Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘Hoàng Hạc lâu’


Bài thơ Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng không phải do huyền thoại của di tích lịch sử lầu Hoàng Hạc mà của chính vẻ đẹp nội tại của kiến trúc bài thơ. Và cũng không phải đến bây giờ, qua sự sàng lọc khốc liệt của thời gian nó mới nổi tiếng mà từ thế kỷ VIII, nó đã được xem là kiệt tác. Bởi vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà một bậc “thi tiên” như Lý Bạch, khi tới Vũ Xương, trèo lên lầu Hoàng Hạc, tức cảnh sinh tình, toan làm thơ đề vịnh, nhưng khi chợt thấy thơ Thôi Hiệu khắc trên vách núi đành quay gót vái lui.

Bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu

Cố nhiên, chính lầu Hoàng Hạc nơi lưu giữ huyền thoại về Phí Văn Tiên cưỡi hạc vàng bay về trời khiến chạm đến lầu Hoàng Hạc cũng là lúc người ta chạm đến một khung trời lung linh những ảo ảnh và mơ ước của con người. Thế nhưng, không có cảm xúc và tâm hồn nhà thơ, mây trắng chỉ bay vô tâm và tháp lầu chỉ hiện diện giản đơn như một vẻ đẹp tình cờ trước mắt người thưởng lãm. Thực tại ở đó sẽ bị chết cứng và đóng khung trước sự tri giác sinh học của con người. Nhà thơ, bằng sự mẫn cảm và tư tưởng, anh ta nối dài thực tại, và qua ngôn ngữ, hiện thực sẽ được sáng tạo lại để mang một tầm vóc mới. Và hiện thực ấy sẽ được hiện hình bằng một kiên trúc mỹ học kỳ diệu.

Kiến trúc thơ trước hết vang âm lên một tình điệu linh hoạt. Hoàng Hạc Lâu có âm điệu uyển chuyển, nhịp nhàng, lúc bổng, lúc trầm dễ ru lòng người. Bài thơ có bốn vần bằng, vần trầm bình thanh (sầu) ở cuối cùng, tiếp sau ba vần đều là phù bình thanh (lâu, du, châu) nối nhau, diễn tả được mối sầu triền miên, nặng nề. Hơi thơ đi liền một mạch, cứ như vượt thoát ra khỏi những hàng rào quy phạm. Hai tiếng “hoàng hạc” thiếu tính tiết kiệm và “vi phạm” tính “cô đúc” đã được nhắc đi nhắc lại ba lần ở cả ba câu 1, 2, 3 khiến người ta cứ tưởng nhớ đến một ảo ảnh mơ hồ nào đó cứ chập chờn trong tâm thức của  nguời đọc.

Điệu thơ đến hai câu 5, 6 thì chậm lại, song song đối nhau, nghiêm chỉnh, rồi theo đó tiếp tục nặng nề đi đến tận cuối bài để chấm dứt bằng một vần trầm bình thanh “sầu” duy nhất. Vì thế khi câu thơ khép lại nhưng nỗi sầu của người vẫn tiếp tục miên man, và dằng dặc vô cớ trong lòng.

Điều đặc biệt của bài thơ còn là hiện tượng “phá luật” ở câu 1 và câu 3, hiện tượng không gieo vần ở câu 1. Đành rằng kết cấu của thi luật cũng là “mô hình” lý tưởng được sinh thành từ một lịch sử nghệ thuật dài lâu, nhưng thơ ca và cảm xúc của tâm hồn vốn tràn bờ mà phải khuôn mình vào một “căn hộ” (dù cho căn hộ ấy hài hòa đi nữa) thì cũng khó mà “tự nhiên”. Và để giữ nguyên trạng thái bàng hoàng trước khung trời lầu Hoàng Hạc, Thôi Hiệu đã “phá luật”. Thực ra khó có thể biết được trạng thái “ngộ hứng” lúc ấy ở nhà thơ, có thể nhà thơ làm thơ, và cũng có thể ông “bị thơ làm” (chữ của Hàn Mặc Tử) ? Chỉ biết nhờ nó, những tín hiệu thơ bất thường ấy, chúng ta nhận ra đưọc trạng thái tâm hồn thi nhân. Và cũng nhờ cách dùng lối “tam bình diệu” ở cuối câu  4 (ba chữ phù bình thanh liên tiếp “không du du”), chúng ta được để lòng mình gợi mở mênh mang về những đám mây trắng lửng lơ bay trên bầu trời có quá nhiều mộng tưởng ấy.

Nhưng cái hay của bài thơ không chỉ là giọng điệu mà là tình ý dồi dào thấm trời, thấm đất nơi Hoàng Hạc lâu. Thực tại đáng buồn mở đầu bài thơ bằng một không gian mất mát, chỉ còn lại sự cô quạnh và lẻ loi.

Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
(Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà nay  Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ)

Ảo ảnh và giấc mơ đã mất hút đâu đó nơi dường chân trời. Con người trở lại và đi tìm cái đã mất, cái không bao giờ còn thấy. Bài thơ tách làm hai mảng là cảnh tình, thiên nhiêncon người. Hai mảng này soi vào nhau và làm hiện hình nhau: nỗi niềm trời phản ánh nỗi niềm người. Hai tâm trạng như cùng hợp lưu vào một dòng chảy: nhớ tiếc, nôn nao. Bởi vậy ở ngay hai câu đầu, ta nhận thấy có một sự di chuyển không gian. Bóng là lầu, hồn là cánh hạc. Khi ngôi lầu kia mất đi cái linh hồn thì nó chỉ còn lại sự lẻ bóng âm thầm. Hạc vàng bay đi đã bất tử nhưng nỗi đợi chờ đến xót xa bền vững thì đầy đau đớn. Không gian thơ vì thế gợi lên một trạng thái không bình thường, có một nỗi niềm chông chênh, khắc khoải trong dáng thơ Hoàng Hạc kia. Và cũng nhờ thế, nhà thơ đã khơi sâu cái mạnh không bao giờ cạn của sự nhớ tiếc, bồi hồi.

Ở hai câu 3 , 4 là sự di chuyển thời gian:

Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
(Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay)

Cũng là ngẩn ngơ nhưng nỗi u hoài có khác. Không hóa đá như lầu, lớp lớp mây trắng phân vân cứ dọc ngang kiếm tìm. Ngàn năm rồi vẫn có hạc, có mây, nhưng giờ đây hạc đã bay, mây còn lại ngổn ngang thương nhớ tơi bời trên bầu trời. Tất cả các hình ảnh đều nhằm diễn tả: cái đẹp như giấc chiêm bao kia đã “một đi không trở lại” để còn đây một trống vắng vô tận, mênh mang không cùng…

Hai câu thơ 5, 6 lại hướng tứ thơ về không gian mặt đất.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
(Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non)

Cây thì xanh, cỏ non thì mềm mượt. Trời thì già đi hàng ngàn năm với những đám mây bạc, còn đất thì tươi lại như trẻ thơ. Bởi đất có biết đâu những chuyện trên trời, trên cái lầu Hoàng Hạc ấy ! Nó cứ hồi sinh mơn mởn. Chính sự ngây thơ vô tình, vô tội của đất đã làm tăng lên nỗi đau đời ở nhà thơ về những gì còn – mất.

Và trước vấn nạn hồ nghi khó hiểu kia, cánh hạc bay chạm vào nỗi nhớ, nhìn mây trắng trên trời và cỏ non nơi mặt đất, con người lưu lạc lại thắt lòng trong nỗi nhớ quê qua vùng khói sóng lung linh như giấc mơ.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba gian thượng sử nhân sầu
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai ?)

Hoàng hôn trên lầu Hoàng Hạc (Vũ Hán, Trung Quốc).

 Đọng vọng lại cuối bài thơ là nỗi buồn người, cái buồn trong trẻo như sắc nắng, chứa chất tráng ca chứ không bi kịch. Vì thế, ngày nay trong khi đọc bao nhiêu câu thơ hiện đại “trần tục”, chật hẹp, thực tiễn, khi trở lại với không gian đường thi, cổ thi, con người như trở lại thời tráng khí nguyên sơ của mình, tìm lại được bản ngã mình, sống được với giấc mơ của mình. Không “mạ lị” bất cứ điều gì, nhưng quả thật cách tìm lại mình của thơ hiện đại quả thật bấp bênh. Vì làm một bản ngã  tan hòa vào những không gian hoành tráng với những cao vọng vẫn hơn là tự khẳng định mình giữa một vũng lầy hiện thực tầm thường.

Lắng nghe âm vọng đâu đó và nhắm mắt lại để hình dung, Hoàng Hạc Lâu quả là kỳ diệu. Bởi vì giữa cái vô cùng và hữu hạn, giữa tình và cảnh, giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái còn và cái mất, giữa cảnh tiên và cõi tục,… hồn người lữ khách không dẫn dắt chúng ta đắm chìm mãi trong cảnh tiên hay triền miên suy tư về quá vãng, mà cuối cùng vẫn quay lại nhìn thẳng vào hiện thực: hàng cây, bãi cỏ, và mây khói mịt mù trên dòng sông để gợi nhớ tới một miền quê xa vắng. Đi trên một sợi dây lung linh giữa ảo mộng và thực  tại cũng là nhằm vén mở lối về nhân bản cho người đời, đấy là con đường của thơ, niềm tin của thơ mà một trong số ít kỳ tài của nhân loại đã thực hiện một cách thành công: Nhà thơ Thôi Hiệu.

Read Full Post »