Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Mười, 2017

Quyền làm biếng


Con người là một sinh vật bi thảm. Buổi sáng đầu tuần soạn đề thi và mong ước được bỏ để đi chơi, bỗng nhiên tìm được tập tài liệu nghiên cứu xoay quanh “quyền làm biếng” của con người. Trong từ điển La Châtre, từ năm 1857 viết: Con người tồn tại không hề có thời gian rỗi… Họ buộc phải lao động không ngừng để được có hạnh phúc. Con người chỉ có quyền nghỉ ngơi khi lâm chung. Nhưng đến nay, con người vẫn cứ lo làm tròn nghĩa vụ tồn tại của mình, mà chưa bao giờ có lúc nào cho mình được quyền làm biếng.

LeisureTime Logo (Small)

Con rể của cụ Karl Mars là Paul Lafargue có một công trình tên là “Quyền làm biếng” xuất bản vào tháng 6 năm 1889 viết: Ôi làm biếng, người mẹ cao quý của nghệ thuật và đức hạnh, xin xoa dịu những nỗi lo toan của nhân loại. (…) Mọi sự khốn cùng của cá nhân con người và xã hội đều phát sinh từ lao động miệt mài…

Lịch sử nhân loại phần lớn là lịch sử của một nền văn minh lao động, lao động liên tục để xây dựng thế giới. Bây giờ đang có thêm một nền văn minh giải trí cho thời gian rỗi (leisure time).

Vậy hãy được quyền làm biếng, và chiến đấu cho quyền làm biếng được thi hành nghiêm túc ở mỗi cá nhân và mỗi xã hội thôi. Để nhân loại được sống một cách đích thực !

Read Full Post »


Một cô giáo không tin vào tin tức của BBC đưa tin về chuyện thăm nuôi được kể qua bà Lan, mẹ bloger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng như lá thư của bé Nấm, con gái lớn 11 tuổi của chị Quỳnh.

Tôi không rõ có bàn tay của ai đó “đạo diễn” cho việc này như cô giáo nghĩ và nói vậy không. Thế nhưng tôi luôn đặt mình vào tình cảnh của con bé không được ở bên mẹ, để hiểu nỗi mong ước của nó thôi, để hiểu nỗi đau của nó… Và tin ! Vậy thôi !

22815554_10155405413403929_6869051570243755668_n.jpg

Vì tôi cũng có hai đứa con gái, tôi đã từng dạy học trò nắn nót những con chữ yêu thương và thành thực, nên tôi tin…

Tôi cũng từng biết có rất nhiều “đạo diễn”, nhiều vụ việc bịp bợm không tưởng tượng nỗi trong một xã hội dối trá ở cấp độ cao và cả ở quy mô quốc gia, nên tôi cũng có thể tin điều cô giáo nói…

Trong một xã hội mà sự hoài nghi và bất an tăng lên từng giờ, bao trùm lên từng tâm hồn, chúng ta dễ rơi vào trạng thái vô minh. Chỉ biết tin vào lương tri của mỗi người !

Read Full Post »

Nỗi buồn bolero


10 năm Nam tiến, mình nhận thấy người miền Nam sống hồn nhiên, mạnh mẽ ngang tàng và tràn đầy sức sống. Nhưng không hiểu sao những thể điệu âm nhạc đậm đặc nỗi buồn như đờn ca tài tử, vọng cổ, bolero… lại ám ảnh đến như vậy. Có lẽ họ sống rất thật, thật nên vui cùng cực mà buồn cũng tận độ.

Hai ba năm gần đây có vẻ nỗi buồn này trở lại, lớn hơn, và điều kỳ lạ là nó còn lan rộng ra Bắc kỳ, nơi quê hương xã hội chủ nghĩa mà nỗi buồn đã bị chôn sống từ sau thuỷ triều đỏ từ Mạc Tư Khoa, Trung Nam Hải tràn vào VN. Nói trở lại vì sau 1975 những khúc hoan ca của kẻ chiến thắng đã lấn át tất cả ở nam vĩ tuyến 17. Còn phía bắc dòng sông chia cắt thì sau những bản kiểm thảo gay gắt với những tác giả của các thi phẩm rất đẹp, rất người như Nhà tôi, Đôi mắt người Sơn Tây, Màu tím hoa sim… nỗi buồn đã phải sống lay lắt qua ngày dưới mặt đường rầm rập niềm vui ra trận.

sang tac cung Bolero

Nhưng không hiểu giờ sao nó quay lại, cơ hồ mạnh mẽ khiến mấy nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân thuần thành lo ngại nó sẽ làm con người Việt yếu đuối đi, bi luỵ đi, mà hệ quả khiến nguồn nhân lực này không đủ sức tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đang rất nguy nan…

Thiệt là khó hiểu cho nỗi buồn bolero ?

Như theo thói quen, rất lạ, lần này, mình lại nhẩn nha với Mars, dù mình chẳng phải là người cộng sản, và chắc sẽ không bao giờ là người cộng sản. Trong những lúc chấp chới, thất vọng và hoài nghi nhất, mình vẫn hay giở đọc và nghĩ về Mars, dù chắc chắn cụ không đưa ra được phương cách giải quyết gì nhưng cụ có thể cho ta biết chút ít nguyên do lịch sử nào đó…

Cụ Mars hay nói về con người xã hội và sự tiến hóa, con người và con vật. Con vật chỉ có cảm giác hưng phấn khi vồ mồi, sự sợ hãi và phản kháng tức giận. Nó không bao giờ biết nỗi buồn. Nỗi buồn chỉ có ở cõi người, ở con người, và nói đúng hơn nó chỉ có ở những con người đã trưởng thành.

Bởi vậy dù trong tình thế bấn loạn và bất an này, mình vẫn còn chút niềm hy vọng vì đã có Mars bên cạnh để biết nỗi buồn bolero còn sống, như vậy người Việt đã lại sống rất người, và sống rất thật với mình !

Bởi vậy thì hãy vui với nỗi buồn đi !

Read Full Post »


Tháng 10 năm nay là tròn 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga. Hôm qua VTV nhắc chứ không quên mất. Không biết ở quê hương Ông Sáu Lê Nin có làm lễ kỷ niệm chi hoành tráng không. Trên VTV nói ở Hà Nội kinh thành có làm Hội thảo. Nhưng chắc hội thảo nhỏ nên không thấy râm ran bằng Thanh Lam và mấy cái biệt phủ kinh khủng của các quan cộng sản thời nay ?!

russian_revolution_centenary_2.jpg

VTV cũng đưa tin như thường thường rằng: cuộc cách mạng này vĩ đại và có ý nghĩa cũng vĩ đại như cuộc cách mạng này. Một đại biểu chắc là cũng ưu tú vì mặc quân phục, đeo lon và lớn tuổi nói rằng, cuộc cách mạng vĩ đại nhưng sau này sụp đổ là do làm công tác cán bộ yếu kém, vì yếu kém nên để một người như Gorbachov lên làm Tổng bí thư để rồi bác này giải tán Đảng cộng sản Nga…

Bác đại biểu này nói chí phải: nếu làm công tác cán bộ mà cứ để mấy người thông minh và yêu nước tiếp nối sự nghiệp cách mạng như ngài Gorbachov thì rất nguy, thậm nguy !

Đấy là bài học rút ra từ cách mạng tháng 10 Nga đã thành công và đã sụp đổ !

Read Full Post »

Này thiện hữu…


Này thiện hữu, đừng có ngạc nhiên về vẻ ngoài của ta với ảnh hình của ta ở facebook, đừng chỉ thấy con người xã hội của ta mà mường tượng ra chân dung đạo mạo không phải là của ta…

Này thiện tri thức, đừng thấy con đường của ta đi qua hàng ngày như Nam Kỳ khởi nghĩa hay Công lý, Đồng khởi hay Tự do, Hai Bà Trưng hay Nguyễn Tất Thành mà thấy con đường của ta…

Này tín nam thiện nữ, đừng thấy ta đỏ mặt vì nghe lời Vương Đình Huệ uống bia kích cầu giải nguy ngân sách mà nghi ngờ sự chân thật của lòng ta…

Này bậc thức giả, đừng thấy con người lăng xăng của ta mà hoài nghi về sự tĩnh lặng và con người cô đơn của ta…

Này chư thiên, đừng nghe lời sàm tấu của bọn thổ thần bổn xứ cõi ta bà thời vô đạo mạt pháp mà ghi sổ oan trái cho cuộc đời của ta…

(Viết sau khi uống bia với bạn Trương Trần Văn Hóa và chờ thồ hàng về cho vợ của ta !)

Read Full Post »


Anh kể anh gặp một bà lão bán bánh chuối ở một nhà sách mỗi ngày được 70 ngàn, nhà ở Phan Xích Long, mỗi ngày đi về 2 cuốc xe ôm hết 30 ngàn, và nuôi hai đứa con, một đứa bị khùng, một đứa bị xơ gan. Anh đề nghị chở bà đi để bớt tiền. Nhưng bà từ chối vì không thể bỏ người xe ôm đội mưa nắng chờ bà mỗi ngày… Sự tử tế của con người dưới đáy xã hội khiến anh khâm phục và đau đớn. Chị Nguyễn Thị Hậu trong dẫn chuyện cũng nói một cách tê tái rằng: rất tiếc là người quản lý (bọn quan lại) lại không đọc sách và không biết nỗi đau vô hạn cũng như lòng tử tế to lớn của những con người Saigon như vậy… Cuối cùng Võ Đắc Danh cũng nói một cách cay đắng: trang văn chỉ giãi bày nỗi niềm, ghi chép thế sự chứ cuối cùng vẫn là bất lực trước oan ức và nỗi đau của con người…

22539968_10155384043088929_3661901867039850612_n

Chị vợ anh Võ Đắc Danh còn kể do anh Danh viết thẳng về những tiêu cực của chính quyền nên bị các cơ quan công quyền tới gây áp lực bằng cách rất vô pháp luật là hốt hết quán cho thuê băng đĩa của chị. Và chị hồn nhiên từ chối thẳng thừng lời đề nghị chồng chị không tiếp tục viết báo chống tiêu cực… Một người phụ nữ rất Nam Bộ trong ý nghĩ, hành động và lời nói…

Nxb Trẻ, ngày 21/10/2017

Read Full Post »


Khi thấy những phản biện xã hội thành thực trên mạng, những công dân thuần thành đã tỏ ra đau khổ vì sao người ta cứ chọc ngoáy vào cái tiêu cực của xã hội luôn luôn như dzậy… (dù cái tiêu cực là có thực, và mênh mông như thủy triều ngày Rằm ở Nam Bộ ngày mưa ?!)

Song họ cũng quên là “đồng bào” của họ, con cháu vua Hùng cũng từng đau khổ gấp nhiều lần như vậy ?!

Hồi sau 1975 những công dân có dính líu tới cái gọi là “nguỵ quân”, “nguỵ quyền” bị những người bên thắng cuộc bêu riếu cả ngày. Hiển nhiên họ rất đau khổ…

ff618a4fa8fa35ca6970f6f3e5d139c6--man-of-constant-sorrow-poster-s

Tuệ mỗ tui thấy cái sự đau khổ của con người ta là không phải lẽ chút nào. Họ không biết nỗi đau khổ của công dân Việt Nam cộng hoà là do lịch sử khốn nạn nó tạo ra vậy. Họ cũng không biết nỗi đau khổ của công dân thắng cuộc cũng là do lịch sử khách quan nó đã như dzậy…

Nhưng bề tui khoái cái cách “đau khổ” của con người, vì nó chứng thực là lòng người còn biết “đau khổ”, và nhất là khi con người còn tương tác với nhau. Nói theo tinh thần biện chứng pháp của cụ Mars, vậy là cuộc sống có “mâu thuẫn”, mà mâu thuẫn sẽ là động lực để đấu tranh, đấu tranh để tiến lên ! Vậy hà cớ gì ta không “đau khổ” để tiến lên ? Và nói cho cùng, ta cũng chẳng nên buồn gì cho cái sự đau khổ triền miên kia trong lịch sử lắm đâu ?

Read Full Post »


Nhiều người phê bình là tôi không có tinh thần xã hội khi không quan tâm, ga-lăng gì phụ nữ vào ngày này. Xin thưa, tôi đã và sẽ quan tâm, thương yêu phụ nữ mỗi ngày với những con người cụ thể của mình. Tôi không chờ một ngày để nói lời yêu thương chung chung theo kiểu bầy đàn chính trị như dzầy ! Và tôi nghĩ một người phụ nữ bình thường thôi cũng không ngồi đó để chỉ cần 24 giờ nói lời quan tâm cho 365 ngày trong một năm… Còn ai đó thấy cần như vậy thì họ đã tự dối mình, và họ cũng đã bị bầy đàn chính trị lừa dối một cách thản nhiên. Bởi vì lòng yêu thương thì không chỉ có trong một ngày và không cần ầm ĩ ngậu xị lên như dzậy !
12140663_10153390551403929_1235878726121160469_n
Note: Có người hỏi tôi “bầy đàn chính trị” là gì ? Là khi đám đông bị chế định, thúc ép, bắt chước lẫn nhau một cách tập thể để hành động mà không ý thức rõ những tập tính trong cộng đòng bầy đàn ấy. Trong khi hành động, cá thể trong bầy đàn ấy tự tước đoạt những giá trị cá nhân để bị định hướng theo những con đầu đàn, hoặc theo đám đông một cách vô thức mà không cần biết sự phản tỉnh cần có của một con người…
Ghi chép ngày cũ (20/10/2016):
Gần nửa đêm rồi, đang bận, lại bị một anh bạn Việt kiều hỏi: hôm nay có chi dzui ? Mình cũng không hiểu cơn cớ gì. Hóa ra mới biết hôm nay là ngày phụ nữ chi đó của nước Việt Nam cũ này ?! Ù ừ cho qua chuyện, rồi nghĩ: thằng cha này quả thực là khùng ngoại hạng rồi, đã qua tới bên kia biển mà còn mang theo những cái ngày đoàn thể hội hè tào lao chi địa bên này làm gì không biết. Còn mình: đúng là mang tâm hồn của một kẻ quen cô độc, không bầy đàn, không hội hè mà sống giữa cái đất nước rảnh rang và lắm kỷ niệm, hội đoàn cũng khiến lòng không bình yên chút nào…

Read Full Post »

Nghĩ mà tẽn tò…


Quan lại thời nay bổ nhiệm xong, đi mần rồi mới đi học đạo đức làm người lại. Nên tần ngần giở sử xưa để xem mới tẽn tò và xấu hổ thay !

Thời Nguyễn, ngay từ khoa thi Hương đầu năm 1807 đã định lệ: “Trước kỳ thi, lý trưởng sở tại phải ghi tên học trò đi thi vào sổ. Những người bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa, phạm án cướp hay phản nghịch đều không được đi thi”.

Năm Minh Mệnh thứ 16, Lê Chân Niên đỗ Tam giáp Tiến sĩ mới 13 tuổi, danh sách ghi là 19, lý trưởng khai lầm chưa kịp sửa, bị vua đánh hỏng.

Vua Minh Mệnh dụ rằng :”Khoa mục là bước đầu để tiến thân, lấy thành tín làm gốc. Nếu giấu tuổi, trước là tự dối mình, sau này làm quan trông mong gì giữ được trung chính? Trẫm không thể lấy đậu. Hãy cho theo đúng tuổi mà cải chính”. (Minh Mệnh chính yếu II, trang 249).

(Nhân nghe tin đề nghị của một Phó giáo sử học đề nghị thành lập Viện Đạo đức học !)

Read Full Post »


Cảm ơn bác Lộc Xuân đã tặng tập thơ, một tập thơ chứa chất suy tư và nỗi niềm của một cuộc đời tranh đấu thăng trầm cho quê hương và con người với khát khao để quê hương được độc lập, con người được tự do ngẩng đầu đi thẳng trong ánh nắng của công lý và yêu thương. Bỗng nhiên nhớ lúc ngồi với bác, bác đề nghị: nghe nói bên phía Địa Trung Hải giờ họ rao bán mấy cái hòn đảo hoang ở đó, sao anh em mình không góp tiền để mua một hòn rồi tự xây dựng một vùng đất tự trị ở đó. Giấc mơ VietUtopia thật đẹp và cũng thật cay đắng của người Việt đang còn sống trên chính quê hương của mình ! Hẹn bác một ngày ở trang trại của bác !

22528555_10155381283188929_3220558355929040732_n.jpg

Read Full Post »


Bữa trưa với những món Saigon không có: cá nục kho, dưa gang trộn muối đậu, sắn ghế cơm, cá đù chiên giòn… nghe rất thấm. Bữa cơm đậm đà thêm chuyện hàng xóm, anh em, cháu con với me và mấy đứa em về chơi. Tiện hỏi: thằng cu ra trường thì tính sao ? Tiện kể: đứa con cô bạn ở Đà Nẵng xin được đi dạy phải mất 200 triệu. Đứa em nói vậy là rẻ đó anh, phải 300 kia. Và nó hỏi vậy là hợp đồng hay biên chế ? Mình nghe ù tai và nói không rõ. Chỉ biết đù má sao bọn quản lý giáo dục ăn chi mà cạn nước cạn cái, hết lá hết cùi như dzậy… Bọn lấy tiền người ta thất đức như vậy mà sao nó đi dạy, nó xếp loại thi đua người khác, nó dạy đời người ta ?!

Mình hỏi: vậy thì bao giờ mới lấy lại được đủ 300. Hai vợ chồng đứa em là giáo viên ngấp nghé sổ hưu cười móm miệng: thì coi như mình bỏ tiền ra nuôi thêm nó, để nó có việc làm anh nờ…

22450096_10155368882593929_7946757604096429754_n

Mả cha bọn lấy tiền con của thầy cô: ky cóp cả đời đi dạy, trốn chui trốn nhủi dạy thêm, để kiếm chút ít nuôi con ăn học rồi cho nó đi dạy, là để nuôi nó, còn nó đi dạy nuôi ai ? Chả lẽ nuôi bọn chó quản lý này ? Lại chả hiểu mô tê gì về xứ sở mà ta đang sinh tồn này… Là cõi người hay cõi ma ?

Bọn nó học tập tấm gương của thằng nào đây ?

Ông thầy từ Saigon nhắc nhở miền Trung phải canh chừng, đừng lơ là bão tháng chín tháng mười. Trời âm u chực chờ mưa đổ xuống. Bão lũ và cay đắng mỗi ngày thầy ơi ! Lũ khốn nạn đã dâng ngập người xứ Việt ! Bão trong lòng đã chất chứa bao ngày rồi ! Bão của thầy nhắc từ biển vào cũng không e ngại chi ! Bão của em và của bao người dân khốn khổ mới kinh hoàng và không lường được đây ?!

Me nhắc: mi đừng ngồi ra đó bấm bấm chi. Ra dọn Phật đường và thắp nhang giùm ba !

Lũ gà rừng nhảy ào lên mấy ngọn cây gáy ầm ĩ vì người lạ. Miền quê không yên tĩnh chút nào !

Read Full Post »


Chiều thứ 7 giữa đợt ngớt mưa tuần trước, ngồi ở một quán cafe trong sân bay Tân Sơn Nhất để uống cafe với cả nhà người em thân thương transit đi Hà Nội. Từ một huyện Đaklak, người em đi HN mà chuyến bay không đủ khách nên phải vòng xuống Saigon rồi mới ra Hanoi. Nghĩ mình vẫn còn may, ý nghĩ lan man theo cơn mưa lằng nhằng cuối chiều.

Chợt đứa em hỏi: Anh vô Saigon bao lâu rồi hè ? Ngồi nhẩm tính bất ngờ nhận ra tròn đúng 10 năm.

22450022_10155371611523929_8560045784370260841_n.jpg

Rất nhiều lần ngồi một mình và tự hỏi: cuối cùng nơi chốn nào là của ta? Phật luận dường như rất nano trong vấn đề thời gian, coi trọng những vấn đề bản thể, nhưng hình như ít chú ý chuyện không gian. Con người sống ở cảnh giới nào thì cũng hướng về cõi Phật. Phật giới bao trùm trú xứ của mọi loài. Phật quốc không có biên giới. Mà hình như với mình cũng vậy: quê một nơi, sinh ra một nơi, lớn lên một nơi, sống một nơi và tâm hồn cả khi thức lẫn khi ngủ thì cũng ở muôn nơi…

Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà ?

Bữa ni là ngày 16/10, ngày tròn đúng 10 năm rời xứ Quảng vô Saigon. Trưa loanh quanh nghĩ tốt nhất là leo xe lang thang vô trỏng. Nằm xe trôi đi, vừa trôi, vừa nghĩ, có lẽ quê nhà của mình là trên những cuộc thiên di !

Read Full Post »

Kỷ niệm ngày kỷ niệm


Nhà nước không dám tổ chức kỷ niệm 200 năm quốc hiệu Việt Nam, hay không muốn kỷ niệm các sự kiện quan trọng liên quan về Hoàng Sa, Trường Sa, Chiến tranh chống xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía Bắc… mà hay “rình rang” hội thảo các nhân vật cách mạng “thường thường bậc trung” là một chỉ dấu họ chỉ coi trọng sự cầm quyền, coi thường tiền nhân, bỏ qua nguyện vọng của nhân dân và trí thức chân chính…

Chuyện rất nhỏ, nghiêm túc mà buồn cười dưới mắt một vài sinh viên như chuyện rình rang kỷ niệm Tổng tấn công Tết Mâu Thân 1968: Tết nhứt, theo truyền thống văn hóa Việt, và cũng là truyền thống chung của nhân loại mà sao mấy ông “tổng tấn công” gây ra chết chóc kinh hoàng dzậy mà sao ta cứ ca ngợi ầm ĩ dzậy Thầy ? Xin lỗi các bạn sinh viên, câu hỏi này thầy bó tay, bó chiếu luôn, không thể trả lời các em được, nếu hỏi thì hỏi mấy thằng tổ chức đánh nhau ngày Tết, và cả mấy thằng mê kỷ niệm chuyện đánh nhau phi nhân tính, phi hòa bình như vậy em à…

Rất nhiều chuyện đi ngược lại chiều đi của nhân loại và lịch sử mà người ta còn đi, sá gì ba chuyện lẻ tẻ này mà hỏi !?

Ngày 10/10/2016

Read Full Post »

Dưới mưa…


Sáng nay ngồi cafe với anh Tiêu Đình trong cái mưa tầm tã giữa 18 thôn Vườn Trầu mà xiêu vẹo những câu chuyện, những câu văn về hai miền Quảng Nam, Saigon… Cuộc đời trùng phùng vừa xa vừa gần lắng tròn vị thơm trong hai ly cafe sáng. Chiều qua TOPICA để mong mở rộng thêm một không gian sinh tồn, để mong hoài thai thêm những cảm xúc sống mới, thay đi cái cũ mòn vẹt chai ỳ trong lòng. Bỗng nhiên gặp một anh bạn trẻ hỏi: Anh có phải là Tuệ Lãng không ? Oh sao bạn biết ? Em đọc anh nhiều, nhìn thấy anh quen nên hỏi cho chắc…

Cuộc đời quả nhỏ gọn như trong lòng bàn tay, và ta đâu dễ thoát ra khỏi tấm lưới chữ nghĩa cũng như nhân ảnh của bóng mình được. Mặt đất nhán thế vừa rộng vừa hẹp đủ để ta tròng trành trên một sợi dây thành thực và hiền minh mà không rơi xuống vực thẳm của hư vô… Buông xả bóng đêm và quên cơn mưa u ám giữa ngày để nghe tiếng lách cách u trầm gõ nhịp đều đều của bánh xe luân hồi, và nằm chờ qua ngày khác, chờ qua miền đất khác !

Hóc Môn, ngày 9/10/2016

Read Full Post »