Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Mười Một, 2016

THƯA MRS. LÝ DO !


Hằng kỳ, khi lá ngoài đường rụng nhiều, lớp học hết môn trở nên đông đúc lạ thường, lòng ta lại xôn xao về những “lý do” sinh viên nêu ra khi nghe tổng kết bỏ học và bị cấm thi !

Sau buổi học cuối cùng, ta nhận được bao nhiều là tin nhắn các loại, bao nhiêu là email các loại, nhiều như lá rụng mùa đông. Mỗi một “cánh thư” về là biết bao “nỗi niềm” bi ai về đời sinh viên đi học. Lòng từ bi hỷ xả bỗng nhiên hoang mang quá đỗi ?

Ngồi đọc và góp nhặt hết những lý do của thế hệ hậu sinh đưa ra, ta có được một bộ sưu tập Nỗi đau đời. Nói Nỗi đau đời không phải là cách nói thậm xưng mà vì chúng nó đông đảo vô cùng, phong phú trải rộng và hấp dẫn kỳ dị. Chúng nó là những ông nội chết, mẹ bịnh, cha bị viêm gan B, bị khoa trường kêu đi cổ động thể dục, tập văn nghệ cho lễ, làm thêm, đi bệnh viên, bị tai nạn, giáo vụ không đưa tên vô danh sách, nộp học phí chậm, đau bụng kinh, giám thị đuổi vì không mặc đồng phục, kẹt xe, triều cường, bị “anh bồ câu” bắt phạt, ngồi cuối lớp nên không nghe điểm danh, đổi ca học, không có email và số điện thoại của thầy để liên lạc.v.v..và.v,v… 2, 3 tín chỉ với 30, 45 tiết kéo dài gần 1/4 năm, tương đương một mùa lúa (!) mà đến giờ cuối cùng, các Phù Đổng thiên vương thời nay mới nói ra cho thầy biết lý do ?!

images-1

Ôi con dân nước Việt tương lai vẫn giống như con dân nước Việt ngày cũ: nước đến trôn mới nhảy, đổ thừa lý do (mà những lý do đó không phải là của mình)…

Thưa Mrs. Lý Do Vietnamese, đất nước ta tụt hậu, còn nhiều bất cập là do tàn tích chiến tranh để lại, kẻ thù của ta hàng ngày chống phá ác liệt quá, nên dù nhân dân phấn đấu kịch liệt mà tình hình nó vẫn như vầy, có khả năng ngày mai ngày mốt ta có thể đi phía sau người Cao Miên và Ai Lao nữa kia…

Thưa Mrs. Lý Do của thế hệ công dân tương lai nước Việt, bao giờ ta không còn nghe nói nữa về lý do, nhất là những lý do đổ thừa ?!

Thưa các Mrs. Lý Do quen thuộc của tôi, tôi biết, hiểu và dường như luôn ù tai với hàng trăm lý do lâu nay, nhưng tôi cũng có Mr. Lý Do của tôi: đó là đạo đức nghề nghiệp. Mr. Lý Do của tôi luôn dặn dò hàng ngày rằng: mày phải làm đúng, mày chỉ có một lý do duy nhất ở trong mày là mày phải sống tốt và dạy đúng, và đặc biệt mày hãy lý trí hơn với những lý do bên ngoài của mày !

Read Full Post »


Văn chương một thời đã từng là một tình nhân tưởng chừng không thể buông bỏ được mà vẫn bỏ, bỗng nhiên nay có người quyến dụ rằng đừng bỏ anh ơi, nên giờ cứ giữa những trang kinh luận mệt mỏi thì cứ với lấy nó mà gặp lại…

Tối đọc Con mắt có đuôi của Mặc Đỗ in trong tạp chí Hiện đại số 2, ra tháng 5-1960 do Nguyên Sa chủ trương, bỗng nhớ Phan Khôi với thi phẩm Tình già và tự hỏi vài điều.

2436075030_10e3528451_b

Tại sao Tình già (một bài thơ đọc cảm thấy không hay !) lại được các nhà nghiên cứu chọn là tác phẩm mở đầu cho Phong trào Thơ Mới ? Tình già đã mang trong mình những điều gì về nội dung, về tư tưởng, về cấu trúc, về đặc trưng thi pháp… để nó có vinh dự được xem là phát pháo hiệu cho một nền thơ quan trọng như vậy ?

Và nó đã tiếp bước những yếu tố truyền thống trước đó ở đâu, thay đổi và hiện đại hóa thơ ở đâu ? Từ “con mắt có đuôi” trong folklore xứ Việt đến Tình già Phan Khôi rồi Mặc Đỗ, rõ ràng đã có một tiến trình phát triển lâu dài, vậy Tình già đã có những phẩm tính gì để định vị nó trên dòng chảy lịch sử ấy !

Đấy là câu chuyện nghiên cứu nhìn từ nội tại của thơ !

phankhoihinhhv

Còn một hướng nhận thức khác bên ngoài thơ (ngoại diên) là thời điểm ra đời, nơi xuất hiện, không gian văn hóa… cũng cần phải “tra khảo” kỹ lưỡng. Tình già in trên Phụ nữ tân văn số 122, ra ngày 10-3-1932, một tờ báo ở phương Nam nhưng lại được bạn đọc cả ba kỳ (Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ) đều chú ý. Tại sao lại như vậy ?

Các nghiên cứu về bài thơ đặc biệt này cho đến nay vẫn còn nói chung chung, và dường như chưa khảo nghiệm tới đầu tới đuôi !

Tiếp cận thi phẩm này chắc chắn phải xuất phát từ một lý thuyết khác, chẳng hạn từ ký hiệu học văn hóa thì may ra mới nhận thấy được hết giá trị của nó. “Con mắt có đuôi” không chỉ nhìn nhận như là một hình ảnh thơ mà còn là một biểu tượng văn hóa, một symbol của thời đại, nơi nó đã kết tập yếu tố truyền thống và có phẩm chất đương đại để gợi dẫn, chỉ đường và khai mở cho một nền thơ hiện đại sau đó. Chỉ có thể như vậy may ra mới nhìn thấy con mắt thực của Tình già !

Không còn quỹ thời gian để đi theo cố nhân, và cũng không còn sức lực để yêu người mãi mãi… Sức tàn lực kiệt, đêm khuya cạn dầu, tình đà vắng lặng, thôi đành ngó nhau, Phan Khôi chàng hỡi có hay !

Hien dai 2 (5-1960) - Nguyen Sa chu truong.jpg

Read Full Post »

Vũ điệu của gián


Những con gián chạy ngoằn ngoèo trên nền nhà lạnh giữa đêm. Tới lui qua lại theo những đường kỷ hà bất đố xứng. Không biết nó tìm gì ? Mình bật điện lên xem thử và rất lạ là nó không chạy trốn. Có vẻ chúng rất tự tin trong đôi cánh màu đồng hun bóng loáng với đôi râu vểnh lên như chào hỏi hay tìm kiếm thông tin gì đấy.

Ta cố ngắm nó và suy diễn, nhưng vô vọng. Vì nó đẹp một cách vô danh và chạy tới lui theo một thứ vũ điệu mơ hồ và bất quy tắc. Ta nghĩ nếu nền nhà giờ đây có đồi dốc, có bậc thang, có cánh rừng, có hàng tạp hoá, có spa, có shop đồ đẹp, có chợ hàng mã hay quán ăn… chắc nó sẽ một đồ hình cụ thể để ta suy ra thứ gì đó được. Nhưng đành chịu, chỉ là một nền phẳng trơn tru dưới đám chân quá nhiều của nó. Bởi vậy cái vũ điệu qua lại trong đêm của nó tựa như cái im lặng mất ngủ vô phương lý giải của ta. Nó và ta đang hiện hữu bên nhau như một thứ thực tại bi phẫn.

IL chan nhu con gian.JPG

Đêm vẫn tình cờ như trò chơi thế mệnh. Mỏi mắt và mệt đến nỗi bất định nên cứ để ánh sáng cô đơn toả xuống nền nhà. Mặc nhiên chúng nó và chính mình, nhắm mắt để trôi qua dòng đêm và chờ ngày mai. Tạm biệt những sinh mệnh vô danh đã gặp trong những sát na vô thường…

2h11′, Nov 28th 2015 (ngày này năm ngoái)
Ngày cuối tuần với nhiều thông tin mất ngủ: bọn Tàu chĩa súng vào tàu Việt trên biển; nợ công và phát biểu vẫn ổn định và phát triển; màn kịch với mặt nạ tuồng “kênh kiệu” của ông Chủ tịch tỉnh An Giang hạ màn; quốc hội tan họp “thành công” như thường lệ, và một em Tuấn chưa tròn 16 tuổi bị “nhận án” gần 5 năm tù…
Bất giác làm ta cứ nghĩ về các loại côn trùng và súc vật.
Lại lan man nhớ Dế Mèn của Tô Hoài. Giữa thời Pháp thuộc nô lệ nhưng anh Dế Mèn vẫn đẹp làm sao. Đôi cách gi lê ngắn cũn, bè bè, chòm râu non lơ thơ không lấn át đi được tư tưởng tự do và chí khí bênh vực kẻ yếu.
Nếu ta là văn sĩ thời nay, ta không biết sẽ dựng lên một câu chuyện đồng thoại thế nào đây. Chắc là một đám côn trùng mất hết khí lực và lòng yêu tự do ? Chắc là một lũ con vật rất đẹp nhưng ngu si và phi nhân tính ? Chúng tồn tại trong một thế giới lầy lội những biểu tượng quá vãng hư ảo và hoang tưởng, nơi mọi thứ bị đầu độc, không hy vọng và thối nhũn !
10h sáng nay, sau một thời gian trình diễn vở kịch dân chủ tốn kém, 97% đại biểu quốc hội của nước Cộng hòa XHCN duy nhất đã bỏ phiếu tán thành bản sửa chữa mo-rát Hiến pháp sửa đổi nhiều lần. Từ chiều nay, nhân dân yên tâm cúi đầu tiếp tục ra đồng, đến công xưởng làm việc thanh thản thêm nhiều năm nữa… Tui cũng cầm lòng không nghĩ ngợi gì nhiều, vui vẻ, uống trà và đi đón con về nhà đây.
28 Tháng 11 2013 lúc 16:13

Read Full Post »

Người Việt thiệt giàu cảm xúc !


Người Việt thiệt giàu cảm xúc ! Cảm xúc đến từ đâu ? Và sao họ lại như vậy ?

Có lẽ xuất phát từ một nền văn hóa làng xã coi trọng quan hệ, coi trọng cộng đồng, coi trọng dư luận…

Cũng có thể đây là một sang chấn tập thể ra đời trên một tiền cảnh lịch sử đầy bi ai và oán hận chăng ?

Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

Từ đầu thế kỷ XX, nhà thơ Tản Đà viết mấy câu thơ này có lẽ chính vì ông đã nghĩ người Việt rất giàu cảm xúc, rất hồn nhiên khóc cười, như đứa trẻ, rất ít lý tính…

(Buổi chiều Pikachu)

emotion

Read Full Post »

Về cái chết của Fidel…


Buổi sáng có người bạn hỏi sao anh không có ý kiến gì về Ngài Fidel Castro. Và vài sinh viên cũng hỏi tương tự như vậy hôm qua… (Kiểu này chắc mình chuyển qua nghiên cứu chính trị học mất !?). Thực tế thì ta không có nhiều thông tin gì về Ngài ngoài kênh truyền thông chính thống VN đã cho biết lâu nay, thành ra biết gì mà góp chuyện. Tuy nhiên, vì cũng là chuyện thiên hạ đại nghị nên góp mấy ý nhỏ.

1) “Cái quan định luận”, việc khen chê là theo cách nhìn, cách tiếp cận nhânvật, theo nền tảng thông tin có được, theo tình cảm… nên có nhiều chiều khác nhau là chuyện bình thường…

main_top

2) Anh đứng đầu một quốc gia, trở thành linh hồn của cách mạng cho đất nước mà anh để đất nước tụt hậu, lụn bại, nghèo đói, trở thành vùng trũng thế giới thì anh sẽ có tội nhiều hơn là có công !

3) Từ khía cạnh quản trị xã hội trong thời đại văn minh mà anh sử dụng thể chế độc tài, cách thức chuyên chế tàn bạo của độc tài để cai trị dân chúng thì anh là kẻ kém văn minh đích thực, kém hiểu biết và cũng xa lạ với nhân dân của mình…

4) Trong những năm là sinh viên, tôi có đọc những bài diễn văn “cách mạng” nổi tiếng của ngài Fidel, cảm giác lúc đó là rất OK, thấy tuyệt hay và bị thu hút về sự diễn đạt của ngài Fidel. Giờ thì đọc lại không biết có còn cảm xúc như lúc đó không, vì giữa nói và làm là khoảng cách, giữa hùng biện và xảo ngôn chỉ trong gang tấc thôi ?

5) Nhưng tôi đã có cảm xúc rất OK liên quan đến cái chết của Ngài Fidel Castro là chính phủ hiện hành đã cho hỏa táng thân xác Ngài mà không phải giữ lại làm lăng tẩm như các lãnh tụ cộng sản khác. Ta không biết Di chúc của Ngài có dòng nào nói về chuyện này không, nhưng nếu Ngài cho làm vậy thì Ngài có những điều khả thủ hơn nhiều. Điều này chỉ là suy đoán. Nhưng cái quyết định hỏa táng của chính phủ Cu Ba là rất sáng suốt và rất kinh tế !

Vài dòng tiểu nghị ngày Chủ nhật đẹp trời giữa Sagon !

Read Full Post »


Để đạt kết quả cao trong kỳ thi cuối học kỳ I (năm học 2016 – 2017), các bạn sinh viên Khoa Ngoại ngữ – Trường Đại học Tôn Đức Thắng chú ý tập trung vào các nội dung ôn tập trọng tâm sau đây. Lưu ý khi trả lời, bài viết phải được trình bày dưới dạng như một bài khoa học nhỏ, với cấu trúc Mở bài – Thân bài – Kết bài. Bài viết tránh tối đa việc trình bày chỉ gạch đầu dòng các ý chính mà không giải thích, hoặc không cho ví dụ để làm rõ luận điểm trong bài viết.

Nếu cần các thông tin liên quan thêm, các bạn có thể gửi mail về địa chỉ email: lequangduc@gmail.com. Chúc các bạn có một kỳ kiểm tra tốt !

  1. Hãy nêu những hiểu biết của anh (chị) về đơn vị cấu tạo từ.
  2. Hãy nêu những hiểu biết của anh (chị) về phương thức cấu tạo từ.
  3. Hãy nêu đặc điểm của cụm từ cố định ?
  4. Hãy trình bày những hiểu biết của anh (chị) về nghĩa của từ và các thành phần nghĩa của từ.
  5. Hãy trình bày những hiểu biết của anh (chị) về cơ cấu nghĩa của từ.
  6. Hãy trình bày những hiểu biết của anh (chị) về từ đồng âm.
  7. Hãy trình bày những hiểu biết của anh (chị) về từ đồng nghĩa.
  8. Hãy trình bày sự hiểu biết của anh (chị) về phạm trù ngôi.
  9. Thực hành: Phân tích cơ cấu nghĩa của từ ở một mục từ cụ thể trong Từ điển tiếng Việt, hoặc tiếng Anh.
  10. Thực hành: Phân tích quan hệ ngữ pháp (trong các mẫu câu cụ thể của tiếng Việt, và của tiếng Anh)

introductiontolinguistics

ĐỀ CƯƠNG

 1. Hãy nêu những hiểu biết của anh (chị) về đơn vị cấu tạo từ.

            Bài viết cần nêu các ý chính sau:

– Định nghĩa: Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ được vận dụng độc lập, tái hiện tự do trong lời nói để xây dựng nên câu.

– Đơn vị cấu tạo từ: Hình vị.

– Các loại hình vị: Hình vị tự do, Hình vị hạn chế.

 2. Hãy nêu những hiểu biết của anh (chị) về phương thức cấu tạo từ.

Bài viết cần nêu các ý chính sau:

– Định nghĩa: Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ được vận dụng độc lập, tái hiện tự do trong lời nói để xây dựng nên câu.

            – Các phương thức cấu tạo từ:

+ phương thức từ hóa hình vị

+ phương thức tổ hợp: phụ tố (phụ gia); ghép

+ phương thức láy

– Ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu cụm từ cố định.

3. Hãy nêu đặc điểm của cụm từ cố định.

Bài viết cần nêu các ý chính sau:

– Khái niệm cụm từ cố định: là một đơn vị ngôn ngữ do một số từ hợp lại, tồn tại với tư cách một đơn vị có sẵn như từ, có thành tố cấu tạo và ngữ nghĩa cũng ổn định như từ.

– Đặc điểm của cụm từ cố định:

+ Đặc điểm tương đương với từ: có tư cách của những đơn vị được làm sẵn trong ngôn ngữ; tương đương về chức năng định danh, và chức năng tham gia tạo câu.

+ Cách xây dựng, tạo lập cụm từ cố định trong các ngôn ngữ khác nhau không hoàn toàn như nhau.

– So sánh cụm từ cố định với các đơn vị khác:

* So sánh với từ ghép:

+ Giống nhau: cùng có hình thức chặt chẽ, cấu trúc cố định; cùng có tính thành ngữ; cùng là những đơn vị làm sẵn trong ngôn ngữ,…

+ Khác nhau:

Nội dung so sánh Cụm từ cố định Từ ghép
Thành tố cấu tạo Từ Hình vị
Ý nghĩa – tổ chức nghĩa của cụm từ

– mang tính hình tượng; nghĩa của từng thành tố cấu tạo khác với nghĩa đích thực của toàn cụm từ

nghĩa định danh (trực tiếp hoặc gián tiếp)

* So sánh với cụm từ tự do:

+ Giống nhau: kết cấu cụm từ được tạo lập bằng sự tổ hợp của các từ; có hình thức ngữ pháp tương ứng vì thế quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành tố cấu tạo giống nhau.

+ Khác nhau:

Nội dung so sánh Cụm từ cố định  

Cụm từ tự do

Chức năng đơn vị của hệ thống ngôn ngữ; ổn định và tồn tại dưới dạng làm sẵn được đặt ra trong lời nói; không tồn tại dưới dạng một đơn vị làm sẵn; là sự lấp đầy từ vào một mô hình ngữ pháp cho trước
Thành tố cấu tạo số lượng thành tố cấu tạo ổn định, không thay đổi thay đổi tuỳ ý
Ý nghĩa có tính thành ngữ rất cao (một chỉnh thể tương ứng với một chỉnh thể cấu trúc vật chất của nó) tính thành ngữ không có

– Ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu cụm từ cố định.

 4. Hãy trình bày những hiểu biết của anh (chị) về nghĩa của từ và các thành phần nghĩa của từ.

Bài viết cần nêu các ý chính sau:

Nghĩa của từ: là những liên hệ được xác lập trong nhận thức của chúng ta giữa những cái mà nó chỉ ra, những cái mà nó làm tín hiệu cho.  Nghĩa của từ tồn tại trong từ, và trong hệ thống ngôn ngữ.

– Các thành phần nghĩa của từ:

+ Nghĩa biểu vật (denotative meaning): Là liên hệ giữa từ với sự vật (hoặc hiện tượng, thuộc tính, hành động,…) mà từ chỉ ra.

+ Nghĩa biểu niệm (significative meaning): Là liên hệ giữa từ với ý (hoặc ý nghĩa, ý niệm) – cái biểu niệm (sự phản ánh các thuộc tính của biểu vật vào trong ý thức).

+ Nghĩa ngữ dụng (pragmatical meaning): Là mối liên hệ giữa từ với thái độ chủ quan, cảm xúc của người nói, còn được gọi là nghĩa biểu thái, nghĩa hàm chỉ (connotative meaning).

+ Nghĩa cấu trúc (structural meaning): Là mối quan hệ giữa từ với các từ khác trong hệ thống từ vựng, bao gồm: quan hệ trên trục đối vị (paradigmatical axis); và quan hệ trên trục ngữ đoạn (syntagmatical axis).

– Ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu nghĩa của từ.

 5. Hãy trình bày những hiểu biết của anh (chị) về cơ cấu nghĩa của từ.

Bài viết cần nêu các ý chính sau:

– Cơ cấu nghĩa của từ

– Nghĩa vị và nghĩ tố trong từ đa nghĩa.

– Phân loại nghĩa trong từ vựng theo 4 tiêu chí: Nguôn gốc; Mối liên hệ giữa từ với đối tượng, và khả năng bộc lộ của nghĩa trong những hoàn cảnh khác nhau mà từ xuất hiện; Mối liên hệ định danh giữa từ với đối tượng; Tính ổn định trong cơ cấu chung nghĩa của từ.

– Ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu cơ cấu nghĩa của từ.

6. Hãy trình bày những hiểu biết của anh (chị) về từ đồng âm.

Bài viết cần nêu các ý chính sau:

– Từ đồng âm là những từ trùng nhau về hình thức ngữ âm nhưng khác nhau về nghĩa (các nghĩa không có quan hệ với nhau).

– Đặc điểm:

– Nguyên nhân có hiện tượng từ đồng âm (trong ngôn ngữ, ngoài ngôn ngữ).

–  Ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu từ đồng âm trong ngôn ngữ.

 7. Hãy trình bày những hiểu biết của anh (chị) về từ đồng nghĩa.

Bài viết cần nêu các ý chính sau:

– Từ đồng nghĩa là những từ tương đồng với nhau về nghĩa, khác nhau về âm thanh và có phân biệt với nhau về một vài sắc thái ngữ nghĩa hoặc sắc thái phong cách,… nào đó, hoặc đồng thời cả hai.

– Đặc điểm:

– Nguyên nhân có hiện tượng từ đồng nghĩa (trong ngôn ngữ, ngoài ngôn ngữ).

– Ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu từ đồng nghĩa trong ngôn ngữ.

 8. Hãy trình bày sự hiểu biết của anh (chị) về phạm trù ngôi.

Bài viết cần nêu các ý chính sau:

– Khái niệm phạm trù ngữ pháp

– Đặc điểm phạm trù ngôi (các ngôi trong ngôn ngữ học).

– Ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu phạm trù ngôi trong ngôn ngữ học.

9. Thực hành: Phân tích cơ cấu nghĩa của từ ở một mục từ cụ thể trong Từ điển tiếng Việt, hoặc tiếng Anh.

Hướng dẫn thực hành: Dựa trên các khái niệm lý thuyết, các bạn xác định và chỉ ra các quan hệ đa nghĩa, quan hệ đồng âm; nghĩa vị và nghĩa tố, các loại nghĩa gốc và nghĩa phái sinh trong các mục từ đã cho.

10. Thực hành: Phân tích quan hệ ngữ pháp (trong các mẫu câu cụ thể của tiếng Việt, và của tiếng Anh)

Hướng dẫn thực hành: Dựa trên sự hiểu biết về các khái niệm liên quan đến quan hệ ngữ pháp, các bạn vẽ sơ đồ ngữ pháp và qua đó chỉ ra các thành tố, các quan hệ ngữ pháp cũng như chức năng của các thành tố đó trong câu đã cho.

images

Read Full Post »


Do nghỉ lễ 20/11 nên giờ học bù ngày thứ bảy tuần trước được chuyển vào chiều mai thứ 7 (26/11), hai nhóm 1 & 2 môn Cơ sở ngôn ngữ học tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ học bù với các phòng học như sau: Ca 3, nhóm 1, phòng B403; Ca 4, nhóm 2, phòng C210.
 
Đây là buổi học kết thúc môn học nên đề nghị các bạn đến lớp đông đủ và đúng giờ !
 
Bạn nào nhận được thông tin này, xin bạn chuyển đến các bạn trong nhóm lớp giúp Thầy. Thầy cảm ơn nhiều.
tai-xuong

Read Full Post »


Kỳ thi kiểm tra cuối kỳ ở bộ môn Cơ sở ngôn ngữ học sẽ tập trung và các nội dung cơ bản sau:

  1. Đơn vị cấu tạo từ
  2. Phương thức cấu tạo từ
  3. Ngữ cố định (Cụm từ cố định)
  4. Nghĩa của từ
  5. Quan hệ đồng âm
  6. Quan hệ đồng nghĩa
  7. Phạm trù ngữ pháp
  8. Quan hệ ngữ pháp
  9. Thực hành: Phân tích cơ cấu nghĩa của từ ở một mục từ cụ thể trong Từ điển tiếng Việt, hoặc tiếng Anh.
  10. Thực hành: Phân tích quan hệ ngữ pháp (trong các mẫu câu cụ thể của tiếng Việt, và của tiếng Anh)

Do yêu cầu của Phòng khảo thí, nên đề thi sẽ gồm 3 câu hỏi, trả lời trong thời lượng 60 phút. Vì vậy, các bạn nên kiểm soát kỹ dung lượng bài viết phù hợp với thời gian. Các bạn chú ý trả lời thẳng vào trọng tâm vấn đề, nêu gọn nội dung cơ bản và có một ví dụ minh họa (cho mỗi vấn đề). Nếu không như vậy, các bạn sẽ không thực hiện được hết nội dung yêu cầu của đề thi.

Chúc các bạn ôn thi hiệu quả và đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới !

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

tai-xuong

Read Full Post »

Ý nghĩa cũ, post lại…


Nằm đọc xong một cuốn du ký nhỏ về Nepal, tưởng tượng một ngày sẽ đến nơi ấy, rồi miên man nghĩ thực sự quê nhà của mình là ở đâu…

Đói, lục lọi chạn bếp chỉ thấy vài thứ, bún và bánh tráng dày xứ Quảng bẻ vụn với chén nước xương ngọt lịm. Tự nhiên nhớ ngày xưa, mỗi lần theo Me gánh dưa lên bán ở thị xã Tam Kỳ và được Me dắt đi ăn bún hay cháo ở quán Bà Thanh (ngã tư Trần Dư và Huỳnh Thúc Kháng). Thói quen người Quảng mỗi lần ăn là lấy bánh tráng chấm nước mắm, hoặc bẻ bánh tráng thành những mảnh vụn nhỏ bỏ vào tô bún hoặc cháo. Chỉ khác lần này là nồi nước làm từ xương đà điểu, chứ không phải xương bò heo.

an-1

Đã vài tháng không còn cảm giác ngon khi ăn, có thể cái cảm nhận mỹ vị giờ đã yếu ớt. Song lần này lại thấy ngon, có lẽ cái ngon của hương vị khi tâm thức bắt gặp hình bóng quê nhà và người mẹ bên cạnh. Hình như cái ngon của người đã dày tuổi không đưa tới từ “chất liệu” ẩm thực mà nằm ở tâm thức về quá vãng..

Ta đã đi quá xa trên những ngả đường trần gian và giờ bắt đầu lại. Những bước chân lặng thầm sẽ được chủ ý rõ hơn, và con đường mỗi ngày sẽ được định tâm giản dị hơn !

(Ngày 22/11/2015)

Read Full Post »

Sự đứt gãy văn hóa…


Hôm qua một bạn sinh viên quê Bắc hỏi: E chẳng thấy cái bàn thờ thiên trước nhà ở quê em, sao giáo trình có mô tả như vậy ?

Ở miền Nam thì bây giờ còn khá nhiều nhà vẫn dựng bàn thờ này trong vườn trước ngôi nhà của mình, và người dân vẫn ra vào thắp nhang hàng ngày hàng tháng. Còn đúng là miền Bắc không còn chuyện này, chứ không phải là “không có”. Không còn vì sau 1954, tôn giáo, tín ngưỡng, các hiện tượng văn hoá tâm linh được xem là sản phẩm của sự mê tín dị đoan và hiển nhiên trở thành mục tiêu “cách mạng” của nòng pháo tuyên huấn làm cho tan tác…

tho-1

Rất nhiều hiện tượng văn hoá truyền thống giờ được tái dựng lại nhưng trở nên hỗn loạn và mất đi vẻ đẹp truyền thống để thay vào đó sự thực dụng, hình thức, thậm chí phi văn hoá vì sự đứt gãy văn hoá, mà giới nghiên cứu văn hoá Trung Quốc có cái chữ rất hay gọi là “đoạn tầng văn hoá”. Đó là hiện tượng tính nguyên bản bị phá bỏ để thay vào các dị bản mới và chủ thể văn hoá truyền thống này không có sự truyền thừa những hiểu biết cũng như thực hành lễ nghi văn hoá từ thế hệ trước, dẫn đến phục dựng sai lệch, thậm chí nhân danh văn hoá để trục lợi một cách tàn bạo.

Thành ra nó như vậy !

Còn sao nó ra như vậy, xin hẹn kỳ sau sẽ rõ !

Read Full Post »

CHUYỆN ĐÊM KHUYA MẤT NGỦ…


Anh ơi, anh viết về những điều tiêu cực như vậy là coi chừng tiếp tay cho kẻ xấu đấy !

Nghe thấy khùng hông ? Đã biết là “tiêu cực” mà vẫn khuyên người khác chấp nhận, vẫn ngăn cản người khác phê phán !? Vậy em nhân danh cái loại gì đây để khuyên anh ?

Anh chẳng biết kẻ xấu nó ở đâu. Va quả thực anh chẳng biết như vậy là “tiếp tay” nữa… Sự thực anh chỉ tiếp tục nuôi dưỡng cái thiên lương trong mình bằng sự phẫn nộ trước cái xấu qua câu chữ thôi !

Em khuyên anh đừng “tiếp tay” cho kẻ xấu ! OK em, nhưng anh hỏi thử em, ai đã “tiếp tay” cho cái xấu hoành hành làm tan nát mọi thứ mà anh phải nói tới ?

Ai “tiếp tay” cho ai đây ?

artworks-000135443596-zgc5sn-t500x500

Read Full Post »


Vì Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức các hoạt động trong ngày lễ 20/11 nên buổi học bù môn Cơ sở ngôn ngữ học của hai nhóm lớp khoa Ngoại ngữ vào chiều mai thứ Bảy (19/11) tạm hoãn lại. Thầy sẽ bù vào chiều thứ 7 (26/11) với phòng học cụ thể sẽ thông báo trên facebook và weblog sau.

Đây là trường hợp bất khả kháng ngoài ý muốn, Thầy thành thật xin lỗi các bạn !

Để tránh việc đi lại mất thì giờ của các bạn, nhận được thông tin này, Thầy rất mong các bạn chuyển tiếp thông tin đến các bạn cùng nhóm lớp giúp Thầy. Thầy cảm ơn rất nhiều !

tai-xuong

Read Full Post »


Qua sự việc bất chính của giới chức ở Hà Tĩnh và lời phát biểu hồ đồ phi giáo dục của ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đương chức, bằng sự nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp và sự tự trọng, liêm sĩ của một giáo chức, tôi xin khởi xướng Cuộc vận động tẩy chay toàn diện các hoạt động tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm 2016 với các nội dung cụ thể như sau:

1) Tẩy chay và từ chối tất cả các hoạt động xã hội, các hình thức sinh hoạt công cộng liên quan đến việc kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay;

2) Không tiếp nhận mọi hình thức cảm ơn đến nhà giáo dù chỉ là lời nhắn hay một cuộc điện thoại…

3) Không thực hiện bất cứ thông tin, hình ảnh truyền thông cùng các hình thức cảm ơn liên quan đến nhà giáo trên tất cả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội…

4) Kết nối và chuyển dẫn tinh thần tẩy chay Ngày nhà giáo Việt Nam đến đồng nghiệp và xã hội…

Với lòng tự trọng tối thiểu và sự hiểu biết cơ bản về thiên chức nhà giáo, kính mong tất cả thầy cô, phụ huynh, sinh viên và học sinh hưởng ứng và hành động tinh thần tẩy chay này !

Tôi cũng xin lỗi các thầy cô giáo và đồng nghiệp đã không gửi lời chúc mừng như thường lệ đến thầy cô trong năm nay.

Tôi cũng xin cảm ơn trước đến tất cả phụ huynh và học trò quý mến và xin thực hiện đúng tinh thần tẩy chay là không nhận bất kỳ hình thức cảm ơn nào !

13432317_282139302128409_8054493833914810318_n.jpg

Read Full Post »


Có anh bạn thân tình khuyên tôi thôi đừng viết, đừng nói gì nữa cho mệt, vì nói thì chẳng thay đổi được gì, mà lại mất đi nhiều bạn bè khi họ ngại ngần trao đổi, hoặc khi họ không cùng quan điểm…

Quả thực, tôi cũng từng nghĩ sao mình lại tự đặt mình vào tình cảnh trớ trêu, nguy nan như vậy ? Sao mình không ngoan hiền để yên thân sinh tồn ? Sao mình không im lặng một cách dễ thương để bạn bè “bầy đàn” đầy đủ như xưa ? Và bao nhiêu là “sao” nhiều như trên trời để nói về chuyện “sao không biết im lăng”…

3bf8e63d3dd77dd5a2f2a622c0d7873c

Nhưng rốt cục cái thằng người bên trong lại cứ chối phắt chuyện “sao trăng” như vậy. Vậy mày học để làm gì, mày biết để làm gì ? Vậy bao nhiêu cơm áo của cha mẹ, bao nhiêu lời dạy cao đẹp của thầy cô, bao nhiêu chữ nghĩa nhân loại đã đọc thì mày để làm gì ?

Thấy điều xấu không nói, thấy điều hay không bảo vệ, thấy điều thiện không hoan nghênh, thấy điều ác không phê phán thì mày có còn là con người nữa không, có còn được sống ra sống nữa không ?

Và thằng người trong mình quả quyết: Khi con người ta không có chính kiến rõ ràng, không nói khi thấy điều bất nhân bất nghĩa thì con người ta chỉ là một loại bò đội nón, một loại súc vật không hơn không kém !

Vậy anh bạn à, mình chịu thua lời khuyên của anh; mình cần phải sống như một con người; mình chấp nhận mất đi rất nhiều bạn bè cũng là để giữ lại quyền tôn trọng sự thât, trân quý lẽ phải, quyền được sống, nghĩ và nói như một con người thôi…

Read Full Post »


Theo như kế hoạch, chiều thứ 2 (14/11) nhóm 4 môn Cơ sở văn hoá Việt Nam tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ học bù 2 ca 3 & 4 tại Phòng C307.

Rất mong các bạn đến lớp đông đủ và đúng giờ !

Bạn nào nhận được thông tin này, xin bạn chuyển đến các bạn trong nhóm lớp giúp Thầy. Thầy cảm ơn nhiều.

images-2

Read Full Post »


Theo như kế hoạch, chiều mai thứ 7 (12/11), hai nhóm lớp môn Cơ sở ngôn ngữ học tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ học bù với các phòng học như sau: Phòng B503 (Nhóm 1, Ca 3), Phòng B504 (Nhóm 2, Ca 4).

Rất mong các bạn đến lớp đông đủ và đúng giờ !

Bạn nào nhận được thông tin này, xin bạn chuyển đến các bạn trong nhóm lớp giúp Thầy. Thầy cảm ơn nhiều.

tải xuống.png

Read Full Post »


Sáng nay tui ngồi với anh bạn già là trí thức, lại là một đảng viên cộng sản lâu năm, một anh bạn đảng viên hiền lành với tui. Oách tui không. Và được nghe ảnh than phiền về nhiều thứ “trật lất” hiện hành. Rồi ảnh kết luận quen thuộc như nghị quyết thường luận kết: Ra nông nổi như vầy là do người cộng sản họ kiêu ngao quá, họ không biết nghe ai ?!

Tui đã từng nghe cái chữ “kiêu ngạo” ni nhiều lần đâu đó. Không biết ai phỏng tác một cách võ đoán như vậy. Hình như một ông họ Lê nào đó, ở Nga-la-tư hoặc Việt Nam ta.. Nhưng quan điểm của Lê Quảng Nam tui là người cộng sản đâu có gì để mà “kiêu ngạo” chứ (?). Tui phành phạch rõ lẽ luôn:

communism-is-great

Chúng họ “kiêu ngạo” như anh nói là đúng, vì họ “không biết nghe”. Thực ra họ “không biết nghe”, vì họ xăm xăm đi về giấc mộng mà họ duy ý chí tạo ra, và khi bước đi về cột mốc mơ hồ kia họ lại mang theo ảo tưởng họ là chân lý, là tinh hoa…. Vậy nghe sao được một thiên hạ vốn bị họ nghi ngờ ?!

Cái kiêu ngạo của chúng họ là do họ lu bu trong cái sự hiểu tù mù của ho. Cái kiêu ngạo của bệnh ngu không biết để rồi tự tin thái quá mà thôi.

Cái kiêu ngạo còn nảy sinh từ phương cách cuộn tròn mình lại trong vỏ ốc để độc diễn một cấu trúc chính trị thủ dâm rất phi tự nhiên.

Thực ra họ có “kiêu ngạo” như anh nói không ? Họ rất mất tự tin trong việc luôn sợ hãi thế giới đa nguyên, vì thế họ khép lại mọi cánh cửa dân chủ và tranh luận. Khi bức bách quá, khó xử quá, họ dùng chuyên chính bạo tàn để đè bẹp dân chúng kia mà…

Họ kiêu ngạo, vì giờ họ còn là thiểu số của nhân loại nữa…

Xin lỗi vì làm phiền lòng anh bạn già cộng sản hiền từ của tui, nhưng có lẽ do cafe Ý sáng nay ngon quá mà buột miệng nên lời vậy thôi !

Read Full Post »


Sáng có người rủ đi Châu Đốc để lo cho vụ viết mấy bài nghiên cứu liên quan ở đây. Chiều mệt nằm đọc Tạp văn Phan Thị Vàng Anh lại gặp bài viết nhỏ về Thoại Ngọc Hầu với những băn khoăn, những trầm tư về nhân vật lịch sử này…

image

Phan Thị Vàng Anh viết: “…Nhưng, cũng như tinh thần của mọi vùng đất, mọi thời đại, ta không thể có chuyện “tự nhiên” gặp được tinh thần ấy, nếu trước đó không “dọn mình” sẵn về văn hóa. Không có văn hóa, người ta không thể tự nhiên gặp lịch sử, tội nghiệp hơn, lịch sử mất đi giá trị “bài học”, chỉ còn là “sự kiện” mà thôi.” (Nét hiện đại của câu chuyên 300 tuổi, trang 14)

Khi đứng lớp dạy về văn hóa cho sinh viên, một câu hỏi luôn trở đi trở lại trong đầu như một “nan thiên vấn”: Sao sinh viên mình họ không biết gì nhiều về sử Việt, dù họ học sử rất nhiều từ 12 năm trước, trong khi sử Việt thì đâu có thua gì về độ hấp dẫn so với sử Tàu, sử Âu, sử Mỹ ? Có lẽ vấn đề là các nhà sử học đã tước đi khỏi lịch sử phần linh hồn văn hóa trong sử để thâu rút lại còn ba bốn cái sự kiện với những con số khô khan cạn rỗng nhân sinh ?

Read Full Post »


Nhìn thấy dân Việt quan tâm, lo lắng, trông ngóng và bàn luận về bầu cử Tổng thống ở Mỹ mới thấy dân Việt tầm phào, nhiều chuyện, nông nổi, ảo tưởng và khốn khổ làm sao…

Nói tầm phào, nhiều chuyện là vì cứ hóng mắt hóng mũi vào chuyện của người ta… Chuyện của mình tràn hê ra đường: chính thể độc tài, bất lực; môi trường bị đầu độc nghiêm trọng; hiểm họa xâm lăng của Tàu ngang cổ; nợ công ngập đầu, các giá trị cốt lõi về con người và cơ bản của xã hội bị lộn tùng phèo… Những chuyện như vầy thì không lo ?

images

Nói nông nổi và hy vọng ảo tưởng là vì nhiều người vẫn tin quyền lực quốc tế của người Mỹ sẽ ngăn chặn sự bành trướng của Tàu, can dự vào và làm thay đổi “nội chính” của Việt… Nước Mỹ không rảnh rỗi để làm chuyện tầm phào cho dân Việt ? Lịch sử đã thấy rõ, người Mỹ làm mọi thứ vì họ. Họ có tham gia vào các định chế và bảo vệ những giá trị cốt lõi, phổ quát của nhân loại trên toàn thế giới, nhưng với điều kiện quốc gia nào cần. Viêt An nam vốn đâu cần ba thứ này, nhân quyền hay tự do là thứ xa xỉ phẩm của chính quyền này. Vậy họ xen vào làm gì ?

Còn nói khốn khổ là vì qua chuyện người Việt quan tâm đến bầu cử kiểu Mỹ mới thấy họ thèm khát tự do biết bao, và cũng thiếu thốn dân chủ biết bao ! Hướng đến bầu cử tự do kiểu Mỹ là cách phóng chiếu, vượt thoát khỏi thực tại bi đát của người Việt hiện tại… Như sống trong giấc mơ giữa ngày của người Việt vậy ?

Rồi sau bầu cử ở nước Mỹ xa xăm kia, cái ao tù trì đọng những giá trị lưu niên xứ Việt lại phẳng lặng tờ trong sương mù ảm đạm, nơi thi thoảng sẽ vọng lên tiếng ù uôm quen thuộc của bầy cóc nhái lịch sử mà thôi !

(Buổi sáng 9/11/2016)

 

Read Full Post »