trên báo Thanh niên Thể thao & Giải trí, số, ra ngày Thứ Hai 10/05/2010 (27 tháng 3 Canh Dần)

Read Full Post »


Tự nhiên ngồi nhớ Hà Nội. Có lẽ vì báo chí năm 2010 để “Hà Nội” trở thành một từ phát mãi nhất nên nó đập vào trí não mình chăng ?

Và nhớ, lần gần nhất lang thang Hà Nội cũng hơn một năm rồi. Tháng 11/2008, tôi ra Hà Nội để làm việc gần 10 ngày. Nhiều việc để kể, để viết, để nhớ.

Tại thư viện Quốc Gia Hà Nội (31 Tràng Thi, Quận Hoàn Kiếm, HN), tháng 11/2008

Mạng thiên di nhưng theo hướng ra Bắc khiến từ thuở hàn vi nhỏ tuổi, tôi đã lang thang, la cà khắp xứ kinh kỳ Hà thành.

Và một Hà Nội trong mắt tôi có rất nhiều điều để suy ngẫm, viết lách.

Tiếc là không có thì giờ để ngồi lục soát hết đông ghi chép từ 20 năm nay trong mấy chục lần Bắc tiến…

Đành chờ một ngày nào đó thư thả hơn… để kể về một Hà Nội đầy duyên nợ với mình ?

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

Read Full Post »


Trước 1975, Phạm Thiên Thư đã rất nổi tiếng với những thi tác được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc trong Đạo ca, và giải Nhất văn chương toàn quốc với tác phẩm Đoạn trường vô thanh. Đọc những bài thơ tình của ông, không ai nghĩ ông đã từng trên 10 năm xuất gia tu hành nơi cửa Phật.

Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao

Tiếng kêu của loài dị điểu trong thơ ông thật bi thảm, vừa cất lên thì đã rụng xuống dòng sông rộng. Cái chết sinh ra để phụng hiến tình yêu. Yêu đến buồn chết, thật là khó để người đời hình dung một tu sĩ có đời sống phong kín nơi cảnh chùa lại có ý nghĩ như vậy. Nhưng Phạm thi sĩ đã viết ra vậy.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư bên hàng rào quán Hoa vàng

Tôi hay đến ngồi chơi với ông ở bên ngoài quán cà phê Hoa vàng ở Cư xá Bắc Hải. Một đôi dép nhựa, một túi xách lỉnh kỉnh thơ, tài liệu, thuốc,… dưới chiếc ghế xếp. Ông như một lão nông hiền hậu luôn tươi cười đón khách. Sau những vòng khói thuốc, đôi mắt như nhìn vào một cõi hư không nào đó. Hàng chục lần đến thăm ông, tôi vẫn thấy ông ngồi như vậy. Không biết ông viết khi nào nhưng số lượng những câu thơ, những tác phẩm ra đời đều đều. Đến nay ông đã viết được 126 nghìn câu thơ… Ông là người viết rất nhanh, lại viết theo kiểu “rót” thơ ra từ vô thức. Ông nói ông thi hóa Kinh Kim Cang trong 4 ngày, 10 bài Đạo ca ông chỉ viết trong 2 ngày, tập trường thi Động hoa vàng cũng chỉ 7 ngày liền động bút là xong…

Phạm Thiên Thư là người Việt Nam độc nhất đã thi hóa 7 bộ kinh Phật bằng một ngôn ngữ thuần Việt, sáng tác Từ điển cười (Tiếu liệu pháp) bằng thơ, làm Từ điển châm ngôn, viết 3.320 câu lục bát kể chuyện lịch sử trong Hát ru Việt sử thi.

Ông có rất nhiều kỷ lục, nhiều điều để tự hào, để kiêu hãnh, nhưng dường như ông không để ý đến những thứ ấy. Ông khoái nhất là chuyện ông rất giống với cụ Nguyễn Du. Ông kể một tràng: 10 tuổi bố Nguyễn Du mất, tớ cũng vậy. Mẹ Nguyễn Du là một người phụ nữ đất quan họ Bắc Ninh, vợ lẽ dòng thứ hai. Gia đình cụ Nguyễn có bốn anh em, cụ lại sinh hạ được bốn người con (?). Tớ cũng y chang như vậy. Ông còn tâm đắc chuyện ông có ba bà vợ cả thảy, cụ Nguyễn Tiên Điền cũng chỉ có vậy, không hơn tớ… Cụ Nguyễn và tớ đều là tú tài. Cụ Nguyễn sống qua hai “chế độ” Lê mạt, Nguyễn sơ. Tớ cũng vậy. Cụ Nguyễn lưu lạc 10 năm ở Thái Bình, còn bố tớ quê chính cũng là Thái Bình. Cụ Nguyễn mất năm 1840 (?), đúng 100 năm sau, 1940 thì tớ ra đời…

Nói chung, thi sĩ họ Phạm “vận” hết mọi dữ kiện có thể có để thấy mình “giống y sì” cụ Nguyễn Du. Thế nhưng, thực sự mẹ Nguyễn Du là vợ lẽ thứ ba của cụ Nguyễn Nghiễm, một đại quan có đến 8 bà vợ và 21 người con trai (chưa kế nữ nhi thường tình ?). Mẹ Nguyễn Du lại có đến 5 đứa con. Còn cụ Nguyễn mất năm 1820 chứ không phải 1840 như Phạm thi sĩ kể…

Song cũng có điều xác đáng gần gũi đại thi hào Nguyễn Du, ấy là Phạm Thiên Thư đã “dũng cảm” dám qua mặt cụ Nguyễn để viết lại Truyện Kiều. Ông đĩnh đạc “phá bỏ” thành tích đỉnh núi thơ ca dân tộc để viết Đoạn trường vô thanh, một tác phẩm xem như hậu Truyện Kiều. Và điều mà ông làm được hơn cụ Tố Như là đã cố gắng Việt hóa câu chuyện Kim Kiều để “sáng tác phải có cái riêng của Việt Nam” như ông nói. Ở thi phẩm này, ông còn hơn cụ Nguyễn Du những… 20 câu lục bát. Lục bát là một thể tính đặc thù của văn hóa Việt, trên hành trình sinh hóa của  nó, Phạm thi sĩ chính là một trong những số ít nhà thơ đã chạy tiếp sức cho cụ Nguyễn Du một cách rất xứng đáng bằng những vần thơ sang trọng, tuyệt bích…

Tôi không rõ nét mặt của cụ Nguyễn Du, nhưng theo chính sử nhà Nguyễn đã ghi thì khuôn mặt cụ Nguyễn dường như nhàu nhĩ, in hằn nếp nhăn ưu tư về phận người trên mặt đất và sự chán nản cảnh quan trường gượng ép. Trong khi khuôn mặt Phạm tiên sinh ngời lên vẻ thanh thoát, cười cợt, vô ưu. Duy nhất là chiếc mũi lân, nhưng chẳng hề tỏ rõ chút quyền lực nào ?!

Không biết ông có phải “hậu thân” của Hồng Sơn lạp hộ (biệt hiệu của cụ Nguyễn Du) hay không nhưng chỗ ông trú ngụ hiện nay lại là đường Hồng Lĩnh, cũng là tên một ngọn núi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, quê cụ Nguyễn. Chuyện “hậu thân” Nguyễn Du là Phạm Thiên Thư có lẽ nên hỏi con vạc đậu bờ kinh vậy:

Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không  hư
Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư
Mặc chi cái áo Thiền Sư ỡm ờ…

Saigon, cuối tháng 4/2010

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

(Ký tên Tuệ Lãng, đăng trên báo Thanh niên Thể thao & Giải trí, số 111 (416), ra ngày 30/04/2010 (17 tháng 3 Canh Dần)

Read Full Post »


GIỚI THIỆU SÁCH

Sau cuốn Thư pháp là gì? (NXB Văn nghê, 2007), ThS. Nguyễn Hiếu Tín đã ra mắt tiếp cuốn Tem thư, nghệ thuật & khoa học (NXB Thông tin và Truyền thông, 2009). Tem thư từ lâu không chỉ là một sản phẩm thương mại mà là sản phẩm văn hóa, là sứ giả mang chân dung và thông điệp văn hóa của đất nước mình đến với thế giới. Là người trẻ thành danh trong hoạt động sưu tập tem, vừa là người nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, vì thế 181 trang viết với trên 40 đề tài về tem khác nhau đã dẫn dắt người đọc đi sâu vào thế giới con tem kỳ diệu, qua đó giúp bạn đọc hiểu thêm những vẻ đẹp, tinh túy của văn hóa Việt cũng như các dân tộc khác trên thê giới. Đây là một trong số những cuốn sách hiếm hoi về chuyên ngành tem thư và sưu tập tem. Cuốn sách có thể giúp cho những người yêu quý tem chơi vừa thưởng ngoạn hình ảnh con tem, vừa học hỏi nhiều điều bổ ích cho những kỹ năng sưu tập, xây dựng bộ sưu tập tem…

CHAT VỚI TÁC GIẢ

* Chơi tem, viết thư pháp đối với người trẻ như Tín thì có những cái hay và khó gì không?

Chơi tem giúp mình tự học cách khám phá và thu nhặt tri thức qua con tem. Còn chơi thư pháp giúp mình vừa có thể tìm hiểu những danh ngôn, lời hay ý đẹp của cổ nhân, vừa tập tính kiên nhẫn. Cái khó với người trẻ chính là yêu cầu kiên trì và khổ luyện ở 2 bộ môn nghệ thuật này. Ngoài ra, hầu bao bỏ ra để có những con tem quý hiếm các loại cũng phải to to một chút. Chuyện này cũng như chuyện yêu vậy, vì yêu thì mọi thứ có thể thu xếp được tất, phải không ?

* Giữa thú chơi tem và viết thư pháp – hai môn chơi này có “nghịch” với nhau không?

Chơi tem tạo nên sự ngăn nắp, tỉ mỉ và khoa học. Viết thư pháp cần sự ngẩu hứng, phóng khoáng, nghệ thuật. Như vậy, cả hai bộ môn sẽ hỗ trợ cho nhau như âm và dương vậy…

* Theo Tín, thực chất của phong trào chơi tem hiện nay ra sao?

Sự phát triển của CNTT và công nghiệp giải trí khiến người trẻ có nhiều sự lựa chọn hơn. Phong trào chơi tem của giới trẻ vì thế yếu đi nhiều. Bù lại, chơi tem trên mạng lại phát triển rất mạnh. Nhưng nói thiệt, thú sưu tập chính là ở chỗ con người ta có thể sờ mó, nâng niu trực tiếp cái thứ mình yêu trên tay, chứ ngắm khơi khơi thì chán nhanh lắm.

* Chơi tem và thư pháp ở tuổi anh, có sợ người ta cho là “cụ non” không?

Trong cuộc sống hối hả, tốc độ như ngày nay, hai bộ môn này sẽ tạo ra những phút giây thư giãn, làm “nguội máy” rất tốt để mà tiếp tục chạy đua… Chính vì thế, tôi nghĩ, càng trẻ càng nên cân bằng bằng thú chơi kỳ diệu này.

Đăng trên báo Thanh Niên Thể thao & Giải trí, số 116(421), ra ngày 5/5/2010 (22 tháng 3 Canh Dần)

Read Full Post »


Bộ tem “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam” gồm 54 mẫu vừa được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam là bộ tem giữ nhiều kỷ lục nhất từ trước tới nay: Bộ tem phổ thông có nhiều mẫu nhất, Bộ tem có thời gian triển khai lâu nhất, Bộ tem có số họa sĩ tham gia thiết kế đông đảo nhất, và Bộ tem mang lại nhiều niềm vui nhất.

Bộ tem 54 cộng đồng dân tộc Việt Nam

Bộ tem phổ thông có nhiều mẫu nhất

Đây là bộ tem phổ thông có nhiều mẫu nhất trong lịch sử tem bưu chính cách mạng Việt Nam, với 54 mẫu thể hiện hình ảnh đặc trưng của 54 dân tộc trên toàn quốc. Trong đó, tên các dân tộc trên bộ tem được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái từ A-Z. Tất cả các mẫu tem trong bộ có cùng giá mặt là 800 đồng với khuôn khổ 26×33(mm), có chung màu nền, thiết kế tràn lề và được khai thác chủ yếu về phương diện nhân chủng học.

Thời gian triển khai lâu nhất

Phát hành 30-8-2005, nhưng từ tháng 10-2004, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã phát động cuộc thi chọn phong cách thiết kế mẫu cho bộ tem với sự tham gia của các họa sĩ thuộc Công ty Tem và Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Trước tiên, tất cả họa sĩ cùng thể hiện mẫu phác thảo tem “Dân tộc Kinh”, rồi từ đó, Hội đồng tư vấn chọn ra mẫu đẹp nhất, phù hợp nhất, đảm bảo các tiêu chí quy định để làm cơ sở định hướng cho phong cách thiết kế 53 mẫu còn lại. Sau đó các họa sĩ thực hiện mỗi dân tộc 02 mẫu để tiếp tục được Hội đồng chọn lựa.

Số họa sĩ tham gia đông đảo nhất

Sau cuộc thi, tổ thiết kế bộ tem 54 dân tộc được thiết lập gồm hai nhóm (mỗi nhóm 10 thành viên). 20 họa sĩ bắt tay vào thiết kế các mẫu tem, trong đó mỗi dân tộc phải có hai mẫu phác thảo để hội đồng tư vấn cân nhắc, xem xét và lựa chọn. Mỗi mẫu tem thể hiện hình ảnh trọn vẹn một đôi nam nữ ở độ tuổi trung niên trong trạng thái động, tư thế tự nhiên.

Sổ tem của Bộ tem Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam

Bộ tem mang lại nhiều niềm vui nhất

Sau khi bộ tem phát hành, Công ty Tem Việt Nam nhận được rất nhiều lời động viên, cổ vũ của những người chơi tem nói riêng và dư luận nói chung.

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

(Bài viết ký tên TUỆ NHƯ, đăng trên đặc san Tem Đà Nẵng – Xuân Bính Tuất, số 15, ra tháng 1/2006)

Read Full Post »


Tem” vốn là một từ tiếng Pháp “tembre” được Việt hoá để chỉ một sản phẩm bưu chính dùng để thanh toán cước phí. “Từ điển Tiếng Việt” định nghĩa cho từ “tem” một cách khô khan: “Tem thư là một miếng giấy nhỏ hình chữ nhật, có in tranh ảnh và giá tiền, do Bưu điện phát hành dùng để dán lên các bưu phẩm làm chứng từ cho cước phí”. Chỉ vậy thôi, trong khi đó tem và các lĩnh vực thuộc tem giờ đây thực sự đã có cả một đời sống riêng lớn lao hẳn hoi vượt ra khỏi mục đích ra đời ban đầu và song hành cùng nhân loại.

Song ý nghĩa của nó không chỉ dừng lại ở chức năng thương mại ban đầu ấy. Ngày 06-05-1840, Bưu điện Anh quốc phát hành con tem bưu chính đầu tiên mang hình nữ hoàng Anh Victoria; ngày 02-09-1946, nhân ngày “thôi nôi” của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngành Bưu điện non trẻ Việt Nam đã phát hành chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự mở đầu của ngành Bưu điện ở hai quốc gia khác nhau song đều giống nhau ở sự tôn vinh ấy không gì khác chính là bằng cớ minh chứng rằng: con tem không chỉ là một sản phẩm thương mại mà đã là sản phẩm văn hoá mang ý nghĩa xã hội to lớn. Từ đấy ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, ngành Bưu điện mỗi nước từng năm tung ra hàng triệu bộ tem mà mỗi con tem là một sứ giả mang chân dung văn hoá, thông điệp văn hoá của nhân dân mình đến với tất cả mọi người trên hành tinh xanh bao la này. Hơn thế nữa, khi thời gian qua đi, bóng dáng những thành tựu kỹ thuật in ấn, những mỹ cảm, những đề tài từng in bóng trên mỗi con tem lại trở thành một nhân chứng lịch sử vô giá, phản quang những dấu ấn, những âm vang của mỗi thời đại.

Và thế là lúc nhận lấy cánh thư của người thân gởi đến từ một chân trời góc bể nào đấy, trước khi mỗi người bồi hồi với những con chữ tâm tình, chúng ta lại được ngắm nghía những con tem xinh xắn như là một người bạn, như một sứ giả đem đến những bài học văn hoá bằng ảnh nào đấy cho mình. Thế đấy, nhỏ nhoi khiêm nhường đến lặng lẽ ở một góc lá thư  mà lại chứa biết bao nhiêu là niềm vui và mỹ cảm ! .

Vì thế chúng ta không lạ gì khi công việc sưu tập tem và hiệp hội những người sưu tập tem trở thành một trong những bộ môn nghệ thuật ra đời thuộc loại sớm nhất trên thế giới. Đó là Dr. John Edward Gray, nhà sưu tập tem đầu tiên trên thế giới, đó là Hiệp hội những người sưu tập tem của Mĩ xuất hiện vào năm 1856. Và chưa đầy một thập kỷ sau, vào ngày 15-12-1862 tại thành phố cảng Liverpool, tạp chí tem đầu tiên xuất hiện là “Monthly Advertiser” ra đời như một nơi đối thoại, thông tin về lĩnh vực tem. Từ đấy đến nay, nhân loại đã đi qua một chặng đường khá dài, để lại nhiều thành tựu cũng như kinh nghiêm to lớn cùng với cả một thiết chế kỹ thuật tinh tế, hữu dụng.

Song hiện thời, công việc sưu tập tem lại tiếp tục có được sự hỗ trợ to lớn của khoa học công nghệ thông tin mà trong đó dịch vụ mạng Internet toàn cầu trở thành một phương tiện liên thông nhanh chóng, sâu rộng và chính xác. Việc cập nhật, quảng bá, trao đổi thông tin về các lĩnh vực thuộc tem trên mạng trở thành một phần công việc của mỗi Hiệp hội tem ở các quốc gia lẫn ở mỗi cá nhân người sưu tập tem. Theo một tổ chức độc lập nghiên cứu về sưu tập Tem quốc tế có tên là IPRS (lndependent Philatelic Research Soctety – địa chỉ : http/www.geocities.com/wallst-reet/1fk) or/4843/philbur.html) hiện nay có đến 246 nguồn thông tin của 246 nước và các tổ chức bưu chính thế giới trên 100 Website về tem, chưa kể các trang Website của các tổ chức bưu chính địa phương cùng các tổ chức, cá nhân liên quan đến tem, sưu tập tem.

Nhờ các Website này, người sưu tập tem có đầy đủ tất cả những thông tin về hành chính của một bộ tem cụ thể như : tên gọi, mẫu, mã số, nước phát hành, ngày phát hành, kèm theo hình ảnh thực và cả lời giới thiệu cụ thể về nội dung, về các thông tin khoa học hoặc văn hoá liên quan đến hình ảnh tem; những thông số kỹ thuật, mỹ thuật như : tên người hoạ sĩ thiết kế, khuôn hình tem, số răng, thậm chí có cả số lượng phát hành lẫn kiểu in, loại giấy in, nơi in. Chẳng hạn ở Website của Bưu điện Việt Nam (địa chỉ: http//:www.vnpt.com.vn) trang Văn hoá xã hội – Thế giới kì diệu của Tem thư, ở danh mục “Các bộ tem 2001” có bộ tem “Cá nước ngọt cần bảo vệ” ngoài hình ảnh  con tem có những thông tin như sau: Cá nước ngọt cần bảo vệ (Mã số: 851)

Cá nước ngọt là tên gọi chung chỉ các loài cá sống ở nước ngọt (sông, suối, ao, đầm, hồ, ruộng), chủ yếu thuộc các họ cá xương, là nguồn thực phẩm quan trọng nhất là cho cư dân bản địa. Những năm gần đây với nền công nghiệp phát triển, nhiều nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường, trong đó môi trường nước ngọt bị ô nhiễm và dần cạn kiệt. Hơn nữa, việc đánh bắt cá bằng thuốc nổ, bằng điện… mang tính huỷ diệt của con người, dẫn đến một số loài cá nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng. Cùng với thế giới, Việt Nam đã và đang nỗ lực ngăn chặn việc phá hoại môi trường bằng nhiều hình thức, biện pháp nhằm bảo vệ môi trường trong sạch, bền vững.

Tổng cục Bưu điện phát hành bộ tem “Cá nước ngọt cần bảo vệ” giới thiệu một số loài cá nước ngọt sống ở sông, suối, ao, hồ của Việt Nam hiện có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ. Đây là loài cá thuộc họ cá xương, có loài có vẩy và có loài da trần. Chúng tuy khu trú ở cùng khu vực (thuỷ vực) nhưng sống ở các tầng nước khác nhau tuỳ theo mồi ăn ở tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy. Hình dáng cá nước ngọt cũng đa dạng, đa phần là hình thoi và có loại lại dài như con rắn.

Việc phát hành bộ tem như tiếng chuông báo động, sự cảnh tỉnh những con người vô ý thức, vô trách nhiệm trong việc bảo vệ một nguồn lợi thuỷ sản của Việt Nam, đồng thời góp chung tiếng nói với thế giới để bảo vệ môi trường chung.

Mẫu 6-1, giá mặt 400đ : Cá Măng rổ – Toxotes mcrolepis Giinther

Mẫu 6-2, giá mặt 800đ : Cá Ruồng xanh – Cosmo cheilus harmandi (Sauvage)

Mẫu 6-3, giá mặt 2000đ: Cá Chình mun – Anguilla bicolor pacifica M’clelland

Mẫu 6-4, giá mặt 3000đ : Cá Còm – Chitala ornata (Gray)

Mẫu 6-5, giá mặt 7000đ : Cá Cháo lớn – Megalops Cyprinoides (Broussonet)

Mẫu 6-6, giá mặt 8000đ : Cá Sóc – Probarbus fullieni Sauvage

Các thông tin về tem như : lịch sử tem và sưu tập tem, hệ thống các bộ tem đã phát hành, các công việc in ấn, sưu tập, phát hành tem ở các quốc gia, các kỷ lục, giá cả, địa chỉ trao đổi về tem, .v.v.. đều được thông tin trên Internet. Nhờ vậy, người sưu tập có thể lang thang trên mạng để tìm kiếm bổ sung những tri thức, thông tin về tem, để biết bộ tem này mình còn thiếu, con tem kia mình có nhưng thiếu tên gọi và các thông số cần biết khác. Chẳng hạn trên Website của Bưu điện Đà Nẵng (địa chỉ : http/danangpt.vnn.vn) ở mục Hội tem, ngoài khá nhiều thông tin về hình ảnh, tư liệu, chúng ta được biết tính đến ngày 15-08-2000, Bưu chính Việt Nam đã phát hành được 834 bộ tem với 3062 mẫu tem.

Nét hữu dụng nhất, và cũng mang tính hiện đại nhất là những thông tin đồ sộ, phong phú về tem được  hệ thống hoá theo các tiêu chí : năm, quốc gia, nền văn hoá, công nghệ, đề tài,… có thể giúp người đọc tiếp cận và truy xuất cực kỳ nhanh chóng. Mặt khác, do càng ngày càng nâng cao hoàn thiện, các Website được các Hiệp hội tin học quốc tế phân loại chất lượng theo “sao”, trong đó một Website được xếp hạng 5 sao phải có phần “On Line Shopping” (Mua hàng trực tuyến), ở đó khách hàng có thể trao đổi các phương thức thanh toán thương mại về tem dù cách xa nhau vạn dặm. Điều này đã khiến Website của Bưu điện Việt Nam (địa chỉ : http://www.vnpt.com.vn) với phần “Góc người chơi tem” trên trang chủ của VNN chưa được xếp hạng 5 sao dù được đánh giá là đạt chất lượng rất cao : đồng hạng 4 sao với Đài Loan và Tuyniduy, chỉ thua trang tem của 2 đơn vị 5 sao của Mỹ mà thôi.

Như vậy, giờ đây với một computer cá nhân nối mạng Internet, bạn sẽ có thể tham gia vào sự học tập, nghiên cứu, trao đổi về tem với tất cả mọi người, mọi tổ chức trên toàn cầu. Chơi tem trên Internet quả là một cuộc phiêu lưu kỳ diệu bổ ích, sang trọng của chúng ta trong thế giới hiện đại thế kỷ XXI. Mong rằng mỗi bạn chúng ta sẽ có một “văn phòng giao dịch tại nhà” kỳ diệu như thế cho công việc chơi tem của mình !

LÊ QUANG ĐỨC

lequangduc@gmail.com

(Tham luận được trình bày tại Đại hội Hội Tem Thành phố Đà Nẵng lần thứ II – nhiệm kỳ 2004-2009 tổ chức tại Bưu điện TP. Đà Nẵng ngày 27/08/2004)

Read Full Post »