Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Văn chương đương đại’ Category


Tiếng kêu của loài dị điểu trong thơ ông thật bi thảm, vừa cất lên đã rụng xuống dòng sông rộng. Cái chết sinh ra để phụng hiến tình yêu. Yêu đến buồn chết, thật là khó để người đời hình dung một tu sĩ có đời sống phong kín nơi cảnh chùa lại có ý nghĩ như vậy.

Tôi hay đến ngồi chơi với ông ở bên ngoài quán cà phê Hoa Vàng ở cư xá Bắc Hải. Một đôi dép nhựa, một túi xách lỉnh kỉnh thơ, tài liệu, thuốc… dưới chiếc ghế xếp. Ông như một lão nông hiền hậu luôn tươi cười đón khách. Sau những vòng khói thuốc, đôi mắt như nhìn vào một cõi hư không nào đó. Hàng chục lần đến thăm ông, tôi vẫn thấy ông ngồi như vậy. Không biết ông viết khi nào nhưng số lượng những câu thơ, những tác phẩm ra đời đều đều. Đến nay ông đã viết được 126 nghìn câu thơ… Ông là người viết rất nhanh, lại viết theo kiểu “rót” thơ ra từ vô thức. Ông nói ông thi hóa kinh Kim Cang trong 4 ngày, 10 bài Đạo ca ông chỉ viết trong 2 ngày, tập trường thi Động hoa vàng cũng chỉ 7 ngày liền động bút là xong…

Phạm Thiên Thư là người Việt Nam độc nhất đã thi hóa 7 bộ kinh Phật bằng một ngôn ngữ thuần Việt, sáng tác Từ điển cười (Tiếu liệu pháp) bằng thơ, làm Từ điển châm ngôn, viết 3.320 câu lục bát kể chuyện lịch sử trong Hát ru Việt sử thi. Có rất nhiều kỷ lục, nhiều điều để tự hào, để kiêu hãnh, nhưng dường như ông không để ý đến những thứ ấy. Ông khoái nhất là chuyện ông “rất giống” với cụ Nguyễn Du. Ông kể một tràng: “10 tuổi bố Nguyễn Du mất, tớ cũng vậy. Mẹ Nguyễn Du là một người phụ nữ đất quan họ Bắc Ninh, vợ lẽ dòng thứ hai. Gia đình cụ Nguyễn có bốn anh em, cụ lại sinh hạ được bốn người con (?). Tớ cũng y chang như vậy”. Ông còn tâm đắc kể thêm “cụ Nguyễn và tớ đều là tú tài. Cụ Nguyễn lưu lạc 10 năm ở Thái Bình, còn bố tớ quê chính cũng là Thái Bình. Cụ Nguyễn mất năm 1840 (?), đúng 100 năm sau, 1940 tớ ra đời…”.

Nói chung, thi sĩ họ Phạm “vận” hết mọi dữ kiện có thể có để thấy mình “giống y xì” cụ Nguyễn Du. Thế nhưng, thực sự mẹ Nguyễn Du là vợ lẽ thứ ba của cụ Nguyễn Nghiễm, một đại quan có đến 8 bà vợ và 21 người con trai. Mẹ Nguyễn Du có đến 5 đứa con, còn cụ Nguyễn mất năm 1820 chứ không phải 1840 như Phạm thi sĩ kể…

Song cũng có một điều cho thấy ông khá “gần gũi” đại thi hào Nguyễn Du, ấy là Phạm Thiên Thư đã “dũng cảm” dám qua mặt cụ Nguyễn để viết lại Truyện Kiều. Ông đĩnh đạc “phá bỏ” thành tích đỉnh núi thơ ca dân tộc để viết Đoạn trường vô thanh, một tác phẩm xem như hậu Truyện Kiều. Ông đã cố gắng Việt hóa câu chuyện Kim Kiều để “sáng tác phải có cái riêng của Việt Nam” như ông nói. Ở thi phẩm này, ông còn “hơn” cụ Nguyễn Du những… 20 câu lục bát. Lục bát là một thể tính đặc thù của văn hóa Việt, trên hành trình sinh hóa của nó, Phạm thi sĩ chính là một trong số ít các nhà thơ đã chạy tiếp sức cho cụ Nguyễn Du một cách rất xứng đáng bằng những vần thơ sang trọng, tuyệt bích…

Tôi không rõ nét mặt của cụ Nguyễn Du, nhưng theo chính sử nhà Nguyễn đã ghi thì khuôn mặt cụ Nguyễn dường như nhàu nhĩ, in hằn nếp nhăn ưu tư về phận người và sự chán nản cảnh quan trường gượng ép. Trong khi khuôn mặt Phạm tiên sinh ngời lên vẻ thanh thoát, cười cợt, vô ưu. Không biết ông có phải “hậu thân” của Hồng Sơn lạp hộ (biệt hiệu của cụ Nguyễn Du) hay không nhưng chỗ ông trú ngụ hiện nay lại là đường Hồng Lĩnh, cũng là tên một ngọn núi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, quê cụ Nguyễn. Chuyện “hậu thân” Nguyễn Du là Phạm Thiên Thư có lẽ nên hỏi con vạc đậu bờ kinh vậy:

Hỏi con vạc đậu bờ kinh

Cớ sao lận đận cái hình không hư

Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư

Mặc chi cái áo Thiền Sư ỡm ờ…

(Động hoa vàng).

Tuệ Lãng

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201018/20100430091638.aspx

Read Full Post »


Trước 1975, Phạm Thiên Thư đã rất nổi tiếng với những thi tác được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc trong Đạo ca, và giải Nhất văn chương toàn quốc với tác phẩm Đoạn trường vô thanh. Đọc những bài thơ tình của ông, không ai nghĩ ông đã từng trên 10 năm xuất gia tu hành nơi cửa Phật.

Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao

Tiếng kêu của loài dị điểu trong thơ ông thật bi thảm, vừa cất lên thì đã rụng xuống dòng sông rộng. Cái chết sinh ra để phụng hiến tình yêu. Yêu đến buồn chết, thật là khó để người đời hình dung một tu sĩ có đời sống phong kín nơi cảnh chùa lại có ý nghĩ như vậy. Nhưng Phạm thi sĩ đã viết ra vậy.

Nhà thơ Phạm Thiên Thư bên hàng rào quán Hoa vàng

Tôi hay đến ngồi chơi với ông ở bên ngoài quán cà phê Hoa vàng ở Cư xá Bắc Hải. Một đôi dép nhựa, một túi xách lỉnh kỉnh thơ, tài liệu, thuốc,… dưới chiếc ghế xếp. Ông như một lão nông hiền hậu luôn tươi cười đón khách. Sau những vòng khói thuốc, đôi mắt như nhìn vào một cõi hư không nào đó. Hàng chục lần đến thăm ông, tôi vẫn thấy ông ngồi như vậy. Không biết ông viết khi nào nhưng số lượng những câu thơ, những tác phẩm ra đời đều đều. Đến nay ông đã viết được 126 nghìn câu thơ… Ông là người viết rất nhanh, lại viết theo kiểu “rót” thơ ra từ vô thức. Ông nói ông thi hóa Kinh Kim Cang trong 4 ngày, 10 bài Đạo ca ông chỉ viết trong 2 ngày, tập trường thi Động hoa vàng cũng chỉ 7 ngày liền động bút là xong…

Phạm Thiên Thư là người Việt Nam độc nhất đã thi hóa 7 bộ kinh Phật bằng một ngôn ngữ thuần Việt, sáng tác Từ điển cười (Tiếu liệu pháp) bằng thơ, làm Từ điển châm ngôn, viết 3.320 câu lục bát kể chuyện lịch sử trong Hát ru Việt sử thi.

Ông có rất nhiều kỷ lục, nhiều điều để tự hào, để kiêu hãnh, nhưng dường như ông không để ý đến những thứ ấy. Ông khoái nhất là chuyện ông rất giống với cụ Nguyễn Du. Ông kể một tràng: 10 tuổi bố Nguyễn Du mất, tớ cũng vậy. Mẹ Nguyễn Du là một người phụ nữ đất quan họ Bắc Ninh, vợ lẽ dòng thứ hai. Gia đình cụ Nguyễn có bốn anh em, cụ lại sinh hạ được bốn người con (?). Tớ cũng y chang như vậy. Ông còn tâm đắc chuyện ông có ba bà vợ cả thảy, cụ Nguyễn Tiên Điền cũng chỉ có vậy, không hơn tớ… Cụ Nguyễn và tớ đều là tú tài. Cụ Nguyễn sống qua hai “chế độ” Lê mạt, Nguyễn sơ. Tớ cũng vậy. Cụ Nguyễn lưu lạc 10 năm ở Thái Bình, còn bố tớ quê chính cũng là Thái Bình. Cụ Nguyễn mất năm 1840 (?), đúng 100 năm sau, 1940 thì tớ ra đời…

Nói chung, thi sĩ họ Phạm “vận” hết mọi dữ kiện có thể có để thấy mình “giống y sì” cụ Nguyễn Du. Thế nhưng, thực sự mẹ Nguyễn Du là vợ lẽ thứ ba của cụ Nguyễn Nghiễm, một đại quan có đến 8 bà vợ và 21 người con trai (chưa kế nữ nhi thường tình ?). Mẹ Nguyễn Du lại có đến 5 đứa con. Còn cụ Nguyễn mất năm 1820 chứ không phải 1840 như Phạm thi sĩ kể…

Song cũng có điều xác đáng gần gũi đại thi hào Nguyễn Du, ấy là Phạm Thiên Thư đã “dũng cảm” dám qua mặt cụ Nguyễn để viết lại Truyện Kiều. Ông đĩnh đạc “phá bỏ” thành tích đỉnh núi thơ ca dân tộc để viết Đoạn trường vô thanh, một tác phẩm xem như hậu Truyện Kiều. Và điều mà ông làm được hơn cụ Tố Như là đã cố gắng Việt hóa câu chuyện Kim Kiều để “sáng tác phải có cái riêng của Việt Nam” như ông nói. Ở thi phẩm này, ông còn hơn cụ Nguyễn Du những… 20 câu lục bát. Lục bát là một thể tính đặc thù của văn hóa Việt, trên hành trình sinh hóa của  nó, Phạm thi sĩ chính là một trong những số ít nhà thơ đã chạy tiếp sức cho cụ Nguyễn Du một cách rất xứng đáng bằng những vần thơ sang trọng, tuyệt bích…

Tôi không rõ nét mặt của cụ Nguyễn Du, nhưng theo chính sử nhà Nguyễn đã ghi thì khuôn mặt cụ Nguyễn dường như nhàu nhĩ, in hằn nếp nhăn ưu tư về phận người trên mặt đất và sự chán nản cảnh quan trường gượng ép. Trong khi khuôn mặt Phạm tiên sinh ngời lên vẻ thanh thoát, cười cợt, vô ưu. Duy nhất là chiếc mũi lân, nhưng chẳng hề tỏ rõ chút quyền lực nào ?!

Không biết ông có phải “hậu thân” của Hồng Sơn lạp hộ (biệt hiệu của cụ Nguyễn Du) hay không nhưng chỗ ông trú ngụ hiện nay lại là đường Hồng Lĩnh, cũng là tên một ngọn núi ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, quê cụ Nguyễn. Chuyện “hậu thân” Nguyễn Du là Phạm Thiên Thư có lẽ nên hỏi con vạc đậu bờ kinh vậy:

Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không  hư
Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư
Mặc chi cái áo Thiền Sư ỡm ờ…

Saigon, cuối tháng 4/2010

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

(Ký tên Tuệ Lãng, đăng trên báo Thanh niên Thể thao & Giải trí, số 111 (416), ra ngày 30/04/2010 (17 tháng 3 Canh Dần)

Read Full Post »


Trong khúc “Tưởng niệm Văn Cao”, khi nhà thơ Ngô Minh viết:

                        Đời gọi ông Tiếng – Gà – Báo – Thức
                        Ông là rớt hồn thu
                        Ông bên trời giọt Tháp
                        Ông sum suê như mùa,

người ta đã tự hỏi, có mối dây liên hệ nào giữa người nhạc Thiên Thai nổi tiếng với Tháp Chàm kia không ? Còn ông, nhà thơ Văn Cao, trong những ngày cuối đời khi đi qua miền Trung nắng cháy đã thấy ở miền đất nhọc nhằn này:

                        Từ trời xanh
                        rơi
                        vài giọt tháp Chàm

Từ hình ảnh sắc đỏ gạch nung trở thành kiến trúc duy mỹ vĩnh hằng thành một nốt nhạc “rơi”“giọt” trong thơ ông, người ta có thể trả lời: ngọn nguồn sự liên hệ quen thuộc và lạ lùng kia chính là nghệ thuật !

Giờ đây, nhân loại mới có thể nhận diện ít nhiều được lộ trình – vận mệnh của một dân tộc mạnh mẻ vào bậc nhất của Đông Nam Á xa xưa mà nay chỉ còn trong cổ sử và huyền thoại. Vẫn còn đấy cả một nền nghệ thuật vừa hùng vĩ, vừa duyên dáng, vừa mang nặng tính hư ảo, vừa đầy vẻ phồn thực với những Thành Lồi (Huế), Mỹ Sơn, Đồng Dương (Quảng Nam), Đồ Bàn (Bình Định), tháp Ponagar (Khánh Hoà), tháp Poklong Garai, Pôrômê, Hòa Lai (Ninh Thuận)…

Trong nhiều thế kỷ, Mỹ Sơn hay Pônagar từng là nơi hành đạo, thánh tẩy tâm hồn của người dân Chămpa. Giờ đây, trước dòng lưu chuyển cuồn cuộn của đời sống hiện đại, người ta lại trở về trước những ngọn tháp, đứng bên cạnh những thiên thần, vũ nữ, cây lá và thú vật sống đông trên đá để tắm mình trong một thế giới huyền thoại và để đắm mình trong suy tư…

Và, thơ ca từ đây cũng được viết ra !

Cách đây hơn nữa thế kỷ, năm 1937, với Điêu tàn, Chế Lan Viên hoá thân thành bóng ma Hời để nói những lời rên siết:

Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ
Quay về xem non nước giống dân Hời
… Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi
Những đền xưa đổ nát dưới Thời gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than

Đây là sự cảm nhận đau đớn của một thế hệ không tìm được lối đi dưới bóng tối nô lệ đầu thế kỷ mà Tháp Chàm câm lặng thay lời nói.

Cùng tiếp tục tư duy trên mạch lịch sử- xã hội, Xuân Thái cảm nhận “Tháp Chàm” trong nỗi dâu bể hưng phế của “điêu tàn thành quách xa xưa ấy”:

Miền Trung khô khốc dáng hình
Bóng ai cửa Phật siêu sinh hoa ngàn ?
Gió gào. Thơ thét. Lang thang…
Trơ trơ đôi ngọn Tháp Chàm trơ trơ.

Từ một phía khác , có người nhìn thấy con bò đá canh giữ vòm trời tinh tú cứ ” trầm tư như một nhà hiền triết”; điệu luân vũ của những apsara vẫn tràn đầy gợi cảm và sắc màu hoan lạc,…

                        Em vào trong đá
                        Nụ cười bí mật
                        Từ đá em ra vồng ngực
                        Tôi không dám lên đền
                        Sợ nhìn đổ nát vòm thiêng
                                    (Hoàng Hưng – Trưa Chàm)

Cơn cớ phá hoại sự thiêng liêng trong tâm tưởng là nhà thơ nhìn thấy nỗi xao xuyến ngập ngừng, nỗi rạo rực huyền nhiệm ở thân thể đá cùng điệu múa cổ như còn âm vọng tiếng trống gimăng, paranưng, tiếng kèn saranai và cả lời của người con gái Chăm Nhơ-va nói với chàng trai Chăm Chum-ây ngày nào: ”Thần linh sẽ đổ chì nóng chảy vào miệng của em nếu em nói yêu anh… nhưng em đã bao lần nói như thế và sẽ mãi nói như thế…”.

Thơ viết về Chăm-pa không chỉ lưu giữ mà còn đưa lại ấn tượng về người vũ nữ như thoát từ đá để đi vào lòng người để nhảy một điệu vũ đẹp. Và từ đó, một lịch sử đã ra đi nhưng cái hằng số nghệ thuật từ kiến trúc, từ điêu khắc… còn lại này vẫn tiếp tục một cuộc sống mới trong tâm hồn con người.

Trong Ẩn ức Mỹ Sơn, đối diện với kinh thành Shimhapura rực rỡ, cảm thấy “mưa đến và không nói gì – và ở trong ta tự bao giờ”, Nguyễn Lương Ngọc trong chuyến đi bộ từ Bắc Hà vào phương Nam đã như bắt gặp “duyên nợ” từ đá. Cái duyên nợ có vẻ vô chừng và phi lý ấy đã bắt nguồn từ chính những khơi gợi nghệ thuật do gạch Chàm, tượng Chàm và cả trời Chàm tạo nên:

Lũng Cồn suối đục đất ngơ
Núi phồng rạp trấn tóc giờ đòi tay
Phải người duyên nợ chi đây
Hòn hòn gạch cũ run ai chèn lời
Không gì qua, không gì trôi
Cao xanh vuốt ngực thương người sanh con

Nỗi rối bời vô cớ này kỳ thực bắt rễ rất sâu từ những khắc khoải về cái hữu hạn “phân phận trong sương” của con người với niềm vô hạn vĩnh hằng của cái Đẹp và những nỗ lực kiếm tìm suốt một hành trình không dứt…

(Còn nữa)

LÊ QUANG ĐỨC

lequangduc@gmail.com

(Tạp chí Du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng, số 9, ra tháng 1-1996)

Read Full Post »


Cho đến giờ, tôi đã ba lần được gặp cậu bé Phan Tuy An nhỏ bé, tài hoa. Lần đầu là ở hai bài thơ được tặng giải nhất trong Trại hè sáng tác thiếu nhi Ðà Nẵng 1998: Trái đất, Ông nội. Cảm giác ban ðầu của tôi là sự sững sờ, sững sờ vì tứ thơ ở bài thơ Trái đất ðem lại. Cái nhìn của một cậu bé lớp 5 hồn nhiên mà vẫn đầy tư nghiệm, vẫn đầy sắc màu riêng biệt:

Mọi hôm trái đất
Chạy quanh mặt trời
                                                Hôm nay trái đất
                                                Nhức đầu ngủ luôn

Thế là “nhiều vùng bị nắng – không có ban đêm – nhiều vùng bị nắng – không có ban ngày”, mọi người đi tìm trái đất và trái đất bị kêu dậy, thế là:

Trái đất rửa mặt
Thế là phải quay

Câu thơ cuối cùng mở toang nhưng ðể lại một câu hỏi lớn: trái đất là ai, người lớn hay trẻ con ?  tại sao “thế là phải quay” ?…Và từ đấy chúng ta, những người lớn được sống lại một con người nhỏ tuổi để cảm, để hiểu những tâm hồn đang lớn.

Lần hai, tôi gặp trực tiếp Phan Tuy An ở căn nhà của em. Giọng nói lí nhí, đôi mắt nhấp nháy nheo lại nhìn đăm đăm vào một khoảng rộng nào đó. Người nhà cậu nói: hắn đang tìm màu đấy !. Lúc ấy tôi mới biết “nghề” chính của cậu là vẽ. Phan Tuy An là một họa sĩ “nhí” của một lớp vẽ ở Trường Trung học Vãn hóa Nghệ thuật Ðà Nẵng.

Lần thứ ba, đúng hơn là nhiều lần sau đó nữa, trong căn phòng lặng lẽ của mình, tôi đọc tập thơ đầu tay Chú mèo ham ãn (NXB Ðà Nẵng – 1998) của em. Ba mươi bài thơ là cả một thế giới hồn nhiên, trong trẻo lạ thường. Ðó là những cảm xúc, những suy nghĩ tự nhiên đầy ngộ nghĩnh về thế giới xung quanh như: bà nội, mùa hè, mẹ, trăng, tết trung thu, những chú gà, chú chó, quả bóng, con lât đật,…Cái đáng nói là những quan sát của Phan Tuy An thật rộng và thật hiện thực. Dường như chi phối cái nhìn của Phan Tuy An là tính thực tế. “Quả bóng bay – Bay lên trời – Muốn cao hơn – Cả trăng sao – Vừa bay lên – Vương cành cây – Nổ cái bùm” (Quả bóng bay), hay “Có chú chim con – Nghĩ mình bay được – Chú liền cất cánh – Chẳng chịu nghe ai – Chú vừa rời tổ – Ngã oạch xuống đất” (Chú chim con).

Thơ Phan Tuy An đầy chất tự sự và tính phân tích. Và nhờ thế, nhiều bài thơ của em đã suy nghiệm được những bài học sống cho mình và bạn bè. Ðó là những chú chim non, quả bóng bay luôn tự kiêu, mơ tưởng quá sức nên thất bại nặng nề, hay thật buồn cười khi chú gà hay kiêu ngạo nhưng khi gặp kẻ mạnh hơn minh đã phải bỏ chạy mất:

                                                        Một chú gà kiêu ngạo
Gặp ai cũng đánh nhau
                                                        Bỗng xuất hiện diều hâu
Gà ta liền chạy mất   

Tuy nhiên không chỉ thế, em còn có nhiều bài thơ đậm suy nghĩ nhân tính. Trong bài “Quả bóng than phiền”, em làm chúng ta ngạc niên về sự tưởng tượng đáng quý của mình:

                                                            Quả bóng tròn tròn
                                                            Lăn trên bãi cỏ
                                                            Qua chân nhiều người
                                                            Lăn qua lăn lại
                                                            Lăn nhức cả đầu
                                                            Ôi thôi đừng đá
                                                            Ðể tôi nghỉ ngơi

Rõ ràng, bằng chính tâm hồn trẻ thơ nhạy cảm của mình, em đã nhìn thấy được cả sự run rẩy đau của một sự vật bình thường vô tri. Trong bài “Mẹ ơi !”, em đã nói rất thật về sự ấm áp, bình yên lớn lao của người mẹ với bao  người con thân yêu như mình. Lời thơ giản đơn mà ý thơ lớn và đẹp

                                                Mẹ ơi ! cho con rúc vào nách mẹ
                                                Ðể con ðược ngủ yên
                                                Trong mơ con không sợ ma quỷ
                                                Vì có mẹ cạnh bên

Phan Tuy An còn nói được nhiều về ước mơ và những khát khao của mình, những ước mơ đáng yêu và đầy sắc màu như ðược ãn một vườn táo chín, ðược cưỡi trên lưng chim ðể bay khắp nước và “mang theo một rổ hoa – để tặng mọi vùng đất”. Bên cạnh đó, em còn nhiều bài thơ tưởng tượng về các chú rết, mèo, chuột, về hươu, gà, kiến, về thước, bút, về búa và đinh,… Chúng biết trò chuyện và cãi nhau.Qua đó, chúng ta biết ðược cái nhìn kỳ lạ của em về thế giới xung quanh.

Ðiều đặc biệt hơn cả ở  tập thơ “Chú mèo ham ãn” của Phan Tuy An chính ở chỗ “nhà thơ” tự vẽ bìa và minh họa cho thơ của mình. Ðây thực sự là điều hiếm thấy ở các “nhà thơ” đồng lứa với em.

Cho ðến nay, Phan Tuy An đã đăng ðược nhiều chùm thơ trên các báo trung ương như: Vãn nghệ, Nhi đồng,…và có được một tập thơ đầu tay riêng, trong khi ðó NXB Kim Ðồng cũng ðang chờ em cho bản thảo ðể in. Ở tuổi của em,một “sự nghiệp thơ” như vậy thật đáng nể. Tuy An thực ra là tên quê hương mà cậu bé Phan Hoàng lấy làm bút danh “nhà thơ” cho mình. Hiện Phan Hoàng vừa là học sinh lớp 6/1 Trường THCS Nguyễn Huệ, vừa là học sinh Trường Vãn hóa Nghệ thuật Ðà Nẵng. Tôi vẫn mong và tin rằng việc học  tập lẫn sự nghiệp nghệ thuật của em mãi mãi đi tới như em từng mong ước:

            Em mong làm họa sĩ
                                                Vẽ về đất nước em

Đà Nẵng, năm 1998

LÊ QUANG ĐỨC

lequangduc@gmail.com

Read Full Post »


Đây là bài nói chuyện giới thiệu tiểu thuyết “Vượt cạn” với bạn đọc
tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng vào năm 2005
(do Tuệ Lãng thực hiện)

Trước hết tôi xin cảm ơn Ban tổ chức đã cho phép tôi là người đầu tiên trình bày những cảm nhận, những suy nghĩ của cá nhân tôi về cuốn tiểu thuyết “Vượt cạn” [1] của tác giả Nguyễn Thị Thu Sương do NXB Đà Nẵng vừa cho ra đời.

Kính thưa các đồng chí và các bạn !

Trong ý nghĩ của tôi, Thành Đà – xứ Quảng vẫn là mảnh đất của văn xuôi và phê bình nghiên cứu. Trong thế kỷ qua, chúng ta có Phan Khôi, Nguyễn Văn Xuân, rồi sau đó là Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Lê Đình Kỵ, Phan Tứ, Nguyên Ngọc,… Kể từ 1975 đến nay chúng ta có rất ít thành tựu ở truyền thống văn chương ấy. Tôi đã đọc “Vượt cạn” trong tâm thế văn xuôi xứ Quảng ngày càng thưa thớt, nhất là ở mặt trận các cây bút nữ. 30 năm qua chúng ta có những Ngô Thị Kim Cúc, Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Thu Hương, Quế Hương, và thêm một ít cây bút nữ truyện ngắn nữa là hết. Vì thế trong cái hối hả của dòng thời gian hiện tại, khi cầm cuốn tiểu thuyết trên 700 trang chữ nhỏ của một tác giả nữ chưa thành danh, tôi thấy mình có lý lẽ để đi tới. Một phía khác, cái tên cuôn tiểu thuyết là “Vượt cạn” đã hàm ý cho tôi một ý tưởng mới mẻ nào đó mà mình cần phải để tâm tới.

Và tôi nghĩ điều này đã đúng khi gấp lại trang cuối của cuốn sách.

Bìa cuốn tiểu thuyết Vượt cạn

Thưa các đồng chí và các bạn !

Nét cuốn hút người đọc đầu tiên của cuốn sách là cách kể, cách kể của một người viết tựa hẳn vào bản năng văn chương của mình, không dụng công, đẽo gọt, không trang phục diêm dúa bằng những mỹ ngôn, ước lệ, người viết theo dòng hồi ức, một dòng hồi ức tha thiết vắt ngang qua thời điểm 1975 lịch sử để kể từ thời chiến tranh đến thời bình, cứ thế mải miết thể hiện. Vì thế tràn từ trang đầu đến trang cuối là một dòng chảy của một hiện thực nguyên khối tươi ròng nhựa sống cuộc đời. Có thể nói thành công của cuốn sách là khởi đầu trang viết từ chính tâm thế cần nói ra của nhà văn, chính từ hiện thực tươi ròng sự sống kia. Đấy là điểm tựa đầu tiên để người viết có cơ hội thành công. Tôi nghĩ chị Nguyễn Thị Thu Sương, một tác giả vẫn chưa in gì nhiều đã theo lối đi ấy để làm nên cuốn tiểu thuyết đồ sộ 732 trang. Thành công của chị ở cuốn tiểu thuyết là bỏ qua cách nhìn công dân hay sử thi để đánh giá hiện thực. Qua Thuỷ, một nhân vật nữ, cuốn tiểu thuyết được kể từ điểm nhìn của một người phụ nữ độc lập trong tính cách, sắc sảo và đầy tinh thần “phản biện”. Hiện thực vì thế được khúc xạ qua lăng kính của góc nhìn nhân sinh, khiến tác phẩm rất gần với con người, và vì thế rất dễ đọc dù nó rất dài. Chỉ như vây, cuốn sách đã thành công.

Tiểu thuyết “Vượt cạn” đã được kết cấu theo chiều tuyến tính của thời gian, và từng phần – chương – đoạn được kể như những hồi ức. Câu chuyện xoay quanh nhân vật trung tâm là Thuỷ, một quan trắc viên làm công tác ngành khí tượng thuỷ văn. Sinh ra trong một gia đình có nhiều bi kịch giằng xé do lịch sử, do chiến tranh, bên một người mẹ nghiêm khắc và nhiều u uất, trải qua những năm tháng thơ ấu đầy mùi thuôc súng và khó khăn tại một khu tập thể của một bệnh viện nổi tiếng ở Đồng Hới Quảng Bình, Thuỷ là một cô bé nhanh nhẹn đến lẻm lĩnh, luôn độc lập trong suy nghĩ và hành động, mạnh mẽ đến “nam tính”, hay suy xét thấu đáo đến tận cùng hiện thực. Nhưng hiện thực những năm chiến tranh bom đạn ngút trời, sinh tử cách nhau trong gang tấc khiến ít ai nghĩ đến việc con người phải sống trong những định lệ đạo đức, những chuẩn mực duy ý chí trói buộc con người, khiến con người phải rơi vào sự bất hạnh không đáng có. Và Thuỷ đã tự chọn lựa khi đòi mẹ cho đi học ngành khí tượng. Ra trường cô được phân công về trên một ngọn đồi để làm công tác khí tượng, cùng với hai người đàn ông đã có vợ. Và Thuỷ một lần nữa lại đối diện với nhiều thử thách phi lý, không chỉ với thiên tai mà với đồng nghiệp. Không chỉ thế, cô còn tự mình đối diện với chính mình trong tình yêu với một đồng nghiệp, rồi dám thổ lộ, dám chấp nhận và chịu thất bại. Sau này khi đã lập gia đình với một người chồng là sĩ quan quân đội, trong ngôi nhà với con cái, miếng cơm manh áo sinh tồn giữa thời bao cấp, cô lại tiếp tục độc lập “xé rào” để chiến đấu. Đôi lúc cô đã đi quá cái giới hạn cần thiết, nhưng qua những điều ấy, người viết đã cho thấy cái hà khắc, nặng nề và đầy buồn cười của những quan niệm chuẩm mực xưa cũ cùng những con người chỉ biết hành động máy móc trước các nguyên tắc xa rời nhu cầu con người mà không một ai lên tiếng để phá bỏ. Khác xa với anh trai Thành của mình, với Thuỷ: cuộc đời do chính mình quyết định, chính mình phải chịu trách nhiệm (trang 513). Bởi vậy Thuỷ chỉ chấp nhận Hoa, một cô bé khóc nghèn nghẹt để đòi mẹ cho đi văn công và đến trời Tây để sống, bởi vì với Thuỷ, “hòn than còn mang sắc đỏ và hơi nóng trước khi làm tro tàn huống gì đời người”. Có thể nói Thuỷ, một quan trắc viên không chỉ giỏi chuyên môn mà cô còn giỏi ở sự “độc lập”. Đó là một nhân cách, có thể xem như một kiểu con người mới cho xã hội hiện thời của chúng ta khi mà dường như giá trị cá nhân bị bỏ rọ vào trong chủ nghĩa tập thể khô cứng để không ai dám tự tin sáng tạo, không ai dám chịu trách nhiệm, không ai muốn hành động…

Trên 700 trang, cuốn tiểu thuyết đã có một hệ thống nhân vật tương đối lớn, dù nhìn chung rất ít nhân vật được cá thể hóa và ít có tính khái quát cao. Trong đó, Thuỷ là nhân vật được tác giả chăm chút và gửi gắm vào đó nhiều nỗi niếm nhất, nhiều tư tưởng nhất. Đấy là một cô gái đã trải qua tất cả những thử thách của cuộc đời, chiến tranh, sự bất hạnh của một gia đình có nhiều éo le, cái đói, cái nghèo, thất bại trên tình trường,… nhưng Thủy là người dám đối mặt với thử thách. Với Thuỷ, sự thật là cái cần tôn trọng, những chuẩn mực đạo đức, những quy tắc chính trị do con người làm ra để xây dựng xã hội dễ trở thành một thứ rào cản cho hạnh phúc con người. Từ nhỏ, khi bom đạn chiến tranh như cơn bão lũ diễn ra, Thuỷ đã hỏi mẹ: con thấy rất lạ là quân ta thắng thì nói to, quân ta bị tổn thất thì cứ làm ra vẻ bí mật (trang147), hay Thuỷ tự thấy ở bạn bè mình rằng: trái tim chúng hình ảnh các vị anh hùng chiếm nhiều hơn bố mẹ (trang 158). Khi vào Huế gặp lại những người thân đã từng tham gia lính Sài Gòn, Thuỷ nghĩ: Họ bị buộc cầm súng chớ sướng chi,… có điều đã chia phe thì phải đánh thôi (trang 69). Sau này khi đã là một cán bộ nhà nước, giữa thời bao cấp, Thuỷ đã “đụng” và bị đau rất nhiều với những nhiêu khê của sự “chết cứng” nguyên tắc. Sau một lần bị vấp ngã vì nó, Thuỷ nói với Lan, một đồng nghiệp: Em đã qua chiến tranh, em biết ngày ấy người ta đánh đổi xương máu để lấy tự do. Còn ở đây, bây giờ, người ta đánh đổi mọi thứ để được yên thân. Có phải đó là chân lý của hòa bình ?… Chúng ta đấu tranh với cửa quyền, quan liêu nhưng chính chúng ta tự khép mình trong khuôn khổ không đáng có. (trang 404). Và trong một lần đấu khẩu với người chồng luôn thật thà tôn trọng nguyên tắc chung, Thuỷ chất vấn: Nếu ai cũng chờ đợi người đi trước thì ai sẽ đi ? Ai sẽ làm cách mạng trong xã hội cũ ? Rồi có lúc Thuỷ quyết liệt: Thế đường lối sai thì sao ? Đi đôi với suy nghĩ và phát ngôn, Thuỷ đã hành động, vừa hành động, vừa suy nghĩ. Cô ăn nói lập luận sắc gọn, táo bạo, mạnh mẽ, năng động, mà lòng vẫn tràn đầy yêu thương, vì con, vì người thân. Có thể nói, tính cách “phản biện” lại những vấn đề xã hội đang diễn ra là nét tính cách đáng quý nhất của nhân vật này. Cái nhìn “phản biện” này có nguồn gốc sâu xa là vì con người. Tác phẩm vì thế chứa đựng một tinh thần nhân văn thực tế hơn. Đấy là tinh thần của tác phẩm. Chính chỗ này khiến cuốn sách có trọng lượng và dễ đọc. Nó khác xa với rất nhiều những cuốn sách hiện thời vẫn loay hoay với kiểu nhìn một chiều, ân nghĩa hi sinh, địch – ta phân đôi, nhân văn mơ hồ…

Một điều đáng nói nữa ở tác phẩm là tác giả đã sử dụng lợi thế nghề nghiệp để khai phá một đề tài mà ít ai để ý hoặc có điều kiện khai phá, đó là nghề dự báo thời tiết khí hậu. Thuỷ, nhân vật trung tâm tác phẩm là một quan trắc viên làm công tác ngành khí tượng thuỷ văn. Nhờ Thuỷ, theo cách nhìn của Thuỷ, người đọc thấy hết chiều sâu tâm trạng, sự hi sinh to lớn, sự mạo hiểm đối diện trước thử thách, và cả chất thơ của vũ trụ, thiên nhiên, biển cả, bầu trời,… mà hàng ngày người làm công tác khí tượng luôn phải kề cận quan sát. Ở nghề này, người làm việc phải chấp nhận cô đơn, sóng gió, ở những nơi khó khăn nhất, và họ phải dùng nghị lực và tri thức, phải kiên trì và cẩn trọng “bắt mạch” thời tiết, linh cảm những điều thuộc Đấng tối cao để vì sự bình yên, hạnh phúc cho con người. Trong cuốn tiểu thuyết “Vượt cạn” này, những trang văn về nghề khí tượng thuỷ văn là những khám phá mới về đời sống, đấy là những trang văn giàu chất thơ và sự sống nhất. Chính nhờ hiện thực này cái ngổn ngang, bề bộn đến bỗ bã của tiểu thuyết đã được cân bằng, chất đời thường và chất thơ đi liền với nhau, làm nên bản chất của cuộc sống.

Và theo bước chân của một quan trắc viên làm công tác ngành khí tượng thuỷ văn, không gian của tác phẩm đã trải dài, Người viết nhờ đó đã đa dạng hoá được các không gian nghệ thuật của mình: khu tập thể bệnh viện ở Cộn (Đồng Hới), làng sơ tán của người dân tộc ở Minh Hóa, rồi Hà Nội, Hải Phòng Quảng Ninh, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng,… rồi theo chân người làm công tác khí tượng, các miền đất đồng bằng, núi cao, hải đảo, nơi xa xôi heo hút nhất đã được ít nhiều miêu tả. Vì thế nhiều vùng đất, nhiều cảnh trí đã tự nhiên có mặt để ngòi bút dễ dàng “tung tẩy” chất văn xuôi của mình. Và theo dòng thời gian khá dài mấy chục năm, qua biết bao miền đất, ít nhiều cuốn tiểu thuyết đã vẽ lên được gương mặt của nhân dân trong các cuộc chống giặc ngoại xâm, chống giặc “trời”, và chống nghèo đói và lạc hậu.

Thưa các đồng chí và các bạn !

Cuốn sách được viết bởi một phụ nữ đầy chất âm tính, nhưng rất lạ là hình thức biểu đạt của nó lại đầy chất “dương tính”. Các nhân vật, ngay cả nhân vật chính là Thuỷ, cô ta có rất ít nỗi niềm, nói đúng hơn, cô ta không được người viết chú ý cận cảnh đến thế giới bên trong như ở các nhà văn nữ khác. Ở Thuỷ, đi liền những giọt nước mắt là hành động, ngay sau một ý nghĩ là một lời đối thoại bộc trực thẳng ruột ngựa ngay,… Có thể nói nét đặc sắc về hình thức là tác phẩm sử dụng đối thoại rất nhiều. Các đối thoại rất linh hoạt, tự nhiên, đủ sức làm nên sự kiện để triển khai hiện thực. Nhiều trang đối thoại dài như một lớp kịch, chính điều này nó giúp cuốn tiểu thuyết dù rất ít sự kiện, ít tâm trạng bên trong nhưng vẫn lôi cuốn, và bộc lộ được thế giới bên trong của nhân vật. Tuy nhiên, lời đối thoại chưa được cá thể hóa rõ rệt (trừ nhân vật Ba Ti), hay địa phương hóa được, đôi khi ngôn ngữ, ý tưởng nhà văn dường như “lấn chiếm” vào trong ngôn ngữ nhân vật để nhân vật chuyển tải ý tưởng thay cho mình.

Gấp cuốn sách dày 732 trang phải đọc giữa thời mini hóa quả thật là rất dài dòng, dư thừa, nhưng ngẫm lại cái dư thừa mang tính tiểu thuyết này chính là cái có thể diễn đạt được cái ngổn ngang, bề bộn, phức tạp, thậm chí rắm rối và vô nghĩa vô cùng của đời sống. Và chính trong sự bề bộn ấy, chính trong ngổn ngang ấy, hiện thực mới được tái hiện sinh động, và nhà văn qua đó thấy ẩn hiện những điều dự cảm, những phi lý tạm bợ lạc hậu cần phá đổ, những tín điều, chuẩn mực què quặt cần loại trừ thay đổi, để cuộc sống đi tới, và khẳng định: chân lý chỉ có trên sự thực đời sống. Tôi nghĩ đó là mục tiêu của người viết tiểu thuyết. Ở khía cạnh này, tiểu thuyết “Vượt cạn” của tác giả Nguyễn Thị Thu Sương đã làm được và ít nhiều thành công. Và trong ý nghĩa đó, thành công của cuốn sách “Vượt cạn” này theo tôi là đặt ra ý thức “vượt cạn” cho người đọc. Không chỉ xã hội, mà trong mỗi con người luôn luôn phải có ý thức “vượt cạn”, để chấp nhận đau khổ mà sinh thành hạnh phúc, để phá bỏ mà xây dựng, để hi sinh và hưởng thụ,…

Kính thưa các bạn !

Thưa tác giả Nguyễn Thị Thu Sương !

Bản năng văn chương là một thứ của trời thiên phú mà một người viết văn cần có để khởi dựng sự nghiệp, nhưng trên con đường dài văn học đầy những thử thách và đòi hỏi sáng tạo, một người viết muốn trở thành nhà văn và đi xa hơn, ngoài lòng đam mê và bản lĩnh anh ta cần phải có một kiến văn sâu rộng để tác phẩm có một sức khái quát lớn hơn, có chất tư tưởng hơn và giàu tính nghệ thuật hơn.

Với những gì đã có, tôi tin rằng từ “Vượt cạn”, chị Thu Sương vẫn còn phải nhiều lần “vượt cạn” nữa trên hành trình văn học chông gai và nhiều thử thách, để đi xa hơn.

Trên đây là những cảm nghĩ sơ lược của lần đầu chạm mặt với tác phẩm “Vượt cạn” và vì thời gian rất ít, tôi xin đành sơ sài vài nét chung như vậy về cuốn sách. Rất mong các đồng chí và các bạn thứ lỗi.

Cuối cùng nhân dịp mùa xuân Ất Dậu sắp về, tôi xin kính chúc tất cả đồng chí và các bạn một năm mới hạnh phúc, an khang !

Chúc các nhà văn một năm mới có nhiều sáng tạo mới, nhiều tác phẩm mới !

Đà Nẵng, trước thềm xuân Ất Dậu 2005

LÊ QUANG ĐỨC

lequangduc@gmail.com


[1] (*) Vượt cạn (tiểu thuyết) – Nguyễn Thị Thu Sương, NXB Đà Nẵng, 2004.

Read Full Post »


Nhà văn TRẦN ĐẠI NHẬT:

Tên thật là: Trần Văn Ty; Tên Hàn Quốc: Kim Sang Il; Quê ngoại: Tuy Hòa, Phú Yên; Địa chỉ: 72 Tân Sơn Hòa, Phường 2, Quận Tân Bình, TP.HCM; Điện thoại: 08-5399212 (NR); 0982224889 (DĐ); Email: kimsangil721020@yahoo.com.vn ; Tác phẩm đã in: Về mái nhà xưa (thơ), Những đứa con lạc loài trong phố (thơ), Những mảnh đời luân lạc (truyện ngắn)

Trần Đại Nhật là tác giả của 2 tập thơ và gần đây nhất là tập truyện ngắn “Những mảnh đời luân lạc” ra mắt bạn đọc năm 2008. TUỆ đã có cuộc trao đổi ngắn với nhà văn Trần Đại Nhật về các sáng tác và hoạt động xã hội của anh. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 Tuệ: Thưa anh Trần Đại Nhật, đến nay anh được công chúng biết đến như là nhà văn duy nhất đã chọn đề tài con lai Hàn – Việt để đối thoại với đời sống. Anh có thể cho biết rõ lý do này không ?

Nhà văn Trần Đại Nhật (TĐN): Tôi vốn là một người con lai Hàn – Việt, cùng chung số phận bất hạnh của rất nhiều người con lai Hàn – Việt khác, sau chiến tranh Việt Nam.

Cuộc sống của người mẹ, người con lai Hàn – Việt rất vất vả, cơ cực. Họ gần như bị xã hội bỏ rơi, không bên nào thừa nhận. Đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần luôn bị nỗi ám ảnh không biết cha mình là ai.

Khi lớn lên, ý thức rõ về thân phận mình, tôi quyết định cầm bút để tranh đấu cho những người con lai Hàn – Việt có cuộc sống hạnh phúc hơn, tìm lại được cha mình hay ít nhất cũng biết rõ mình là ai. Đó là lý do tại sao tôi chọn đề tài con lai Hàn – Việt để đối thoại với đời sống.

Tuệ và nhà văn Trần Đại Nhật tại buổi ra mắt cuốn sách "Những đứa con luân lạc

Tuệ: Qua 2 tập thơ, và gần đây nhất là tập truyện “Những mảnh đời luân lạc” vừa ra mắt, anh muốn thể hiện vấn đề thiết thân nhất là gì ?

TĐN: Những tác phẩm của tôi, dù là thơ hay truyện, tôi vẫn viết về thân phận con người nói chung, và thân phận của những người con lai Hàn – Việt nói riêng. Tôi không viết về những điều xa vời, những gì mình không hiểu rõ. Tôi viết về những điều mà tôi đã trải qua, chứng kiến hoặc nghe người trong cuộc kể lại. Thơ là tâm trạng, mơ ước, hy vọng. Truyện là những câu chuyện, sự kiện thực tế đã và đang xảy ra. Tôi viết trong niềm mong muốn lớn lao là đánh động lòng người có lương tâm, mở rộng tấm lòng nhân ái để giúp những số phận bất hạnh vơi bớt đau khổ phần nào, cùng xây dựng cuộc sống hướng tới tốt đẹp, bình an. Đó là vấn đề thiết thân nhất trong tác phẩm của tôi.

Tuệ: Xin tò mò thêm, câu thơ hay nhất của anh là gì ? Nhân vật anh tâm đắc nhất trong tập truyện ngắn là nhân vật nào vậy ?

 TĐN: Không có tác giả nào đang sống, đang viết dám tự hào mình đã có câu thơ hay nhất, nhân vật truyện tâm đắc nhất. Viết luôn là một sự khởi đầu, một hành trình suy tư không có điểm dừng. Điều anh hỏi có lẽ còn nằm trong tác phẩm dự định, hoặc ở phía trước. Với lại, sự hay – dở nên dành cho người đọc đánh giá.

 Tuệ: Xin anh có thể bật mí thêm về những dự định sáng tác sắp tới của anh ? 

TĐN: Dù rất bận rộn công việc, tôi vẫn dành thời gian để sáng tác vào ban đêm. Tác phẩm dự định sẽ xuất bản gần nhất tới đây là tập “Trần Đại Nhật, nỗi buồn sau chiến tranh”, một tuyển kết hợp truyện, thơ và những bài viết của bạn bè.

Tuệ: Chúng tôi được biết, anh đã có nhiều dự án tìm kiếm và đoàn tụ cho những người con lai Hàn – Việt. Theo anh, hiện nay số lượng con lai Hàn – Việt là bao nhiêu ? Và trong số ấy đã có bao nhiêu phần trăm họ đã tìm được người cha của mình ?

TĐN: Tôi bắt đầu công việc tìm kiếm, sưu tầm danh sách con lai Hàn Quốc từ năm 1991. Từ đó đến nay tôi vẫn kiên nhẫn làm công việc này. Tôi thường lặn lội những vùng quê hẻo lánh ở miền Trung mà ngày xưa các đơn vị Hàn Quốc trú đóng để dò hỏi, tìm kiếm. Số lượng con lai Hàn – Việt tìm được cho đến nay là 370 người. Trong số này, nhờ sự giúp đỡ của  những bà mẹ, những người Hàn Quốc có lương tâm. Họ sẵn sàng kết hợp với tôi tìm lại được cha của mình và 38 gia đình con lai Hàn – Việt khác đã được gặp lại chồng và cha.

Tuệ: Trong việc giúp những người con lai Hàn – Việt tìm được cha, đoàn tụ gia đình, anh đang có những nguyện vọng gì để có những kết quả tốt hơn? 

TĐN: Nếu chỉ mình cá nhân tôi làm công việc này, tuy có một số kết quả nào đó, nhưng mới chỉ là nhỏ nhoi. Tôi mong nhiều cá nhân, đơn vị từ thiện quan tâm, giúp đỡ hơn trong những dự án này. Như Đài truyền hình đã từng làm các chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” trong nước. Tôi mong những người con lai Hàn – Việt sớm đoàn tụ gia đình. Mong chính phủ hai bên có chương trình, chính sách giúp đỡ những người con lai để hàn gắn lại vết thương còn nhức nhối sau chiến tranh. Với những mục tiêu đã nói ở trên, tôi cũng sẵn sàng thu nhận tất cả các thông tin, các yêu cầu của tất cả con lai Hàn – Việt trên đất nước Việt Nam và sẵn sàng giúp đỡ để họ sớm nhất có được sự đoàn tụ chính đáng với cha mẹ của họ.

Tuệ: Xin cảm ơn nhà văn Trần Đại Nhật rất nhiều !

(TUỆ thực hiện)

Read Full Post »


… Đọc thơ Đặng Ngọc Khoa, người đọc dễ dàng nhận thấy bài thơ của anh có cấu tứ lỏng, thiếu chặt chẽ, ngôn từ ít được dụng công chọn lọc. Mạch thơ có khi trôi theo dòng cảm xúc để phơi bày, có khi tự sự đậm đặc và cụ thể. Nhưng đấy là sự bùng nổ của một suy tư chín chắn và lâu dài, nên ý thơ luôn được nâng lên, với nhiều câu thơ hay một cách thần linh…

Trong bài thơ “Thơ viết trên điện thoại”, anh viết: “Thơ anh chạy ngược con đường gió / Hôn lên từng dấu chân run rẩy”. Đấy là dấu chân em, đấy là dấu chân của bao người trùng phùng duyên nợ, dấu chân của bao kiếp đời lầm than trên mặt đất trong một “thế kỷ buồn”. Thơ Đặng Ngọc Khoa rất đậm chất thế sự:

Chúng ta sống trong thế kỷ buồn
Bao người yêu nhau không nhìn về một hướng
Khủng bố và sóng thần,
khói đen và stress
Giữa bóng đêm nghi kỵ của con người

Thơ Đặng Ngọc Khoa vì thế mang dáng dấp chân dung của một thế hệ dấn thân hết mình, tin yêu lý tưởng hết mình, tin yêu một cách ngây thơ, để rồi dùng dằng phản tỉnh, cay đắng chấp nhận, để rồi chọn lựa một cách suy tư, một định hướng sống có ích cho nhân quần cụ thể,…

Có thể thấy điều này ít nhiều qua diễn trình sáng tác của thơ Đặng Ngọc Khoa. Những năm tám mươi của thế kỷ trước, anh viết những câu thơ “tươi non” và rất gần với cách làm thơ đồng diễn của thời đại. Anh viết về người bạn làm việc kiệt sức vì đồng ruộng hợp tác xã, về những đêm tập thể thi công, về những đứa trẻ sau khi cơn lũ đi qua…

Những đêm mặt trời gởi nắng cho trăng
Thao thức trong nhau nỗi nhớ hiện trường
… Ta đào lòng suối đặt những chân khay
Vắt con đập dài ngang vai của núi
… Chúng tôi chở đất về với đất
Chở máu hôm qua và mồ hôi hôm nay về trong hiện thực
Ngày mai, ngày mai… hồ nước ngọt ngào

Đấy chính là thời thế hệ anh đi tìm “trứng hồng của đất”.

Mặt trời đậu phía núi xa
Rải trong tre sắc vàng của nắng
Trâu nghé ngọ về chuồng thanh thản
Tiếng ai hát ngoài đồn… bay quanh
Ơi màu xanh trong câu hát không tên
Mới đó thôi còn rát bỏng
Cát nhớ người cửa lòng đau bao tầng cỏ ống
Thép gai nhàu gương mặt chiến tranh

Những năm chín mươi của thế kỷ trước, không còn đôi mắt tự huyễn hoặc mình như trước, anh bắt đầu nhận ra hình ảnh hiện thực về đời sống nhân dân mình:

Cái sống cái chết không có ranh giới
ở Thạch Nham
tiếng khóc trẻ con chìm trong tiếng ềnh oang
đêm đen đến chóng mặt
chóng mặt tiếng lồng quay xổ số dội xuống những phận người

Khoảng hơn một thập kỷ trước khi từ giã cõi đời, thơ anh nói nhiều về nỗi buồn, cái chết, đặc biệt nỗi cô đơn.

Như một cột buồm, anh quá cô đơn
ngước nhìn bầu trời, vòm trời tối sẫm
(Cho một ngày buồn)

Đêm tối trời
kinh Nguyễn Văn Tiếp
Điên điển vàng ươm nồi cháo cua đồng
Niềm vui nở bên ngoài trái đất
Vỏ lải trượt chiếc quan tài độc mộc
Tôi suýt thành ma đi hoang
(Quay quắt Cà Mau)

Nhưng có một điều rất khác, sau đó, bao nhiêu người như anh đã lùi xa đời để lo lắng cho những sinh tồn dưới nếp nhà riêng của mình, còn anh vẫn tiếp tục tin yêu, vẫn sống bằng tất cả trái tim đa mang vì người khác của mình:

Muốn mở trái tim khác
Chìa khóa trái tim mình

Lần này, cách dấn thân của anh vẫn quyết liệt, vẫn mạnh mẽ, nhưng đấy là cái bạo liệt của người độc hành đi ngược chiều gió để vượt qua những đau đớn dày vò của thân phận mình mà đến với nhân loại bần hàn vẫn còn giăng mắc đầy trên những ngả đường anh đi qua.

Anh dẫn dắt thơ anh “chạy ngược con đường gió” để chống lại cái xấu, cái ác đang hoành hành dữ dội, nguy hại hơn nó mang khuôn mặt hóa trang thời đại để lừa dối lẫn nhau:

Cơn buồn nôn không đến từ trời
khi chúng vận complet cà vạt
hột xoàn trang sức
những bàn tay man dã
những mắt nhìn man trá
thô nhám cộc cằn lễ hội hoa
Đinh Bộ Lĩnh bị vặt trụi cờ lau
băm sáu phố phường xiêu vẹo
kẻ gian chồng lên kẻ cắp
cái đẹp chẳng cứu chuộc được ai

Và anh quyết liệt nhìn thẳng vào thực trạng bê bết của quyền lực, của cách hành xử vô nhân với đồng nghiệp ở những kẻ ti toe bơi lội trong cái ao tù đơn điệu của ý thức:

Phê bình cá mương
Cơn say tập thể
Cáo khạc ra trăm phó bản
Tôi khạc ra nỗi buồn tôi

Anh là người cả nghĩ, nên thơ anh hướng tới đủ mọi thứ đề tài, mọi cảnh đời. Dù ý thơ, mạch thơ của anh ít chuyển đổi mới mẻ, song giọng thơ anh đa dạng, nhịp thơ luôn biến hóa, bất ngờ. Anh viết rất thực, rất cảm xúc về mẹ, về vợ, về tình yêu (Nhớ mẹ, Vết thương, Bài thơ một mình, Đa mang, Nhớ Surin). Thế nhưng theo tôi, những bài thơ hay nhất của anh lại là những bài thơ viết trên đường viễn du, viết về phương xa. Dường như tinh thần phóng khoáng, mạnh mẽ, tựa như cơn gió bốn phương cùng một tâm hồn đa cảm, rộng mở khiến cảm hứng thơ anh cuốn theo những đường chân trời để hình thành những bài thơ hay ấn tượng như: Măng Đen, Nhớ miền Tây, Quay quắt Cà Mau, Mida thơ,… Bài thơ hay nhất của anh là ‘‘Chon von ta về’’. Trong bài thơ này, nhịp phách ngả nghiêng xô đẩy trong cách thế hùng dũng với những hình thể thơ chen lấn về chính mình (ta), về em, về đời, về tha nhân, về đất trời và chữ nghĩa. Đấy là bài thơ thể hiện rõ nhất cốt cách tài hoa, bản lĩnh mà rất giàu suy tư, chiêm nghiệm của chính con người Đặng Ngọc Khoa.

Còn những câu thơ ấn tượng của anh là viết về chính mình, về nỗi buồn, về cơn say,… Trong góc riêng của đời mình, câu thơ, bài thơ anh chật chội suy tư, mạnh mẽ trong đau đớn, khắc khoải, hoài nghi và lạc quan.

Lên đỉnh non xa
ngồi trong bóng nhớ
chiều trầm âm u chầm chậm
ta con sói buồn
lang thang mép vực
…thử một lần song hành gió
song hành mây
song hành ánh chớp
gói lửa đầu núi
gói tro mép vực
gói gió đầu non
lột da sói cũ chon von ta về…
(Chon von ta về)

Trên trời
Dưới đất có ta
Bầu xanh trút cạn
Gặp ba lão trời
Một lão khóc
Một lão cười
Một lão chẳng khóc
Chẳng cười nhìn ta
(Gã say)

Hãy đọc những câu thơ ngang phè này để lại thấy lại một Đăng Ngọc Khoa tếu táo, tài hoa mà rất đỗi nghĩa tình với bạn bè:

Cụng ly xa với biển Vũng Tàu
Cái hảo hán ngang tàng
Cạnh cái dịu dàng gây mờ mắt
Nói chung ở Đà Nẵng cũng vậy
Âm mưu bối rối quý anh
(Với Văn Công Hùng)

Thơ Đặng Ngọc Khoa như chính con người anh vậy: mạnh mẽ, hào sảng nhưng ắp đầy đa cảm, suy tư trầm lắng đấy nhưng cũng quyết liệt bộc trực. Như một người bạn đã từng tóm tắt về anh, đời anh, thơ anh và bao nhiêu điều anh đã làm cho cuộc đời khốn khó này sẽ còn được nhớ mãi:

Vượt lên số phận ngỡ ngàng
Kiếm tung vó ngựa hí vang sa trường
Nhận vào biết mấy yêu thương
Mà cho khắp cả mười phương, thật thà

Cho khắp mười phương cả sinh mệnh bão giông của chính mình để đốt lên một ngọn đèn yêu thương, từ đấy soi sáng mặt trần gian vốn u ám khói lợi quyền và bóng đêm thiển cận dày đặc !

TP.HCM, ngày cuối năm 2009

LÊ QUANG ĐỨC

(lequangduc@gmail.com)

Bài viết được in trong cuốn sách tưởng niệm 49 ngày giỗ của Đặng Ngọc Khoa có tên “Không trái tim ai ngững đập trên đời” (NXB Thanh niên, 2010)

Read Full Post »


Trong Thiên tân ca của Hội hoa đàm, nhà thơ Phạm Thiên Thư đã buông những dòng pháp hỷ như sau:

Có con rùa nhỏ ngoài khe,

Từ lâu đợi suối trở về, nằm đây.

Ẩn mình dưới chiếc mai dày,

Ngó bờ rêu lục tưởng ngày xa xưa…

Quả thực, tôi thấy ông giống như con rùa nhỏ trong lời kinh Hiền Ngu đã được thi hóa ấy: con rùa đợi suối trở về, thiền lặng trong sự thô mộc, thi hóa thế gian đang ngập tràn lạc thú và bạo hành,… Và cho thế nhân đọc những dòng thi ca vàng óng mật ngữ và xôn xao thanh âm để phục sinh lại những mơ ước thánh thiện và tình yêu cao đẹp mà con người đã từng đánh mất khi bước ra khỏi vườn Eden ngày nào.

Dường như ông đã từng ngồi bên con rùa nhỏ và tìm thấy “lạc thư”, để rồi đi tu, làm thơ, hoàn tục và sống trong cội quán café Hoa Vàng của mình.

Vào non soi nguyệt tầm rùa

Đọc trên mai nhỏ xanh tờ lạc thư

Thả rùa lại đứng ưu tư

Muốn qua hang động sống như nguyệt rùa

Những ai đã từng nghe danh tác “Đưa em tìm động hoa vàng” của nhạc sĩ Phạm Duy sẽ chẳng ngờ rằng người làm nên ca từ bản nhạc này lại giống như một lão nông ngồi bên tường rào một quán cà phê nhỏ. Nhưng Phạm Thiên Thư là vậy, ông như một hiền sĩ ngồi bên lề của đời sống ta bà, lặng yên thi hóa mọi thứ, kinh Phật và tình trai gái, sự hài hước và châm ngôn,… Cười tít mắt, móm mém với hàm răng vàng vì khói thuốc, đôi chân ống cao ống thấp, ông nói về trường sinh học, nhân điện, rồi nói về điều tương đồng của ông với Nguyễn Du là có số lượng vợ ngang nhau ?! Tôi nắm tay ông và thấy ngạc nhiên khi lòng bàn tay mềm ấm, nhưng lưng bàn tay thì rất cứng cáp như lão nông. Hiểu ý, ông cười và giải thích: Bố tớ là võ sĩ, tớ học võ từ nhỏ nên tay chân sần sùi như vậy đây.

Tới đây, lòng chợt nhớ những câu thơ ngày xưa của ông:

Mùa xuân mặc lá trên ngàn

Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư

Động nam hoa có thiền sư

Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn

Ông có những câu thơ thật khó quên:

Đâu em có hay

Buổi chiều hôm nay

Ta châm điếu thuốc

Nhớ dài ngón tay

Tôi là người quan tâm đến văn giới miền Nam trước 1975 nên hay hỏi ông nhiều lần, nhưng ông nói: Tớ có biết ai đâu. Lúc ấy tớ ở trong chùa … mà ! Hèn chi vậy nên ông cứ thủng thẳng lập một cõi thi ca riêng: trong vắt, trữ tình, đậm chất Thiền ca giữa một thời mịt mùng đạn bom và văn hóa hippy…

Vào hang núi nhập niết bàn

Tinh anh nở đóa hoa vàng cửa khe

Mai sau thí chủ nào nghe

Tìm lên xin hỏi một bè mây xanh

“Bè mây xanh” của ông là một bè thơ đồ sộ mà người đời nếu có cơ duyên chắc sẽ ngộ ra nhiều điều để sống than thản, vô ưu… Bởi lẽ ở đấy, vẻ đẹp thanh tân và trong sáng chiếm hữu không gian thơ ông.

Song không phải thơ ông không có những câu thơ bạo liệt:

Con tàu than hú ga đêm

Cây cao bóng lẻ buồn trên hồ cầm

Anh còn bạo động thâm tâm

Sương trên vai tượng buồn câm nín chiều

… Anh ngồi qua một đêm nay     

Đêm trên hầm rượu với cây kèn đồng

Thế nhưng đó chỉ là một vùng tiểu khí hậu nhỏ nhoi, thất thường, hiếm hoi. Tràn lên trong thơ ông vẫn là khí hậu dịu dàng, trang nhã, tình cảm mà vẫn đậm chất Phật ca.

Có con cá mại cờ xanh

Bơi lên nguồn cội tắm nhành suối xuân

Nửa dòng cá gặp phù vân

Hỏi sao mây bỏ non thần xuống chơi

Người đời nói khá nhiều về thơ tình của ông, song đọc kỹ mới thấy ông mượn tình yêu để nói về vẻ đẹp tại thế, về nỗi buồn quán trọ trần gian, về nỗi luyến ái và dứt bỏ thế gian để soi lại bản ngã chân tâm của mình:

Cánh rừng xanh những kiếp mơ

Hồn anh hóa bướm vật vờ bay lên

Nghe trong tiếng suối dịu huyền

Con tim chín úa như viền trăng thu

Anh ca chúc tụng sương mù

Quyện theo hương tóc bay vào ngàn năm

Mượn em tơ khói tơ tằm

Đem về dệt lại võng nằm tịch nhiên

Bởi vậy tôi cứ thấy “người yêu” trong thơ của ông dường như là một sinh mệnh mà duyên cớ nhân gian cho ông gặp để ông trải nghiệm mà nhận ra những “chính yếu” của lẽ đời. Hình tượng thơ “người yêu” trong thơ ông đẹp một cách lạ lùng, có khả năng sinh hóa được nhân tâm khổ lụy.

Dáng em lau gầy

Vươn từ khổ đế

Mỉm cười thơ ngây

Trang nghiêm cõi này

Ông làm thơ theo cách của môt cánh chim ngẫu nhiên bay giữa cõi nhân gian, rồi ngẫu nhiên nhặt nhạnh những vàng hoa mật ngọt để dâng tặng cho đời:

Lên non kiếm hạt tơ hồng

Đập ra chợt thấy đôi dòng hạc bay

Thế mà, vài năm gần đây, ông lại hay xuất hiện trên mặt báo theo kiểu phỏng vấn, với cơ man lời lẽ tung hô, kỷ lục… Tôi đọc mà cứ ngờ ngợ không biết hư thực ra sao… Vì cái cách nói đầy vẻ phô trương, nhiều nét “hàn lâm viện sĩ”, những điều hoàn toàn khác với một Phạm Thiên Thư ăn nói dân dã, ngăn ngắn, không đầu không đũa thường ngày mà tôi được biết. Cầm lòng chẳng đặng, tôi hỏi ông có biết và có đọc mấy bài báo về ông không ? Ông nói: Tớ thấy mấy anh chị ký giả đưa tới, tớ có đọc… Tôi hỏi thêm: Thầy thấy họ viết có đúng với Thầy trả lời khi họ phỏng vấn không ? Ông cười tít mắt: Họ thương tớ thì thêm bớt bóng bẩy cho vui mà, tớ có nói gì đâu mà họ viết cũng nhiều ra phết đấy ?! Rồi ông lại cười tít mắt.

Mỗi khi cảm thấy lòng bất định, tôi tới nhìn ông, và trò chuyện. Và theo bóng nắng, có khi ngồi bên này vệ đường, có khi qua bên kia mặt đường Hồng Lĩnh ở lưng khu Cư xá Bắc Hải để ngồi chơi. Nhiều lần ông nói với tôi bằng giọng Thái Bình quê ông: Tớ với cậu có thể “thông quan” được đấy, khi nào nằm ngủ, cứ kêu tớ, tớ truyền điện cho !

Trong cái ao ta bà Sài Gòn huyên náo, tôi ít khi có được nhiều phút giây để làm điều ông dặn. Đôi khi nhớ thì cũng lầm rầm “gọi” ông như ông đã dặn dò. Nhưng lúc ấy lại chỉ nhớ những câu thơ trong Kinh Hiền Ngu, Kinh Ngọc, Kinh Thơ… mà ông đã thi hoá, lòng lại thấy nhẹ nhõm chút ít. Lúc ấy không biết là do điện năng sinh học của ông truyền cho hay không, song chắc chắn rằng: chính năng lượng thi ca của ông đã mang đến cho tôi cảm giác thanh thản vô niệm ấy ! Không gì khác ngoài thi ca Phạm Thiên Thư !

Saigon, trước Tết Canh Dần 2010

Bài viết đã được đăng trên tạp chí Đất Quảng (số 73 (195) xuân Canh Dần 2010); báo Đà Nẵng cuối tuần (số ra ngày 2009); tạp chí Văn hóa, Nghệ thuật & Du lịch (số ra tháng 2009)

Read Full Post »