Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Đọc sách’ Category


Mỗ tui hay nói vui là “May quá cho Nam Cao là ông chết sớm !”. Nhưng ý nghĩa này rất thực lòng. Sau khi viết “Đôi mắt” và ghi Nhật ký ở rừng thì Nam Cao bị phục kích và mất khi đi vào vùng địch hậu lúc còn dưới 40 tuổi. Ở Đôi mắt, người ta chưa thấy sự thông minh của Nam Cao khi ông xây dựng hai nhân vật Hoàng và Độ theo thế nhị phân trong tư tưởng, tâm hồn của thế hệ trí thức đi theo kháng chiến. Người đọc thường thường cho đây là hai nhân vật, nhưng mỗ tui cứ thấy hai anh này là một, như hai mặt mới và cũ trong một con người trí thức mà nhà văn đã dùng thủ pháp phân thân để khắc họa thôi. Trước 1945, với Sống mòn, Lão Hạc, Một bữa no, Chí Phèo, người ta kinh khiếp về tư tưởng và tài năng của ông khi ông soi thấu tận cùng những sâu thẳm nhất, âm u nhất khi viết về con người. Với tài năng này, cách nhìn này, nếu Nam Cao còn sống qua cải cách ruộng đất, qua bao biến cố đổi thay long trời lở đất, và nhất là hiện trạng con người hiện nay, không biết ông sẽ viết như thế nào, một là như Trần Dần ngã ngựa 20 năm tịnh khẩu trong tuyệt tình cốc, một là như Xuân Diệu “ngói mới” tuồng chèo bằng thơ trong các hội hợp tác xã sáng tác chăng ? Nên mới nói, cái chết hóa ra là cái may, nhờ nó, ông thành liệt sĩ, thành một tác gia văn chương hiện đại, và có tên đường ở nhiều thành phố lớn… Và Nam Cao là Nam Cao sừng sững như một con dốc lớn trong tiến trình văn học nước nhà !

Nam Cao đã như vậy rồi, thế mà đến giờ có kẻ đem Chí Phèo của ông ra hưởng thụ theo kiểu băm vằm thành mấy món tiết canh, dồi trường ?! Bởi vậy mới nói là rất may cho ông, nếu còn sống chắc ông bị nhồi máu cơ tim tức khắc.

ffd904db09c560fd5b31e36852d9b0cf.jpg

Chuyện này là có liên quan đến ông Lenin, nên mới có chuyện thêm là nói Lenin sống dai. Nói đúng hơn là tinh thần “phản ánh luận” của Lenin sống rất dai, hình như nó đem về và khai sinh từ 1943. “Phản ánh luận” tổng tiến công trên các mặt trận văn nghệ, từ văn chương đến phê bình nghiên cứu. Và nó khiến người ta nhìn đâu cũng chỉ cần thấy, chỉ muốn thấy văn nghệ là sự phản ánh hiện thực, một hiện thực lịch sử, một hiện thực xã hội cụ thể, một con người, một đám cần lao cụ thể…

Quan điểm này đọc Thằng Bờm chỉ thấy xung đột giai cấp của nông dân và địa chủ, đọc bài ca dao con cò để thấy thân phận người lao động hẩm hiu, đọc Đoạn trường tân thanh để chỉ thấy hiện thực xã hội phong kiến chà đạp con người,… Cả khi đọc Thạch Lam, cũng chỉ thấy cảnh sống hiu quạnh của con người bé nhỏ, đọc Honoré de Balzac cũng chỉ thấy hiện thực đen đúa bao quanh xã hội tư bản chủ nghĩa… Vì thế nó lược quy hết về một phía hiện thực, tước đi hết những chiều sâu trong nhận thức về con người, chất thơ và sự khơi gợi chân thiên mỹ mà văn chương mong muốn cho con người nhìn thấy. Trong khi Thạch Lam rất lãng mạn và Balzac không chỉ có Miếng da lừa, Lão Goriôt, mà còn Bông huệ trong thung…

images

Lenin sống dai với phản ánh luận nên người ta mới băm Chí Phèo của Nam Cao thành món tiết canh lòng lợn như vậy. Lenin sống dai nên cả nền văn học cố gắng miêu tả cho được hiện thực hào hùng, hoặc tăm tối của xã hội, của lịch sử như vậy, nên phê bình văn học cũng chúi mũi vào soi thử hiện thực được phản ánh trong này là gì, có giống hay không giống, “cánh đồng” (bất tận) của chị Tư này có phải là cánh đồng ở huyện mình không, tỉnh mình không ?

Phản ánh luận quả thực trở thành một tấm trần thủy tinh (glass ceiling) chắn hết mọi nẻo sáng tạo của người viết. Mỗ tui đọc Mối chúa (mà người ta trịnh trọng có công văn thu hồi sau xuất bản) trong cảm giác Đãng Khấu cũng bị mắc vào tấm trần này, dù anh cố gắng cách tân rất nhiều. Anh vẫn loay hoay phía dưới tấm kinh trong suốt này, như trong Bước qua lời nguyền, Đi tìm nhân vật,… Theo mỗ tui, có lẽ Thiên thần sám hối thì có đi xa hơn một chút, nhưng hãy còn lựng chựng…

Bởi vậy, giữa ngày, tự nhiên mong làm sao nghệ thuật bước qua được tấm trần này, sự sống dai này !

Read Full Post »

Thứ 7 và sách


Sáng thứ 7 qua thắp nhang cho Ông, sau ly cafe đen của bà nội pha cho, ông bác dẫn đi ăn mì Quảng rồi tặng cuốn Văn tuyển Sài Gòn, xong về Hoa vàng uống cafe lần 2 với dịch giả Anh Thi, và được nhà thơ Phạm Thiên Thư tặng Đoạn trường Kiều. Rồi ngồi nhâm nhi facebook với những tin nhắn gọn gàng. Phương bắc trở lạnh…

23794980_10155475726358929_4058275219973021854_n

Saigon, Saigon, mây trời thanh thản và yên ắng một góc phố quen. Ngồi đọc Lynh Bacardi, với Hậu sản, văn kiệm lời giản dị nhưng tầng lớp ý nghĩa. Lại thương con chữ cần cù thương nhớ 12 bến nước nối nhau hàng hàng như kiến để vỗ về cho những kiếp người vật vờ mưu sinh đến mức quên luôn bản thân của mình… Văn chương vẫn bên lề góc phố, như những cánh hoa mến yêu mà Phạm thi sĩ cắm bên lề đường Hồng Lĩnh sáng nay !

Read Full Post »


Anh kể anh gặp một bà lão bán bánh chuối ở một nhà sách mỗi ngày được 70 ngàn, nhà ở Phan Xích Long, mỗi ngày đi về 2 cuốc xe ôm hết 30 ngàn, và nuôi hai đứa con, một đứa bị khùng, một đứa bị xơ gan. Anh đề nghị chở bà đi để bớt tiền. Nhưng bà từ chối vì không thể bỏ người xe ôm đội mưa nắng chờ bà mỗi ngày… Sự tử tế của con người dưới đáy xã hội khiến anh khâm phục và đau đớn. Chị Nguyễn Thị Hậu trong dẫn chuyện cũng nói một cách tê tái rằng: rất tiếc là người quản lý (bọn quan lại) lại không đọc sách và không biết nỗi đau vô hạn cũng như lòng tử tế to lớn của những con người Saigon như vậy… Cuối cùng Võ Đắc Danh cũng nói một cách cay đắng: trang văn chỉ giãi bày nỗi niềm, ghi chép thế sự chứ cuối cùng vẫn là bất lực trước oan ức và nỗi đau của con người…

22539968_10155384043088929_3661901867039850612_n

Chị vợ anh Võ Đắc Danh còn kể do anh Danh viết thẳng về những tiêu cực của chính quyền nên bị các cơ quan công quyền tới gây áp lực bằng cách rất vô pháp luật là hốt hết quán cho thuê băng đĩa của chị. Và chị hồn nhiên từ chối thẳng thừng lời đề nghị chồng chị không tiếp tục viết báo chống tiêu cực… Một người phụ nữ rất Nam Bộ trong ý nghĩ, hành động và lời nói…

Nxb Trẻ, ngày 21/10/2017

Read Full Post »


Cảm ơn bác Lộc Xuân đã tặng tập thơ, một tập thơ chứa chất suy tư và nỗi niềm của một cuộc đời tranh đấu thăng trầm cho quê hương và con người với khát khao để quê hương được độc lập, con người được tự do ngẩng đầu đi thẳng trong ánh nắng của công lý và yêu thương. Bỗng nhiên nhớ lúc ngồi với bác, bác đề nghị: nghe nói bên phía Địa Trung Hải giờ họ rao bán mấy cái hòn đảo hoang ở đó, sao anh em mình không góp tiền để mua một hòn rồi tự xây dựng một vùng đất tự trị ở đó. Giấc mơ VietUtopia thật đẹp và cũng thật cay đắng của người Việt đang còn sống trên chính quê hương của mình ! Hẹn bác một ngày ở trang trại của bác !

22528555_10155381283188929_3220558355929040732_n.jpg

Read Full Post »


“Mars là một trong những bộ óc vĩ đại nhất của kỷ nguyên Victoria. Ông được coi là nhà lý luận phủ định vai trò của văn hoá (anticultrural theorist)”. Trong Tuyên ngôn Cộng sản, Mars và Engels viết: “Chính quan điểm của anh không gì ngoài việc là sản phẩm tự nhiên của điều kiện sản xuất và tài sản tư bản”. Hai tác phẩm Tư bản và Bản thảo triết học và kinh tế học đã nhất quán quan điểm anticulture.

Nhấn mạnh vai trò của kinh tế, quyền lực của giai cấp và sự thống trị của tư bản (về tư liệu sản xuất), Mars đã tuyệt đối hoá tính vật chất (duy vật), và hệ quả dường như ông đã tước đoạt sự phong phú về tinh thần của con người, xem con người chỉ còn là một hữu thể sinh tồn loay hoay với “tư bản” và quyền lực giai cấp và tranh đấu cho quyền lực thống tri mang tính kinh tế luận đó. Con người rút cuộc chỉ là một con vật ?!

images

Hèn chi nó vô thần và tận độ tham lam của cải và tranh giành quyền lực một cách quyết liệt (mà không biết sợ hãi Thượng đế và Lương tri) ?

Hèn chi văn hoá thằng nào cũng quản lý được miễn hắn là thợ điện hay kẻ mổ bò ? Hèn chi văn hoá, giáo dục là những ngành luôn tổng kết sau cùng so với các ngành mang tính “duy vật” (vì lịch tham dự của lãnh đạo cấp cao luôn xếp nó sau rốt, nên phải chờ ?!) ?

Nhức đầu vì khó hiểu. Nhưng đọc Mars thì hiểu và hết nhức đầu ! Cảm ơn Ngài duy nhất chuyện nhỏ này thôi nghen !

(Ý nghĩa ngày cũ tròn một năm, 23/09/206)

Read Full Post »


Công văn đình chỉ phát hành “MỐI CHÚA” của Cục Xuất bản đã tóm tắt nội dung tư tưởng của tác phẩm một cách súc tích như sau:

“Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn. Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bằng những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền…”

21686450_10155306942578929_6395991651035650796_n

Cục Xuất bản đã rất chính xác !

Công phu Tạ Duy Anh càng ngày càng tuyệt kỹ hơn !

(The official dispatch revoking and banning the publication of “Mối chúa” proclaimed by the Bureau of Publication summarizes the contents of thought compendiously:

“The content of the book reflects the conspicuous problems in recent Vietnam’s society. From the novel the author exposed the negatives and injustices in society. However, most of the characters in the work, from the lower classes to high ranking officials are dark, helpless, painful. By the narratives of the characters, the society is full of dark forces, a society almost led by the stingrays are ignorant, greedy, tricks. The entire system of government reveals ruthlessness, immorality, the repression of peasants, the killing of each other, the murder of the opposition only for money… ”

The Bureau of Publication has been very honest and tried to be accurate !

Ta Duy Anh’s skills are getting better and better ! )

Read Full Post »


Sáng trong khi chờ họp giao ban để làm đười ươi quen thuộc ở Cục, thật tình cờ khi “bói truyện” lại gặp “Người cười” của Heinrich Boll. Câu chuyện không lạ vì thấy motif quen thuộc trong văn chương. Câu chuyên làm ta nhớ đến mô hình nhân vật rỗng trong Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, và gần đây là Mùi cọp của Quý Thể. Heinrich Boll kết thúc truyện ngắn của mình bằng ý tưởng: “Tôi biết cười đủ các kiểu, nhưng tiếng cười của chính tôi, tôi lại không biết nó như thế nào.”, Câu chuyện vì thế mang tính phổ quát hơn so với Nguyễn Công Hoan hay Quý Thể…

Heinrich Boll

Trong xã hội hiện đại, con người dễ dàng đánh mất bản thân mình để “tha hóa” đi, để rồi mang một thứ mặt nạ xã hội (social mask) và quên đi nguyên thể chính mình. Con người trở thành một L’Étranger như Albert Camus từng tóm kết hơn một trăm năm trước đây… Hỡi ôi, không biết khi nào ta lại trở thành chính ta, trở lại “bản lai diện mục” của ta ?!

Read Full Post »


Cuộc đời thật luần quần. Hồi xưa mê văn chương đến nhịn hết mọi thứ “lạc thú” để đọc. Vài năm gần đây lại thấy văn chương như là phương tiện để phần đông người biết chữ lãng tránh thực tại bi đát và đáng căm hận. Vì nó xa lạ với vận mệnh nhân dân và Tổ quốc, nên từ bỏ nó như từ bỏ một sự phù phiếm diêm dúa !

Nhưng giờ nhìn thực tại bi đát đến nỗi như một đống sình lầy khó gỡ, thành ra lại ngoắc ngoải và quay về trò chơi văn chương ?! Sáng ra tìm mấy cuốn truyện ngắn và bắt đầu trò chơi game “bói truyện” rồi đọc.

Naguib-Mahfouz-Quotes-5

Sáng nay mở sách và bói thì bất ngờ gặp lại “Thiên đường trẻ thơ” của nhà văn Nobel Ai Cập Naguib Mahfouz. Câu chuyện thật nhỏ trong một gia đình với ba nhân vật không tên: cha, mẹ và cô bé gái. Và chuyện chỉ là một cuộc đối thoại thông thường nhưng gay cấn, giàu ý nghĩa và mang tính phổ quát rất cao. Nói đúng hơn là đây là một cuộc truy vấn về sự tồn tại, về sống và chết, về con người và Thượng đế, về người lớn và trẻ nhỏ, về niềm tin và sự hoài nghi… được khởi sự từ một cô bé rất nhỏ !

Hình thức truyện ngắn thật lạ: chỉ là những lời hỏi đáp kéo dài vô hồi kỳ trận, như một vở kịch ngắn. Kết thúc truyện là “cô bé buông một tiếng thở dài, im lặng…”, còn người cha thì “mệt rã rời”, người mẹ “lại cúi xuống khung thêu” như ấn cái mệnh người cay đắng thành một biểu tượng trên mặt nhân thế !

Đọc xong thì mình cũng mệt rã rời, nên đóng cửa văn phòng, ra phố, uống ly cafe để nghe mùi vị trần gian vừa đắng vừa ngọt trên đầu lưỡi. May quá vị giác vẫn còn nguyên vẹn. Như Thượng đế vẫn còn trên mặt đất !

Saigon, 25/08/2017

Read Full Post »


“Nghiên cứu giúp người ta cầm ngọn đèn sáng của hiểu biết xua tan vô minh và những tri kiến sai lầm và cho phép người ta có được trí huệ cần thiết để đi trên con đường đến giải thoát. (…) xoá bỏ những nhiễm ô và thiết lập nền tảng của tỉnh giác dẫn người ta đến chỗ hiểu được vô thường, khổ, vô ngã và tánh Không” (Đức Ngài Sakya Trizin).

Buồn quá ngồi đọc “Bức thư của Bồ-tát Long Thọ gửi cho vua Gautamiputra”, thấy ngôn ngữ ngân vang vẻ âm u huyền bí nhưng đầy uy quyền của tuệ giác, sanh khởi niềm vui ngó nghiêng và dè dặt bàn chân bước vào Con đường của Pháp…

10990914_10152832865143929_7360310301436138373_n

Read Full Post »


Sáng có người rủ đi Châu Đốc để lo cho vụ viết mấy bài nghiên cứu liên quan ở đây. Chiều mệt nằm đọc Tạp văn Phan Thị Vàng Anh lại gặp bài viết nhỏ về Thoại Ngọc Hầu với những băn khoăn, những trầm tư về nhân vật lịch sử này…

image

Phan Thị Vàng Anh viết: “…Nhưng, cũng như tinh thần của mọi vùng đất, mọi thời đại, ta không thể có chuyện “tự nhiên” gặp được tinh thần ấy, nếu trước đó không “dọn mình” sẵn về văn hóa. Không có văn hóa, người ta không thể tự nhiên gặp lịch sử, tội nghiệp hơn, lịch sử mất đi giá trị “bài học”, chỉ còn là “sự kiện” mà thôi.” (Nét hiện đại của câu chuyên 300 tuổi, trang 14)

Khi đứng lớp dạy về văn hóa cho sinh viên, một câu hỏi luôn trở đi trở lại trong đầu như một “nan thiên vấn”: Sao sinh viên mình họ không biết gì nhiều về sử Việt, dù họ học sử rất nhiều từ 12 năm trước, trong khi sử Việt thì đâu có thua gì về độ hấp dẫn so với sử Tàu, sử Âu, sử Mỹ ? Có lẽ vấn đề là các nhà sử học đã tước đi khỏi lịch sử phần linh hồn văn hóa trong sử để thâu rút lại còn ba bốn cái sự kiện với những con số khô khan cạn rỗng nhân sinh ?

Read Full Post »


Theo Claude Lévi-Strauss và kết thúc Nhiệt đới buồn: Loài người đã thực hiện ba ý đồ lớn về tôn giáo để tự giải thoát khỏi sự truy hại của những người chết, của đau khổ ở thế giới bên kia và những nỗi kinh hãi do ma thuật. Cách nhau khoảng một nửa thiên niên kỷ, họ đã lần lượt tìm ra được Phật giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo; và điều rất đáng chú ý là mỗi chặng, không hề đánh dấu một bước tiến so với chặng trước, mà đúng ra là chứng tỏ một bước thụt lùi..

14441098_10154176942703929_521242231954039063_n

Đọc  Claude Lévi-Strauss và bị cuốn vào ma thuật của nghiên cứu thổ dân Amazon… Có nhiều gợi dẫn vô cùng thú vị. Rất tiếc chưa thể ghi chép và viết kịp,…

Một ngày chỉ có 24 giờ !?

Read Full Post »


Buổi sáng nhức đầu và đọc Mars.

“Mars là một trong những bộ óc vĩ đại nhất của kỷ nguyên Victoria. Ông được coi là nhà lý luận phủ định vai trò của văn hoá (anticultrural theorist)”. Trong Tuyên ngôn Cộng sản, Mars và Engels viết: “Chính quan điểm của anh không gì ngoài việc là sản phẩm tự nhiên của điều kiện sản xuất và tài sản tư bản”. Hai tác phẩm Tư bản và Bản thảo triết học và kinh tế học đã nhất quán quan điểm anticulture.

Nhấn mạnh vai trò của kinh tế, quyền lực của giai cấp và sự thống trị của tư bản (về tư liệu sản xuất), Mars đã tuyệt đối hoá tính vật chất (duy vật), và hệ quả dường như ông đã tước đoạt sự phong phú về tinh thần của con người, xem con người chỉ còn là một hữu thể sinh tồn loay hoay với “tư bản” và quyền lực giai cấp và tranh đấu cho quyền lực thống tri mang tính kinh tế luận đó. Con người rút cuộc chỉ là một con vật ?!

images

Hèn chi nó vô thần và tận độ tham lam của cải và tranh giành quyền lực một cách quyết liệt (mà không biết sợ hãi Thượng đế và Lương tri) ?

Hèn chi văn hoá thằng nào cũng quản lý được miễn hắn là thợ điện hay kẻ mổ bò ? Hèn chi văn hoá, giáo dục là những ngành luôn tổng kết sau cùng so với các ngành mang tính “duy vật” (vì lịch tham dự của lãnh đạo cấp cao luôn xếp nó sau rốt, nên phải chờ ?!) ?

Nhức đầu vì khó hiểu. Nhưng đọc Mars thì hiểu và hết nhức đầu ! Cảm ơn Ngài duy nhất chuyện nhỏ này thôi nghen !

Read Full Post »


“Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt” của tác giả Hà Văn Thùy có nhiều tư liệu và một số nhận thức mới thú vị về hành trình tìm hiểu chủ thể của văn hóa Việt… Nếu thực sự vậy thì nhiều định đề về văn hóa Việt Nam, cũng như của khu vực và thế giới sẽ đảo lộn mất…

Chiều nay tìm thấy vài thông tin về lục địa huyền thoại Kumari Kandam dự đoán là ở dưới Ấn Độ Dương lại càng chứng thực hành trình di cư của loài người từ thời cổ đại chỉ đi theo ven biển, hoặc qua biển, chứ không thể đến Tây Tạng rồi mới đi về phía đông châu Á như lâu nay nhiều cuốn sách vẫn viết…

11222183_10153358586603929_2996132632397480328_n

Ngày 3/10/2015

Read Full Post »


Thư viện Việt Nam – một cái nhìn thẳng

Tôi còn nhớ tại một hội thảo vào năm 2003 có chủ đề “Hiện đại hóa thư viện” tại TP. Huế, TS. Sharon H. White – Phó Tổng lãnh sự quán Hoa kỳ tại TP.HCM khai mạc hội thảo bằng một câu hỏi “Thư viện là gì ?”. Không biết người Mỹ đã nghĩ sao về hệ thống thư viện tại Việt Nam khi lại chào mừng hội thảo bằng một câu hỏi giản đơn như vậy ?

Câu hỏi có vẻ ngây ngô, nhưng rõ ràng có lý lẽ xác đáng của nó. Chỗ đứng của thư viện trong đời sống xã hội đã có hay không ? Có nhiều lý do để công chúng ít nhiều xao lãng về sự hiện hữu của thư viện tại các thành phố, các địa phương, vì sách vở ít, lạc hậu, vì khó khăn tiếp cận,… và cả vì sinh tồn. Thế nhưng, ngay cả những người có học vị và quan chức vẫn còn mơ hồ về giá trị của thư viện. Khi tôi hỏi một vị là tiến sĩ ngành khoa học xã hội và nhân văn về địa chỉ của Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, ông ta nói ông không biết. Những năm Việt Nam còn là đất thuộc địa, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, người Pháp đã dành những khoảnh đất đẹp nhất để xây dựng các thư viện. Qua gần trăm năm sau, những thư viện như vậy vẫn còn đẹp. Nhưng giờ đây lại đứng trước nguy cơ thay thế bằng các cao ốc hay siêu thị để sinh lợi… Tại Đà Nẵng, người ta đã từng định bán đất Thư viện Tổng hợp khiến các tầng lớp xã hội phản ứng quyết liệt… Điều này phản ánh một nhận thức rất đỗi hời hợt về giá trị của thư viện, của sách vở nói riêng và của tri thức nói chung trong những nhà quản lý. Vì thế câu hỏi của người Mỹ đặt ra: “Thư viện là gì?” tại một hội thảo gồm các chuyên gia ngành thư viện không phải là chuyện khôi hài ?

Tại Việt Nam, trong quá trình phát triển, hệ thống thư viện được xây dựng và khai thác sử dụng ban đầu chỉ diễn ra ở cấp trung ương, tỉnh-thành, sau phát triển đến cấp quận-huyện-thị trấn. Ở khu vực giáo dục, từ rất lâu các trường đại học, cao đẳng và sau này là các trường trung học đều có tổ chức thư viện tại mỗi cơ sở đào tạo… Sau này có thêm rất nhiều các thư viện của các bộ, ngành, cơ quan,… Mạng lưới thư viện của Việt Nam rộng khắp, có mật độ dày. Nhưng hệ thống ấy, đặc biệt trong từng thư viện sẽ thấy chúng rất thiếu sức sống.

Hạn chế lớn nhất của ngành thư viện là gì ? Đấy là câu hỏi chúng tôi đặt ra cho nhiều người quan tâm đến chuyện sách vở. Sau nhiều phút ngập ngừng, và cả việc nêu rất nhiều hạn chế trước, ThS. Hoàng Ngọc Hùng, Trưởng thư viện Đại học Sư phạm Đà Nẵng trả lời: “Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, chúng ta làm được rất nhiều, nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều các văn bản pháp quy về tổ chức và hoạt động trong ngành thư viện, các chính sách, quy định về tài sản, về nhân lực,… vì thế rất khó để các thư viện triển khai và thực hiện tốt vai trò của mình”. Có người cho rằng, sách vở thiếu và lạc hậu, phương tiện tra cứu và tiếp cận khó khăn. Có người cho rằng ngân sách rót cho thư viện quá ít, nên công tác tổ chức hoạt động và phát triển khó hiệu quả. Có người đổ lỗi cho văn hóa đọc xuống cấp, các phương tiện giải trí khác phát triển mạnh, mạng internet bùng nổ khiến thư viện theo đó xuống dốc…

Thư viện ở một khía cạnh nào đó được xem là hàn thử biểu của đời sống trí thức một xã hội. Vì thế nhìn sự hiu hắt tại các không gian thư viện thật đáng buồn rầu. Ngay ở các trường ĐH, CĐ, thư viện cũng lâm vào tình cảnh “bước tới đèo Ngang” như vậy. Có nhiều nguyên nhân: sinh viên nghe giảng nhiều hơn tự học, sinh viên ít có thời gian đến thư viện, sinh viên không được yêu cầu hay bắt buộc phải tham khảo tài liệu bằng tiếng nước ngoài, và người thầy không chịu thay đổi cách dạy, cách đánh giá kết quả học tập của sinh viên để từ đó sinh viên phải thay đổi cách học chủ động tích cực. Nhìn ngược lại, một phần là do thư viện nghèo nàn, thiếu thốn sách báo, cung cách quản lý ít tôn trọng bạn đọc khiến sinh viên xa rời thư viện. Đó là cái vòng lẩn quẩn của sự phát triển theo kiểu lập luận đèn cù “cái trứng và gà con” ?!

Theo các chuyên gia, sự nghiệp thư viện Việt Nam có một lợi thế khá lớn là được hưởng sự đầu tư hầu như trọn vẹn của nhà nước từ chiến lược, mục tiêu, nội dung và phương thức, đến con người và tổ chức, về tài chính và cơ sở vật chất… Tuy nhiên, điểm mạnh ấy cũng nảy sinh ra điểm yếu cơ bản: cơ chế  bao cấp “mãn tính” làm thui chột tính năng động sáng tạo, từ đấy đưa đến những tồn tại lớn cho sự nghiệp thư viện Việt Nam hiện nay: bị cô lập khá lâu với môi trường thư viện toàn cầu, khả năng thích nghi và thích ứng thấp trong một thế giới đang chuyển động mạnh mẽ, sự thiếu thốn và lạc hậu về công nghệ, sự bất cập trong việc đào tạo và sử dụng đội ngũ nhân sự ngành thư viện…

Song theo chúng tôi, hạn chế lớn nhất vẫn là khả năng tương tác với công chúng. Nghĩa là khả năng tiếp cận đời sống còn rất yếu, yếu cả ở hai phương diện: tiếp cận tài nguyên thông tin khổng lồ để thành tài nguyên thư viện; và tiếp cận công chúng để đưa tài nguyên thông tin thành tri thức cá nhân trong cộng đồng.

Thư viện Việt Nam trong dòng chảy đương đại

TS. Sharon H. White khẳng định: “Tiếp cận thông tin là thiết yếu để cho con trẻ chúng ta lớn lên và phát triển đến mức tiềm năng cao nhất của chúng. Tiếp cận thông tin làm con người mạnh mẽ và quốc gia giàu mạnh hơn. Thư viện nên được biến thành trái tim của trường học, của cơ quan và cộng đồng. Thư viện nên trở thành một nơi mà con người cảm thấy mình được chào đón, một địa chỉ mọi người muốn tìm đến viếng thăm. Thư viện là nơi người ta dựa vào khi họ muốn có thông tin về bất cứ điều gì, đối với bất cứ lý do gì. Thư viện nên có đủ mọi nguồn tài nguyên, ý tưởng và quan điểm.”

Vai trò của thư viện truyền thống với tài nguyên ấn phẩm được xem như là nơi lưu giữ kinh nghiệm tiền nhân, tri thức quá khứ, vì thế nó giữ vai trò như là nơi mở mang trí tuệ, giải phóng tinh thần. Nơi ấy, sách vở sẽ giúp con người vượt ra ngoài giới hạn của bản thân mình, để học hỏi nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn về thế giới xung quanh ta, về những người khác, về những nền văn hóa khác…

Thế nhưng, thư viện có nên là một ốc đảo chỉ với các ấn phẩm hay không ? Ngày nay, công nghệ thông tin, mạng lưới internet đã làm biến đổi mạnh mẽ thế giới chúng ta. Công nghệ thông tin có phải là một đối thủ cạnh tranh hay không ? Hoàn toàn không, nó lại là một đối tác, thậm chí là một đối tác chiến lược tin cậy để đi tới mục tiêu tiếp cận và tổ chức thông tin cho con người ? Thư viện hiện đại vì thế là con đường dẫn đến tương lai. Nhân viên thư viện vì thế thực hiện vai trò điều phối giữa một bên là dòng thác thông tin tăng trưởng nhanh chóng và một bên là nhu cầu thông tin của xã hội ngày càng bức thiết và khắt khe. Tiếp cận thông tin trong khu rừng internet thì thư viện cần phải tổ chức để thông tin dễ dàng được tìm thấy, mặt khác cũng đòi hỏi việc tổ chức này không hạn chế sự tiếp cận mà càng làm tăng nguồn tài nguyên thông tin. Thư viện không còn là nơi chốn đơn độc cho người đọc lữ hành qua duy nhất một cánh rừng, đấy là cả một hệ thống “lâm sinh” liên thông giữa các thư viện, giữa các khối trí thức. Thư viện là nơi thông tin được tổ chức, nơi dễ dàng tìm thấy thông tin, và nó chỉ có giá trị khi nó có thông tin và có người biến thông tin trở nên hữu ích.

Để được như vậy, thư viện cần thay đổi nhận thức trong tiếp cận công chúng. Tại Thụy Điển, Peter Thuvander, một nhà thiết kế và kiến trúc sư đã xây dựng dự án thư viện trên ô tô buýt (Library Bus Project) để mở rộng dịch vụ cho mượn sách, tìm thông tin qua mạng… Tại Philippin, người ta thực hiện một dự án có tên rất hay là Giấc mơ trẻ em ở Mindanaoan. Tại đây, họ chú ý đến ý tưởng xây dựng các chương trình phát triển bạn đọc thư viện, biến các thư viện thành các không gian học tập. Dự án Giấc mơ trẻ em vì thế đã làm nhiều hơn là việc phân phối các tài liệu giáo dục, tri thức mà còn nâng cao năng lực công chúng và các nhà quản lý địa phương, sâu hơn là thực hiện dân chủ hóa việc đọc sách, thực thi quyền được tiếp cận thông tin của con người.

Các văn bản quốc tế đều khẳng đinh: Kiến thức thông tin là một trong những công cụ để phát triển con người và quyền tự do ngôn luận. Xã hội hiện đại trong bối cảnh “thế giới phẳng” đã sinh ra một quyền làm chủ mới với những kiến thức mới nổi bật, trở thành những điều kiện bổ trợ tiên quyết cho các thế hệ con người ngày nay để mối cá nhân có thể tự chèo lái một cách tự tin trong môi trường thông tin.

Thư viện là một thiết chế văn hóa, giáo dục, góp phần đắc lực trong việc nâng cao dân trí, giải phóng nội lực cá nhân, xây dựng tinh thần dân chủ trong một xã hội, là nơi thực thi quyền tiếp cận thông tin. Bởi vậy, nhìn từ bên ngoài, thư viện Việt Nam thiếu hẳn một triết lý hành động tổ chức và hoạt động.

Nhà nước và các đơn vị quản lý nhà nước liên quan đến thư viện đã rất cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng và tiếp cận công chúng, độc giả. Song dường như đấy là công tác chính trị, tư tưởng, và cách làm theo kiểu “ấn xuống”, áp đặt cho bạn đọc, làm theo số lượng, hình thức hơn là chất lượng, nội dung. Ngành thư viện có bao giờ để tâm để hiểu thấu đáo về cộng đồng độc giả. Vì họ chưa quan tâm đến nhu cầu, thói quen của độc giả bằng cách làm các khảo sát, thống kê xã hội học để thu thập ý kiến của độc giả, theo từng thời điểm nhất định, ở một nhóm xã hội, một khu vực, hay một lĩnh vực,… cụ thể. Trong khi công việc này được các nước rất quan tâm thực hiện. Ở đấy, họ hiểu bạn đọc như là khách hàng. Vì bạn đọc, họ dễ tính đến mức một số thư viện còn có các phòng dành riêng cho người hút thuốc, các câu lạc bộ nam nữ và cả các trò chơi điện tử… Việc gia hạn mượn trả sách của thư viện được thực hiện qua điện thoại, tài nguyên thông tin được trao đổi qua email, chat. Chuyện này được các nước thực hiện trên một thập kỷ. Nhiều thư viện đã cố gắng làm cho các phòng đọc trở nên ấm cúng và vui vẻ, đó là nơi giao lưu giữa trí thức và con người, giữa các luồng thông tin quá khứ và tương lai.

Tại Việt Nam, sau Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 6/8/2002 về việc xã hội hóa hoạt động thư viện, ở nhiều địa phương như Hà Tây, Hải Dương, Bình Định, Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Tây Ninh đã ra đời rất nhiều mô hình thư viện cộng đồng: phòng đọc sách, bưu điện văn hóa xã, tủ sách pháp luật, tủ sách biên phòng… Nhân dân, các tổ chức xã hội, các cơ sở tôn giáo, các cá nhân hảo tâm đã chuyển động theo nhu cầu của đời sống để làm nên rất nhiều thư viện cá nhân rất hữu ích như: thư viện gia đình Trương Văn Huyên ở Tiền Giang, thư viện Đặng – Huỳnh ở Bến Tre, thư viện Tâm Thành ở Hải Dương, thư viện xã Phước Hải ở Bà Rịa-Vũng Tàu,… Điều này khẳng định nhu cầu đọc của nhân dân rất lớn, và gián tiếp xác nhận rằng phương pháp tiếp cận cộng đồng đáp ứng đúng chỗ, đúng nhu cầu thì thư viện sẽ rất có ý nghĩa, ngược lại cũng cho thấy nguy cơ thoái hóa do thiếu khả năng tiếp cận bạn đọc của hệ thống thư viện công cộng nhà nước…

Trên một blog, một học trò tâm sự: “Mong sao chúng tôi sớm có một thư viện luôn tràn ngập ánh sáng, luôn mở rộng cửa đón học sinh với nhiều thân thiện và gần gũi”. Còn tôi lại vẫn lại đặt ra những câu hỏi: Thư viện là gì ? Bao giờ nguồn ánh sáng thiên khải của trí thức sẽ tỏa rạng và gần gũi hơn đến với bạn đọc đây ?

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

(Đã đăng trên báo Thanh niên Thể thao & Giải trí, các số 103 (408), ra ngày Thứ Nam 22/04/2010 (9 tháng 3 Canh Dần); đăng lại trên Thanh Niên online: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201017/20100422083134.aspx; số 104 (409), ra ngày Thứ Sáu 23/04/2010 (10 tháng 3 Canh Dần); đăng lại trên Thanh Niên online: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201017/20100423082431.aspx ; tạp chí Văn hóa Quảng Nam, số 81, ra tháng 5&6 năm 2010)

Read Full Post »


Không chỉ sách lậu mà tất cả những gì liên quan đến “lậu” như hàng lậu, thuốc tây lậu, lương lậu… đều phải loại trừ khỏi đời sống kinh tế-xã hội, vì nó là nhân tố “quan trọng” trong việc hủy hoại các giá trị đích thực trong một hệ thống, vi phạm luật…

Với các mặt hàng lậu thì nó sẽ gây thất thu vì trốn thuế, làm suy yếu nền sản xuất nội địa,… Tuy nhiên, với sách lậu, hậu quả của việc trốn thuế, làm yếu ngành xuất bản không nghiêm trọng bằng việc gián tiếp hủy hoại giá trị sáng tạo của trí thức, giảm động lực sáng tạo của cá nhân, tức không giải phóng được tiềm năng tri thức nội tại của từng cá thể trong một xã hội cần coi trọng chất xám – trí thức.

Một số quốc gia chậm phát triển, hoặc phát triển què quặt, đôi khi họ không tham gia các công ước, hiệp ước, hiệp định về bản quyền, về sở hữu trí tuệ, để họ “lợi dụng” kẽ hở pháp lý này mà “thả lỏng” cho dân chúng thụ hưởng những giá trị “lậu” từ thế giới bên ngoài. Họ duy trì một đường biên “chia sẻ” hàng lậu để nâng mức sống cho dân chúng ở một khu vực xa cách thành phố, trung ương… Họ lơ đi giá trị tác quyền để dân chúng vẫn hưởng thụ được các giá trị tri thức mà quốc gia họ chưa đủ sức để trả tiền ?! Thế nhưng, cho dù thế nào, hiện tượng “lậu” nói chung và sách lậu nói riêng cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.

Song cách khó nhất vẫn là cách loại bỏ sách lậu ?

Là một người mê sách, tôi hay la cà tất cả những chỗ nào bán sách hay, sách rẻ. Tôi đến những phố Láng Hạ, Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hà Nội), hay dọc các con phố Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương (TP.HCM) để ngó sách. Sách ở những chỗ này rất rẻ, chiết khấu từ 25 – 40%. Tôi mua rất nhiều từ nguồn sách này nhưng không biết đó có phải là sách lậu hay không ? Tôi cũng tự hỏi: nếu là sách lậu mà rẻ thì có nên “mua” không ? Và cũng hỏi: Làm thế nào để phân biệt đâu là sách lậu, đâu là sách không lậu ? Sao các nhà xuất bản, các công ty phát hành không làm cho giá sách thấp nhất để bạn đọc mua được sách dễ dàng, và không dùng hàng lậu ?… Rất nhiều câu hỏi kiểu “thiên nan vấn” như vậy không có lời đáp ?!

Là một người quan tâm đến sách, và có lúc gặp gỡ với vài đối tác nước ngoài, tôi thấy sách lậu đang làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín ngành xuất bản, khiến các đối tác nước ngoài có cái nhìn e ngại khi tham gia thị trường sách Việt Nam.

Nếu gộp lại thì sẽ thấy cả một mớ lý do về chuyện sách lậu “hoành hành” tại Việt Nam: khả năng chi trả tiền mua sách của bạn đọc thấp, văn hóa tiêu dùng chưa cao, lợi nhuận béo bở, ý thức thượng tôn pháp luật quá kém, quản lý nhà nước về xuất bản chưa chặt chẽ, khung phạt tài chính khi bị vi phạm quá “hẻo” so với lợi nhuận,… Nhưng theo tôi lý do cơ bản vẫn là buông lỏng vai trò quản lý của nhà nước về xuất bản, in ấn và phát hành sách !

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

Đăng với tiêu đề Phải loại bỏ sách lậu, in trong chuyên đề Nhà văn & thực trạng sách lậu (báo Thanh niên Thể thao & Giải trí, số 124 (429) ra ngày Thứ Năm 13/05/2010 (30 tháng 3 Canh Dần)

Read Full Post »


GIỚI THIỆU SÁCH

Sau cuốn Thư pháp là gì? (NXB Văn nghê, 2007), ThS. Nguyễn Hiếu Tín đã ra mắt tiếp cuốn Tem thư, nghệ thuật & khoa học (NXB Thông tin và Truyền thông, 2009). Tem thư từ lâu không chỉ là một sản phẩm thương mại mà là sản phẩm văn hóa, là sứ giả mang chân dung và thông điệp văn hóa của đất nước mình đến với thế giới. Là người trẻ thành danh trong hoạt động sưu tập tem, vừa là người nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, vì thế 181 trang viết với trên 40 đề tài về tem khác nhau đã dẫn dắt người đọc đi sâu vào thế giới con tem kỳ diệu, qua đó giúp bạn đọc hiểu thêm những vẻ đẹp, tinh túy của văn hóa Việt cũng như các dân tộc khác trên thê giới. Đây là một trong số những cuốn sách hiếm hoi về chuyên ngành tem thư và sưu tập tem. Cuốn sách có thể giúp cho những người yêu quý tem chơi vừa thưởng ngoạn hình ảnh con tem, vừa học hỏi nhiều điều bổ ích cho những kỹ năng sưu tập, xây dựng bộ sưu tập tem…

CHAT VỚI TÁC GIẢ

* Chơi tem, viết thư pháp đối với người trẻ như Tín thì có những cái hay và khó gì không?

Chơi tem giúp mình tự học cách khám phá và thu nhặt tri thức qua con tem. Còn chơi thư pháp giúp mình vừa có thể tìm hiểu những danh ngôn, lời hay ý đẹp của cổ nhân, vừa tập tính kiên nhẫn. Cái khó với người trẻ chính là yêu cầu kiên trì và khổ luyện ở 2 bộ môn nghệ thuật này. Ngoài ra, hầu bao bỏ ra để có những con tem quý hiếm các loại cũng phải to to một chút. Chuyện này cũng như chuyện yêu vậy, vì yêu thì mọi thứ có thể thu xếp được tất, phải không ?

* Giữa thú chơi tem và viết thư pháp – hai môn chơi này có “nghịch” với nhau không?

Chơi tem tạo nên sự ngăn nắp, tỉ mỉ và khoa học. Viết thư pháp cần sự ngẩu hứng, phóng khoáng, nghệ thuật. Như vậy, cả hai bộ môn sẽ hỗ trợ cho nhau như âm và dương vậy…

* Theo Tín, thực chất của phong trào chơi tem hiện nay ra sao?

Sự phát triển của CNTT và công nghiệp giải trí khiến người trẻ có nhiều sự lựa chọn hơn. Phong trào chơi tem của giới trẻ vì thế yếu đi nhiều. Bù lại, chơi tem trên mạng lại phát triển rất mạnh. Nhưng nói thiệt, thú sưu tập chính là ở chỗ con người ta có thể sờ mó, nâng niu trực tiếp cái thứ mình yêu trên tay, chứ ngắm khơi khơi thì chán nhanh lắm.

* Chơi tem và thư pháp ở tuổi anh, có sợ người ta cho là “cụ non” không?

Trong cuộc sống hối hả, tốc độ như ngày nay, hai bộ môn này sẽ tạo ra những phút giây thư giãn, làm “nguội máy” rất tốt để mà tiếp tục chạy đua… Chính vì thế, tôi nghĩ, càng trẻ càng nên cân bằng bằng thú chơi kỳ diệu này.

Đăng trên báo Thanh Niên Thể thao & Giải trí, số 116(421), ra ngày 5/5/2010 (22 tháng 3 Canh Dần)

Read Full Post »


Cách đây nửa thế kỷ, với tập thơ khổ nhỏ, mỏng mảnh gồm 36 bài là Điêu tàn, Chế Lan Viên đã “đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị” (Hoài Thanh –  Thi nhân Việt Nam). Kinh dị không phải chỉ vì lúc đó tác giả còn nhỏ tuổi (lúc viết Điêu tàn, ông chỉ mới 15-16 tuổi) mà chủ yếu vì giọng thơ buồn ảo nảo pha màu sắc huyền bí kỳ lạ. Ở đó, Chế Lan Viên đi ngược thời gian, và bằng tưởng tượng đã phục hiện một thế  giới chỉ còn trong ký ức với những dự cảm hãi hùng khác thường. Ở đó, người học trò mất nước tìm thấy lại được những dấu vết huy hoàng rực rỡ của một dân tộc mạnh mẽ vào loại bậc nhất của Đông Nam Á nhưng ngày  nay chỉ còn trong cổ sử và huyền thoại: dân tộc Chăm-pa.

                   Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh. Đây,
Chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành

                                                (Trên đường về)

Nguyên trạng khu trung tâm thánh địa Mỹ Sơn sau 1975

Nhưng đấy chỉ là ánh hồi quang của một giấc mơ hư ảo thuộc về quá vãng. Nó thoáng hiện và không băng bó được vết thương lòng cho con người. Mà dường như nó lại còn khơi sâu thêm cho nỗi đau hiện tại:

Vẻ rực rỡ đã tàn bao năm trước
                   Bao năm sau còn dội tiếng kêu thương

Có lẽ chỉ vì Chế Lan Viên sống trong một giai đoạn lịch sử bị nô lệ và trong một không gian tràn ngập sắc buồn gợi cảm. Sự diệt vong của một dân tộc đã dễ dàng đập mạnh vào tình cảm và trí tưởng tượng của một người trai  trẻ yêu nước. Lại thêm những chứng tích còn đó, những cổ tháp sừng sững nhưng trơ vơ, lạc lõng giữa ruộng đồng núi non khô khốc của miền Trung nắng cháy, những huyền sử gợi cảm xa xôi về Chế Bồng Nga, nàng Mỵ Ê, thành Đồ Bàn,… đã khiến nhà thơ tuổi trẻ lịm đi trong niềm u uất, trầm cảm tuyệt vọng:

Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận
                   Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành
                   Cũng đương chôn lặng lẽ những ngày xanh
                                                (Những nấm  mồ)

Mặc tưởng triền miên trong mặc tưởng, nhà thơ họ Chế chỉ thấy những vang vọng lịch sử kia một thế giới “Điêu tàn”. Đó là một cõi âm giới với xương sọ đầu lâu, với mồ không huyệt lạnh, với tha ma pháp trường. Đó là một dòng sông Linh  hư ảo được dựng lên dưới tà dương nắng xế hay trong đêm mờ sương tàn lạnh, với những hồn ma vất vưởng, với những thành quách đổ nát trong một màu sắc tàn lụi kinh dị. Điêu tàn của Chế Lan Viên vì thế là một thế giới hư linh, ma quái chìm đắm trong bóng tối cô đơn lạnh lẽo với những cơn mê sảng của một tâm hồn vong nô bị giá lạnh:

                   Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới thời gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than

                    Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn
Lừng lửng đưa nơi rộn rã tiếng từ quy 

                   Đây chiến địa đôi bên giao trận
Muôn cô hồn tử sĩ thét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm uất hận
Xương Chàm tuôn rào rạo nỗi căm hờn

                                                (Trên đường về)

Và bằng một lòng tin đau đớn, ông dựng lên một thế giới hoang tưởng hư ngụy, và ông tin là nó có thật. Rồi ông bị hút theo xác tín siêu hình đó. Nhưng sau đó, xác tín bị đánh vỡ, lúc ấy ông trở nên cô đơn và câm đặng. Vì thế Chế kêu lên hốt hoảng, một tiếng kêu khắc khoải về việc nỗi đau bị biến chất, về việc mất lòng tin và chỉ còn lại sư cô đơn. Và ông tự ngụy tạo cho mình những âm vọng từ một thế giới khác để trò chuyện:

                   Ai kêu ta trong cùng thẳm hư vô
                   Ai  réo gọi giữa muôn sao chới với

Đó thực sự là một tiếng kêu hốt hoảng mà sâu thẳm, một tiếng gọi khắc khoải về nỗi cô đơn của con người trong xã hội nô lệ. Thực ra đó là cách nhà thơ cố tạo ra một ngăn cách giả định giữa nhà thơ và cuộc đời. Cho nên khi cuộc đời “tất cả không ngoài nghĩa khổ đau” thì tin vui mùa xuân đưa đến chỉ còn là một sự mỉa mai đau đớn:

Tôi có chờ đâu có đợi đâu
                   Đem chi xuân lại gợi thêm sầu ?
                   Với tôi tất cả như vô nghĩa
                   Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
                                                (Xuân)

Chỉ có mùa thu là thật, cũng như chỉ có nỗi đau là thật, nhưng với thu ấy, cũng chỉ có một bóng người đi – về, đi tới đâu không biết, và về ở nơi không bao giờ tới và mong ước:

                   Ô hay tôi lại nhớ thu rồi
                   Mùa thu rớm máu rơi từng chút
Trong lá bàng thu đỏ rực trời
Đường về thu trước xa lăm lắm
Mà kẻ đi về chỉ một tôi

Người con trai mạnh mẽ và say đắm “chỉ một tôi” ấy không tìm thấy cho mình một khoảng lặng thanh thản giữa ngày để mơ mộng và yêu thương. Nhìn vào đâu cũng thấy hất ngất những tháp buồn chơ vơ. Tâm cảm con người cứ tràn ngập sắc úa quá vãng và siêu hình. Trong khoảng giữa năm, mùa nào cũng là “địa ngục”. Ở mùa xuân thì nhớ mùa thu, ở mùa thu hiện tại thì chập chờn nhớ mùa thu quá khứ. Còn trong khoảng giữa ngày – buổi trưa, với lòng nhà thơ chỉ là một miền đất siêu trần thế:

                   Trưa lên trời. Và xanh thẳm bầu trời
                   Bỗng mê ly, nằm thấy trắng mây trôi
                                                (Trưa đơn giản)

Hay ngay trong buổi đẩu ngày xán lạn, ta vẫn thấy Chế mặc tưởng u uất:

                   Đây muôn vật chìm sâu trong yên lặng
Mà lòng ta thổn thức mãi không thôi
Hay người khóc vì tháp Chàm quạnh vắng
Hay khóc vì xuân đến gạch Chàm rơi ?
(Bình Định, 9h sáng ngày 25-12-1936)

Chỉ có buổi tối, nơi bóng đêm ngự trị, nhà thơ mới được sinh tồn vì ở đó, những linh hồn “điêu tàn” bị khánh kiệt lòng tin mới biết cảm thông và gặp được nhà thơ:

                   Này, em trông một vì sao đang rụng
                   Hãy nghiêng mình mà tránh đi nghe em
                   Chắc có lẽ lính hồn ta lay động
                   Khi vội vàng trở lại nước non Chiêm
                                                (Đêm tàn)

Khác với Hàn Mạc Tử – nỗi đau đời được diễn đạt bằng nỗi đau người, một nỗi đau trải nghiệm của thịt da tôi sượng sần và tê điếng, Chế Lan Viên nhức nhối một nỗi đau trí tuệ sâu sắc. Đó là cơn vật vã của suy tưởng chiêm nghiệm về xác tín, về niềm tin, về sự tồn tại của con người trên mặt đất, và về cái Tôi bị vong thân giữa đời. Bởi thế cách tìm kiếm phục sinh quá vãng của Chế thật khác với bao nhà thơ khác như Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ,… Những thánh đường, tháp cổ, những thiên thần vũ nữ đang nhảy những điệu luân vũ trần thế đầy gợi cảm hoan lạc trên đá hay những nét trầm tư của những con bò đá canh giữ vòm trời tinh tú của nền nghệ thuật kỳ diệu Chăm-pa đã không được ông chú ý. Ông chỉ khắc sâu nỗi “điêu tàn” đang có của nó để “phục sinh” những tâm hồn bị vong nô:

                   Ai tưởng đến tháp Chàm kia trơ trọi
                   Tháng ngày luôn rộng cửa đợi ma Hời
                   Ai nhìn đến làn thương rêu lở lói
                   Trên thịt hồng nứt nẻ gạch Chàm tươi
                                                (Thu về)

 

Uy nghi nhưng điêu tàn ở một tháp chính của Thánh địa Mỹ Sơn

 

Điêu tàn vì thế ở những năm 30, 40 của thế kỷ XX phần nào có thể làm cho một số người biết suy nghĩ và nhớ lại thân phận đích thực của mình cùng những bài học lịch sử đầu lòng của một dân tộc chưa bao giờ chịu làm nô lệ.

Và ngày nay, đọc Điêu tàn, chúng ta cảm ơn rất nhiều nhà thơ Chế Lan Viên, nhưng ở một bình diện khác, tôi còn muốn cảm ơn thế giới nghệ thuật còn lại của Chăm-pa: Chính thế giới này không chỉ là chất liệu cho cảm hứng thi ca một thời mà nó còn là toàn bộ thần thái buồn bã ảo nảo và đau đớn cùng cực trong Điêu tàn của Chế Lan Viên nói riêng và của trường thơ Loạn Bình Định nói chung. Chính nó đã làm nên khí chất, sắc thơ và tình điệu thẩm mỹ cho trường phái thơ nổi tiếng này, và cũng từ đấy ghi lại một dấu son khó phai trong lịch sử thi ca Việt Nam hiện đại.

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

Bài viết được đăng lần đầu trên đặc san Văn hóa Hội An vào năm 1998. Sau đó được các trang mạng đăng lại (nhưng có khi ghi tên tác giả, có khi không gi gì hết cả tên tác giả lẫn xuất xứ !?)

Read Full Post »


Đây là bài nói chuyện giới thiệu tiểu thuyết “Vượt cạn” với bạn đọc
tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng vào năm 2005
(do Tuệ Lãng thực hiện)

Trước hết tôi xin cảm ơn Ban tổ chức đã cho phép tôi là người đầu tiên trình bày những cảm nhận, những suy nghĩ của cá nhân tôi về cuốn tiểu thuyết “Vượt cạn” [1] của tác giả Nguyễn Thị Thu Sương do NXB Đà Nẵng vừa cho ra đời.

Kính thưa các đồng chí và các bạn !

Trong ý nghĩ của tôi, Thành Đà – xứ Quảng vẫn là mảnh đất của văn xuôi và phê bình nghiên cứu. Trong thế kỷ qua, chúng ta có Phan Khôi, Nguyễn Văn Xuân, rồi sau đó là Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Lê Đình Kỵ, Phan Tứ, Nguyên Ngọc,… Kể từ 1975 đến nay chúng ta có rất ít thành tựu ở truyền thống văn chương ấy. Tôi đã đọc “Vượt cạn” trong tâm thế văn xuôi xứ Quảng ngày càng thưa thớt, nhất là ở mặt trận các cây bút nữ. 30 năm qua chúng ta có những Ngô Thị Kim Cúc, Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Thu Hương, Quế Hương, và thêm một ít cây bút nữ truyện ngắn nữa là hết. Vì thế trong cái hối hả của dòng thời gian hiện tại, khi cầm cuốn tiểu thuyết trên 700 trang chữ nhỏ của một tác giả nữ chưa thành danh, tôi thấy mình có lý lẽ để đi tới. Một phía khác, cái tên cuôn tiểu thuyết là “Vượt cạn” đã hàm ý cho tôi một ý tưởng mới mẻ nào đó mà mình cần phải để tâm tới.

Và tôi nghĩ điều này đã đúng khi gấp lại trang cuối của cuốn sách.

Bìa cuốn tiểu thuyết Vượt cạn

Thưa các đồng chí và các bạn !

Nét cuốn hút người đọc đầu tiên của cuốn sách là cách kể, cách kể của một người viết tựa hẳn vào bản năng văn chương của mình, không dụng công, đẽo gọt, không trang phục diêm dúa bằng những mỹ ngôn, ước lệ, người viết theo dòng hồi ức, một dòng hồi ức tha thiết vắt ngang qua thời điểm 1975 lịch sử để kể từ thời chiến tranh đến thời bình, cứ thế mải miết thể hiện. Vì thế tràn từ trang đầu đến trang cuối là một dòng chảy của một hiện thực nguyên khối tươi ròng nhựa sống cuộc đời. Có thể nói thành công của cuốn sách là khởi đầu trang viết từ chính tâm thế cần nói ra của nhà văn, chính từ hiện thực tươi ròng sự sống kia. Đấy là điểm tựa đầu tiên để người viết có cơ hội thành công. Tôi nghĩ chị Nguyễn Thị Thu Sương, một tác giả vẫn chưa in gì nhiều đã theo lối đi ấy để làm nên cuốn tiểu thuyết đồ sộ 732 trang. Thành công của chị ở cuốn tiểu thuyết là bỏ qua cách nhìn công dân hay sử thi để đánh giá hiện thực. Qua Thuỷ, một nhân vật nữ, cuốn tiểu thuyết được kể từ điểm nhìn của một người phụ nữ độc lập trong tính cách, sắc sảo và đầy tinh thần “phản biện”. Hiện thực vì thế được khúc xạ qua lăng kính của góc nhìn nhân sinh, khiến tác phẩm rất gần với con người, và vì thế rất dễ đọc dù nó rất dài. Chỉ như vây, cuốn sách đã thành công.

Tiểu thuyết “Vượt cạn” đã được kết cấu theo chiều tuyến tính của thời gian, và từng phần – chương – đoạn được kể như những hồi ức. Câu chuyện xoay quanh nhân vật trung tâm là Thuỷ, một quan trắc viên làm công tác ngành khí tượng thuỷ văn. Sinh ra trong một gia đình có nhiều bi kịch giằng xé do lịch sử, do chiến tranh, bên một người mẹ nghiêm khắc và nhiều u uất, trải qua những năm tháng thơ ấu đầy mùi thuôc súng và khó khăn tại một khu tập thể của một bệnh viện nổi tiếng ở Đồng Hới Quảng Bình, Thuỷ là một cô bé nhanh nhẹn đến lẻm lĩnh, luôn độc lập trong suy nghĩ và hành động, mạnh mẽ đến “nam tính”, hay suy xét thấu đáo đến tận cùng hiện thực. Nhưng hiện thực những năm chiến tranh bom đạn ngút trời, sinh tử cách nhau trong gang tấc khiến ít ai nghĩ đến việc con người phải sống trong những định lệ đạo đức, những chuẩn mực duy ý chí trói buộc con người, khiến con người phải rơi vào sự bất hạnh không đáng có. Và Thuỷ đã tự chọn lựa khi đòi mẹ cho đi học ngành khí tượng. Ra trường cô được phân công về trên một ngọn đồi để làm công tác khí tượng, cùng với hai người đàn ông đã có vợ. Và Thuỷ một lần nữa lại đối diện với nhiều thử thách phi lý, không chỉ với thiên tai mà với đồng nghiệp. Không chỉ thế, cô còn tự mình đối diện với chính mình trong tình yêu với một đồng nghiệp, rồi dám thổ lộ, dám chấp nhận và chịu thất bại. Sau này khi đã lập gia đình với một người chồng là sĩ quan quân đội, trong ngôi nhà với con cái, miếng cơm manh áo sinh tồn giữa thời bao cấp, cô lại tiếp tục độc lập “xé rào” để chiến đấu. Đôi lúc cô đã đi quá cái giới hạn cần thiết, nhưng qua những điều ấy, người viết đã cho thấy cái hà khắc, nặng nề và đầy buồn cười của những quan niệm chuẩm mực xưa cũ cùng những con người chỉ biết hành động máy móc trước các nguyên tắc xa rời nhu cầu con người mà không một ai lên tiếng để phá bỏ. Khác xa với anh trai Thành của mình, với Thuỷ: cuộc đời do chính mình quyết định, chính mình phải chịu trách nhiệm (trang 513). Bởi vậy Thuỷ chỉ chấp nhận Hoa, một cô bé khóc nghèn nghẹt để đòi mẹ cho đi văn công và đến trời Tây để sống, bởi vì với Thuỷ, “hòn than còn mang sắc đỏ và hơi nóng trước khi làm tro tàn huống gì đời người”. Có thể nói Thuỷ, một quan trắc viên không chỉ giỏi chuyên môn mà cô còn giỏi ở sự “độc lập”. Đó là một nhân cách, có thể xem như một kiểu con người mới cho xã hội hiện thời của chúng ta khi mà dường như giá trị cá nhân bị bỏ rọ vào trong chủ nghĩa tập thể khô cứng để không ai dám tự tin sáng tạo, không ai dám chịu trách nhiệm, không ai muốn hành động…

Trên 700 trang, cuốn tiểu thuyết đã có một hệ thống nhân vật tương đối lớn, dù nhìn chung rất ít nhân vật được cá thể hóa và ít có tính khái quát cao. Trong đó, Thuỷ là nhân vật được tác giả chăm chút và gửi gắm vào đó nhiều nỗi niếm nhất, nhiều tư tưởng nhất. Đấy là một cô gái đã trải qua tất cả những thử thách của cuộc đời, chiến tranh, sự bất hạnh của một gia đình có nhiều éo le, cái đói, cái nghèo, thất bại trên tình trường,… nhưng Thủy là người dám đối mặt với thử thách. Với Thuỷ, sự thật là cái cần tôn trọng, những chuẩn mực đạo đức, những quy tắc chính trị do con người làm ra để xây dựng xã hội dễ trở thành một thứ rào cản cho hạnh phúc con người. Từ nhỏ, khi bom đạn chiến tranh như cơn bão lũ diễn ra, Thuỷ đã hỏi mẹ: con thấy rất lạ là quân ta thắng thì nói to, quân ta bị tổn thất thì cứ làm ra vẻ bí mật (trang147), hay Thuỷ tự thấy ở bạn bè mình rằng: trái tim chúng hình ảnh các vị anh hùng chiếm nhiều hơn bố mẹ (trang 158). Khi vào Huế gặp lại những người thân đã từng tham gia lính Sài Gòn, Thuỷ nghĩ: Họ bị buộc cầm súng chớ sướng chi,… có điều đã chia phe thì phải đánh thôi (trang 69). Sau này khi đã là một cán bộ nhà nước, giữa thời bao cấp, Thuỷ đã “đụng” và bị đau rất nhiều với những nhiêu khê của sự “chết cứng” nguyên tắc. Sau một lần bị vấp ngã vì nó, Thuỷ nói với Lan, một đồng nghiệp: Em đã qua chiến tranh, em biết ngày ấy người ta đánh đổi xương máu để lấy tự do. Còn ở đây, bây giờ, người ta đánh đổi mọi thứ để được yên thân. Có phải đó là chân lý của hòa bình ?… Chúng ta đấu tranh với cửa quyền, quan liêu nhưng chính chúng ta tự khép mình trong khuôn khổ không đáng có. (trang 404). Và trong một lần đấu khẩu với người chồng luôn thật thà tôn trọng nguyên tắc chung, Thuỷ chất vấn: Nếu ai cũng chờ đợi người đi trước thì ai sẽ đi ? Ai sẽ làm cách mạng trong xã hội cũ ? Rồi có lúc Thuỷ quyết liệt: Thế đường lối sai thì sao ? Đi đôi với suy nghĩ và phát ngôn, Thuỷ đã hành động, vừa hành động, vừa suy nghĩ. Cô ăn nói lập luận sắc gọn, táo bạo, mạnh mẽ, năng động, mà lòng vẫn tràn đầy yêu thương, vì con, vì người thân. Có thể nói, tính cách “phản biện” lại những vấn đề xã hội đang diễn ra là nét tính cách đáng quý nhất của nhân vật này. Cái nhìn “phản biện” này có nguồn gốc sâu xa là vì con người. Tác phẩm vì thế chứa đựng một tinh thần nhân văn thực tế hơn. Đấy là tinh thần của tác phẩm. Chính chỗ này khiến cuốn sách có trọng lượng và dễ đọc. Nó khác xa với rất nhiều những cuốn sách hiện thời vẫn loay hoay với kiểu nhìn một chiều, ân nghĩa hi sinh, địch – ta phân đôi, nhân văn mơ hồ…

Một điều đáng nói nữa ở tác phẩm là tác giả đã sử dụng lợi thế nghề nghiệp để khai phá một đề tài mà ít ai để ý hoặc có điều kiện khai phá, đó là nghề dự báo thời tiết khí hậu. Thuỷ, nhân vật trung tâm tác phẩm là một quan trắc viên làm công tác ngành khí tượng thuỷ văn. Nhờ Thuỷ, theo cách nhìn của Thuỷ, người đọc thấy hết chiều sâu tâm trạng, sự hi sinh to lớn, sự mạo hiểm đối diện trước thử thách, và cả chất thơ của vũ trụ, thiên nhiên, biển cả, bầu trời,… mà hàng ngày người làm công tác khí tượng luôn phải kề cận quan sát. Ở nghề này, người làm việc phải chấp nhận cô đơn, sóng gió, ở những nơi khó khăn nhất, và họ phải dùng nghị lực và tri thức, phải kiên trì và cẩn trọng “bắt mạch” thời tiết, linh cảm những điều thuộc Đấng tối cao để vì sự bình yên, hạnh phúc cho con người. Trong cuốn tiểu thuyết “Vượt cạn” này, những trang văn về nghề khí tượng thuỷ văn là những khám phá mới về đời sống, đấy là những trang văn giàu chất thơ và sự sống nhất. Chính nhờ hiện thực này cái ngổn ngang, bề bộn đến bỗ bã của tiểu thuyết đã được cân bằng, chất đời thường và chất thơ đi liền với nhau, làm nên bản chất của cuộc sống.

Và theo bước chân của một quan trắc viên làm công tác ngành khí tượng thuỷ văn, không gian của tác phẩm đã trải dài, Người viết nhờ đó đã đa dạng hoá được các không gian nghệ thuật của mình: khu tập thể bệnh viện ở Cộn (Đồng Hới), làng sơ tán của người dân tộc ở Minh Hóa, rồi Hà Nội, Hải Phòng Quảng Ninh, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng,… rồi theo chân người làm công tác khí tượng, các miền đất đồng bằng, núi cao, hải đảo, nơi xa xôi heo hút nhất đã được ít nhiều miêu tả. Vì thế nhiều vùng đất, nhiều cảnh trí đã tự nhiên có mặt để ngòi bút dễ dàng “tung tẩy” chất văn xuôi của mình. Và theo dòng thời gian khá dài mấy chục năm, qua biết bao miền đất, ít nhiều cuốn tiểu thuyết đã vẽ lên được gương mặt của nhân dân trong các cuộc chống giặc ngoại xâm, chống giặc “trời”, và chống nghèo đói và lạc hậu.

Thưa các đồng chí và các bạn !

Cuốn sách được viết bởi một phụ nữ đầy chất âm tính, nhưng rất lạ là hình thức biểu đạt của nó lại đầy chất “dương tính”. Các nhân vật, ngay cả nhân vật chính là Thuỷ, cô ta có rất ít nỗi niềm, nói đúng hơn, cô ta không được người viết chú ý cận cảnh đến thế giới bên trong như ở các nhà văn nữ khác. Ở Thuỷ, đi liền những giọt nước mắt là hành động, ngay sau một ý nghĩ là một lời đối thoại bộc trực thẳng ruột ngựa ngay,… Có thể nói nét đặc sắc về hình thức là tác phẩm sử dụng đối thoại rất nhiều. Các đối thoại rất linh hoạt, tự nhiên, đủ sức làm nên sự kiện để triển khai hiện thực. Nhiều trang đối thoại dài như một lớp kịch, chính điều này nó giúp cuốn tiểu thuyết dù rất ít sự kiện, ít tâm trạng bên trong nhưng vẫn lôi cuốn, và bộc lộ được thế giới bên trong của nhân vật. Tuy nhiên, lời đối thoại chưa được cá thể hóa rõ rệt (trừ nhân vật Ba Ti), hay địa phương hóa được, đôi khi ngôn ngữ, ý tưởng nhà văn dường như “lấn chiếm” vào trong ngôn ngữ nhân vật để nhân vật chuyển tải ý tưởng thay cho mình.

Gấp cuốn sách dày 732 trang phải đọc giữa thời mini hóa quả thật là rất dài dòng, dư thừa, nhưng ngẫm lại cái dư thừa mang tính tiểu thuyết này chính là cái có thể diễn đạt được cái ngổn ngang, bề bộn, phức tạp, thậm chí rắm rối và vô nghĩa vô cùng của đời sống. Và chính trong sự bề bộn ấy, chính trong ngổn ngang ấy, hiện thực mới được tái hiện sinh động, và nhà văn qua đó thấy ẩn hiện những điều dự cảm, những phi lý tạm bợ lạc hậu cần phá đổ, những tín điều, chuẩn mực què quặt cần loại trừ thay đổi, để cuộc sống đi tới, và khẳng định: chân lý chỉ có trên sự thực đời sống. Tôi nghĩ đó là mục tiêu của người viết tiểu thuyết. Ở khía cạnh này, tiểu thuyết “Vượt cạn” của tác giả Nguyễn Thị Thu Sương đã làm được và ít nhiều thành công. Và trong ý nghĩa đó, thành công của cuốn sách “Vượt cạn” này theo tôi là đặt ra ý thức “vượt cạn” cho người đọc. Không chỉ xã hội, mà trong mỗi con người luôn luôn phải có ý thức “vượt cạn”, để chấp nhận đau khổ mà sinh thành hạnh phúc, để phá bỏ mà xây dựng, để hi sinh và hưởng thụ,…

Kính thưa các bạn !

Thưa tác giả Nguyễn Thị Thu Sương !

Bản năng văn chương là một thứ của trời thiên phú mà một người viết văn cần có để khởi dựng sự nghiệp, nhưng trên con đường dài văn học đầy những thử thách và đòi hỏi sáng tạo, một người viết muốn trở thành nhà văn và đi xa hơn, ngoài lòng đam mê và bản lĩnh anh ta cần phải có một kiến văn sâu rộng để tác phẩm có một sức khái quát lớn hơn, có chất tư tưởng hơn và giàu tính nghệ thuật hơn.

Với những gì đã có, tôi tin rằng từ “Vượt cạn”, chị Thu Sương vẫn còn phải nhiều lần “vượt cạn” nữa trên hành trình văn học chông gai và nhiều thử thách, để đi xa hơn.

Trên đây là những cảm nghĩ sơ lược của lần đầu chạm mặt với tác phẩm “Vượt cạn” và vì thời gian rất ít, tôi xin đành sơ sài vài nét chung như vậy về cuốn sách. Rất mong các đồng chí và các bạn thứ lỗi.

Cuối cùng nhân dịp mùa xuân Ất Dậu sắp về, tôi xin kính chúc tất cả đồng chí và các bạn một năm mới hạnh phúc, an khang !

Chúc các nhà văn một năm mới có nhiều sáng tạo mới, nhiều tác phẩm mới !

Đà Nẵng, trước thềm xuân Ất Dậu 2005

LÊ QUANG ĐỨC

lequangduc@gmail.com


[1] (*) Vượt cạn (tiểu thuyết) – Nguyễn Thị Thu Sương, NXB Đà Nẵng, 2004.

Read Full Post »


Lịch sử nhân loại khởi đi trong một bức tranh hỗn mang của các quyền lực “tự nhiên”  mà ở đó chỉ có các quy ước xã hội  thoả hiệp có giới hạn, ở đó các quốc gia chưa được xác lập rõ ràng. Quyền lực của sức mạnh trở thành điểm tựa cơ bản cho “công quyền” và trở thành nguyên tắc ứng xử văn hóa giữa các nhóm xã hội, giữa các cộng đồng dân tộc. Và dĩ nhiên bức địa đồ thế giới thay đổi xoành xạch, sự bức hại “ăn thịt người” giữa các dân tộc diễn ra như cơm bữa,… Nhưng không có ai bảo vệ ai, không có một phán quyết tối cao nào cả. Chúa chí tôn chỉ có trong lời nguyện cầu và tâm tưởng. Chân lý dường như chưa hoàn thiện và bị bóng ma của sức mạnh “luật rừng” lẩn quất bao vây.

Hai mươi thế kỷ đi qua (tính theo dương lịch, một cột mốc được khải thị là lúc ánh sáng nhân văn cho nhân loại đã được soi chiếu trên mặt đất !), chỉ mới ít nhiều xác nhận khái niệm quốc gia qua các đường biên giới tự nhiên mơ hồ : một chóp núi, một dòng sông, một mỏm đá,.. Các giá trị tinh thần văn hóa của các quốc gia – dân tộc chưa được nhận thức đúng đắn, vì thế các “cường quốc” hiển nhiên ở vị thế “thực dân” một cách hợp pháp đối với các nước nhỏ. Cuộc chiến tranh thế giới lần 1 (1914-1918), rồi lần 2 (1939-1945) chỉ giúp cho nhân loại nhận ra được hình ảnh một thế giới sẽ vẫn chia năm xẻ bảy tương tàn, thân phận con người sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có một nền công pháp quốc tế bảo vệ nhân loại và hạnh phúc cho con người. Nhưng ai sẽ xác lập cho nền tảng công pháp ấy ? Quân Đồng minh, Mỹ, Anh, Pháp vẫn tiếp tục duy trì quyền của kẻ mạnh để khống chế lại thế giới thuộc địa mà kẻ thù phát xít toan xé nát chia phần trước đó. Những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn vài năm trước đó đối với nước mạnh chỉ còn là thứ chiêu bài dễ quên của quá khứ. Hoá ra thế giới chỉ là những ô cờ đổi chủ thôi ư ?!.

Trong bức tranh ngổn ngang đầu thế kỷ XX bấy giờ, Việt Nam  đã có một lịch sử chống ngoại xâm hào hùng cùng một ý thức quốc gia thuộc loại vững chắc nhất trên thế giới, nhưng Việt Nam trước mùa thu 1945 vẫn mang cái tên An Nam  đau xót, và đang chịu cảnh hơn 2 triệu người chết đói. Và chính lúc ấy, dân tộc Việt Nam – “một dân tộc gan góc” – đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại vang dội, đập tan chế độ phong kiến thực dân và dựng lên một nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam á. Và tuyên bố độc lập !

Song điều đáng nói là bản Tuyên ngôn độc lập (TNĐL) phát đi từ vườn hoa Ba Đình – Hà Nội không chỉ “tuyên ngôn” quyền dân tộc riêng tư của Việt Nam mà còn tham gia vào việc khẳng định và xác lập nền tảng cho công pháp quốc tế về vấn đề dân tộc – quốc gia, một khía cạnh cơ bản trong nền văn minh hiện đại còn đang thiếu sót.

Trong lời mở đầu bản TNĐL vĩ đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viện dẫn hai lời nói bất hủ trong hai bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân Quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 : “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” – “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Nhưng không dừng lại ở đấy, TNĐL khẳng định tiếp vấn đề : “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là : tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Như vậy, Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ và trải nghiệm đấu tranh của một người con của một dân tộc có ý thức quốc gia sâu sắc, đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Đó chính là một cống hiến vĩ đại của Hồ Chí Minh và cũng là của dân tộc Việt Nam trên hành trình phát triển lịch sử nhân loại.

Việc viện dẫn các tinh hoa tư tưởng của Mỹ và Pháp ở trên không chỉ thể hiện sự hiểu biết sâu sắc văn hoá nhân loại của Bác Hồ mà còn thể hiện rõ sự nhạy cảm, bản lĩnh văn hóa, và tài năng chính trị thiên tài của Người. Một mặt Người đã tỏ ra trân trọng lịch sử của kẻ thù, mặt khác người kiên quyết mà khéo léo nhắc nhở họ đừng có phản bội tổ tiên mình, đừng có vấy bùn lên lá cờ nhân đạo của những cuộc Cách mạng vĩ đại trước đó nếu rắp tâm quay lại Việt Nam. Kín đáo hơn, Người cũng ngầm đặt ba cuộc cách mạng, ba nền độc lập trên ngang hàng nhau.

Và đúng như vậy, năm 1945, khi Thế chiến thứ hai kết thúc, công pháp quốc tế còn chịu ảnh hưởng nặng nề của quan điểm tư sản đế quốc chủ nghĩa : phân biệt dân tộc và văn minh; các nước thuộc địa và phụ thuộc không được luật pháp quốc tế bảo vệ. Các cô cậu học trò  trường luật tư sản còn được học môn “Pháp luật thuộc địa” (droit colonial) trong đó có quy định quan hệ giữa những kẻ thống trị và những dân tộc bị trị, trên cơ sở công nhận chế độ thuộc địa là hợp lý và hợp pháp. Các nước đế quốc vẫn khẳng định các quyền lợi “chính đáng” của họ ở thuộc địa. Đế quốc Pháp với Đờ Gôn trước đó còn phải vất vả chống ngoại xâm, và hai lần “nước Mẹ” ấy bỏ chạy khỏi lãnh thổ nước bảo hộ An Nam để trốn kẻ thù Nhật phát xít thì nay lại muốn các quốc gia khác coi “vấn đề Việt Nam”  là “vần đề nội bộ” của Pháp đế quốc. Đấy là một chuyện khôi hài (!), cho nên nhân danh dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, Người đã vạch trần tội ác và sự xảo trá quen thuộc của kẻ thù bằng một hệ thống luận cứ, luận chứng sắc sảo, rõ ràng, toàn diện. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển luật pháp quốc tế đã có người lên án và đặt chế độ thuộc địa ra ngoài vòng pháp luật. Từ đó, Người khẳng định mạnh mẽ quyền dân tộc và nền độc lập tự do của người Việt Nam.

Một phần tư thế kỷ sau khi bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam ra đời, Nghị quyết ngày 12-12-1970 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về Chương trình hành động nhằm thi hành toàn diện bản Tuyên ngôn trao trả Độc lập cho các dân tộc thuộc địa ngày 14-02-1960, với không một phiếu chống đối nào, theo đó, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã trịnh trọng tuyên bố: “Khẩn thiết chấm dứt một cách mau chóng và vô điều kiện chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện”. Trên mặt trận đấu tranh pháp lý quốc tế, sau này, ở hàng loạt Hội nghị luật gia thế giới : Hội nghị luật gia thế giới về Việt Nam ở Grenoble (Pháp) năm 1968, rồi Đại hội luật gia dân chủ quốc tế lần thứ 9 tại Helsinki (Phần Lan), ngọn cờ quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam đã được công nhận trên lĩnh vực pháp lý quốc tế từ thực tiễn đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam. Từ thực tiễn Việt Nam, Đại hội Helsinki nêu ra một nguyên tắc pháp lý cơ bản : “Sự tôn trọng và bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân các nước trên mặt lý thuyết cũng như trên mặt thực tiễn, chính là hòn đá tảng của pháp lý hiện đại”.

Tuyên ngôn độc lập rõ ràng là kết tinh của một quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, và của cả nhân loại trên hành trình tiến về một thế giới bình đẳng và hạnh phúc cho con người và các dân tộc, song ở đó có công lao to lớn của người sinh thành ra nó, lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh. Là một chiến sĩ hàng đầu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tư tưởng yêu nước, yêu con người của Người trước sau nhất quán và xuyên suốt trong hành trình cách mạng dũng cảm, kiên định và thiên tài của mình. Năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1919, nhân danh nhân dân Việt Nam, Người gửi đến Nghị viện Pháp và các đoàn Đại biểu ở Hội nghị Vec-xây, hội nghị của các đồng minh chiến thắng trong Thế chiến thứ Nhất bản “Yêu sách 8 điểm” đòi hỏi quyền bình đẳng. ở đây, Người đã vạch trần hai chế độ pháp lý bất bình đẳng ở chế độ thuộc địa. Đặc biệt, Người đã gắn liền vấn đề độc lập dân tộc với vấn đề các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Năm 1925, Người viết Bản án chế độ thực dân Pháp trên tinh thần luận tội kẻ thù đã xâm phạm quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân con người và dân tộc, không chỉ ở Việt Nam, Đông Dương mà còn ở cả châu Phi, châu Mỹ Latinh. Hành trình đấu tranh vì nền độc lập tự do, vì hạnh phúc của con người lao khổ trên toàn thế giới của nhà chiến sĩ cộng sản quốc tế Hồ Chí Minh vẫn luôn nhất quán và kiên định.

Như vậy, Tuyên ngôn độc lập 1945 của Việt Nam đã được thế giới coi như là Tuyên ngôn nhân quyền của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Và thực tế, nó đã có ý nghĩa như một phát súng lệnh khởi đầu cho bão táp cách mạng ở các thuộc địa, khởi đầu cho cuộc tấn công và làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới trong thế kỷ XX. Chính vì vậy, nhiều nước Á – Phi đã thừa nhận đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sự xác lập một nền công pháp quốc tế mới, một nền công pháp đảm bảo cho các quyền tự do, bình đẳng của con người và quyền tự quyết, quyền bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc trong việc lựa chọn con đường phát triển độc lập tự do về chính trị, kinh tế, văn hóa,… của đất nước mình. Đánh giá ý nghĩa quốc tế, ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn độc lập của nước ta, trong lễ trao bằng Tiến sĩ luật khoa danh dự cho Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959, ông Giám đốc Trường Đại học Tổng hợp Băng-Đung (Indonesia) đã nói : “Đó là một đạo luật mới của nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức”.

Ngày nay, khi nhân loại đã bước sang thiên niên kỷ thứ ba, nhưng tiếng súng chiến tranh vẫn không ngừng vang lên ở châu Phi, Trung Cận Đông, bán đảo Bancăng… mà trong dó không thể không có những bàn tay kẻ mạnh nhúng vào. Những siêu cường vẫn xâm phạm quyền tồn tại và tự quyết của các dân tộc, kẻ mạnh vẫn ngang nhiên ném bom lên các đất nước “khó bảo” khác rồi bắt người ra toà án quốc tế, rêu rao những bài học nhân quyền cho các quốc gia khác. Trong một bối cảnh như thế, những tư tưởng của Tuyên ngôn độc lập 1945 Việt Nam và tinh thần đấu tranh không mệt mỏi và khoan nhượng cho độc lập tự do của dân tộc và quyền sống, quyền hạnh phúc của con người của nhân dân Việt Nam chắc chắn vẫn còn nguyên tính thời đại.

Đà Nẵng, năm 2000

Read Full Post »


13 truyện ngắn và 01 mẫu tường thuật, dù nhân vật có tên hoặc vô danh, song người đọc cảm thấy chỉ có một nhân vật, nói đúng hơn chỉ có một sinh mệnh mang tên người con Việt lai Hàn. Sau bao nhiêu tìm kiếm, gặp gỡ và suy tư không ngừng nghĩ, dường như tác giả đã đồng nhất mình trong những người con Việt lai Hàn, những bà mẹ, người vợ dan díu số phận với người Hàn, trước và cả sau chiến tranh, để kể lại câu chuyện bi thảm của những số phận bị bỏ rơi nghiệt ngã sau chiến tranh, bị những người lính đánh thuê Nam Hàn để lại, bị định kiến xã hội vùi lấp,…

Bìa cuốn sách "Những mảnh đời luân lạc" của nhà văn Trần Đại Nhật

Nhân vật chưa có cá tính, giọng kể chưa “thuần nhất”, có khi tác giả dường như lấn vào giọng nhân vật để “luận đề” một cách lộ liễu, nhưng vượt qua mọi thứ thô và ráp ấy, tôi nghe thấy được một tiếng nói của người trong cuộc, một thứ tiếng nói đơn độc, đầy oán hờn của những thân phận “luân lạc” suốt chiều dài của đời sống để đi tìm lại điều bình thường nhất mà ai cũng có, đó là người cha của mình. Nhưng cuộc tìm kiếm ấy dường như trở nên vô vọng. Cội nguồn của bản thân mình ở đâu, sự thật của sự vô lý ấy nằm ở đâu, ai chịu trách nhiệm và ai giải quyết vấn nạn này, tâm thức người con Việt lai Hàn luôn luôn tự hỏi, tìm kiếm để rồi bi quan và thất vọng,…

Bởi thế khi gấp lại trang cuối cùng, tôi như nghe một tiếng nói oán giận bi thiết, đầy cay đắng vọng lên và cảm thấy chiến tranh vẫn còn đó, chưa lùi xa khỏi con người, những vết rạn nứt, những vách ngăn vẫn còn dựng lên đối với những người con Việt lai Hàn.

Nguy hiểm hơn, những phận đời luân lạc như vậy dường như lại vẫn tiếp diễn, không bạo tàn như thời chiến, nó tiếp diễn hiện hình trong cái lặng thinh và hợp lẽ của một tên gọi mới là toàn cầu hóa, là làn sóng đầu tư mới mà tác giả gọi là “trận càn mới”. Nó thể hiện ở việc những người đàn ông Hàn Quốc sẵn sàng bỏ tiền ra để được “chọn vợ” Việt như một món hàng hóa trong các khách sạn ở Sài Gòn, để rồi những đứa con lạc loài lai Hàn 8X, 9X lại ra đời, lại tìm kiếm và vô vọng… Ở khía cạnh này, tác giả đã đặt ra một vấn đề xã hội cần suy nghĩ, khi mà cỗ máy phát triển của quốc gia lăn tới, thì cần phải chú ý đến những vấn đề con người nảy sinh,…

Bởi vậy, tập truyện ngắn dù được viết còn nghiệp dư, dù có khi chỉ là những chuyện kể hơn là truyện ngắn, nhiều chỗ viết còn “tự nhiên chủ nghĩa” nhưng nó đã gióng lên một tiếng nói đầu tiên về số phận những người con Việt lai Hàn, những người vợ Hàn bị bỏ rơi sau chiến tranh cho đến gần 3 thập kỷ sau chiến thắng 1975 ! 

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

Read Full Post »

Older Posts »