Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Suy ngẫm’ Category


Hôm rồi đi ăn bún chả cá Đà Nẵng ở đường Lê Hồng Phong, vừa dắt xe tới bắt gặp ngay một giọng Bắc bảo dắt xe vào trong kia (để giữ) đã khiến mình chột dạ. Về Hội An, loanh quanh vài chỗ, thấy loáng thoáng giọng bắc đã ngờ ngợ… Tối ngồi chơi với họ Phùng còn biết thêm hiện một số nhà cổ Hội An được dân Bắc hà lắm tiền vào mua và nắm giữ quyền tự quản…

Hôm trước ngồi giữa Saigon với một cô học trò là phóng viên, bất giác hỏi Hội An bây chứ ra răng, thì được nghe một giọng chán chường: Hội An giờ thay đổi lắm thầy. Thay đổi hiển nhiên rồi, khi mà làn sóng du lịch phát triển đem theo những nền văn hóa khác, với những đồng tiền mạnh bạo hơn thì nó phải vậy. Nhưng mình chỉ nghĩ chung chung là Hội An phải thay đổi thôi, không thể khác, những thay đổi hiển nhiên khi hội nhập và đô thị hóa mạnh mẽ…. Còn phố Hội vẫn nguyên đó, trầm lắng với những mắt cửa mở to đón khách một cách trìu mến. Còn đó, một Hội An an nhiên như những nốt nhạc boston rải đều trên nhiều con phố hẹp đầy vẻ đẹp quá vãng. Còn đó, một dòng sông Hoài êm đềm chảy về biển mỗi ngày để khi trở về ta như sống lại một hoài cảm tươi đẹp đã qua. Còn đó những người con phố Hội giàu tình nghĩa và trầm ấm một giọng dễ nghe…

Bao nhiêu năm rồi, cứ hằng năm, trong khi lòng đã thừa thải sự ồn ào và phù phiếm, mình đã luôn quay lại Hội An, để uống một ly cafe đen, ngồi bên một con phố, và nghe người Hội An nói, để lấp đầy lại sự yêu mến trầm lặng, thay bỏ đi cái hư ảo, phù phiếm vốn đầy trong lòng của một kẻ du canh du cư giữa phố…

Nhưng Hội An giờ đã không còn như vậy. Chiều ngồi trên bờ đá trước Quảng trường Trung tâm nhìn qua bên kia. An Hội không còn một bóng cây vườn, chỉ thấy dãy phố giả cổ xô nghiêng trong trời chiều một cách trơ trụi. Đám cỏ trên đất bồi ùn lên giữa dòng chảy. Nước sông rút đi để trơ lại đám rác xộc lên chút mùi phố thị quen thuộc. An Hội của ngày xưa đã không còn. Phố Hội nhìn quanh đã tràn ngập người, người với người chen chúc lô nhô khi trời đã chang vạng….

Hội An đã biến đổi, và chắc sẽ biến đổi với một gia tốc lớn khi mà chủ nhân của nhà cổ, của một số con phố cổ giờ là của người khác. Linh hồn của những con phố phải là của người Hội An, những con người đã lặng lẽ nâng niu và mến yêu gìn giữ mỗi ngày qua mấy trăm năm chiến tranh. Hội An không thể thay đi những dòng máu của những kẻ khác… Khi mà phố cổ, nhà cổ bị “rút ruột” văn hóa, Hôi An se bị rơi vào trạng thái đứt gãy văn hóa và hiển nhiên Hội An sẽ bị biến dạng hoàn toàn….

Thật bi hài khi ta ngồi ở phố cổ Hà Nội ăn bún đậu mắm tôm của người miền Tây chế biến. Và cũng vậy, sẽ rất nhiều cay đắng khi ta về phố Hội, ngồi ăn cao lầu, bánh tráng đập lại phải nghe những giọng lanh canh của xứ Bắc vừa dọn món vừa thu tiền ? Hội An lúc ấy sẽ mất đi ngay trong lòng ta ?

(Viết nhân ngày hoàn thành một kịch bản lễ hội Hội An)

Read Full Post »


Những năm gần đây bạo lực, sự sợ hãi và phi nhân tính tràn ngập xã hội khiến mỗ tui nghĩ nhiều về căn tính của nhân loại và những vấn đề bản thể con người.

Dưới khía cạnh sợ hãi, ý thức về sợ hãi của con người, lịch sử nhân loại dường như trải qua ba giai đoạn lớn. Ở buổi đầu sơ khai, con người thoát ra khỏi đời sống súc vật bằng cách đối diện với tự nhiên, vượt qua sự sợ hãi tự nhiên bằng cách tập hợp các cá thể thành bầy đàn, cộng đồng, thành xã hội. Để bầy đàn thành xã hội có trật tự, họ chấp nhận thiết lập và giao quyền cho một nhóm người tinh hoa và mạnh mẽ hơn làm thành nhà nước.

images

Thế nhưng, quyền lực nhà nước trương phình và tha hoá trở thành nỗi sợ hãi lớn hơn, trực tiếp hơn cho nhân loại. Và nỗi sợ hãi khiến con người trở thành một súc vật mới dưới nhân dạng con người.

Để tiếp tục sự tiến triển định mệnh dưới mặt đất, và làm người, con người tiếp tục chiến đấu với nỗi sợ hãi kia để tự do cho từng cá thể bằng cách xây dựng thể chế dân chủ, cộng hoà, và nhờ tự do thân thể, tự do tinh thần, con người không còn là súc vật nữa !

Và không biết chúng ta đang ở đâu trong sự tiến triển lịch sử này ? Không biết chúng ta có tự do và không còn sợ hãi không ? Không biết chúng ta là con người hay súc vật ?

Saigon, ngày 31/1/2018

Read Full Post »


Thấy gì qua hai sự kiện: Lễ kỷ niệm ầm ĩ quá mức tốn kém về cuộc tấn công vào đô thị miền Nam ngay trong dịp Tết Mậu thân 1968 và công an “làm nhục” một cách cố ý thô bạo bất nhân với người mua bán dâm vào ngày 29/1/2018 tại Phú Quốc ?

Đã có đủ hơn 40 năm Việt Nam vượt qua bãi lầy chiến tranh, nghèo đói và lạc hậu để hội nhập vào thế giới văn minh và nhân tính, nhưng ý thức hệ bạo lực vẫn còn giữ nguyên, trạng thái yêu thích sự dã man hoang dã vẫn còn nguyên !

Trong thế giới chuyển động nhanh về phía trước, sự hồi cố ngoái nhìn lại phía sau và ngợi ca quá mức một hành động chiến tranh bất quy tắc diễn ra trong ngày Tết sum vầy cổ truyền của cả dân tộc với cái chết hàng triệu người một cách kinh hoàng thể hiện rõ sự khó chuyển đổi của một nhà nước ý thức hệ cộng sản. Và điều đó cũng thể hiện rõ sự bối rối hướng đi trong con đường tiến lên phía trước của họ !

Không thay đổi nhận thức và vẫn hành động theo lối cũ, chủ thể quyền lực sẽ không đủ sức quản trị quốc gia, sẽ tiếp tục đánh mất sự tin cậy của dân chúng, và hiển nhiên sẽ không có tương lai…

Saigon, ngày 30/1/2018

Lễ kỷ niệm dù to lớn và ồn ào tới đâu vẫn sẽ là một thứ kỷ niệm đáng buồn và đáng quên !

Read Full Post »

Người cũ lời cũ ?


Lại một “danh nhân” (hay ranh nhân?!) xứ Quảng vừa làm bia mộ vừa thốt ra những lời có vẻ “thiệt thà” !

Tôi chẳng tin gì những lời này, và thậm chí còn phì cười, vì lúc còn minh mẫn đầy nanh vuốt, anh đã dung dưỡng tiếp tay cho hệ thồng này phát triển và im lặng để nó như vậy, để rồi đến ngày anh chuẩn bị chờ người ta vuốt mắt xuống mồ thì với tay lên ừ hử thế này thế kia ?!

Để làm gì ?

Hỡi con cháu cụ Hoàng Diệu ?

Những mảnh vải tang trắng trên thành cổ Hà Nội 1882 như vẫn còn phất phơ trong gió đông năm nay !

(Ngày 17/12/2016, viết khi đọc tin ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban bí thư, Phan Diễn chia sẻ với VnExpress vào Thứ bảy, 17/12/2016 về chuyện “Chúng ta đã vượt qua sự “kiêu ngạo cộng sản”.)

Read Full Post »


Chiếc quan tài di chuyển trên mặt phố ngập lũ trở thành tâm điểm than xót trận lụt nhân tai năm nay !

Và bao nhiêu miền đất, bao nhiều cảnh đời của lê dân chìm trong lũ nữa ?

Và ai cũng tự hỏi sao bọn thuỷ điện lại ngang tàng xả nước một cách ồ ạt đồng loạt như vậy ?

Tôi lại muốn hỏi hệ thống nào đã sinh ra một đám quản lý xả lũ hại dân như vậy ? Và ai rồi đây sẽ chịu trách nhiệm cho hệ thống này ?

Và bao giờ thì hết cảnh tượng thê lương này ?

16-12-xot-xa-truoc-loat-anh-khieng-quan-tai-loi-bi-bom-trong-lu-4-jpg-1481928923

Chắc không bao giờ !?

Vì tôi đã nhìn thấy lũ trong ngày mặt trời đỏ trước đây ! Những ngày lũ âm thầm dâng lên ngập ngụa những tham quan ô lại, những trò chơi chính trị giả trá, những giá trị hằng cửu của một xã hội thông thường bị tước đoạt,… Tôi đã thấy những cơn lũ trong ngày mặt trời đỏ xuống núi, những cơn lũ vô hình bồng bềnh những rác rưởi ngu dốt, lú lẩn, vô pháp vô thiên trên mặt đất này !

Những cơn lũ được bảo kê một cách hệ thống và không có một lực lượng xã hội độc lập, trung thực và vì dân nào để kiểm soát !

Sẽ còn nhiều những cơn lũ trong ngày mặt trời đỏ trong tương lai bất định đang tới !

(Ngày 17/12/2016)

Read Full Post »


Với Quảng Nam…

Dzụ này nghe lạ lùng đã lâu… Anh em xứ Quảng nói cha Lê Phước Thanh, vừa là bí thơ, chủ tịch tỉnh vừa là thân sinh anh chàng cán bộ chơi chim này cũng ghê tay hoành hành, tác oai tác quái dữ lắm. Có điều xứ Quảng anh hùng cũng nhiều, hào kiệt cũng lắm, đảng viên hàng đống mà sao để thằng cha này như dzậy, để rồi xảy ra chuyện éo le xấu mặt lẫn nhau như dzầy… Nghĩ thêm mà chán ! Đất trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ, giờ không biết trung dũng đi đâu, kiên cường đi đâu, mà để sâu bọ, chuột chim sinh nở nhiều quá ?! Để đến nước cùng thì mới có một bản “thanh tra kết luận”, rút đi quyền lực và uy tín. Nhưng số tiền bòn vét, cướp giật từ dân chúng thì có lấy lại được mô ?!

Dân chúng hí hửng: trời cao có mắt. Ui cha, trời cao chột mắt nên mới để nảy nòi ra những loại quan tham này ? Có mắt thì đâu nên nỗi chính sự bét be, tham quan ô lại như cỏ dại lút trời ?!

Nhiều người còn bàn, làm vậy thì thằng cha mất uy tín và xấu hổ chết. Ối trời, những thằng khi đương chức mà không có liêm sĩ thì giờ mất chức thì còn chi liêm sĩ mà mất. Nên mới nói trò này như trò chơi game của bọn nhỏ, mất kiếm, và bị hạ level chút đỉnh thôi ?!

(Ngày 16/12/2017)

(…) Hành xử như ông Nguyễn Sự là sự hiếm có của một đảng viên, nhưng hành sự theo kiểu chày cối cho thằng con của cha Bí thư thì thiệt là thiếu liêm sĩ !

(Ngày 17/12/2017)

Với Thanh Hóa….

25353700_10155536245318929_2229745784424947429_n

Thanh Hoá lại có Lê Lai
Đội quần cứu Bí thư tài giỏi ghê
Thằng sếp chơi gái ê chề
Thằng phó đổ vỏ tái tê là đời ?!

(Ngày 17/12/2017)

 

Read Full Post »


Giải tán hệ thống Phòng Giáo dục quận huyện là giải pháp rất hay, để giảm biên chế, giảm phân cấp phân quyền, những nguyên nhân khiến bộ máy giáo dục nặng nề và hoạt động kém hiệu quả.

Nhưng vậy chưa ổn. Để giảm biên mạnh mẽ hơn và tăng hiệu quả hoạt động giáo dục, tập trung vào hai nhiệm vụ cơ bản là dạy và học, các trường học cần giải giáp cả các tổ chức công đoàn, đảng và đoàn thanh niên. Các tổ chức này cần hoạt động tự nguyện, độc lập, và không ký sinh vào hệ thống giáo dục hiện có… Có như vậy giáo dục mới trở lại sứ mệnh và cấu trúc đúng của chính nó !

Nhớ hồi ở trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), một lần trò chuyện với thầy Nguyễn Sinh Nguyên, lúc ấy là Hiệu phó nhà trường về chuyện nhà trường không tập trung vào việc dạy và học mà quá nhiều hoạt động ngoài giáo dục làm mất thời giờ của học sinh và giáo viên, thầy Nguyên cười xoà và nói: Nếu dẹp hết mấy thứ đó, chỉ tập trung cho việc dạy và nghiên cứu thì ở trường này, rất nhiều người sẽ không biết làm chi ?! Mình nghe vậy và tự hiểu. Và cho đến bây giờ, trạng thái bi hài kiểu này vẫn tồn tại và thậm chí trương phình vô độ hơn rất nhiều, và hậu quả là nhân dân è cổ ra nộp thuế để nuôi thêm các nhóm, hội, đoàn thể tổ chức “ngoại biên”, ngoại lai này !?

(Nhân đọc ý kiến về việc nên giải tán Phòng Giáo dục và tổ chức bầu cử Hiệu trưởng…)

Read Full Post »


Anh bạn từ xứ Quảng nhắc, kỳ rày ông viết chi chi về văn hóa, văn nghệ để đọc chơi, chuyện chính trị chính em thì đọc nhức đầu quá. Uh, cũng có lý thiệt, đang cao huyết áp mà cứ nghĩ tới hoài coi chừng thành cao hổ cốt… Nghĩ vậy nên viết chuyện “xỉ tước” này chơi !

Trong việc làng ngày xưa, người ta trọng vọng quan lão ngang với các trí thức hưu quan tại các chiếu sân đình. Nghe “quan lão”, tưởng là quan lên lão về hưu tại làng, hoá ra chẳng phải, nhờ “thiên tước”, tức nhờ trời cho tuổi nên sống lâu mà có tước “quan lão”. Bởi vậy dân chúng gọi cách có chức tước để thành kiểu này là “xỉ tước”, nghĩa là tước do số răng rụng mà thành, càng rụng răng, rụng đến hết răng thì level quan lão càng tăng cao…

Khi đã thành quan lão mà chết, người Việt rất sợ người chết mà răng vẫn còn, vì như vậy ông lão sẽ ăn hết phần phúc đức, dương phần của kẻ còn sống. Quan niệm này thật bí hiểm, lạ đời, không biết có đúng không ?

Nhưng đến nay nghĩ lại có khi nó đúng ở chiếu làng ngày nay, nó rụng răng, rụng hết quyền lực thì con cháu có khi an yên mà mần chính sự ngay thẳng. Đằng này nó phone một phát như kiểu há mồm chỉ vào xỉ tước cho mày biết là tao còn răng nè thì đám hậu sinh phát hãi mà rời tay dừng việc một phát ngay lập tức, cho dù là đang đi bắt tội phạm vậy…

“Xỉ tước” mà còn thì kinh hãi vậy. Nhưng, chiếu theo kho tàng folklore xứ Việt (mà Huỳnh đại nhơn xứ Tịnh Sơn hay đọc là pho-cờ-lon) còn có câu “răng chắc cặt bền”. Câu này thì còn kinh hãi bội phần, vì nó gây ra nhiều chuyện lăng nhăng lít nhít, phiền hà chính sự cho đến nhà cửa dòng tộc rất dài dòng ?! Theo kinh nghiệm này, chắc ta phải nhờ mấy bác sĩ nha khoa trồng răng theo công nghệ cấy ghép Implant cho hả dạ cuộc đời ?!

Chuyện này chắc tất dài dòng, nên nếu có bia đen và hotdog nướng của Đức thì sẽ nói thêm…

Tình thế đình làng kiểu này vì thế chỉ biết nhe răng mà cười ?!

Read Full Post »


Sáng thứ 7 này, dân chúng râm ran và hả hê với chuyện một ủy viên Bộ chính trị và có thể là một chuỗi quyền lực nữa sẽ bị đưa ra tòa. Sự hả hê này có thể náo động hơn vì do người ta chờ đợi lâu quá chuyện lò nóng củi tươi, và có thể cộng hưởng hơn vì dân chúng lần đầu thấy một dây dài những thằng cầm quyền to bự nhất của đảng và chính phủ ra tòa một cách công khai… Sự hả hê vì thế thăng hoa vào ly cafe của công dân nước Việt hiện thời sáng thứ 7 bữa nay.

Thế nhưng, với mỗ tui, vẫn nhớ lời tỉ tê lè nhè trước cử tri về sự “đoàn kết” và kỷ luật để người ta biết “xấu mặt” của cụ Tổng nên thành ra tâm trạng có vẻ hoài nghi và lơ lửng hơn nhiều !

24991137_1881785331894709_3558671408704911142_n

Chuyện các cụ Thanh, Thăng,… và nhiều cụ nữa sắp xuất hiện tại tòa làm sai có từ rất xưa, có từ khi đảng ta, nhà nước ta lãnh đạo tiên phong và vinh quang kia mà… Bởi vậy, từ trong lịch sử, đã có bao nhiêu cánh tay giơ lên biểu quyết để chia sẻ chức vị, phân cấp chia quyền và đồng ý tập thể ở các kỳ họp ? Và những cánh tay ấy giờ ở đâu, chúng có trách nhiệm gì về sự phá nát nền kinh tế, làm băng hoại các giá trị trong xã hội ?

Và chúng cũng chính là tác nhân gây nên sự hả hê cho dân chúng sáng thứ 7 này ? Không nhìn thấy những cánh tay tội lỗi này, sự hả hê sáng nay bùng phát lên chỉ giải đi cơn áp-xe tress của dân chúng trong chốc lát, như viên đá ném xao động mặt ao tù, để rồi sau đó tất cả lại rơi vào trạng thái phẳng lặng tờ, như cũ. Lại tiếp tục ngồi chờ đợi một cơn xả van khác, vô định… Ao tù vẫn vậy, con nước vẫn ô nhiễm và tù hãm, tiếng cóc nhái vẫn cứ à uôm những giọng nói ngày cũ, và ngày cũ lại càng cũ hơn ?

Read Full Post »


Đã hai ngày trôi qua mà trên face và trên mặt bàn cafe vẫn còn hậm hực về chuyện Việt Nam đá bóng thua Indonesia..

Dường như đó là nỗi đau kinh niên mà mỗi lần tái khám, bác sĩ dân tộc tính lại phải vất vả lần theo một đống triệu chứng lâm sàng và phải khó khăn khi chỉ ra nguồn gốc của căn bệnh trầm kha vốn cũng là đăc tính cố hữu chung của xã hội.

Dân tộc tính nói chung và bản sắc dân tộc vốn là vấn đề mà thế giới văn minh vốn đã lờ đi từ gần một thế kỷ nay rồi. Họ lờ đi vì thấy nó là một trong những căn nguyên khơi ra những hố ngăn cách giữa các cộng đồng nhân loại và làm giảm đi những giá trị phổ quát để nhiều tập đoàn cầm quyền khuếch trương nhằm dùng bạo lực để áp đặt hoặc tự tạo ra những ốc đảo chính trị riêng biệt trong thế giới vốn ngày càng phẳng ra…

15391001_10154413952803929_4565757627381675124_n

Bởi vậy, ta hãy nghĩ kỹ, những viên đá ném ra làm vỡ kính xe đội bóng Indonesia sau khi Việt Nam thua cuộc ở SVĐ Mỹ Đình và các cuộc chiến tranh để khẳng định ưu thế chủng tộc, dân tộc thượng đẳng ở châu Âu đầu thế kỷ XX dường như khởi đi từ tinh thần dân tộc phiến diện, cực đoan như vậy ?

Những giọt nước mắt đầy cảm xúc mang vị mặn dân tộc sau một game thể thao là đáng quý vì nó khẳng định ta còn rất nhiều nhịp đập ở con tim, nhưng giá như chúng nhỏ xuống cho sinh tồn của từng con người bị đói khát, bị cầm tù một cách oan ức, cho tổ quốc bị bắt nạt và ức hiếp trong tủi nhục thì sẽ thức tỉnh rất nhiều đồng loại khác !

Dân tộc là một thực thể phần lớn có khả năng trương phình theo ý chí và cảm xúc một cách bầy đàn.

Dân tộc là một khái niệm đã từng được nhiều nhà nước cực quyền thổi phồng để bảo vệ tính hợp pháp của một nhóm người cầm quyền.

Bản sắc dân tộc là một ý niệm vốn đã được thế giới văn minh bỏ rơi từ lâu rồi, và cái gọi đậm đà bản sắc dân tộc coi chừng chỉ còn là bóng ma của một thứ cảm xúc dân tộc có thể trói buộc con người trong những nỗi đau tình cờ, và sẽ ngăn cản lý tính cũng như sự hiện diện những giá trị làm người phổ quát của nhân loại !

Vấn đề với tôi là bóng đá vì ai ? Và chủ nghĩa dân tộc vì ai ? Nó vì con người hay nó chỉ vì kẻ thống trị, kẻ cầm quyền ?

Hãy tự mình luôn tỉnh táo với những cơn nhiệt hạch giả tạo trương phình và sự ích kỷ, vô cảm luôn luôn hợp pháp trong mỗi chúng ta !

(Ngày cũ 9/12/2016)

Read Full Post »


Saigon bữa nay trời trở gió, mưa nắng thất thường, không biết Hanoi, kinh đô của “ní nuận” có rơi vào tình trạng lam sơn chướng khí không mà bữa rày thấy nhiều ông bà líu lưỡi hôi miệng nói bậy thiệt nhiều ? Đang buồn vì trời cao chột mắt mây mù tứ phố thì nghe cô TS. Đoàn Hương này nói linh tinh bỗng nhiên thấy vui, cái vui không rõ từ đâu tới, cái vui của công dân đười ười xứ nhiệt đới gió mùa đang quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Vui rồi nhớ, nhớ rồi nghĩ mới thấy xứ sở này thiệt là dị thường và lộn ngược mọi thứ…

Nhớ hồi đi học ở Huế, sinh viên được cấp phát đâu khoảng 13-14kg, ưu tiên hơn, chứ trí thức ra trường hình như chỉ 11-12kg thôi, mà ngược lại công nhân thì sẽ được 18kg. Cách phát gạo thời bao cấp này được những nhà “ný nuận” thời đó giải thích vì trí thức ngồi không, đâu có làm gì đâu mà ăn nhiều, công nhân họ làm nhiều nên họ ăn nhiều hơn ?! Rất cần lao và rất duy vật !

Ngày xưa ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẫn, nhất loạt nhiều Ông nữa luôn coi trọng quần chúng, coi trọng đến mức để quần chúng lên đầu mà phụng sự. Thế mà cô Đoàn Hương này giờ lại lộn ngược lại là xem thường quần chúng, coi quần chúng là cái “đám” như đám nhỏ, đám cỏ, đám ma… Rõ là cô này rất vô ơn và phản bội lắm lắm ?!

Đã vậy mà VTV lại cho cái cô này lên truyền hình quốc gia phỉ nhổ và miệt thị “quần chúng” một cách công khai và ngang phè. Rõ cũng là lộn ngược, đít thành đầu, đầu thành đít ?!

Mà cô TS. này có biết sử dụng facebook đâu, có đọc gì trên facebook nói không mà bây giờ lại lên trển ấy nói thánh nói tướng. Rõ là VTV đã làm cái chuyện ba phèng rất thiểu năng trí não khi cho cô ta lên sóng ?! Điều này cũng là thứ lộn ngược ?

Lộn ngược nữa là giờ con nào, lão nào nói bậy thì được lên truyền hình quốc gia, còn ai nói hay, nói đúng, nói lời yêu nước thì bị bịt miệng ngay tức khắc?!

Ôi đất nước tôi, đất nước với những điều lộn ngược !

Read Full Post »

Dalat bây chừ…


Dalat những năm cuối tk XX vẫn còn đầy tiếng thông reo vào chiều, buổi sáng nằm nghe gà gáy và chim hót giữa phố, những vệt đất đỏ bazan nương rẫy còn kéo vào in dấu trên những con dốc xiêu vẹo đầy hoa ven đường. Thông bao quanh và sương mù lãng đãng giữa ngày đông làm Dalat tinh khiết và mơ màng thành ra tiếng chuông nhà thờ trở nên lanh lảnh ngân vang tròn tiếng giữa trời đất cao nguyên.

12308592_10153457964383929_5355895279402811644_n

Còn nay Dalat mất hết cái duyên thầm ngày quá vãng. Nàng đã là một người đàn bà hết thời hơ hớ cái nhan sắc cố che đi cái tàn phai lồ lộ và biểu dương những nét xuân thì đã cũ. Những con phố chen dày lô nhô nhà ống. Những ngọn đồi phủ đầy nhà cửa, những con đường bớt quanh có và không còn hoa dại ven đường. Những cô gái trẳng trẻo chân ngắn ít đi. Những giọng nói bản địa phương Nam thưa vắng hơn những lanh canh xứ Đàng Ngoài. Phố Dalat sạch hơn và đẹp hơn trong khuôn hình máy ảnh. Nhưng đó là cái đẹp của một người đàn bà dùng chì màu son phấn ấn lên những nét thẳng đậm và tô rõ hơn má hồng, da dẻ. Dalat đầu tk XXI như vậy trong tôi sáng nay.

Và Dalat ngày mai chẳng biết sẽ ra sao ?

Dalat, ngày 29/11/2015

Read Full Post »

Noel cho người Việt


Qua chuyện đi chơi Noel mới thấy người Việt ham vui, hời hợt và lười biếng…

Bất kể thuộc tôn giáo nào, văn hóa nào, nhiều người Việt đã xem Noel như ngày hội của mình, và họ tràn ra đường đi chơi, tập trung lại để nhậu, mua cây thông Noel về trang trí giữa nhà, cả trước bàn thờ Phật… Để vui ?

Nhiều người đã lấy sự “dung hợp” văn hóa, “tiếp biến” văn hóa để hợp pháp hóa hết thảy mọi thứ niềm vui kiểu đi chơi Noel này !

Người Việt là vậy, ham vui, ham chơi trở thành một phẩm chất mang bản sắc văn hóa đậm đặc rồi, nên hễ có cái chi dzui của nhân loại thì cứ sẵn sàng mang về để xài… Xài chùa cũng là một thuộc tính đẳng cấp của người Việt ?

Rộng ra, vì hời hợt dễ dãi như vầy, nên họ ít chịu khó học hỏi đến nơi đến chốn, lười biếng sáng tạo. Sau những thành tựu lớn (và chung của cư dân Đông Nam Á) đóng góp ít nhiều cho lịch sử văn minh nhân loại hai “công nghệ”: trồng lúa nước và đúc đồng, con cháu vua Hùng không thấy có những sáng tạo gì thêm cho nhân loại.

Và thế là họ vay mượn, “tiếp biến”, “dung hợp” văn hóa của người khác về, cho nền văn hóa mình chi dùng. Nhìn vào hệ thống tư tưởng thôi, ta thấy người Việt rinh gần hết của người ta về xài, từ Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo đến Kitô giáo, Mác-Lênin giáo… Nhưng có điều oái ăm là họ lại thường vay mượn cái cũ, đồ second-hand về để xài.

Thành ra cứ vậy, người Việt rất vui, rất sang, nhưng nước Việt thì không thấy phát triển. Không phát triển nhưng vẫn vô lo, vẫn vui như ngày hội Noel ?

Saigon, Noel 2016

Read Full Post »


Nước Pháp mê văn hoá và có một nền văn hoá vĩ đại có 400 nhà văn hoá cộng đồng được xây dựng hơn nửa thế kỷ trước, và sau một thời gian thử nghiệm hoạt động thì nay đã gần như phá sản. Tại nước Nga, nơi khai sinh ra mô hình nhà văn hoá mà Việt Nam học theo và thực hiện rất trễ muộn thì đến nay không biết kiểu nhà văn hoá Soviet này có còn tồn tại không? Việt Nam thì trùng điệp các loại nhà văn hoá, và phân bố đều trên bề mặt đơn vị hành chính cấp cơ sở khắp lãnh thổ. Ngành văn hoá tự hào vì thành tích từ tiêu chí này (có lẽ đây là phần nhà nước phải chi ngân sách rất bộn để thực hiện).

Một anh bạn nói với tôi, nhà văn hoá là cái đình làng xã hội chủ nghĩa đấy ông ạ. Vì ảnh là người bắc nên nói nửa thiệt nửa giả nên tôi không hiểu ý một cách chính xác được, nhưng thấy khái niệm này ý vị thiệt !

Tôi thì từ thực tiễn quan sát thấy nó giống cái điếm hơn là cái đình. Vì cái đình làng ngày xưa là trung tâm 4 trong 1, nói vậy vì đình có 4 chức năng: hành chính, văn hoá, tâm linh và tình cảm. Còn cái đình làng XHCN chỉ có một chức năng chính trị thôi. Bởi vậy ở Tây Nguyên, người dân còn giúp tăng thêm chức năng bỏ củi, nhốt trâu bò và vứt vào đó những thứ lặt vặt có thể dùng sau này…

IMG_7170.JPG

Nhà rông bằng đá của bản Khuổi Ky (người Tày) tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Vậy nhà văn hóa ngày nay có phải là cái đình không ? Nó có đúng là cái đình XHCN không ?

Muốn vậy phải chú ý đến các phương diện liên quan đến thiết chế này như: chức năng xã hội, chủ nhân xây dựng và quản lý, vị trí của nó về mặt không gian trong đơn vị hành chính cơ sở cũng như trong tâm thức cư dân của cộng đồng đó…

Đình làng, như status hôm trước nói là một đầu não 4 trong 1, một trung tâm đa chức năng có khả năng quy tụ mọi hoạt động và mọi cư dân về đó. Và đình làng truyền thống là do cư dân trong làng góp vật lực, nhân lực để xây dựng nên, và sau đó chính họ bầu ra những nhóm, những “ban” khác nhau để quản trị và tổ chức hoạt động theo nguyện vọng của cư dân. Vị trí của nó vì thế được chọn lựa rất kỹ càng, thường là nơi trung tâm, cao ráo nhất, đẹp nhất về cả phương diện thế đất và phong thủy. Bởi vậy nên cái đình có một ví trí quan trọng trong tâm thức cư dân trong làng, quan trọng đến mức sau này, có nhà nghiên cứu văn hóa đã từ đây, khảo sát và đưa đến cả một kết luận quan trọng là người Việt có triết lý cái đình hẳn hoi.

Còn mô hình nhà văn hóa có lẽ là sự lai tạp vừa dựa trên cả model коммуна của Nga Soviet vừa dựa trên cái đình truyền thống của người Việt chăng ? Nên có người gọi nó là đình làng XHXN. Và cái gọi là “đình làng” này là do nhà nước cấp tiền để cho cán bộ địa phương (thôn ấp, xã phường và quận huyện) xây dưng theo phương thức chìa khóa trao tay rồi giao cho cũng chính cán bộ đia phương cai quản và tổ chức hoạt động (cho dân). Vì vậy, theo lẽ tất nhiên nó sinh ra chỉ có chức năng 1 trong 1 duy nhất: phục vụ chính trị. Và chính trị thời ký bá đạo nên tất nhiên khi có chuyện gì đấy thì dân được mời tới dự họp, hệ quả là dân thấy “cái đình mới” không là của mình, nó là cái gì đấy phiền hà. Cái đình mới, vì thế tựa như một nhà rông, nhà gươl, một đình làng không có linh hồn !?

Trong quan sát cá nhân, sự ra đời của cái đình-nhà văn hóa này chỉ được mong đợi tha thiết từ ngành văn hóa địa phương, vì nó là cơ sở được ghi trong báo cáo thành tích về sự phát triển văn hóa, về sự chi tiêu tăng lên cho ngành văn hóa địa phương (?)

Địa phương và ngành văn hóa thường xây dựng xong cái nhà là báo cáo, bàn giao, và tất nhiên ghi rõ trong báo cáo là ấp đó, xã đó đã có “nhà văn hóa”, đạt tỷ lệ bao nhiêu %… và ít khi biết là sau đó nó sẽ hoạt động ra sao ? Bởi vậy Tuệ mỗ tui, từ góc độ ngôn ngữ học thấy tên gọi “nhà văn hóa” không ổn chút nào, nói không ổn vì lẽ nó chỉ có cái nhà chứ đâu thấy văn hóa gì bên trong (?)

Thế nhưng cái nguy hại nhất, nếu nhìn trên tổng thể, chương trình nhà văn hóa này tiêu tốn tiền thuế một cách khủng khiếp nhất, và nó điển hình cho cách làm văn hóa sỗ sàng nhất, thô thiển nhất, vì nó áp đặt một mô thức chung lên toàn cõi Việt Nam, bất kể ở hải đảo, miền núi hay đồng bằng kênh rạch, phố phường, bất kể đó là cộng đồng người Kinh, Hoa, hay là người Tày, Thái, Bana, Khmer,… Tấm choàng văn hóa XHCN mặc nhiên trùm lên mọi thứ và tất nhiên biến mọi thứ đẹp nhất, đa dạng nhất và đậm đà bản sắc dân tộc, vùng miền nhất thành một món lẩu thập cẩm kiểu nồi thằng cố nghi ngút hơi nóng và hương vị khó tả !

Nhiều bạn hỏi có cắc cớ chi mà đi chơi ở vòng cung Đông Bắc trong cơn lắc lư mệt mỏi lại nói chuyện nhà văn hóa, nông thôn mới ?

Có thể nói đây là tác nhân đã trực tiếp gợi nên dòng suy nghĩ từ lâu là người chụp chung trong tấm hình này. Người con gái 32 tuổi, người Tày bản địa 100% là thuyết minh viên rất thẳng thắn và dí dỏm của động Ngườm Ngao, một danh thắng bậc nhất của tỉnh Cao Bằng hiện ở tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Cô có tên là Hoàng Thị Thúy, từng học về du lịch ở Hà Nội, về địa phương công tác, và hiện đang dự định tiếp tục học Cao học.

IMG_7153.JPG

Trong trao đổi về văn hóa sắc tộc, về nhà sàn, về nhà trình tường, về trang phục, khi chúng tôi băn khoăn về sự nhạt nhòa của văn hóa bản địa và sắc tộc tại các tỉnh miền núi phía bắc mà chúng tôi du khảo qua, thì cô Thúy nói luôn: Chương trình nông thôn mới, với những tiêu chí về kinh tế, về nhà ở, về văn hóa của chính phủ đưa tới đã đánh sâp hoàn toàn những giá trị bản địa và bản sắc văn hóa tộc người ở đây ! Cách nhân xét thực tế, thẳng thắn và đau đớn này dường như được cô quan sát và đúc kết từ lâu, nên khi vừa bắt chuyện, cô đã nói thẳng luôn.

Rất tiếc là không có thời gian nhiều nên chúng tôi đành mang kết luận mà chúng tôi cũng đã từng hồ nghi khi điền dã nhiều nơi trước đây về phố để suy nghĩ tiếp mà không thể hỏi thêm, nhận thêm những chi tiết cụ thể từ một người con gái người Tày thông minh và sắc sảo như thế này…

Read Full Post »


Đang đi bộ và ngái ngủ vì quá oải với ngày 7/11 thì đột nhiên nghe vút lên: Địt mẹ mày ! Cuộn thanh âm này khiến mỗ tui tỉnh ngủ hẳn. Và cũng khiến mỗ nghĩ mãi, nghĩ rồi mường tượng mãi…

Hoá ra cái kết cấu ngôn ngữ vỉa hè này cũng có chức năng hay phết: làm con người ta tỉnh ngủ ! Sao nó hay đến dzậy mà chẳng ai nghiên cứu ta ? Mỗ tui nhớ mãi cái prosody facts của phát ngôn này, nó biến điệu vi diệu: âm tiết 1 kết thúc bằng một phụ âm không vang nổ đanh một phát để khởi đà cho âm tiết 2 kết thúc ở đỉnh âm tiết bằng một nguyên âm dòng trước hơi rộng rồi la đà thành một âm trầm với nguyên âm a có trường độ ngắn kết lại bằng một âm lưỡng tính, khiến dòng ngữ lưu 3 âm tiết trở nên rõ rành mà nói theo dân Kẻ Chợ kinh thành là tròn vành rõ chữ. Có lẽ vậy mà nó làm người ta tỉnh ngủ, và có nhiều lý do để nghĩ ngợi…

43ecfbc5062103d50d3f6a928d008e9b--laugh-lines-the-words.jpg

Không biết có bao nhiêu biến thể (variants) kiểu này, và hình thái cốt lõi của nó là cái gì ?

Việc sử dụng kết cấu ngôn ngữ thông tục đặc dị này không biết bắt đầu từ bao giờ trong lịch sử Việt ngữ và phạm vi phân bố, phát triển như thế nào ?

Đặc biệt tần số sử dụng cơ hồ đang tăng lên cao trong thời đại này là có nguyên do từ đâu ? Nó là hành vi ngôn ngữ cá nhân hay là tập tính văn hoá ? Nó là kết quả của sự bột phát tâm lý hay là do kết tập của một ức chế lâu dài để con người ta buột thốt một cách vô thức như một hành vi sinh lý kiểu đánh rấm không cản địa được ?

Nó có phải một symbol văn hoá để đóng dấu vùng miền, phương ngôn lên người phát ngôn không ?

Nhưng ngẫm lại nó rất ý vị, nó khiến chủ thể phát ngôn xả được ẩn ức, chống bệnh trầm cảm chung, đồng thời tác động mạnh mẽ lên tri giác người nghe, từ đó khiến các công dân đều “được” đánh thức ra khỏi tình trạng ngái ngủ vốn lâu nay trở thành trạng thái bao trùm cộng đồng xã hội. Và từ hiện tượng vừa sinh học vừa xã hội này, người nghiên cứu có một case study hấp dẫn để nghiên cứu xã hội mà nó tồn tại. Theo chỉ dẫn của cụ Mars, nó được sinh ra từ cơ sở hạ tầng này, và với phẩm tính đại chúng và phổ biến, càng ngày trương phình và leo thang lên đến cả những tầng lớp trung lưu và thượng lưu, nên hiển nhiên nó chứng minh được sự thắng lợi to lớn của tầng lớp trí thức dân tuý và giai cấp bình dân.

Ôi cái tiếng nước Nam ta mới ý vị làm sao, và nếu nó được biểu diễn bằng một chất giọng Bắc kỳ tròn vành rõ chữ tiêu chuẩn quốc gia nữa thì hiệu năng thông tin và tỉnh ngủ hẳn sẽ lớn lao hơn bao giờ hết !

 

Read Full Post »


Nhìn thấy dân Việt quan tâm, lo lắng, trông ngóng và bàn luận về bầu cử Tổng thống ở Mỹ mới thấy dân Việt tầm phào, nhiều chuyện, nông nổi, ảo tưởng và khốn khổ làm sao…

Nói tầm phào, nhiều chuyện là vì cứ hóng mắt hóng mũi vào chuyện của người ta… Chuyện của mình tràn hê ra đường: chính thể độc tài, bất lực; môi trường bị đầu độc nghiêm trọng; hiểm họa xâm lăng của Tàu ngang cổ; nợ công ngập đầu; các giá trị cốt lõi về con người và cơ bản của xã hội bị lộn tùng phèo… Những chuyện như vầy thì không lo ?

Nói nông nổi và hy vọng ảo tưởng là vì nhiều người vẫn tin quyền lực quốc tế của người Mỹ sẽ ngăn chặn sự bành trướng của Tàu, can dự vào và làm thay đổi “nội chính” của nước Việt… Nước Mỹ không rảnh rỗi để làm chuyện tầm phào cho dân Việt ? Lịch sử đã thấy rõ, người Mỹ làm mọi thứ vì họ. Họ có tham gia vào các định chế và bảo vệ những giá trị cốt lõi, phổ quát của nhân loại trên toàn thế giới, nhưng với điều kiện quốc gia nào cần. Việt An Nam vốn đâu cần ba thứ này, nhân quyền hay tự do là thứ xa xỉ phẩm của chính quyền này. Vậy họ xen vào làm gì ?

15032118_10154323871993929_239607115059213720_n.jpg

Còn nói khốn khổ là vì qua chuyện người Việt quan tâm đến bầu cử kiểu Mỹ mới thấy họ thèm khát tự do biết bao, và cũng thiếu thốn dân chủ biết bao ! Hướng đến bầu cử tự do kiểu Mỹ là cách phóng chiếu, vượt thoát khỏi thực tại bi đát của người Việt hiện tại… Như sống trong giấc mơ giữa ngày của người Việt vậy ?

Rồi sau bầu cử ở nước Mỹ xa xăm kia, cái ao tù trì đọng những giá trị lưu niên xứ Việt lại phẳng lặng tờ trong sương mù ảm đạm, nơi thi thoảng sẽ vọng lên tiếng ù uôm quen thuộc của bầy cóc nhái lịch sử mà thôi !

(Ngày 9/11/2016)

Read Full Post »

Giỗ chạp…


Năm nay đám giỗ cụ tổ, lão tiên chỉ ngồi lẩm nhẩm: cả tổng đông đúc giờ còn loe hoe vài nhúm, ông anh cả thì lo đại sự mông mênh, ông anh kế ở xa thì đã lụm khụm, thằng em kế thì có vẻ nổi khùng không rõ tâm trạng, giờ hình như chỉ có làng ta là còn chút tự tin, nên dù có khó khăn cũng phải làm vài mâm kỷ niệm. Nhẩm kỹ cũng chẳng biết mời ai, và mời không biết có ai đến không, đến ông trưởng nam nối dõi dòng tộc vinh quang thì cũng không mặn mà làm giỗ, lại phần thóc lúa cá mắm hao hụt, nợ nần tùm lum nên khách giữa làng cũng không nên có…

russian_revolution_centenary_2

Nhưng nghĩ kỹ lại ơn nghĩa sâu nặng với cụ tổ, và để xóm trên xóm dưới khỏi tán bàn hoài nghi về sự kiên định của mình, lão vuốt đầu bạc và quyết cạch cái rụp: Mần tới như xưa, giỗ !

Nên dân gian có thơ vịnh sử rằng:

Lão đầu bạc trầm ngâm
Kỷ niệm cách mạng nga
Ông xẩm mù ngồi đợi
Cách mạng tháng mười ba…

Read Full Post »

Làm xe ôm bao đồng…


Đang bồi hồi nhớ chuyện Tây Minh và tự hỏi sao sáng nay thần thức Nguyễn Hiếu Tín mạnh đến mức cho ta viết rồi có người khen chữ đẹp và gọi mình là Ngài, thì bỗng nhiên đầu đường Lê Văn Thịnh Bình Trưng xuất hiện một cần lao đầy bối rối, bối rối đến mức anh chàng lóng ngóng rớt điện thoại xuống mặt đường và bồn chồn tới lui. Sẵn lòng Lục Vân Tiên nên ghé dzô rồi hỏi: Em có chuyện chi dzậy ? Khuôn mặt đen đúa thất thần: ba em bịnh, em đón xe dzìa quê. Vì thuộc tầng lớp trí thức luôn luôn phục vụ giai cấp công nông nên ta tiến tới hỏi: Em đón xe đi mô ? – Ra ngã tư Bình Thái ! OK em lên xe đi ! Thế là cần lao vác balo lên vai và ngồi sau yên xe để tầng lớp trí thức đưa giai cấp công nông lên đường.

Hình như đến hồi trấn tĩnh, anh chàng hỏi xin số điện thoại và địa chỉ nhà, để hồi em lên thì đem chút tôm cua U Minh lên cảm ơn chú ! Trời, nhân dân của tui, tui là Vân Tiên chứ có phải Vân Tiền đâu, nên bèn chối từ. Tiện thể hỏi vài câu, cứ thế theo con đường, hình hài một cuộc đời trẻ tuổi hiện ra…

Hóa ra anh chàng không phải nông dân cũng không phải công nhân, vì làm thuê đủ thứ ngang dọc Trung Bộ và Nam Kỳ, giờ là thợ sắt, mỗi ngày được 400 ngàn (tính ra lương tháng là hơn tầng lớp trí thức công cộng như tui rôi !?), tên Khắc, cha tên Hào, quê Vĩnh Thuận, Kiên Giang, vùng này giáp với miệt Cà Mau, cách tỉnh lỵ Rạch Giá khoảng 80 cây, 27 tuổi nhưng đã hai vợ, vợ đầu không có con nên ông nội biểu lấy vợ hai, vợ hai sinh cho đứa con gái đã một tuổi rưỡi, nhưng quớ trời đất nhất là chuyện vợ hai của anh chàng giờ chưa lo gì được vì mới hơn 15 tuổi… Giật mình vì sợ mình đang chở “phạm nhân” nên truy hỏi: Dzậy sao chính quyền họ không hỏi tra gì dzụ này à ? Ảnh ỏn ẻn trả lời gọn: Bên nhà em quen công an nhiều nên họ đâu nói chi. Em quen hồi 14 tuổi, rồi lấy nhau có con, nhưng đâu có ai cho làm giấy hôn thú… Ông nội em đau yếu, ông dượng em bị xơ gan, bịnh dziện đã trả dzề tuần rồi, giờ đến lượt ba em lại lên Rạch Giá nữa… Nhà em có 3 người, 1 chị đầu lấy chồng Đài Loan đi 4 năm chưa dzề (dù mỗi năm cũng gửi dzề đều đặn 200 triệu), còn 2 anh em trai ở lại đi làm thuê… Nhưng giờ ổng bịnh thì tiền cũng không biết đâu đây !?

Lại nhớ ông Sơn Nam vần vũ: Sơn linh linh, địa linh linh, ôi U Minh…

Xuống ngã tư Bình Thái, trí thức tui xong nhiệm vụ, nên chia tay, cầu chúc anh chàng (đang tiến từ giai cấp nông dân lên giai cấp công nhân!) về bình yên và đến bịnh viện sớm nhất. Ảnh cứ cầm tay lắc lắc bồi hồi bịn rịn, thấy thiệt thương… Nhưng chàng đâu phải là Kiều Nguyệt Nga để Vân Tiên ngó ngàng, nên Vân Tiên sang ngang để đi chở hàng cho vợ kẻo trời mưa mau !

Ôi, nhân danh Âu Cơ, Lạc Long Quân và thiên địa thánh thần tràn lan, ối thiên địa quỷ thần ơi, nghiệp mạng con thực nặng nề, dù đã cố nghe lời vợ, lòng con đã khép, mũ ni che tai ra đường, thế mà những cuộc đời, những gương mặt cứ đập chát vào ngũ uẫn khiến tri giác con tê dại, bắt con phải nghĩ và ngồi bấm bấm mấy chữ bắt mệt !

Read Full Post »


Gần đây Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề xuất “giảm 10 tỉnh” và chính phủ gấp rút đề nghị soát xét lại bộ máy quản lý nhà nước đang rất cồng kềnh và hoạt động vô cùng kém hiệu quả. Một số câu hỏi được đặt ra là do đâu mà có sự trương phình một cách “phi tự nhiên” bộ máy như vậy, và tất cả công cuộc cải cách hành chính và giảm biên bộ máy này có khả thi không ? Các quốc gia phát triển với một nền kinh tế thị trường tự do thực sự cùng một xã hội dân chủ thực sự, họ đã quản lý xã hội như thế nào và có tình trạng “căng cứng”, xơ cứng trong bộ máy nhà nước như vậy không ?

23376598_10155424846133929_563164901671838646_n.jpg

Ở các nhà nước toàn trị đều bị tình trạng “căng cứng”, xơ cứng trong bộ máy nhà nước như vậy. Tình trạng hiển nhiên này diễn ra mang tính quy luật phổ biến là do nhà cầm quyền đã duy trì tình trạng ổn định và an ninh một cách duy ý chí, mục tiêu chính trị được xem là tiên quyết, được đặt lên hàng đầu và bỏ qua các mục tiêu quan trọng như phát triển. Chính vì vậy nhà cầm quyền đã luôn tăng trưởng bộ máy công quyền một cách lớn nhất có thể để kiểm soát tình hình nội an. Các lực lượng liên quan đến an ninh, bảo vệ chính trị… tầng tầng lớp lớp trong ngoài đã ngốn đi một khoảng tiền thuế khổng lồ để duy trì mục tiêu này. Đi đôi với công việc này, nhà nước đẻ ra một hệ thống lo “quán xuyến” đời sống tinh thần người dân như tuyên giáo, truyền thông,… khổng lồ để phục vụ nhằm khuếch trương những thành tích, những “thánh tích” và cố giảm thiểu tối đa những tiêu cực hạn chế có thực trong lòng xã hội trước mắt dân chúng. Hai đội quân này thôi đã trương phình rất lớn. Thế nhưng chưa đủ, để hoàn thiện đầy đủ các mặt trận nội an, hàng tá các hội đoàn chính trị-xã hội ra đời được nhà nước cấp phép, nuôi dưỡng và thực hiện thêm một vành đai bên ngoài cho nhà cầm quyền, khiến gánh nặng sưu thuế của doanh nghiệp và nhân dân trở nên vĩ đại hơn ! (Đây chỉ mới tính đến khoản chi tiêu tiền lương và công vụ trên lý thuyết, còn thực ra “số tiền” trong thực tế mà nhân dân, quốc gia “chi tiêu” cho bộ máy công quyền tha hóa tham nhũng, hối lộ thì gấp vài chục, thậm chí vài trăm lần như vậy nữa kia !)

Thế nhưng cái nguy hại hơn hết không chỉ là số tiền dân chúng đóng thuế nuôi bộ máy này mà cái cơ bản quan trọng hơn là với “quyền lực” tự cho tha hóa, bộ máy này sẽ thủ tiêu những động lực sáng tạo của con người; bóp nghẹt dòng chảy tự dọ của tiền vốn và hàng hóa; tạo thành những đê chắn phòng thủ tầng lớp cho sự phát triển, gây nên sự hỗn loạn các giá trị, chuẩn mực; ngăn cản sự tiếp cận các giá trị phổ quát của nhân loại và thời đại; phá hủy chuỗi tiến hóa văn hóa dẫn đến sự đứt gãy giữa truyền thống và hiện đại; và hiển nhiên chôn vùi niềm hy vọng về tương lại của con người để những thế hệ sau tiến bước trên con đường vô định với sự bất an và trống rỗng…

Nhìn từ thực tế lịch sử nhân loại, từ những lý lẽ của tri thức, (và cả từ lý do chủ quan, duy ý chí của việc giảm sự chi tiêu công cho bộ máy hiện hành vì nợ công tăng cao, vì thu quá mức chi trong thực tế gần đây – mà đáng lý ra phải xuất phát từ kết quả nghiên cứu khoa học thực sự về hành chính công vụ, và phái làm từ rất lâu !), việc giảm 10 tỉnh hay triệt tiêu 1/2, thậm chí 3/4 bộ máy hiện hành đi nữa thì hiệu năng quản trị quốc gia chắc sẽ vẫn như ngày xưa thôi !?

Read Full Post »

Về Hội cờ đỏ…


Hội Cờ đỏ đầy sắc màu công nông và tả khuynh tranh đấu kiểu Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 30 của thế kỷ trước ra đời dường như tái hiện lại hình ảnh kinh hoàng trong dân chúng về cải cách, đấu tố. Báo chí trong nước im hơi lặng tiếng không có một dòng tin nào. Báo chí nước ngoài chú ý. Chính quyền dường như làm ngơ trước kiểu hoạt động công cộng tự phát, và rất khác với sự ứng xử khi chống phá những đoàn người biểu tình chống Formosa bảo vệ môi trường biển và chống Trung quốc xâm lược.

Sự thái quá của đám đông (không biết có chủ trương định hướng không) theo kiểu hồng vệ binh cách mạng là chỉ dấu cho sự mục rã và hỗn loạn của xã hội đang ở bề khó kiểm soát đã bắt đầu ứ tràn lên bề mặt xã hội. Nói khó bề “kiểm soát” thì sẽ bị cho là suy nghĩ tiêu cực thái quá trong một xã hội mà phần lớn chỉ nhìn loáng thoáng phía ngoài thấy nó yên tĩnh và ổn định.

F6EB90CA-39B4-4448-BFE8-FB369FDA6BD9_cx0_cy18_cw0_w250_r1_s

Thế nhưng nếu nhìn thẳng và sâu hơn ta sẽ thấy sự khó bề kiểm soát này: nợ công đang vượt trần ngất ngưỡng và không có khả năng hồi trả; các quỹ BHXH luôn chờ chực bên bờ đổ bể; hệ thống hành pháp và tư pháp ăn thuế của dân khổng lồ để lại nhiều hệ lụy, khiếu kiện, gây bất bình trong dân chúng; tham nhũng tràn lan; môi trường bị ô nhiễm nặng; đạo đức lao dốc; chủ quyền bị đe dọa từng ngày nhưng bị bỏ qua; báo chí không còn giữ được tiếng nói trung thực, độc lập và kịp thời; tầng lớp trí thức cấp tiến khát khao đổi mới và dân chủ bị ngáng trở trong khi phần lớn “trí thức” xu nịnh, bất tài và cơ hội leo tràn lên chiếm lĩnh đầu tàu của xã hội…

Trong tình thế này, Hội Cờ đỏ ra đời chỉ là một thứ ung nhọt có thể gây hiệu ứng domino và chuyển động vô phương hướng khó bề kiểm soát…

Kinh nghiệm lịch sử ở các nước Đông Âu, hay gần nhất là Venezuela, xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ là do sự tự tan rã từ bên trong. Không có một tha lực nào bên ngoài đủ sức làm suy yếu và mục rã xã hội. Sự ngu dốt, hèn hạ và vô lương sẽ là ngòi nổ cho sự tự hủy ! Không nhìn thấy, hoặc làm ngơ không thấy, và không tiến hành thay đổi, hệ thống sẽ tự hủy trong một tương lai không xa !

Read Full Post »

Older Posts »