Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Mười Hai, 2016


2013

Cuối năm đốt một nén nhang
Tình lên ngun ngút trắng tàn tro bay
Khói sương ngập mắt người say
Nhớ lên lưng lửng giữa ngày giữa đêm…

2014

Lần quần giữa cõi âm dương
Dạt trôi bến nhớ đò thương cuối mùa
Đồi hoang tím suốt hoa mua
Ta ngồi đếm tuổi hơn thua với trời
Thõng tay ngồi ngó mặt người
Chảy trôi về phía mặt trời đang lên…

2015

Tối qua ngủ rất tình cờ
Quá khuya nghe tiếng bơ phờ của đêm
Chuông chùa lẫn khói Noel
Tiếng rung đứt nối nổi nênh kiếp người
An thân lặng thấy nói cười
Tinh tâm lại ngộ đười ươi là mình !

2016

Ngày qua ngọn cỏ vẫn sương
Ngày về nhớ lại vẫn thương như hồi
Năm mươi tình đã về trời
Để ta năm mốt với người trong mơ !

Saigon, ngày 24/12 (tứ niên)

14859512_850801781721616_2010275696_o

Read Full Post »


Qua chuyện đi chơi Noel mới thấy người Việt ham vui, hời hợt và lười biếng…

Bất kể thuộc tôn giáo nào, văn hóa nào, nhiều người Việt đã xem Noel như ngày hội của mình, và họ tràn ra đường đi chơi, tập trung lại để nhậu, mua cây thông Noel về trang trí giữa nhà, cả trước bàn thờ Phật… Để vui ?

Nhiều người đã lấy sự “dung hợp” văn hóa, “tiếp biến” văn hóa để hợp pháp hóa hết thảy mọi thứ niềm vui kiểu đi chơi Noel này !

tải xuống.jpg

Người Việt là vậy, ham vui, ham chơi trở thành một phẩm chất mang bản sắc văn hóa đậm đặc rồi, nên hễ có cái chi dzui của nhân loại thì cứ sẵn sàng mang về để xài… Xài chùa cũng là một thuộc tính đẳng cấp của người Việt ?

Rộng ra, vì hời hợt dễ dãi như vầy, nên họ ít chịu khó học hỏi đến nơi đến chốn, lười biếng sáng tạo. Sau những thành tựu lớn (và chung của cư dân Đông Nam Á) đóng góp ít nhiều cho lịch sử văn minh nhân loại hai “công nghệ”: trồng lúa nước và đúc đồng, con cháu vua Hùng không thấy có những sáng tạo gì thêm cho nhân loại.

Và thế là họ vay mượn, “tiếp biến”, “dung hợp” văn hóa của người khác về, cho nền văn hóa mình chi dùng. Nhìn vào hệ thống tư tưởng thôi, ta thấy người Việt rinh gần hết của người ta về xài, từ Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo đến Kitô giáo, Mác-Lênin giáo… Nhưng có điều oái ăm là họ lại thường vay mượn cái cũ, đồ second-hand về để xài.

Thành ra cứ vậy, người Việt rất vui, rất sang, nhưng nước Việt thì không thấy phát triển. Không phát triển nhưng vẫn vô lo, vẫn vui như ngày hội Noel ?

Saigon, Noel 2016

Read Full Post »

Tin đồn


Chiều nay trên chuyến xe từ Gò Công về Saigon, mấy người bạn thông báo về việc ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc.

Ta không biết có bao nhiêu phần trăm sự thực đúng sai ? Ta không biết sự kiện có vẻ ly kỳ này sẽ ấn lên đời sống bao nhiêu ý nghĩ và tin đồn ?

Song đối với tôi, tin tức này không để lại một chút cảm xúc nào hết. Bởi lẽ một thể chế tổ chức bộ máy không dựa trên thực tài và khoa học, chỉ dựa trên lý lịch, sự trí trá và tiền bạc thì tất sẽ làm lũng đoạn mọi thứ… Quả báo hiện tiền, xã hội tất sẽ rối loạn giá trị ! Và một khi đã vậy thì không có gì không thể diễn ra, từ sự bất lương đến bỉ ổi, từ sự tha hóa đến đê tiện…

Ta đã thấy có nhiều chuyện ly kỳ, dù nhiều hồ sơ chưa (bao giờ) được giải mật, những câu chuyện thầm thĩ nơi công đường, những nguệch ngoạc trên những con chữ hồi ký… Lần này thì không còn vậy nữa, nó đã râm ran trong dân chúng, nó đã nổ bung trong tuyền thông… Và nó dần dà lấn tới với tất cả dị hợm ly kỳ không cưỡng lại được. Cái gì sẽ đến thì sẽ đến… Đấy mới là thứ cảm xúc được định đoạt và sắp đặt theo logic của thực tại. Nó ánh lên sắc hoàng hôn cuối ngày… Nó đẹp một vẻ đẹp bi hài trên sân khấu đời sống, một vẻ đẹp khiến ta mỉm cười một cách vô cảm !

Gò Công, ngày 25/12/2014

Read Full Post »


Một ban đọc than phiền tôi đã “chính trị hoá” khi bàn nói về thể loại tạp văn trên một stt. Có không ?

Không hề có !

Bởi vì dân chủ là một khái niệm, một định chế, một trạng thái… cua văn hoá, văn minh trong lịch sử phát triển nhân loại. Nó đâu chỉ thuộc địa hạt chính trị. Vả lại nếu đem nội hàm này để người Việt XHCN cho nó vào phạm trù chính trị lại hoàn toàn bất cập, vì ta đâu có dân chủ. Tiếc thay một khái niệm văn hoá đẹp nhất của nhân loại lai trở thành một nỗi ám ảnh “chính trị” để người Việt sợ hãi mà nhắc nhở tránh né như vậy ? Bi kịch thay !

Tôi nói tạp văn là một thể loại dân chủ vì mấy lẽ sau đây.

Về mặt cấu trúc, nó phi tuyến tính, rất 4D, bất chấp logic hiện thực, theo liên tưởng nó nhảy cóc rất chủ quan từ chuyện nọ xọ chuyện kia, từ những chuyện thiêng liêng như công lý, tình yêu, Thượng đế, BCT, cach mang đến chuyện ăn, ngủ, đ., ị, gầm cầu có chợ của bàn dân thiên hạ… Với tạp văn, không có chỗ cấm kỵ ?

Ngôn ngữ tạp văn thì đa sự, đa tầng, đa nghĩa, đa đa… đủ loại đủ cách để gây shock và làm chảy nước mắt hạnh phúc, và gây cười đến vỡ mũi u đầu cho người đọc…

Nhân vật chính của tạp văn thường là cái tôi cá tính, độc lập, trung thực, phi chính trị… Người viết tạp văn chỉ vì con người nhân sinh và cái Đẹp mà bày tỏ. Nó không biết bầy đàn và a dua xu thời. Nó lặng lẽ ngắm đời qua cái độc nhãn của nó… Rò ràng với cách ứng xử như vầy nên nó cực kỳ dân chủ. Nó không phù hợp với một xã hội quen sinh hoạt theo nề nếp phục tùng sợ hãi, theo đám đông đười ươi. theo hội đoàn…

Dân chủ như vậy nên nó đòi hỏi một không gian thoáng đãng trong nhận thức và tâm hồn, từ những con người đa nguyên…

15578973_10154465443973929_577475628525592231_n

Saigon là mảnh đất của tạp văn vi Saigon phức hợp, đa thanh và vô ưu hồn nhiên với mọi cách ngắm nhìn, mọi cách phản biện… về nó. Nó chấp nhận, lắng nghe và đọc được tạp văn. Bởi vậy tạp văn Saigon có công chúng bỏ tiền để mua va đọc.

Đà Nẵng chỉn chu, nề nếp, sạch sẽ với thói quen 10h đi ngủ bất kể cảm xúc thời khắc ấy vui vẻ như thế nào, cảm xúc bao nhiêu. Đà Nẵng dễ tự ái, thấy một người lạ, một cách nhìn lạ thì rủ nhau bàn tán xôn xao. Đà Nẵng vuông vức đến đi với những con đường quy hoạch và những tâm hồn luôn được hành chính hoá mỗi ngày…

Tạp văn vì thế đâu có chỗ ở những nơi như vậy ?

Đành chờ !

Read Full Post »


Vài năm gần đây, sách viết về Saigon bỗng nhiên nở rộ đột ngột, tựa như có một đột khởi nào đó từ hiện thực, tựa như có một nguồn nham thạch phun trào nào dó để Saigon trở thành một đề tài rầm rộ cho tạp văn… Nhìn và tự ngẫm mấy điều:

1) Chưa có một nghiên cứu mạnh mẽ về hiện tượng này !

2) Lại vân vi nhớ Đà Nẵng, đẹp vậy, hào hùng vậy mà sao chưa thấy có một dòng sáng tác nào mạnh mẽ để Thành Đà trở thành một địa chỉ văn học… Đà Nẵng không đủ sự dày dặn và phức hợp để cảm và nghĩ ? Hay Đà Nẵng không có nhiều nhà văn phù hợp để viết về nó ?

15578973_10154465443973929_577475628525592231_n

Các nhà nghiên cứu thường cho văn chương vốn sinh ra từ sâu thẳm của nỗi buồn và sự hướng nội về những phận người cụ thể. Đà Nẵng có khi tự hào quá, vui quá, có khi thanh thản quá theo màn pháo hoa và những con đường vuông vắn, đồng mức nên văn chương nó không đủ sức để sinh ra ?

Hay cũng có khi Đà Nẵng không có những thuộc tính đồng cảm với tạp văn, một thể loại văn chương dân chủ nhất, đa nguyên nhất, bụi đời nhất để nó được nhà văn Đà Nẵng chi dùng dễ dàng ?

Ôi Đà Nẵng của tôi, một Đà Nẵng dường như vẫn còn ở trạng thái bình thân như cũ !

Read Full Post »


Phan Khôi và Tản Đà khác nhau ở tính cách. Câu chuyện nhỏ này thể hiện rất rõ tính cách của một người Quảng thẳng băng trực tính và một người xứ Bắc luôn khôn ngoan đúng lễ với đời. Đó là lần hai ông rủ nhau đi phác xia, xong việc, lại gặp một quan Tây đến gây sự lôi thôi, Phan Khôi thì định dùng nắm đấm để giải quyết tức thì chuyện này, nhưng Tản Đà can ngăn và khuyên Phan Khôi không nên có cái cử chỉ “võ phu”. Phan Khôi thì cứ “nhất quán” theo kiểu đã đi phác xia thì còn giữ sự “đạo đức” làm gì. Tản Đà thì ngược lại, vừa đi phác xia mà vẫn giữ sự “phải nhẽ” !

Thế đấy mà Phan Khôi và Tản Đà vẫn là những người bạn văn, bạn rượu với nhau. Phan Khôi hân hạnh được gặp Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu từ năm 1918 tại một gác xép ở phố Hàng Bông, ngụ sở của cụ nghè Nguyễn Bá Trác. Lúc ấy Tản Đà trong mắt Phan Khôi là “tay đại tài” còn hơn cả Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, vì theo Phan Khôi hai bậc thức giả này “chỉ viết theo sách, theo tư tưởng của Tây”, chứ Tản Đà thì lại viết ra “tư tưởng của mình”, chính đó “mới là tay sáng tạo”. Gặp nhau vài lần nữa, rồi thưa thớt cách nhau hai năm khi Phan Khôi đi Sài Gòn, sau gặp lại nhiều lần bên chén rượu khề khà có khi qua rạng sáng mai, hai người trở nên thân thiết, tâm đầu hiệp ý.

Hai cụ sau này còn gần gũi nhau trong việc làm báo. Khi Tản Đà làm chủ bút tờ Hữu Thanh, Phan Khôi có đôi lần viết bài cộng tác.

phankhoihinhhv

Nhưng việc lớn nhất trong câu chuyện hai ông mà người ta gọi là vụ án Tản Đà – Phan Khôi là cuộc tranh biện nảy lửa giữa hai ông. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1931, nhân đọc cuốn “Cay đắng mùi đời” của Hồ Biểu Chánh, Phan Khôi đã viết một bài đại luận công kích cái cười khả ố, bần tiện, tàn nhẫn của người Việt Nam. Bài báo có nhan đề “Cái cười của con Rồng cháu Tiên” đăng trên Phụ nữ tân văn số 84 ra ngày 28 tháng 3 năm 1931. Đến tháng 8 cùng năm, Phan Khôi tiếp tục lại phê phán phong tục thủ tiết của người Việt Nam mà ông cho là man rợ (Tống Nho với phụ nữ).

Thế là trong số 26 An Nam tạp chí ra ngày 23 tháng 1 năm 1932, Tản Đà khai chiến bằng một báo viết với tiêu đề rất “báo chí”: “Một cái tai nạn lưu hành ở Nam Kỳ: Phan Khôi”. Đã định danh như vậy, trong bài viết, Tản Đà còn cho là “ông Khôi phun giải phóng, phun tự do”, “chiều theo tâm trí của phần nhiều phụ nữ” để bán báo. Và nhân danh “anh em sĩ phu… Hán học”, Tản Đà tuyên bố với công luận sẽ “tra xét tường xác”. Quả nhiên sau đó, liên tục trên 03 số báo An Nam tạp chí: 29 (ra ngày 20-2), 34 (ra ngày 26-4) và 37 (ra ngày 16-4), ông tự lập tòa án, dựa vào mấy chữ “con Rồng cháu Tiên” trong bài báo Phan Khôi để kết tội “xử trảm” cụ Phan vì đã nhục mạ tổ tiên (“vu hãm tiền hiền”).

Bấy giờ, với tinh thần canh tân, tiến bộ, Phan Khôi đã lên án cái cổ hũ, giáo điều, lạc hậu của tư tưởng Khổng – Mạnh. Phan Khôi viết rất đanh thép: “Cái luật cấm cải giá là rất bất công, vô đạo, cướp mất quyền lợi đàn bà mà không bổ ích gì cho phong hóa, nên phế trừ đi là phải”. Nhưng với Tản Đà thì khác. Dù ông được xem là nhà thơ đầu tiên đã dám thành thật để những rung động của tiếng lòng thầm thĩ trong con người bày biện ra trong thơ, nhưng ở đây, Tản Đà cho Phan Khôi nói vậy là “loạn ngôn hoặc chúng”, làm bại hoại phong hóa. Và đã long trọng tuyên bản án Phan Khôi là kẻ có 3 tội danh, phải chịu hình phạt 300 roi và đưa đi xử ở 3 nơi… rất cụ thể ! Cơ sở để Tản Đà luận tội cũng rất thi sĩ là “chiếu theo hình luật Á Đông từ đời vua Thuấn” (?) Có lẽ vì vậy mà sau đó bản án không thấy ai thi hành !?

15590006_10154452332993929_5068418280579002427_n

Ngược lại, cụ Phan Khôi rất bình tĩnh, vì cụ hiểu “Tản Đà là người thông minh, có thiên tài, nhưng không chịu học” (…) “thấy đời không được rõ”, nên cụ “nhịn thua” và “chẳng hề cãi lại nửa lời”.

Nhưng cụ vẫn tiếp tục truyền thống duy tân, ngay vào ngày 10 tháng 3 năm ấy, Phan Khôi trình làng bài thơ “Tình già” trên Phụ nữ tân văn số 122. Bài thơ như một quả bom phá bỏ con đập thơ cũ để cho dòng thác thơ Mới sau đó ào ạt tuôn chảy về tương lai. Và từ đấy, số phận của Tản Đà, một trong những đại diện xướng danh của phái thơ cũ cũng bắt đầu lênh đênh theo con nước rã rời cho đến 1939 thì thi sĩ về “hầu trời”.

Điều đáng nói ở chỗ là dù giữa Phan Khôi và Tản Đà có những gay cấn ngặt nghèo như vậy nhưng Phan Khôi vẫn luôn thấy cụ và Tản Đà là “một đôi bạn đồng tâm”, là những con người phong nhã, hào hoa, đặc biệt là chung ý chí “đại trượng phu”.

Đến nay cả hai đã “về trời”, nhắc chuyện tâm giao của hai con người nổi bật của văn giới đầu thế kỷ XX để thấy sự hành xử rất “văn” của hai người: họ gần gũi, kính trọng lẫn nhau như bậc “đại trượng phu”, nhưng vì văn đạo họ cũng sẵn sàng quyết liệt tranh biện đến mức đưa nhau ra “xử trảm”… Đời và Đạo thật phân minh rõ ràng ! Bởi vậy mới thấy câu nói của G.L. Buffon nói rất đúng: Le style, c’est l’homme (Văn cách, ấy là nhân cách).

Nhưng đấy là chuyện của cổ nhân ?

Read Full Post »


Đã hai ngày trôi qua mà trên face và trên mặt bàn cafe vẫn còn hậm hực về chuyện Việt Nam đá bóng thua Indonesia..

Dường như đó là nỗi đau kinh niên mà mỗi lần tái khám, bác sĩ dân tộc tính lại phải vất vả lần theo một đống triệu chứng lâm sàng và phải khó khăn khi chỉ ra nguồn gốc của căn bệnh trầm kha vốn cũng là đăc tính cố hữu chung của xã hội.

Dân tộc tính nói chung và bản sắc dân tộc vốn là vấn đề mà thế giới văn minh vốn đã lờ đi từ gần một thế kỷ nay rồi. Họ lơ đi vì thấy nó là một trong những căn nguyên khơi ra những hố ngăn cách giữa các cộng đồng nhân loại và làm giảm đi những giá trị phổ quát để nhiều tập đoàn cầm quyền khuếch trương nhằm dùng bạo lực để áp đặt hoặc tự tạo ra những ốc đảo chính trị riêng biệt trong thế giới vốn ngày càng phẳng ra…

Bởi vậy, ta hãy nghĩ kỹ, những viên đá ném ra làm vỡ kính xe đội bóng Indonesia sau khi Việt Nam thua cuộc ở SVĐ Mỹ Đình và các cuộc chiến tranh để khẳng định ưu thế chủng tộc, dân tộc thượng đẳng ở châu Âu đầu thế kỷ XX dường như khởi đi từ tinh thần dân tộc phiến diện, cực đoan chung như vậy ?

Những giọt nước mắt đầy cảm xúc mang vị mặn dân tộc sau một game thể thao là đáng quý vì nó khẳng định ta còn rất nhiều nhịp đập ở con tim, nhưng giá như chúng nhỏ xuống cho sinh tồn của từng con người bị đói khát, bị cầm tù một cách oan ức, cho tổ quốc bị bắt nạt và ức hiếp trong tủi nhục thì sẽ thức tỉnh rất nhiều đồng loại khác !

Dân tộc là một thực thể phần lớn có khả năng trương phình theo ý chí và cảm xúc một cách bầy đàn.

Dân tộc là một khái niệm đã từng được nhiều nhà nước cực đoan thổi phồng để bảo vệ tính hợp pháp của một nhóm người cầm quyền.

Bản sắc dân tộc là một ý niệm vốn đã được thế giới văn minh bỏ rơi từ lâu rồi, và cái gọi đậm đà bản sắc dân tộc coi chừng chỉ còn là bóng ma của một thứ cảm xúc dân tộc có thể trói buộc con người trong những nỗi đau tình cờ, và sẽ ngăn cản lý tính cũng như sự hiện diện những giá trì làm người phổ quát của nhân loại !

Vấn đề với tôi là bóng đá vì ai ? Và chủ nghĩa dân tộc vì ai ? Nó vì con người hay nó chỉ vì kẻ thống trị, kẻ cầm quyền ?

Hãy tự mình luôn tỉnh táo với những cơn nhiệt hạch giả tạo trương phình và sự ích kỷ, vô cảm luôn luôn hợp pháp trong mỗi chúng ta !

Read Full Post »