Feeds:
Bài viết
Bình luận

Posts Tagged ‘EWEC’


Tại phiên họp lần thứ 12 vào tháng 1/2009, Bộ trưởng Du lịch các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí năm 2009 sẽ tập trung hợp tác, khai thác thị trường du lịch nội khối ASEAN. Đây được coi là giải pháp đưa du lịch khu vực vượt qua suy thoái kinh tế do khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra.

Tại Việt Nam, trên các diễn đàn, vấn đề trên vẫn chưa được đặt ra cụ thể. Thứ trưởng Trần Chiến Thắng nhắc nhở: “Chúng ta nên cố gắng chú ý bán kính tầm bay 5 giờ để nghiên cứu thiết kế tour và khai thác”. Năm giờ bay được tính đến như “nội khối” của du lịch Việt Nam thời khủng hoảng là rất khả thi, nhưng câu chuyện vẫn hãy còn trên ý tưởng, chưa được nghiên cứu và đưa ra cách thức cụ thể. Có thể nội hàm du lịch nội khối hãy còn mới mẻ ?!

Tuy nhiên, với địa thế đặc biệt như một dãi ru-băng vắt dọc bờ biển Đông đính trên ấy 04 di sản văn hóa thế giới cùng một tuyến đường cao tốc Xuyên Á nối liến hai bờ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, miền Trung đã từ lâu xem du lịch nội khối như là câu chuyện đặc biệt cần khai thác. Thế nhưng thực tế đến nay bài toán phát triển vẫn còn ngổn ngang !

East-West Economic Corridor

Bài toán phát triển du lịch theo EWEC

Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng có diện tích 2,3 triệu km2, dân số 320 triệu người, là một khu vực đa sắc tộc với các nền văn hóa đa dạng, phong phú, có nhiều danh thắng đã được thế giới công nhận, giàu tài nguyên thiên nhiên cùng sự đa dạng sinh thái, với nhiều làng nghề thủ công đặc trưng… là cơ sở “tự nhiên” để phát triển du lịch. Sự ra đời của EWEC với tuyến đường cao tốc xuyên Á đã thực sự tạo nên “phần cứng” cho bài toán du lịch. Trong ma trận phát triển với 10 dự án lớn và gần 70 dự án/tiểu dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau rất đa dạng, du lịch được xem là một khu vực kinh tế mũi nhọn được hưởng lợi nhanh nhất của hành lang EWEC này. Thế nhưng, thực sự bài toán phát triển du lịch theo hành lang này đã được khai thác như thế nào ?

Trước hết, hãy xem người Thái đã ứng xử với chuyện này ra sao ? Ông Pichai Raktashinha – Giám đốc Phát triển du lịch Đông Dương, thuộc Tổng cục Du lịch Thái Lan không giấu giếm: “Chọn Việt Nam làm đối tác quan trọng trong việc hợp tác phát triển du lịch trên tuyến Hành lang kinh tế đông tây là kế hoạch đang được đẩy mạnh hiện nay của chúng tôi. Đặc biệt là khai thác nguồn khách du lịch từ Việt Nam và du khách quốc tế đến Việt Nam”. Bởi vậy, tại Mukdahan, một trung tâm thương mại lớn của thành phố đã được đặt tên Đà Nẵng cách đây trên 10 năm. Và xa hơn tại miền Nam, “thủ phủ” du lịch Phu Khet cũng đã có những quán ăn, cửa hàng mang tên Đà Nẵng, và các địa danh khác của Việt Nam. Với tính chuyên nghiệp, người Thái đã tỏ ra rất thính nhạy bằng những biển hiệu tỏ ra thân thiết để kéo gần du khách Viêt Nam trên đường lữ thứ của mình.

Từ khi tuyến đường EWEC chưa hoàn thành, Thị trưởng tỉnh Mukdahan (Thái Lan) ra lệnh cho nhân viên dưới quyền học tiếng Việt, còn Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan gửi giáo viên đến Đà Nẵng để dạy tiếng Thái cho các doanh nhân miền Trung. Người Thái thuyết phục Lào liên kết khôi phục lại sân bay quốc tế Savannakhet được xây dựng năm 1998 nhưng không hoạt động từ năm 2004. Phía Thái muốn kết nối sân bay này vào mạng lưới hàng không nội địa của Thái để du khách từ Thái sang Lào không phải làm thủ tục xuất nhập cảnh nữa. Người Thái muốn thị trường du lịch Lào trở thành vùng Đông Bắc Thái nối dài. Từ năm 2004, Đích thân Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, ông Krit Kraichitti đã hiện thực hóa khả năng hợp tác du lịch giữa 4 nước bằng việc lôi kéo rất nhiều hãng lữ hành vào cuộc để nhanh chóng rút ra những kiến nghị hợp thời để trình chính phủ. Chẳng hạn việc bỏ thị thực nhập cảnh thực hiện giữa Lào và Việt Nam, giữa Lào và Thái Lan để rút ngắn hành trình tour. Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT) đã tổ chức một tour EWEC mở rộng để giới thiêụ sản phẩm mới này với du khách Việt Nam. Các hãng lữ hành Thái đã phác thảo viễn cảnh cho khách hàng của mình như sau: sáng uống cà phê ở Mukdahan của Thái, trưa ăn cơm ở Savannakhet (Lào) và chiều tối đã có thể ung dung tắm biển Non Nước (Đà Nẵng).

Ông Pichaya Saisaengchan, một quan chức của Cơ quan du lịch Thái Lan cho biết: Hai mươi năm qua, Thái Lan tập trung làm du lịch ở miền Nam (Bangkok, Pattaya, Phuket); còn bây giờ thì du lịch Thái bắt đầu dành sự đầu tư cho vùng Đông Bắc hãy còn nguyên sơ này.

Cả Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã bắt đầu khai thác EWEC. Từ năm 2005, Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) đã chính thức có mặt trên EWEC với việc triển khai các dự án xây dựng 2 tuyến đường bộ, 2 tuyến đường sắt và 3 cảng biển kết nối với các điểm đến trên EWEC, dự án mở rộng vành đai du lịch vùng tây nam Trung Quốc với các điểm đến trong Tiểu vùng Mekong. Nhật Bản đã ưu tiên cung cấp vốn ODA cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo của các nước thành viên GMS có địa phương thuộc EWEC.

Trên con đường EWEC, giờ đây người Myanmar, Thái, Lào đã dấy lên cơn sốt xây dựng các khu kinh tế, mở thêm trường dạy “Việt Nam học”, chuẩn bị các hãng lữ hành,… Không khí hiện đang sôi động và nóng lên từng ngày !

Du lịch EWEC chủ yếu là cho Việt Nam ?

Theo ông Krit Kraichitti, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn cả trong hành lang du lịch EWEC này. Ông nói rõ: Mìền Trung Việt Nam với 4 di sản văn hóa thế giới và lợi thế là cực Đông của hành lang EWEC như là một ban công hướng ra biển Thái Bình Dương chắc chắn là nơi hưởng lợi nhiều nhất. Với người dân vùng đông bắc Thái Lan và Lào, du lịch biển là một sự hấp dẫn tuyệt vời. Khi tổ chức khai thác tốt thì những bãi biển xanh rờn, với cát trắng và đặc sản biển sẽ là những điểm thú vị mà du khách khó thể chối từ. Mặt khác, khi Thái Lan đã là điểm đến của hàng triệu du khách quốc tế mỗi năm thì hành trình qua đường xuyên Á dễ dàng và hấp dẫn chắc chắn sẽ tiếp tục là tuyến nối dài hành trình du lịch cho họ. Việt Nam sẽ có thêm một nguồn du khách rất lớn nếu biết khai thác từ nguồn này tại Thái Lan.

Rõ là đây là “con đường tơ lụa” cho du lịch miền Trung. Nếu ở phía Đông (điểm cuối của hai tuyến đường tại Việt Nam) là những bãi biển dài từ Đà Nẵng tới Quảng Bình với những di sản thế giới của miền Trung như Hội An, Mỹ Sơn, Huế hay động Phong Nha, thì ở phía Tây là những chùa vàng rực rỡ, sự tĩnh lặng của một không gian thuần khiết còn nguyên sơ của rừng núi đến nỗi du khách có thể nghe cả tiếng chim rừng trên đường du lịch. Du khách Thái, Lào rất thích phong cảnh và biển ở miền Trung Việt Nam. Giá cả tương đối thấp so với mức thu nhập của họ. Họ lại không đòi hỏi cao về các dịch vụ du lịch, phù hợp với năng lực của các cơ sở lưu trú, nhà hàng, thương mại ở miền Trung.

Thế nhưng, chúng ta đã làm được những gì ?

Trong vòng vài năm qua lại đây đã có gần 50 nghìn khách quốc tế đến từ các cửa khẩu phía Tây (bao gồm cả khách Âu Mỹ đến từ Bangkok, Phnôm Pênh) vào tham quan các di sản thế giới ở miền Trung. Trong khi đó lượng khách từ Việt Nam mua tour đi Lào và Thái Lan qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) chỉ dừng ở con số trên vài nghìn lượt người.

Chính phủ, và cấc địa phương miền Trung đã cố gắng nghiên cứu nhiều chương trình du lịch, tìm kiếm cách thức khai thác và cố gắng quảng bá cho du lịch trên hành lang EWEC. Con đường di sản miền Trung là tên một chương trình du lịch do Tổng cục du lịch Việt Nam phát động. Con đường di sản này có mục tiêu kết nối các di sản thế giới tại Trung Bộ, bao gồm: Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình); Quần thể di tích Cố đô HuếNhã nhạc cung đình Huế (Cố đô Huế); Thánh địa Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam). Cùng với ba di sản thế giới khác là cố đô Luang Prabang, ngôi đền núi kỳ vỹ Wat Phou  (Lào) và Quần thể Angkor Wat (Campuchia). Chương trình này kết hợp thành một chương trình hợp tác du lịch lớn hơn là “Lào, Campuchia, Việt Nam: 3 quốc gia, một điểm đến”.

Với sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, 3 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế đã phối hợp tổ chức thành công chương trình Roadshow về du lịch miền Trung với sự tham dự của gần 60 doanh nghiệp du lịch Thái Lan và nhiều cơ quan báo chí tại Bangkok. Trong khuôn khổ Tuần lễ Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), UBND TP Đà Nẵng mở tour caravan dọc tuyến này dành cho các doanh nhân.

“Một ngày ăn cơm 3 nước” quả là một slogan rất hấp dẫn cho các chương trình du dịch trên EWEC. Theo thống kê từ các cơ quan du lịch các địa phương miền Trung, tuyến du lịch xuyên Á trên hành lang EWEC đang tỏ ra rất hấp dẫn với con số tăng bình quân mỗi năm hơn 30%. Tự lái xe riêng hoặc du lịch theo đường bộ đang là mốt “thời thượng” và không chỉ có người dân 4 nước trên hành lang này thích thú.

Các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An từ lâu đã gửi con em mình sang Thái học nghề dịch vụ và học tiếng Thái, đón đầu cho bước chuyển mình của du lịch trên hành lang kinh tế Đông Tây. Đại học Đà Nẵng đã có những bước đi hiệu quả, hiện đã có hơn 150 sinh viên Đà Nẵng theo học các ngành quản lý khách sạn, quản lý nhà hàng… tại Trường Đại học Udon Thani, và một số trường khác ở Đông Bắc Thái Lan. Gần đây nhất, VPĐD Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã phối hợp với Viettravel tổ chức thử nghiệm du lịch cho sinh viên. Và hiệu ứng từ sản phẩm du lịch này đã mang lại rất rõ rệt. Sản phẩm du lịch trên tuyến EWEC hiện còn rất nghèo nàn, dù tiềm năng rất lớn, nhưng việc tìm kiếm các sản phẩm cụ thể như thế này là rất cần thiết. Ông Dương Đăng Cao, người phụ trách công tác du lịch VPĐD khu vực Miền Trung Tây Nguyên cho biết sắp tới sẽ phối hợp tiếp tục làm tour du lịch cho nông dân để nông dân Việt Nam có thể vào Thái học nghề từ Chương trình OTOP (One Tamboon One Product – Mỗi làng mỗi nghề). TS, Nguỹen Văn Dùng, PGĐ Sở VHTTDL Quảng Trị cho biết thêm: Năm 2008, khách du lịch qua Lao Bảo tăng 25%, bình quân đến nay tăng bình quân 20%. Ông nói rất hồ hởi qua điện thoại: Còn đúng 100 ngày nữa, cầu Hữu Nghị 3, cây cầu nối Tàkhẹt với Nakom Phâlomsẽ khánh thành. Hi vọng lượng khách sẽ tăng cao hơn nhiều lần. 

Du lịch EWEC còn nhiều việc để làm !

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, ở đấy sự liên kết đồng bộ về phát triển và khai thác là tối quan trọng không chỉ trong nội một quốc gia mà trong sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của các quốc gia trong nội khối. EWEC hiện trạng vẫn được coi là một vùng liên nghèo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, phát triển không đồng đều. Myanmar vẫn còn loay hoay mong các nhà tài trợ, các định chế tài chính quốc tế hỗ trợ hoàn thiện hơn 200km đường bộ nối với điểm cuối ra Ấn Độ Dương.

Để đạt được doanh số trên tuyến EWEC này, các công ty du lịch cho rằng cần thúc đẩy các dịch vụ hậu cần, nghỉ ngơi, giải trí, mua sắm,… trên các tuyến, tour du lịch với một hoạch định tổng thể mang tầm khu vực để sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc và giá trị từng vùng miền, từng quốc gia được thể hiện không trùng lặp trên các điểm du khách đi qua. Cùng theo đó, các quy định liên quan thủ tục hải quan, quy tắc giao thông, trao đổi tiền tệ, dịch vụ y tế… cần có một chính sách liên kết cụ thể và hiệu quả hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Sommai Phasee, để phát triển du lịch, thương mại trên EWEC, bên cạnh nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng, các Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách để tạo ra một hành lang ít thủ tục qua biên giới, xây dựng các điểm, khu tập kết dọc tuyến… Đặc biệt, các nước cần kết hợp chặt chẽ để nâng cao tiêu chuẩn giao thông xuyên quốc gia; tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, thông qua các chiến lược chung về du lịch như xây dựng tour du lịch trọn gói, xây dựng tuyến điểm du lịch…

Ông Hidetoshi Nishimura, Trợ lý cao cấp về việc thành lập Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (gọi tắt là ERIA) nhấn mạnh: Việc hình thành hạ tầng con đường mới chỉ là “phần cứng”, việc khai thác con đường này cần một sự hợp tác tốt giữa cả 4 nước, giữa các địa phương trong vùng. Điều này cả 4 quốc gia đã rất quyết tâm làm, nhưng hiệu quả vẫn chưa là bao.

Gần đây, Phó Thủ tướng Thường trực CHDCND Lào Somsavat Lengsavad cho rằng du lịch là lĩnh vực mà EWEC có tiềm năng to lớn nhất, và bày tỏ mong muốn sớm biến ý tưởng “bốn quốc gia, một hành trình” trở thành hiện thực. Câu chuyện những người đứng đầu quốc gia cứ bày tỏ mong muốn, trong khi đáng lý ra đến lúc này nên thống kê số khách du lịch qua lại các cửa khẩu và xắn tay để thực hiện vẫn là chuyện thường xuyên diễn ra trên các phương tiện truyền thông ?! Đấy là hình ảnh vẫn còn “đặc trưng” cho du lịch trên tuyến EWEC nói riêng và du lịch nội khối nói chung.

Hành lang Kinh tế Đông – Tây

EWEC là tên viết tắt của Hành lang kinh tế Đông – Tây (East-West Economic Corridor), một sáng kiến được nêu ra vào tháng 10/1998 tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ VIII tổ chức tại Manila (Philippines) nhằm thúc đẩy phát triểnhội nhập kinh tế giữa bốn nước Lào, Myanma, Thái LanViệt Nam. Hành lang này chính thức thông tuyến vào ngày 20/12/2006.

EWEC là một khu vực liên vùng địa lý nằm dọc tuyến đường bộ chạy qua 13 tỉnh của 4 quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mêkông mở rộng và nối hai bờ đại dương là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với chiều dài 1.450km. Ngay từ khi ra đời, EWEC đã được kỳ vọng từ hành lang giao thông đường bộ được khởi công xây dựng sẽ trở thành hành lang kinh tế của vùng, là đầu mối giao thương kinh tế giữa các quốc gia, là trục đường vận tải chính góp phần xóa đói giảm nghèo cho các địa phương dọc EWEC.

EWEC qua kết nối với các trục giao thông Nam-Bắc sẽ giúp các khu vực trên tiếp cận dễ dàng hơn với các trung tâm kinh tế ở phía Bắc và phía Nam như Bangkok, TP.HCMHà Nội. EWEC còn mở đường ra biển cho các khu vực trên, cung cấp hải sản cho họ và giúp họ đem các sản phẩm nông-lâm nghiệp của mình đi tiêu thụ. Nhờ phát triển giao thông vận tải, thông tin liên lạc và năng lượng, các khu vực sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển. Miền Trung Việt Nam là điểm nối của trục giao thông Bắc Nam, là nơi có tiềm năng du lịch biển và các sản phẩm từ biển, là cửa ngõ ngắn nhất cho các nước trong khu vực ra Thái Bình Dương; miền Trung và hạ Lào có tiềm năng về lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản. Còn ở Thái Lan và Myanmar có ưu thế trong sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng…

Đối với Việt Nam, việc tham gia EWEC vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Trung vừa góp phần củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị và láng giềng với các nước trong khu vực, tăng cường liên kết kinh tế, hội nhập sâu rộng vào khu vực ASEAN đúng theo tinh thần Hội nghị cấp cao ASEAN VI tại Hà Nội.

Saigon, 2009

LÊ QUANG ĐỨC

lequangduc@gmail.com

Read Full Post »