Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Văn học trung đại’ Category


TÓM TẮT

Trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khuyến, người ta thấy có một số lượng bài thơ về xuân tương đối nhiều và giàu giá trị thẩm mỹ. Khác với cái khí vị yêu đời, mạnh mẽ của thơ xuân thời Lý – Trần, hay vẻ đẹp tràn đầy sức sống, tình yêu trong thơ thế kỷ XVIII, Nguyễn Khuyến đã để lại một dòng thơ xuân đầy day dứt, buồn đau, song cũng đầy yêu thương và gắn bó với cuộc đời. Đấy chính là bản sắc thơ xuân mà cụ Tam Nguyên Yên Đỗ đã đóng góp cho dòng thơ xuân Việt Nam thời trung đại. 

ABSTRACT

Nguyễn Khuyến và mùa xuân

In his career, Nguyen Khuyen composed many poems of spring having high value of aesthetics.  Different with the strong, optimistic writing style in spring poems in Ly – Tran dynasty or beauty full of vitality, love in poems in the eighteen century, Nguyen Khuyen wrote poems filled with torment, sorrow but love. These are poetic character which Tam Ngyen Yen Đo contributed to Vietnamese spring lyric poetry in the medieval age.

Tháng Giêng là tháng đặc biệt của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Ông sinh ngày 15-2-1835 (tức 18 tháng Giêng năm Ất Mùi) và ông cũng rời xa trần gian nhiều lận đận khoa cử và quan trường vào ngày 5-2-1909 (tức 15 tháng Giêng năm Kỷ Dậu), thọ 75 tuổi. Như vậy tính đến Xuân này ông đã mất hơn một thế kỷ. Còn tuổi văn chương chắc là bất tử ? Ngày nay khi nhắc đến thơ Nguyễn Khuyến, người ta liền nghĩ ngay đến chùm thơ mùa thu nổi tiếng của ông. Và mặc nhiên, theo thói quen bị “cầm cố” vào những điển lệ “bác học”, người ta thường đồng nghĩa “Nguyễn Khuyến là nhà thơ của mùa thu”. Điều đó đã như một mỹ tự. Một định ngữ ước lệ kiểu ấy thường dễ làm chúng ta “quên” nhiều điều trong khi đọc thơ Nguyễn Khuyến. Thực ra trong toàn bộ sáng tác cả chữ Nôm lẫn chữ Hán của ông, người ta dễ tìm thấy một số lượng thơ xuân đáng kể, trên ba mươi bài, đó là chưa kể số câu đối mừng xuân rất lớn và giàu giá trị thẩm mỹ.

Ngày xuân hòa bình và đổi mới, chúng ta hãy lắng mình để đọc thơ xuân Nguyễn Khuyến, để thấy tiếng lòng day dứt của một nhà thơ tiêu biểu trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, và để có thể nghe được nỗi niềm đau xót của ông già Yên Đỗ tưởng như đã yên phận mình sau cuộc sống dân dã của quê làng.

Xuân về ngày loạn càng lơ láo,

Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ

Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng

Sao con đàn hát vẫn say sưa

(Ngày xuân dặn các con)

Rõ ràng, “trời thu xanh ngắt”“lưng giậu phất phơ màu khói nhạt” của thiên nhiên mê hồn nơi làng quê xứ Việt vẫn không che khuất được những nỗi niềm thế sự vốn đi đi lại lại trong lòng Nguyễn Khuyến.

Đối diện với mùa xuân, trang thơ Nguyễn Khuyến không còn cái khí vị yêu đời, mạnh mẽ của thời Lý – Trần tự chủ, độc lập ở buổi sơ kỳ thời phong kiến:

Khô mộc phùng xuân hoa tự phát,

Phong xuy thiên lý phức thần phương

(Thiền sư Viên Chiếu)

(Cây héo vào xuân hoa nở dậy

Gió đưa ngàn dặm nức hương thần)

Với tâm trạng day dứt của một kẻ sĩ trước vận nước mù mịt, dù đối diện với mùa xuân tươi đẹp nhưng nhà thơ vẫn không giấu được những nỗi buồn khổ thất vọng về mình. Trước xuân, ông luôn chua xót tự kiểm thảo chính mình…

Nhiễu nhiễu phong trần nhất hủ Nho,

Nhàn lai ngô tự kiến chân ngô.

Phù danh hữu hạnh do tiên cái,

Thực lực phi tài thượng nhương ngô

(Xuân bệnh, 1)

(Chỉ là một hủ nho trong cảnh nhiễu nhương gió bụi,

Rảnh rỗi ta mới thực hiểu thêm mình

Chỉ có chút danh hão, may ra hơn đứa ăn mày

Chẳng có tài cán thực sự, còn kém cả thằng đi ở)

Luôn cười buồn chua chát trong một nỗi niềm cô đơn, cảnh xuân trong thơ Nguyễn Khuyến hay gợi lên một nỗi buồn khắc khoải, đó là hình ảnh một ngọn núi đứng chơ vơ trong ngày xuân mưa gió, đó là bầu trời nửa mưa u ám, đó là những bông hoa muốn tàn, một tiếng hạc kêu trong đêm. Giữa cái nền xuân ảm đạm ấy hiện lên hình ảnh một cụ già tóc bạc, khi thì chống gậy đi lang thang, khi thì mượn chén rượu giải sầu hoặc buông thả mình trong lười nhác bất định:

Bán chẩm quan không thiên địa khoát,

Nhất sang cao ngoạ tính tình cô.

Sầu miên lẫn dục thôi lâm khởi,

Sương ám thần quang đạm nhược vô

(Xuân bệnh, 1)

(Gối đầu trên nửa gối, ngó thấy trời đất bao la,

Nằm khểnh bên cửa sổ, tình tình trở nên cô độc.

Qua giấc ngủ phiền não, lười biếng không muốn tung chăn

vùng dậy,

Sương lấn át ánh sáng ban mai thoang thoảng như không)

Đôi khi cái sinh sắc của đời, khí xuân và lòng yêu cảnh quê đã đem lại cho thơ xuân Nguyễn Khuyến những niềm vui ríu rít:

Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng

Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt

(Cảnh Tết)

Đôi khi tiếng trẻ con học bài, tiếng trống báo hiệu giao thừa hay tiếng pháo nổ cũng đánh thức lòng xuân Nguyễn Khuyến. Lúc ấy đôi mắt nhà thơ bừng nở những khóm hoa đang sương “thập thò” nở, những cánh chim hồng lẻ loi về đậu trên cây và cỏ dại xanh ngút ngàn trong mắt người:

Tiểu cúc tân tài lô vị can

Hà xứ cô hồng thê dã thủ,

Vô cùng thuỷ cáo nhập gian can

Âm vân vị áp thiên sơn họa

(Xuân hứng)

(Khóm cúc nhỏ mới trồng sương hãy chưa khô

Con chim hồng lẻ loi ở chốn nào về, đậu trên cây ngoài nôi,

Cỏ xanh mơn mởn ngút mắt trải rộng tới bờ sông,

Mây mù chưa lấp được đường nét như vẽ của ngàn núi sông)

Thế những, nỗi ấm áp vui tươi ấy chỉ là một vùng tiểu khí hậu trong thơ Nguyễn Khuyến, còn cơ bản tràn lên trong thơ xuân của ông là nỗi cơ hàn của mình, là cái xao xác đượm buồn âu lo của làng xóm, quê hương mình khi vào xuân:

Tân thiều đán đán mãn thiên sương

Thán cúc nhân cùng tuế tựu hoang

Dược vị thục thời tiên hữu khí

Hoa tương lạc xứ thả lưu hương

Sầu đa dạ lãn thính nhi độc

Tửu quy xuân nan hoán khách thường

Chỉ hữu tạc tiêu phùng tiểu vũ

Bệnh trung tài đắc nhất phân cường

(Xuân bệnh, 2)

(Mới sang xuân, sớm sớm trời đầy sương

Than nỗi người đã nghèo mà mùa lại mất.

Thuốc sắc chưa chín mà mùi đã bay lên,

Hoa sắp rụng rồi mà mùi hương còn phảng phất

Buồn quá ngại nghe con đọc sách

Rượu đắt khó có thể mời khách thưởng xuân

May có tối qua được trận mưa nhỏ

Bệnh tật cũng đỡ được mươi phần)

Đặc biệt, trong bài thơ Chợ Đồng, Nguyễn Khuyến đem lại cho người đọc những bức tranh xuân ngày giáp tết sống động, gần gũi, xác thực, gợi nhớ cả một không khí tết của miền quê trong những năm đói kém giao điểm giữa hai thế kỷ XIX và XX. Ở đó, những dáng người tất bật dưới mưa xuân, những nỗi thấp thỏm vui buồn của lòng người rất đời đã được vẽ lại rất cụ thể bằng ngôn ngữ thơ:

Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng

Năm nay chợ họp có vui không ?

Dở trời mưa bụi còn hơi rét,

Nếm rượu tường đền được mấy ông ?

Hàng quán người về nghe xao xác

Nợ nần năm hết hỏi lung tung

Năm ba ngày nữa tin xuân tới,

Pháo trước nhà ai một tiếng đùng

Câu thơ phấp phỏng niềm vui nhỏ mọn, nhưng nghiêng ngã như người “nếm rượu tường đền”. Ngày “dở trời mưa bụi” và hơi rét thế mệnh khiến câu thơ nhuốm vẻ xao xác và dường như làm mùa xuân chùn chân trước cửa nhà của mỗi người.

Tân tuế phương lai cựu tuế chu

Quần phương giai uyển ngã hà khô

(Xuân nguyên hữu cảm)

(Năm mới đương đến, năm cũ đã qua,

Mọi hoa đều tươi, sao riêng ta héo ?)

“Thế lộ vị bình, phu tử tại” (Nguyễn Xuân Ôn), phu tử còn lại đó, yêu thương còn nguyên đó nhưng đường đời gập ghềnh, đầy bi kịch và đổ vỡ khiến trước xuân, cụ Tam Nguyên Yên Đỗ chỉ biết tự vấn mình như một kẻ sĩ chân chính, và thầm để những giọt nước mắt chảy vào trong cái hình hài “tỉnh say say tỉnh” của một con người cố quên đời nhưng không sao quên được.

Thế là, khác với một Phạm Sư Mạnh muốn “lấy cả dòng sông xuân làm nghiên mực”, một Trần Nhân Tông chợt thức nhận mùa xuân đã về qua vẻ quyến luyến của đôi bướm trắng trong thơ Lý – Trần, hay cả mùa xuân tràn vẻ đẹp, sức sống, tình yêu và những khát khao hạnh phúc ở Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự,… trong thơ thế kỷ mười tám, Nguyễn Khuyến, giữa một thế kỷ “khổ nhục nhưng vĩ đại” đã để lại một dòng thơ xuân đầy day dứt và buồn đau. Nhưng cũng đầy yêu thương và gắn bó với cuộc đời. Đấy cũng chính là bản sắc thơ xuân mà cụ Tam Nguyên Yên Đỗ đã đóng góp cho dòng thơ xuân ViệtNam thời trung đại./.

Tài liệu tham khảo

  1. Thơ văn Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, Hà Nội, 1979.
  2. Thơ văn Lý – Trần, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989.
  3. Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1971.
  4. Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 1982.
  5. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên), Thi hào Nguyễn Khuyến – Đời và thơ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
  6. Lê Trí Viễn, Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

Bài đã đăng trên tạp chí Văn hóa & Du lịch, số ra Tháng 3-2012 (ISSN1859-3720)

Read Full Post »


Điều đặc biệt trong thơ Nguyễn Trãi là trong khi ở thơ chữ Hán, mùa thu trở thành mùa chủ đạo, thì trong thơ Nôm, mùa xuân lại tràn ngập và mang một sắc vẻ mới mẻ đến hiện đại. Dường như tâm hồn dân tộc gần gũi với đời sống đã khiến ông, một nghệ sĩ đầy chất nho gia vẫn tìm thấy ở ngôn ngữ dân tộc một tiếng nói dễ trang trải lòng mình hơn so với ngôn từ đậm chất sách vở là chữ Hán ?

Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi (1380 - 1442)

Quả thực Nguyễn Trãi đã dành nhiều cảm hứng cho mùa xuân. Hồn thơ của Người dường như rộn rã, xốn xang mỗi độ xuân về: Lòng xuân nhẫn động ắt khôn thìn.  

Trong bài thơ Xuân hoa tuyệt cú nhỏ bé, nhà thơ đã dựng lên cả một chiều dài cả năm với bốn mùa như trải dài ra trên bốn dòng thơ:

Và tháng hạ thiên bóng nắng dài,
Thu đông lạnh lẽo hòa cả hai.
Đông phong từ hẹn tin xuân đến,
Đầm ấm nào hoa chẳng tốt tươi !

Với ông, dường như cả năm “bóng nắng dài” của hạ và “lạnh lẽo” của thu đông đã dồn tụ lại đâm hoa kết trái nơi mùa xuân. Bởi vậy ở hai câu 1 – 2 là ba mùa Hạ – Thu – Đông, còn câu 3 là ngọn gió xuân mang tin đến. Tất cả cuối cùng làm nên một mùa Xuân hoa ở câu 4. Thời gian theo nhà thơ đã mang trong mình nó sự sống, cái “đầm ấm” của tin yêu, hi vọng, và cả những triết lý sống của đời người: những khổ đau lạnh lẽo rồi sẽ qua đi để nhường cho những mùa xuân hoa trái trở về với những con người biết hi sinh và chờ đợi.

Còn hoa xuân trong thơ ông thì giản đơn, chất phác mà đượm vẻ đầm ấm, duyên dáng, thân quen.

Đâu đâu cũng chịu lệnh đông quân,
Nào chốn nào, chăng gió xuân.
Huống lại còn vườn hoa trúc cũ,
Chồi thức tốt lạ mười phân

Trong một bài thơ độc đáo thuộc loại hiếm có trong thơ trung đại, bài thơ Cây chuối, nhà thơ viết:

Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu gượng mở xem

Nét mới lạ không chỉ là người nghệ sĩ đã nhìn thấy khóm chuối xuân một bức tình thư phong kín bao nhiêu tâm sự yêu thương mà còn cảm nhận được sức sống của khóm chuối khi tiếp nhận hơi thở mùa xuân. Và như thế, sự sống đã tiếp tục vận động, đổi mới, nâng cao. Đấy là một sự sống đạt tới nội dung thẩm mỹ tuyệt vời viên mãn. Đấy là cái đẹp của sự sống bình thường nhưng diệu kỳ, bí ẩn, giản dị mà thơ mộng, sâu sắc và mang đầy tính người.

Nhưng điều đặc sắc hơn cả ở thơ xuân Ức Trai là trong khi nhiều nhà thơ trung đại nhìn mùa xuân – thời gian như một dòng chảy “vô tâm” luân hồi thì Nguyễn Trãi với sự nhạy cảm và lòng đam mê thiên nhiên khiến ông thấy cả một dòng chảy biến chuyển của sự sống. Ở đó có nỗi suy tư về thời gian, niềm âu lo về hạnh phúc, tương phản với thái độ sống đơn điệu, thờ ơ, trôi theo dòng chảy đời người. Cho nên qua thơ xuân, nhà thơ đã chiếu ứng và đặt câu hỏi về thái độ của con người trước thời gian. Cái đẹp của mùa xuân là khách quan, tự thân, nhưng cái đẹp có ý nghĩa sâu sắc hơn khi con người có khả năng cảm nhận và chiếm hữu nó. Có thể nói đây chính là tứ thơ hiện đại mà duy nhất Nguyễn Trãi đã đóng góp cho thơ trung đại khiến ngày nay người đọc vẫn thấy ở thơ ông hiện diện một vẻ đẹp tinh khôi và nhân bản.

Ba xuân thì được chín mươi ngày,
Sinh vật lòng trời chẳng tây.
Rỉ bảo đông phong hời hợt ít,
Thế tình chớ tiếc, dửng dưng thay !

Bởi thế chúng ta ngày nay không lạ gì khi ông viết những câu thơ mà ý thơ duềnh doàng những con sóng lớn của vui thú trần thế. Cái cách thế của một nho gia tan biến để chỉ còn nhường chỗ cho một con người sống trên mặt đất với những lúng liếng, ân cần, nghiêng ngửa của tình yêu đậm chất nhân bản. Mùa xuân thì cứ đến, nhưng mùa xuân của con người thì dần xa, bởi vậy “cầm đuốc chơi đêm” là cách chống lại thời gian, tuổi già. Làm sao một con người “nhập thế” mãnh liệt như ông lại không cảm thấy ngoài hiên liễu rủ và bao nhiêu là mời gọi. Và lòng người ai mà chẳng mềm lòng được ?

Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,
Những lệ xuân qua tuổi tác thêm.
Chẳng thấy ngoài hiên tơ liễu rủ ?
Một phen liễu rủ một phen mềm.

Từ cảm thức trước xuân như vậy nên nhà thơ vừa trân trọng vừa luyến tiếc thời gian, luyến tiếc tuổi trẻ:

Ba bảy mươi nào luống nhọc thân,
Được thua đã biết sự phân vân.
Chớ cười hiền trước rằng dại,
Cầm đuốc chơi xuân bởi tiếc xuân.

Tự tin, tự hào về thuở tóc xanh của mình và khuyên rằng chớ cười kẻ đầu bạc hỡi những chàng thiếu niên, rồi thời gian sẽ biến đổi, rồi anh sẽ thấy, rồi anh hãy nhìn lại mình. Và người tuổi trẻ kia, hãy sống đi, tận hưởng hạnh phúc trần thế đi, tớ đã qua rồi, và không có gì để hổ thẹn:

Tiếc thiếu niên qua lật hẹn lành,
Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình.
Biên xanh nỡ phụ cười đầu bạc,
Đầu bạc xưa rày có thở xanh.

Rõ ràng, tứ thơ cứ gợi nhớ cho ta những câu thơ dạt dào sự sống của ông hoàng thơ tình thế kỷ XX Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng nổi tiếng:

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
… Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
… Mau lên đi mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn…

Thơ xuân Ức Trai không chỉ phong phú về mặt cảm nhận mà còn đẹp và giàu mỹ cảm, có ý nghĩa thanh lọc tâm hồn con người. Ông già nghệ sĩ Nguyễn Trãi vừa nhìn thấy bông mai nở giữa mùa xuân có cốt cách thanh cao tuyết đẹp giá trong, vừa nhìn thấy bóng của thời gian đi qua nhánh hoa đẹp mỏng manh ấy của đời. Và thế là những hệ luỵ đa đoan của cảm xúc sống trong con người từ đấy có lý lẽ để thức dậy mà quyến rũ con người đến những bến bờ nhân sinh đầy ý nghĩa.

Thế đấy mùa xuân trong thơ đã làm sáng rõ nguyên vẹn tâm hồn con người hùng vĩ, cao cả, sáng ngời mà vẫn đậm chất trữ tình, hiện đại của Nguyễn Trãi. Và thế đấy, thơ của người anh hùng – nghệ sĩ Nguyễn Trãi vẫn cứ luôn đón đợi mọi người chúng ta ở bậc thềm của mỗi mùa xuân !

Đà Nẵng cuối năm 2003

LÊ QUANG ĐỨC

Bài viết đã được đăng trên tạp chí Non Nước (số 81+82 Xuân Giáp Thân 2004, ra tháng 1-2/2004)

Read Full Post »


Nhà thơ Nguyễn Khuyến trong bài thơ Bạn đến chơi nhà có viết:

(a) Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bác đến chơi đây, ta (1) với ta (2)

Trong bài thơ Qua đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan đã viết:

(b) Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta (3) với ta (4)

“Ta” trong nghĩa từ vựng là đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất có hai nghĩa:

Đại từ ngôi thứ nhất số ít, tương tự “tôi”. Từ điển Tiếng Việt giải thích: “Từ dùng để tự xưng khi nói thân thiết với người ngang hàng hoặc khi nói với mình” [1].

Đại từ ngôi thứ nhất số nhiều, tương tự “chúng ta”, “chúng tôi”. Từ điển tiếng Việt giải thích: “Từ dùng để chỉ gộp chung mình và người đối thoại với ý thân mật, gần gũi (hàm ý coi nhau như chỉ một)” [2].

Trong ngữ cảnh ngôn ngữ ở ngôn bản (a), do các yếu tố “khách”, “bác đến chơi” nên nghĩa văn cảnh của “ta” có thể hiểu như sau: “ta” (1) là tác giả (chủ thể trữ tình) và “ta” (2) là “bác” – bạn nhà thơ, nhân vật được đối thoại.

Nhưng cũng có thể hiểu “ta” (1) và “ta” (2) đều có nghĩa “chúng ta”. Vì xét trên chỉnh thể của văn bản Bạn đến chơi nhà, cấu trúc nghệ thuật của bài thơ là không – có, vật chất – tinh thần, không vật chất – có tinh thần, cho nên, “ta với ta” được hiểu: chỉ có chúng ta với chúng ta.

Và bằng từ “với” là một quan hệ từ, nhà thơ đưa đến người đọc điều thú vị: không bầu bí vịt gà nhưng có con người, bè bạn; không có vật chất nhưng có tinh thần. Cái “ta” vì thế không chỉ bù đắp sự thiếu thốn vô chừng mà còn cộng lại, nhân lên làm thành sự giàu có vô tận trong tình bạn, tình người, một thứ của cải vô giá của cuộc đời. Câu thơ từ đó đă đến một tin yêu ấm áp, một nghĩa lý đẹp đẽ về lối sống cao cả cho người đọc.

Tuy nhiên, nếu hiểu cả bài thơ Bạn đến chơi nhà là một dòng độc thoại nội tâm mà Nguyễn Khuyến trong trống vắng cô đơn đã mong ước nơi tâm tưởng hình bóng người bạn tri kỷ sẽ đến nhà thì tất cả điều ấy chỉ là do nhà thơ tự “bày vẽ” đủ thứ thiếu thốn, từ chợ, ao, vườn, nhà có thực đến cả cái khó như trái lẽ tự nhiên ở cải, cà, bầu, bí, mướp “chửa” chịu cho trái quả ấy (“chửa ra cây”, “mới nụ”, “vừa rụng rốn”, “đương hoa”). Lần theo các câu thơ, ta cứ ngỡ dường như nhà thơ bước từ tinh thần của người nội trợ miền quê hồn hậu xáo tung, lục đếm, tìm kiếm, đến cái nhìn tinh tế một cách hiền triết về “nỗi oan” mà trời đất đồng quê như thêm thắt vào nghịch cảnh của mình. Nhưng rồi cả cái “thiên địa” trống thiếu ấy lại bị cái sang sảng của “ta với ta” tràn lấp. Lúc này, “với” chỉ là một từ phụ đệm nhấn mạnh thêm cho nghĩa; chỉ có ta với chính ta (mà thân tình dân gian có thể hiểu: chỉ có tao, chính tao mà thôi !).

“Ta” lúc độc thoại này chỉ là một, một nhưng giọng thơ dí dỏm, chân thành và ước vọng suốt bài thơ đã nhân lên thành hai. Và nhà thơ lúc ấy đã bày biện cả cái-đã-có nhưng không bắt được (trẻ, chợ, cá, gà); cả cái-không-có (trầu, cải); cả cái-sắp-có (cà, bầu, mướp) để bù bằng chính mình. “Ta” với ý nghĩa ấy trở thành “bữa tiệc tinh thần” (Xuân Diệu) như nhà thơ Nguyễn Trãi từng viết hơn bốn trăm năm trước: “Hai bữa mừng nhau một mặt không”.

Còn “ta” (3) và “ta” (4) trong ngữ cảnh ngôn ngữ với “một mảnh tình riêng” ở ngôn bản (b) sẽ có ý nghĩa là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít. Đó chính là cõi lòng của chủ thể trữ tình trên con đường lữ thứ. Như một sự kiếm tìm niềm tin và sự đồng cảm trước cuộc đời thường có ở nhiều bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan, đối diện với ngoại giới, con người – Nhân cảm thấy Thiên (Trời) – Địa (Đất) mở ra mênh mang đấy nhưng lại rời rạc, ngổn ngang những “trời, non, nước”, và kẻ tha hương đành lòng quay về nội tâm, nhưng cũng chỉ nhận thấy “ta với ta” một cách đơn độc, mỏng manh và rối bời. Cái “ta” vốn một ấy, giờ đây lại chia ra theo sự ngổn ngang, phân tâm của một cõi lòng u uẩn trước thế sự thăng trầm, dâu bể.

Văn chương là vây, cũng chừng ấy chữ “ta với ta”, tường tận thì mệt nhưng chịu khó hiểu ra cũng thật nhiều điều kỳ diệu !

Đà Nẵng, năm 1995

LÊ QUANG ĐỨC


[1] Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm từ điển học – NXB Đà Nẵng, Hà Nội – Đà Nẵng, 1995, trang 849.

[2] Sđd, trang 849.

Read Full Post »


Năm 1989, sau hơn mười năm bị thu hút và miệt mài tìm kiếm, sáng tạo, nữ văn sĩ Yveline Féray đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết danh nhân lịch sử đồ sộ “Dix Mille Printemps” (NXB Julliard, F, 1989) về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Trong cuốn sách đầy ý nghĩa này, bà đã mô tả sự sinh hạ của Nguyễn Trãi vào năm 1380 như là đêm trở dạ của trời đất, đêm của một truyền kỳ. Vì ngày ấy, thực sự một thiên tài ra đời mà sau này tầm cỡ đã như một cây đại thụ văn hóa tỏa bóng mát xuống nhiều thế hệ sau của nước Đại Việt. Và cũng từ ngày ấy, ông ngoại Trần Nguyên Đán, một vị Đại tư đồ (tương đương chức Tể tướng) của triều Trần mới thể hiện hết tầm vóc nhân bản vĩ đại khi chấp nhận cuộc hôn nhân vô tiền khoáng hậu giữa ông thầy dạy học Nguyễn Phi Khanh với cô học trò nhỏ Trần Thị Thái trong khuôn viên Nho giáo đời Trần.

Từ đấy, thừa hưởng gia tài tinh thần đồ sộ cao đẹp của gia đình và Tổ quốc, dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của cha và ông ngoại, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ) lúc 20 tuổi và ra làm quan nhà Hồ. Nhưng đất nước nguy biến, giặc Minh xâm lược, bao cuộc kháng chiến nổ ra, mạnh mẽ mà thất bại. Trong im lặng suy tư với hơn mười năm tìm kiếm và chịu sự dày vò của một đấng nho học phải chọn lựa minh quân mà không bội phản triết thuyết của đời, tầm trí tuệ nhạy cảm đã đưa Nguyễn Trãi về với đội quân Lam Sơn và minh chủ Lê Lợi, và trở thành cố vấn đặc biệt của Lê Lợi.

Thế nhưng làm một minh sư thì có gì đáng nói, điều đáng giá vượt tầm thời đại và mang ý nghĩa vĩnh cửu là ông đã hướng cuộc chiến tranh về phía hòa bình vĩnh viễn. Binh đao vốn không hợp với thiên tính của một nhà thơ yêu hòa bình từ sâu thẳm tâm hồn, song bằng một trí tuệ của yêu thương, ông đã đem đạo đức đặt vào giữa lòng chiến tranh, đem tình thương để chiến thắng bạo tàn. Ông không muốn kẻ thù nuôi mầm ác trong lòng, không muốn họ mất đi thiện căn mà trả lại tinh thần cao đẹp cho họ, giúp họ thấy được sự bất công vô lí của sự xâm lược tương tàn. Đấy chính là đi trên Đại Đạo Tự Nhiên của Nhân Dân, một nhân dân luôn yêu nhân nghĩa và hòa bình. Chính vì thế, ông không chỉ là một bậc minh triết của Việt Nam mà của cả Phương Đông và nhân loại trong thời kì phong kiến u tối, nhiều bất công.

Hòa bình ! Ông lại trở về trong cái cao khiết của thanh bần và thực hiện một lí tưởng nhân đạo toàn thiện, toàn mỹ. Nhưng rồi, ông lại gặp kẻ thù ở trong chính những đồng chí tụ nghĩa ngày nào của mình. Và ông đã phải cố gắng giữ gìn sự trung thực của một người luôn hành động vì sự sống nhân dân. Ông phải thực hiện sự cân bằng giữa niềm hy vọng giúp đời tận lực với nỗi thất vọng luôn chờ đợi phía trước cửa quan trường.

Sống giữa đôi bờ thao thức, cánh chim hồng bay cao phân vân giữa hai chân trời: đi – về, nhưng lòng như ngọn lửa luyện đan vẫn nồng cháy một hoài bão duy nhất: vì Tổ quốc, vì nhân dân. Vừa hành động – tranh đấu vì lẽ phải, vừa lập ngôn trước tác; vừa giải quyết những vấn đề sinh tử của đương đại, vừa hướng về sự bất tử, vĩnh hằng, ông viết: Lam Sơn thực lục, Dư địa chí những quốc thư có giá trị hằng cửu của quốc gia Việt Nam. Và với hơn 250 bài thơ ở Quốc âm thi tập, một bông hoa nghệ thuật chữ Nôm thuộc loại đầu tiên, ông đã để lại cho dân tộc một nền thơ ruột rà và quen thuộc, một cái gì như là một Tổ quốc thơ (Jacques Gaucheron), in dấu vân tay tài hoa và kiệt xuất của mình lên văn học đời đời.

Nhưng rồi ước vọng sụp đổ trước một triều đại phong kiến nhiều ganh ghét, quen thói “hết chim bẻ cung”, ông bị kéo vào vụ án đau xót nhất trong lịch sử, vụ án Lệ Chi Viên, và bị lên giá nhục hình. Và cũng từ đấy đầu thai lên những vì sao vĩnh cửu giữa bầu trời nước Việt, để lại trần gian một nền văn hóa Nguyễn Trãi. Năm 1980, 600 năm sau, ông tiếp tục trở thành sứ giả văn hóa của Việt Nam đưa thông điệp của dân tộc mình đến với nhân loại, bước vào ngôi đền văn hóa thế giới và trở thành DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI.

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

Read Full Post »


Tháng Giêng là tháng đặc biệt của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Ông sinh ngày 15-2-1835 (tức 18 tháng Giêng năm Ất Mùi) và ông cũng rời xa trần gian nhiều lận đận khoa cử và quan trường vào ngày 5-2-1909 (tức 15 tháng Giêng năm Kỷ Dậu), thọ 75 tuổi. Như vậy tính đến Xuân này ông đã mất hơn một thế kỷ. Còn tuổi văn chương chắc là bất tử ?

Ngày nay khi nhắc đến thơ Nguyễn Khuyến, người ta liền nghĩ ngay đến chùm thơ mùa thu nổi tiếng của ông. Và mặc nhiên, theo thói quen bị “cầm cố” vào những điển lệ “bác học”, người ta thường đồng nghĩa “Nguyễn Khuyến là nhà thơ của mùa thu”. Điều đó đã như một mỹ tự. Một định ngữ ước lệ kiểu ấy thường dễ làm chúng ta “quên” nhiều điều trong khi đọc thơ Nguyễn Khuyến.

Thực ra trong toàn bộ sáng tác cả chữ Nôm lẫn chữ Hán của ông, người ta dễ tìm thấy một số lượng thơ xuân đáng kể, trên ba mươi bài, đó là chưa kể số câu đối mừng xuân rất lớn và giàu giá trị thẩm mỹ.

Ngày xuân hòa bình và đổi mới, chúng ta hãy lắng mình để đọc thơ xuân Nguyễn Khuyến, để thấy tiếng lòng day dứt của một nhà thơ tiêu biểu trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ mười chín, và để có thể nghe được nỗi niềm đau xót của ông già Yên Đỗ tưởng như đã yên phận mình sau cuộc sống dân dã của quê làng.

Xuân về ngày loạn càng lơ láo,

Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ

Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng

Sao con đàn hát vẫn say sưa

(Ngày xuân dặn các con)

Rõ ràng, “trời thu xanh ngắt”“lưng giậu phất phơ màu khói nhạt” của thiên nhiên mê hồn nơi làng quê xứ Việt vẫn không che khuất được những nỗi niềm thế sự vốn đi đi lại lại trong lòng Nguyễn Khuyến.

Đối diện với mùa xuân, trang thơ Nguyễn Khuyến không còn cái khí vị yêu đời, mạnh mẽ của thời Lý – Trần tự chủ, độc lập ở buổi sơ kỳ thời phong kiến:

Khô mộc phùng xuân hoa tự phát,

Phong xuy thiên lý phức thần phương

(Cây héo vào xuân hoa nở dậy

Gió đưa ngàn dặm nức hương thần)

Thiền sư Viên Chiếu

Với tâm trạng day dứt của một kẻ sĩ trước vận nước mù mịt, dù đối diện với mùa xuân tươi đẹp nhưng nhà thơ vẫn không giấu được những nỗi buồn khổ thất vọng về mình. Trước xuân, ông luôn chua xót tự kiểm thảo chính mình…

Nhiễu nhiễu phong trần nhất hủ nho,

Nhàn lai ngô tự kiến chân ngô.

Phù danh hữu hạnh do tiên cái,

Thực lực phi tài thượng nhương ngô

(Chỉ là một hủ nho trong cảnh nhiễu nhương gió bụi,

Rảnh rỗi ta mới thực hiểu thêm mình

Chỉ có chút danh hão, may ra hơn đứa ăn mày

Chẳng có tài cán thực sự, còn kém cả thằng đi ở)

(Xuân bệnh, 1)

Luôn cười buồn chua chát trong một nỗi niềm cô đơn, cảnh xuân trong thơ Nguyễn Khuyến hay gợi lên một nỗi buồn khắc khoải, đó là hình ảnh một ngọn núi đứng chơ vơ trong ngày xuân mưa gió, đó là bầu trời nửa mưa u ám, đó là những bông hoa muốn tàn, một tiếng hạc kêu trong đêm. Giữa cái nền xuân ảm đạm ấy hiện lên hình ảnh một cụ già tóc bạc, khi thì chống gậy đi lang thang, khi thì mượn chén rượu giải sầu hoặc buông thả mình trong lười nhác bất định:

Bán chẩm quan không thiên địa khoát,

Nhất sang cao ngoạ tính tình cô.

Sầu miên lẫn dục thôi lâm khởi,

Sương ám thần quang đạm nhược vô

(Gối đầu trên nửa gối, ngó thấy trời đất bao la,

Nằm khểnh bên cửa sổ, tình tình trở nên cô độc.

Qua giấc ngủ phiền não, lười biếng không muốn tung chăn vùng dậy,

Sương lấn át ánh sáng ban mai thoang thoảng như không)

(Xuân bệnh, 1)

Đôi khi cái sinh sắc của đời, khí xuân và lòng yêu cảnh quê đã đem lại cho thơ xuân Nguyễn Khuyến những niềm vui ríu rít:

Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng

Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt

(Cảnh Tết)

Đôi khi tiếng trẻ con học bài, tiếng trống báo hiệu giao thừa hay tiếng pháo nổ cũng đánh thức lòng xuân Nguyễn Khuyến. Lúc ấy đôi mắt nhà thơ bừng nở những khóm hoa đang sương “thập thò” nở, những cánh chim hồng lẻ loi về đậu trên cây và cỏ dại xanh ngút ngàn trong mắt người:

Tiểu cúc tân tài lô vị can

Hà xứ cô hồng thê dã thủ,

Vô cùng thuỷ cáo nhập gian can

Âm vân vị áp thiên sơn họa

(Khóm cúc nhỏ mới trồng sương hãy chưa khô

Con chim hồng lẻ loi ở chốn nào về, đậu trên cây ngoài nôi,

Cỏ xanh mơn mởn ngút mắt trải rộng tới bờ sông,

Mây mù chưa lấp được đường nét như vẽ của ngàn núi sông)

(Xuân hứng)

Thế những, nỗi ấm áp vui tươi ấy chỉ là một vùng tiểu khí hậu trong thơ Nguyễn Khuyến, còn cơ bản tràn lên trong thơ xuân của ông là nỗi cơ hàn của mình, là cái xao xác đượm buồn âu lo của làng xóm, quê hương mình khi vào xuân:

Tân thiều đán đán mãn thiên sương

Thán cúc nhân cùng tuế tựu hoang

Dược vị thục thời tiên hữu khí

Hoa tương lạc xứ thả lưu hương

Sầu đa dạ lãn thính nhi độc

Tửu quy xuân nan hoán khách thường

Chỉ hữu tạc tiêu phùng tiểu vũ

Bệnh trung tài đắc nhất phân cường

(Mới sang xuân, sớm sớm trời đầy sương

Than nỗi người đã nghèo mà mùa lại mất.

Thuốc sắc chưa chín mà mùi đã bay lên,

Hoa sắp rụng rồi mà mùi hương còn phảng phất

Buồn quá ngại nghe con đọc sách

Rượu đắt khó có thể mời khách thưởng xuân

May có tối qua được trận mưa nhỏ

Bệnh tật cũng đỡ được mươi phần)

(Xuân bệnh, 2)

Đặc biệt, trong bài thơ Chợ Đồng, Nguyễn Khuyến đem lại cho người đọc những bức tranh xuân ngày giáp tết sống động, gần gũi, xác thực, gợi nhớ cả một không khí tết của miền quê trong những năm đói kém giao điểm giữa hai thế kỷ 19 và 20. Ở đó, những dáng người tất bật dưới mưa xuân, những nỗi thấp thỏm vui buồn của lòng người rất đời đã được vẽ lại rất cụ thể bằng ngôn ngữ thơ:

Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng

Năm nay chợ họp có vui không ?

Dở trời mưa bụi còn hơi rét,

Nếm rượu tường đền được mấy ông ?

Hàng quán người về nghe xao xác

Nợ nần năm hết hỏi lung tung

Năm ba ngày nữa tin xuân tới,

Pháo trước nhà ai một tiếng đùng

Câu thơ phấp phỏng niềm vui nhỏ mọn, nhưng nghiêng ngã như người “nếm rượu tường đền”. Ngày “dở trời mưa bụi” và hơi rét thế mệnh khiến câu thơ nhuốm vẻ xao xác và dường như làm mùa xuân chùn chân trước cửa nhà của mỗi người.

Tân tuế phương lai cựu tuế chu

Quần phương giai uyển ngã hà khô

(Năm mới đương đến, năm cũ đã qua,

Mọi hoa đều tươi, sao riêng ta héo ?)

(Xuân nguyên hữu cảm)

“Thế lộ vị bình, phu tử tại” (Nguyễn Xuân Ôn), phu tử còn lại đó, yêu thương còn nguyên đó nhưng đường đời gập ghềnh, đầy bi kịch và đổ vỡ khiến trước xuân, cụ Tam Nguyên Yên Đỗ chỉ biết tự vấn mình như một kẻ sĩ chân chính, và thầm để những giọt nước mặt chảy vào trong cái hình hài “tỉnh say say tỉnh” của một con người cố quên đời nhưng không sao quên được.

Thế là, khác với một Phạm Sư Mạnh muốn “lấy cả dòng sông xuân làm nghiên mực”, một Trần Nhân Tông chợt thức nhận mùa xuân đã về qua vẻ quyến luyến của đôi bướm trắng trong thơ Lý – Trần, hay cả mùa xuân tràn vẻ đẹp, sức sống, tình yêu và những khát khao hạnh phúc ở Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự,… trong thơ thế kỷ mười tám, Nguyễn Khuyến, giữa một thế kỷ “khổ nhục nhưng vĩ đại” đã để lại một dòng thơ xuân đầy day dứt và buồn đau. Nhưng cũng đầy yêu thương và gắn bó với cuộc đời. Đấy cũng chính là bản sắc thơ xuân mà cụ Tam Nguyên Yên Đỗ đã đóng góp cho dòng thơ xuân Việt Nam thời trung đại.

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

Bài viết đã đăng trên tạp chí Non nước

Read Full Post »


Bao nhiêu thế hệ đã đọc Kiều. Và họ đã quên Vân. Không những thế, họ không thèm chịu khó suy nghĩ về Vân để rồi xem nàng như một kẻ vô tâm may mắn. Bởi hai lần nàng lỗi lầm. Một là lúc nàng trách cứ khi chị Kiều khóc trước nấm mộ đầy ám ảnh của Đạm Tiên:

Vân rằng chị cũng nực cười
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa

Lần hai nàng ngủ một cách say sưa trong đêm gia đình họ Vương tan nát và ngày mai người chị của mình phải bắt đầu một cuộc đời cay nghiệt dưới cõi hồng trần. Từ đó người ta vội vã hiểu cả cuộc đời nàng trong những lỗi lầm ngây thơ trẻ dại ở cái tuổi ăn no ngủ kỹ. Và quên luôn nàng một cách vô tâm.

Điều đó có vẻ trở nên xác đáng khi người đọc quen ngước nhìn theo những định lệ tri thức có sẵn của người nghiên cứu đi trước, khi nhìn về Thuý Vân. Nhưng không, lòng yêu thương không hề gian dối. Từ trong sâu thẳm, ta có thể nào quên Vân, vì nàng cũng là một kiếp người, mà biết đâu nàng là một hiện diện của đời sống hằng thường, một loài hoa đồng cỏ nội có mặt khắp cánh rừng Đời mênh mông chi xứ. Còn Thuý Kiều lại như là một kỳ hoa dị thảo. Thử hỏi có bao nhiêu Kiều trong đời cho ta để mắt yêu thương ? Và có bao nhiêu là Vân trong đời để ta hờ hững ?

Khéo thay những yêu thương đôi khi vẫn lầm lẫn ! Qua bao là nhiêu khê, Kiều đã được sống giữa đời với niềm hạnh phúc được sẻ chia, đồng cảm của nhiều số phận, nhiều thế hệ. Nhưng nàng Vân, như một kiếp hoa dại vẫn cô đơn và bị lãng quên.

Vâng, Vân đã sống gần như trong sa mạc lãng quên và không được chia sẻ thấu hiểu của một ai.

Trớ trêu thay của quả kiếp nhân duyên, nàng là em của Thuý Kiều, và vì thế, nàng đã phải là vợ của Kim Trọng. Trong đêm trao duyên, Thuý Vân đã “ân cần hỏi han” và tỏ ra là người hiểu Kiều “một nhà để chị riêng oan một mình”, “nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây”. Và Thuý Kiều đã bày tỏ hết lòng mình một cách khôn ngoan để nhờ Thuý Vân “xót tình máu mủ, thay lời nước non”. Kiều đã nói liên tục và hình như chẳng muốn cho Vân được nói để đến khi “cạn lời hồn ngất máu say”. Sau đó với cả nhà, Vân ngơ ngác không đưa đón, đem thẳng bảo vật tình yêu của chị định nói thì Kiều đã ngắt lời trong nức nở đứt đoạn:

Này cha lầm lỗi duyên này
Thôi thì việc ấy sau này đã em…

Lỗi tơ tóc với chàng Kim giờ đây buộc Vân chia sẻ. Sau này trong đời lưu lạc, nhiều lần Kiều đã nhớ em, nhưng nhớ em trong nỗi băn khoăn về duyên nợ ân tình ngày nào chưa trả được với người yêu của mình. Cả nhà họ Vương cũng thế, họ chỉ nghĩ đến Vân như một người trả nợ duyên cho Kiều không hơn không kém:

Trót lời nặng với lang quân
Mượn con em nó, Thúy Vân thay lời
Gọi là trả chút nghĩa người
Sầu này dằng dặc muôn đời chưa quên

Có nhẫn tâm không khi “mượn” cả cuộc đời “ngày xuân em hãy còn dài” của Vân để xe dây một cách khập khiễng cho chàng Kim. Có ai đã nghĩ thế không ?

Sau này nàng Vân cũng mãi là kẻ làm bổn phận. Chuyện hôn nhân với Kim Trọng là “chuyện cửa nhà”, là “thừa gia”:

– Cửa nhà dù tính về sau
Thì là em đó lọ cầu chị đây…

– Thừa gia chẳng hết nàng Vân
Một cây cù mộc, một sân quế hòe

Thế là trong khoảng “trăm năm trong cõi người ta” ngắn ngủi, Thuý Vân hiện diện giữa đời thực với sự cam chịu, lặng lẽ.

Khi những nét bút vẽ nên “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” và duyên Tấn Tần đầy yêu thương của người chị Kiều trao cho, người ta tin rằng cuộc đời nàng Vân mới may mắn làm sao. Và con người vốn trót yêu thương những tài hoa vô giá nên chẳng để ý kỹ rằng, đằng sau Kiều mười lăm năm lưu lạc má hồng tàn phai khổ đau và hi sinh vô lượng vì cha mẹ, một người em cũng lặng lẽ tạ ơn đời bằng một sự hi sinh chiếc bóng không lời. Nàng Vân tiếp kiến cuộc tình của chị, dù biết rằng kẻ tri âm suốt đời kiếm tìm của chồng là người chị Kiều yêu quý của mình:

Có khi vắng vẻ thư phòng
Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa
Dường như bên nóc bên thềm
Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng

Và mặc nhiên cứ thế, nàng trở nên một tha nhân tù tội trong chiếu chăn hạnh phúc với người chồng bất đắc dĩ. Và người đọc từ xưa có nhìn thấy đâu những giọt nước mắt chảy vào trong che giấu ưu phiền của cỏ dại (!?).

Có ai thấu hiểu trong căn nhà ấy, Vân đã từng chiêm bao thấy Kiều để “tỉnh ra mới rỉ tai chàng”. Và chính thế nên ở màn đoàn viên tái hợp dở khóc dở cười của tạo hóa, một nàng Vân đau khổ tột cùng mới được phô bày đầy đủ. Trong hình hài “tàng tàng chén cúc dở say”, một nàngVân “vô tâm” ngày nào tan biến để nhường chỗ cho những lời rành mạch về “tác hợp cơ trời”, về “những là rày ước mai ao” trong tâm tưởng người chồng hờ, và cả nỗi trớ trêu “vậy đem duyên chị buộc vào duyên em”. Lạ thay lúc này chính là lúc nàng nói nhiều nhất trong đời, nói như một giải thoát nội tâm. Bởi lẽ chắc nàng hiểu nên nàng là người đầu tiên gợi mở về một hạnh phúc tái sinh cho Kim Trọng. Có thể người ta vẫn hiểu là lúc này Vân lại tỏ ra “vô duyên” (!). Nhưng không, hơn ai hết nàng “từng trải” để thấu hiểu. Và nàng nói trong một giọng điệu cay đắng xót xa, đầy mai mỉa:

Bây giờ gương vỡ lại lành
Khuôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi
Còn duyên may lại còn người
Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa…

Chàng Kim và chị Kiều vẫn “còn” rất nhiều, rất kịp. Còn nàng thì sao nàng không nói (?!).

Thế mới biết những dâu bể đa đoan của đất trời không chỉ “tương đố” với tài hoa mà cả với những cuộc đời bình thường cũng bị nó phiền luỵ tất.

Với nàng Thuý Vân, một lần nữa người cha già thi ca trên núi Ngàn Hống đã hoàn mỹ trong lẽ yêu thương sâu thẳm con người. Người đã không bỏ rơi con người tuyệt sắc đã đành, nhưng người cũng chẳng lãng quên những hoa đồng cỏ nội thường tình.

Và có nên chăng khi một thời ta đã minh oan cho Thuý Kiều, và lần này ta lại minh oan cho Thuý Vân ? Còn bao nhiêu hoa tàn cỏ dại nữa trong đời ta chưa biết ? Hẳn rằng lòng yêu thương mãi mãi vẫn còn đi lại trên mặt đất nhân thế, không chỉ bày biện minh oan cho những đồng cảm mà còn dâng hiến và hi sinh cho đời, cho người !

(Đăng trên tạp chí Đất Quảng, số ra tháng 6/1994)

Read Full Post »


Năm 1965, Hội đồng Hòa bình Thế giới quyết định kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du. Từ đó, nghiễm nhiên tất cả chúng ta tin rằng Nguyễn Du sinh 1765. Vì 1765 là năm Ất Dậu, từ việc dựa vào năm âm lịch, người ta cho rằng thi hào sinh 1765. Nhưng gia phả họ Nguyễn Tiên Điền ghi chú rõ hơn là Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu, tính ra dương lịch là ngày 3 tháng 1 năm 1766, nghĩa là tính đến năm cuối thế kỷ XX này, vào tháng 2, Nguyễn Du đã có 234 tuổi. Hai trăm ba mươi tư năm so với câu thơ: Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, / Người đời ai khóc Tố Như chăng ?) – Độc Tiểu Thanh Kí – nỗi hồ nghi thiếu sự tri kỷ với cuộc đời đã được giải tỏa, “vượt khoán” so với thời gian dự tính của ông.

Thế nhưng, đọc Thanh Hiên thi tập cùng toàn bộ thơ chữ Hán, nỗi cô đơn buồn tủi của Nguyễn Du cứ đeo đẳng chúng ta một cách chung tình.

Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán,

Bạch đầu đa hận tuế thời thiên

Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến,

Hải giác thiên nhai tam thập niên

(Tan tác anh em Hồng Lĩnh vắng

Ngậm ngùi năm tháng bạc đầu rồi

Đường cùng còn có trăng soi đến

Ba chục năm qua khắp bể trời)

Quỳnh Hải nguyên tiêu

Không chỉ mười năm gió bụi ngồi nhìn “hoa cúc mà thèm ăn”, suốt đời Nguyễn Du là cả một bể cô đơn, và vì quá cô đơn trong đời thực, ông đành thích trò chuyện với những linh hồn đã mất. Không ai khác, trong nền văn học trung đại Việt Nam, Nguyễn Du là người duy nhất đã dẫn những linh hồn đã mất diễu hành qua trang thơ của mình để nói lên tất cả nỗi đau của kiếp người (Văn tế thập loại chúng sinh).

Trong những nỗi niềm cô đơn, tôi về Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vào một trưa đông nắng vàng để thắp hương cho Người. Bến Giang Đình, một trong tám cảnh đẹp của Nghi Xuân, nơi tiễn đưa và đón rước những vinh quy cho các vị đại khoa và quan to trong bài thơ Giang Đình hữu cảm không còn nữa. Xe bồ ngựa tứ, đoàn thuyền tiên xô nước, những chiếc tàn quí không còn, bến Giang Đình chỉ còn lặng lẽ trong tấm ảnh đặt ở trong nhà lưu niệm của nhà thơ với chiếc cây lẻ bóng trơ trọi như hình bóng Nguyễn Du còn lại. Nhưng những ngọn khói đốt đồng qua những khóm trúc bình dị vẫn chờn vờn thản nhiên loang lên bầu trời xanh ngắt.

Tiên Điền yên lặng và thành kính.

Những ngọn cỏ vàng và những bông hoa đỏ trên mộ Nguyễn Du vẫn còn nguyên. Rơm rạ và thóc phơi phóng dọc theo các ngã xóm và lan đến tận chân thềm nhà thờ cụ Nguyễn Nghiễm (bố nhà thơ Nguyễn Du). Những cánh đồng vàng dở dang trong mùa gặt vắt vẻo qua những con đường, quấn quít xung quanh nhà từ đường, lăng mộ họ mạc nhà Nguyễn chứa chất một bài ca sự sống tịch nhiên và vĩnh hằng.

Trong khói nhang lòng vòng ngát mùi trầm hương, tôi lắng nghe tiếng thông reo rì rào bên ngoài, những cây thông kết bạn đầm ấm trong vườn lưu niệm Nguyễn Du. Bên cây muỗm, cây nóng mà ông Nguyễn Quỳnh từ bỏ việc quan về để dạy con cháu học, để có một Nguyễn Nghiễm tể tướng, để có cả một dòng họ danh gia với Nguyễn Khản, Nguyễn Nể, Nguyễn Điều, Nguyễn Ức và Nguyễn Du, đã trồng, nay đã gần ba trăm tuổi, tôi như còn nghe tiếng giảng bài của ông. Thật lạ là suốt hơn cả mấy trăm năm khốc liệt của chiến tranh, chống Pháp, rồi chống Mỹ, hai cây muỗm và nóng ấy vẫn trường thọ và vươn lên xanh thẳm trên nền trời xứ Việt. Dường như đấy là sức sống của nền văn hóa Việt, một nền văn hóa cắm sâu vào đất, gìn giữ một thế giới tâm linh và hướng vọng đến sự vĩnh cửu.

Ấm áp và đạm bạc, xa lạ với lề lối văn minh, những khu vườn xóm giềng cụ Nguyễn Du ngày nay vẫn còn giữ nguyên những hàng rào tự nhiên, râm bụt, chè tàu, tre trúc,… Từ đó tiếng gọi nhau í ới vang lên, những bát nước chè gừng được đưa qua hàng rào chia nhau miền hạnh phúc nhân tình của những con người trên mặt đất. Không còn cô lẻ và đau buồn, bóng Nguyễn Du dường như mỉm cười trên nền lúa vàng dưới bóng trời ngắt xanh vĩnh hằng một thế giới đậm bản sắc văn hóa Việt, một nền văn hóa phác thực, nghĩa tình, đầy nhân tính mà trầm tư sâu lắng.

Trong lặng lẽ ấy giữa vườn Nguyễn Du, tôi nhớ bài thơ Ngẫu hứng (1) của ông:

Tam nguyệt xuân thi trưởng đậu miên

Hoàng hồ phì mãn bạch hồ kiên

Chủ nhân tại lữ bất quy khứ

Khả tích Hồng Sơn thuộc vãn tiền

(Tiết tháng ba xuân đậu nảy đều,

Cầy vàng béo mập, trắng sinh kiêu

Chủ nhân vắng mãi chưa về được

Phó thác Hồng Sơn mặc chú tiều)

Mùa xuân đã về giữa đất “đón xuân” (Nghi Xuân), núi ngàn Hống vẫn xanh lặng lẽ bên dòng sông Lam chảy qua ở trên cao kia. Người cha già thi ca xứ Việt suốt đời thương yêu và tìm kiếm hạnh phúc cho con người chắc sẽ còn phân vân đâu đó trên nền trời. Nhưng nỗi buồn đơn độc vẫn còn đó !?

Nghi Xuân, ngày đầu xuân Canh Thìn

Read Full Post »


Tháng Giêng là tháng đặc biệt của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Ông sinh ngày 15-2-1835 (tức 18 tháng Giêng năm Ất Mùi) và mất vào ngày 5-2-1909 (tức 15 tháng Giêng năm Kỷ Dậu), thọ 75 tuổi. Như vậy tính đến xuân này ông đã mất chẵn 100 năm. Một trăm năm rời chốn trần gian nhiều mộng mị khoa cử và quan trường lận đận, nhưng 100 năm qua và chắc còn hơn nữa, những câu thơ của Yên Đỗ vẫn còn khiến nhiều người yêu thơ nước Việt mất ngủ.

1. Ngày nay khi nhắc đến thơ Nguyễn Khuyến, người ta liền nghĩ ngay đến chùm thơ mùa thu nổi tiếng của ông và dành cho ông một mỹ tự “nhà thơ của mùa thu”. Tính từ khi Dương Quảng Hàm viết cuốn “Quốc văn trích diễm” vào năm 1925, thơ văn cụ Yên Đỗ, đặc biệt với chùm ba bài thơ thu đã trân trọng hiện diện trên gần vài chục tập giáo khoa thư. Trong lịch sử giảng dạy và nghiên cứu văn chương Việt gần một thế kỷ qua, bao nhiêu bút mực đã dành cho ba bài thơ thu của ông, nhưng cũng ngần ấy năm chẳng thấy ai nói đến thứ tự trước sau của chùm thơ này, rằng Thu vịnh viết trước hay Thu điếu, hay Thu ẩm ? Nhà nghiên cứu Ngô Ngọc Ngũ Long trong chuyên khảo rất chất lượng “Thi hào Nguyễn Khuyến – đời và thơ” do Viện Văn học chủ trương được NXB Khoa học xã hội in năm 1992 trong khi phân tích chùm thơ này đã lần lượt đi từng bài là Thu ẩm, rồi Thu điếu và cuối cùng là Thu vịnh. Ông không hề nói vì sao lại theo thứ tự như vậy. Trong khi phần lớn các cuốn SGK, hoặc các thi tuyển cho học sinh hay sinh viên học thì đều sắp xếp theo thứ tự Thu vịnh – Thu điếu – Thu ẩm, song cũng không một tác giả nào nói rõ cơ sở nào họ lại sắp xếp như vậy. Đó là một câu hỏi giản dị đã tồn tại gần một thế kỷ qua (?)

Theo nhận định của nhà thơ Xuân Diệu trong cuốn “Thơ văn Nguyễn Khuyến” in năm 1971, Thu vịnh được sáng tác vào khoảng 1883 – 1884, nghĩa là trước khi nhà thơ cáo quan về quê. Cơ sở để nhà thơ khẳng định điều này là câu kết của bài thơ “Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào” đã thể hiện rõ ý nghĩ hổ thẹn của ông quan Nguyễn Khuyến trước Đào Uyên Minh khi mình vẫn còn vướng phải vòng lợi danh nơi chốn quan trường.

Nhìn trên tổng thể cả ba bài thơ, về bút pháp, về thi cảm, về ngôn từ, chúng ta có thể nhận thấy ba bài thơ thu này làm ở những thời điểm cách xa nhau, và tất nhiên ở những cách thế khác nhau. Bởi vậy mỗi bài thơ có một nỗi niềm, một tâm trạng riêng. Và nếu nhìn trên trục thời gian, có thế thấy rõ Thu vịnh là tâm cảm của một vị quan trước vòm nha môn đã muốn rũ áo từ quan. Cái cách ngước mắt nhìn trời mấy tầng, rồi hạ dần đôi mắt xuống “cần trúc lơ phơ”, “nước biếc”, “giậu hoa” rồi chìm dần vào tâm trạng bên trong “nghĩ ra lại thẹn với ông Đào” thể hiện rõ thi cảm của một nho gia đã chán ngấy hiện trạng của mình. Ngôn từ bài thơ đầy những thi liệu bác học: trời xanh mấy từng, cần trúc, nước biếc, khói phủ, song thưa, hoa năm ngoái, ông Đào…

Đến Thu điếu, rồi Thu ẩm, hệ thống ngôn từ gần như dần triệt bỏ hết những chất liệu hàn lâm để lời lẽ “con dân” chiếm lĩnh tuyệt đối. Nhân vật trữ tình của Thu điếu là một ông già câu cá lạ kỳ dường như trầm mặc triền miên trong những ý nghĩa bất tận “không lời đáp” giữa cái tĩnh mịch nên thơ của làng quê nước Việt. Không biết ở đây cách thế người đi câu ở cái ao con Hà Nam có giống ông già ngồi trên bến phu Văn Lâu giữa kinh đô Huế vài năm sau không ?

Còn đến Thu ẩm, rõ ràng nhân vật là một lão nông say rượu. Không còn một chút cách thế, tâm trạng của vị quan ngày nào. Lão nông ấy uống rượu trong “gian nhà cỏ thấp le te”, nhìn ra ngoài trời chỉ thấy hun hút đêm sâu. Thu ẩm có một thi pháp “nhòe” và dường như được sáng tác từ điểm nhìn của một người uống rượu, vì thế hiện thực của nhiều điểm thời gian khác nhau nhập vào làm một trong không gian bài thơ: câu 1 và 2 là đêm tối, rất tối; câu 3 là cảnh có thể nhìn thấy “màu khói nhạt” ở lưng giậu phất phơ; câu 4 lại cảnh đêm trăng (Làn ao lóng lánh bóng trăng loe). Câu 5 thì khác hoàn toàn: Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt. Đây rõ ràng không phải là câu thơ tả cảnh mà là câu hỏi bất giác của thi nhân, một tâm cảnh của người uống rượu. Câu hỏi ấy không lời đáp. Và nó cũng bất thường như “mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”.

Từ điểm mở đầu thi triển bài thơ “trời thu xanh ngắt” đến “ao thu lạnh lẽo”, cuối cùng đến “năm gian nhà cỏ thấp le te”, lần lượt Thu vịnh – Thu điếu – Thu ẩm đã thể hiện được thi cảm cũng như nỗi niềm của ba trạng thái, ba cách thế khác nhau theo lộ trình từ quan quy ẩn để thành một ông già “nhà quê” chân yếu mắt mờ thực sự. Tuy vậy nó vẫn thống nhất trong hình tượng trữ tình một thi nhân giàu cảm xúc trước quê hương và đau đáu ưu tư trước thời cuộc khó bề xoay chuyển.

2. Khi giảng dạy ba bài thơ thu, người truyền giáo văn chương ít nhiều làm rõ được vẻ đẹp mùa thu nước Việt, tâm cảm ưu phiền của nhà thơ và bút pháp tả cảnh ngụ tình kiệt xuất của thi nhân Nguyễn Khuyến. Song họ đã ít để tâm đến chi tiết đắt giá hơn cả trong ba bài thơ trên, đó là hình ảnh “trời xanh”. Đây là chi tiết đã xuất hiện đều đặn ở cả ba bài thơ, nhưng ở những vị trí khác nhau: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” (Câu 1 trong Thu vịnh), “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” (Câu 5 trong Thu điếu), “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” (Câu 5 trong Thu  ẩm)

Vì quen sử dụng phương pháp luận “con quạ” với kỹ năng “rỉa mồi”, theo nghĩa đen của từ “phân tích”, các nhà giải phẫu tác phẩm văn chương đã “chiết” chi tiết “trời xanh” này ra và gán cho nó nhiều nghĩa “ước lệ” theo cách của văn hóa học hoặc của khoa tư biện cảm tính, trừ cách phân tích tác phẩm trong sự toàn vẹn của văn bản và liên văn bản. Từ đấy, màu trời trong thơ cụ Yên Đỗ ở trên theo họ là biểu trưng cho vẻ đẹp nên thơ diễm tình của miền quê nước Việt, là màu xanh hi vọng, là biểu hiện cho sự sống nước Việt,… là rất nhiều nghĩa, chỉ trừ nghĩa mà cụ Nguyễn Khuyến gửi gắm qua hình ảnh thơ đặc biệt này (?)

Trong trường hợp này, cũng ít ai nghĩ rằng trong cảm quan thị giác của người Việt, màu “xanh ngắt” mà cụ Yên Đỗ “lặp” đến cả ba lần ở cả ba bài thơ có thật là màu mà người Việt chúng ta yêu thích không ? Thực sự là không ! Và một người mang đậm trong mình những tinh tuý của hồn Việt, văn hóa Việt như cụ Yên Đỗ sao lại lấy màu “xanh ngắt” để làm “đẹp” cho bầu trời nước Việt ? Chắc câu trả lời cũng không !

Khi lần giở lại tất thảy di cảo của cụ Yên Đỗ, nhất là soát xét gia tài thi ca trong đoạn đời quy cố hương ở vùng chiêm trũng Bình Lục cho đến tháng Giêng năm 1909, trước khi rời cõi tạm, chúng ta không còn thấy thi nhân ngước mặt nhìn trời trong các thi tác của ông nữa. Từ ngày “mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”, dường như “trời xanh” đã không còn là một ẩn mật trong ông, nỗi bận tậm về cõi đời, về sự xuất xử của nho gia cũng không còn hằn lên trí nghĩ của ông… Dường như hơi rét thế mệnh bao phủ chốn trần gian khiến ông co mình lại để tìm những nguồn vui bên những bờ giậu thưa, những cột khói đốt đồng, những giọt “rượu tường đền”, những vui buồn có thực trên mặt đất mà thôi !

Bởi vậy nên lần cuối ở Thu ẩm, nhà thơ đã hỏi “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”. Uống rượu trong “năm gian nhà cỏ thấp le te” giữa một “đêm sâu” bỗng nhiên từ tâm khảm ông, hình ảnh “trời xanh” lại chới với hiện lên như tra vấn. Và theo sau câu hỏi này là câu thơ đầy tâm trạng: “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”. Dường như câu thơ tiếp ứng liền liền này lại chính là hệ quả từ câu thơ ở trước vậy ?

GS. Trần Đình Sử trong tiểu luận “Con người trong sáng tác Nguyễn Khuyến” đã viết rất hay về quan niệm nghệ thuật trong thơ Nguyễn Khuyến như thế này: “…Nguyễn Khuyến đã nhận ra trạng thái thất hồn, trống rỗng, bất tài, vô vị của người đương thời… Nguyễn Khuyến là người đầu tiên nhận ra sự lỗi thời ấy trong thơ ông”. Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ là một nho gia. Trong mấy ngàn năm nay, Trời là đấng tối cao, người nắm giữ then máy tạo hóa, là kẻ chứng giám và minh bạch các giá trị, các chân lý cho chốn bụi hồng. Bởi vậy nên chúng ta không lạ gì khi Bao Chửng bên Tàu, người phán xử công minh các vụ án được vua Tống cho nhận tước vị Bao Công lại được nhân dân phong tặng danh hiệu Bao Thanh Thiên !

Cụ Yên Đỗ là người thông hiểu thi thư thánh hiền, cụ đã gò mình vào con đường khoa cử để thành danh và cụ ra làm quan với vốn liếng rất cơ bản như vậy để tham gia chính sự. Thế nhưng, thời cuộc đã đổi thay, tiếng súng xâm lăng của thực dân Pháp là từ trời Tây đưa tới, triều đình nhà Nguyễn đã như một con ngựa già lụ khụ trên dòng lịch sử, những lý thuyết của nho gia nghìn năm trước đấy giờ đây đâu còn ý nghĩa gì trước thời đại mới, lý tưởng cũ đã hết thời, lý tưởng mới thì chưa tới… Rời chính trường về quê, mang danh phận kẻ sĩ, trong lòng đầy những hoài bão vì đời, vì nước, nhưng nghĩ cho cùng, nhà thơ vẫn thấy mình là một kẻ bất lực. Nỗi đau đớn tận cùng này hỏi ai bây giờ ?

Ông trời “xanh ngắt” đâu còn nơi là nương tựa cho con người nữa. Ông không đủ khả năng giải đáp chân lý, thay đổi nước non. Ông ta vô hồn, trống rỗng, bất tài, và tầm thường đến mức mày tao chi tớ với chúng sinh dưới trần:

Chót vót trên này có một tao

Mày xem tao có nói đâu nào ?

Da tao xanh ngắt pha đen trắng,

Chỉ tại dì Oa vá váy vào

(Trời nói)

Bởi vậy mới thấy rằng, hình ảnh “trời xanh” trở đi trở lại bất thường trong cùng một sắc độ “xanh ngắt” ở ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến được nói ở trên chỉ là thể hiện sự khủng hoảng lý tưởng trong con người nho gia của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ.

Đây cũng chính là điểm nhìn nghệ thuật của Nguyễn Khuyến khi ông triển khai tứ thơ, và cũng là cơ sở để người dạy văn xác định được lộ trình sáng tác trong “liên khúc” ba bài thơ thu, từ đó có thể nhận diện được các giá trị thẩm mỹ đích thực của các thi phẩm.

LÊ QUANG ĐỨC

 

Read Full Post »